Hiện tôi là giám đốc đại diện của một chi nhánh trong một tập đoàn đa quốc gia. Hôm nay là ngày tôi về quê nhân ngày giỗ của bà tôi. Lần này về thăm quê, tôi dự định về thăm ngôi trường cấp hai nơi tôi có những tháng ngày đầy ắp kỉ niệm học trò. Tôi cũng sẽ ghé thăm nhà cô giáo chủ nhiệm của tôi.
Nhớ lại hồi đó vì bố mẹ tôi bận rộn công việc nên học hết cấp I, tôi chuyển về quê ở với bà nội. Bà tôi vốn hiền hậu, rất thương cháu. Vì bà tôi sống có một mình nên khi có tôi về ở cùng bà có phần lại hơi chiều.
Ở cái tuổi, khi mà lí trí chưa thể làm chủ được trước những trò vui đầy bồng bột, nông nổi của trẻ con. Tôi cũng làm bà và cô giáo chủ nhiệm của tôi phải nhiều lần đau đầu.
Lần này về quê vào dịp nghỉ hè nên tôi đi bộ sang thăm ngôi trường cấp II nơi tôi đã học. Ngôi trường vẫn giữ được vẻ uy nghi, trầm mặc nhưng khang trang hơn bởi có thêm hai dãy lớp học mới. Cái nắng gay gắt của ngày hè vẫn còn vương lại dù là buổi xế chiều. Những tia nắng chiếu rọi trên các vòm lá, xuyên qua các kẽ lá trông như những ánh hào quang tuyệt đẹp. Những kỉ niệm thời thơ ấu như chợt ùa về.
Trường tôi nằm ngay cạnh con đê dài xanh mát, uốn lượn mềm mại. Lũ học trò chúng tôi năm ấy, vào những buổi chiều tan học còn rủ nhau lên đê ngồi hóng mát, nô đùa. Chúng tôi túm tụm ngồi tán gẫu đủ các thứ chuyện. Tôi đứng lặng trước cổng trường hồi lâu, vẫn là chiếc cổng sắt quen thuộc ấy nhưng giờ đã được sơn mới.
Tôi bước tiếp vào trong sân trường, không gian im ắng, tĩnh lặng đến lạ thường. Vẫn những lớp học, vẫn vị trí quen thuộc nơi tôi đã ngồi học nhưng giờ được trang bị bàn ghế mới, đồ dùng hiện đại hơn hồi tôi học. Tôi lặng lẽ dạo bước quanh sân trường. Khu vườn hoa giữa sân trường được trồng với nhiều loại hoa màu sắc sặc sỡ, tươi tắn. Những bông hồng, lan đang tỏa hương thơm ngào ngạt.
Bao quanh sân trường là những hàng phượng vĩ đang nở hoa đỏ rực như lửa cháy. Một màu đỏ gợi lên bao nỗi khát khao và ước mơ cháy bỏng của tuổi trẻ. Những rặng nhãn cổ thụ thì đang đứng trầm ngâm, xoè những tán lá rộng mát. Bọn học trò chúng tôi thường ngồi trên ghế đá để nói chuyện hoặc ôn bài. Tôi tìm đến một gốc cây nhãn già mà lũ trẻ chúng tôi năm xưa đã chôn những lọ điều ước bí mật xuống đấy.
Tôi đưa tay lên thân cây dò tìm những cái tên mà chúng tôi khắc tên mình lên đó. Thời gian và mưa nắng đã làm phai mờ những nét khắc đó. Trên cành cây, vài chú chim sâu nhảy nhót, đùa nghịch, cất tiếng hót ríu ran. Tôi nhìn đồng hồ đã là 5 giờ chiều, tôi phải sang thăm nhà cô Mai, tôi muốn tặng cô một món quà mà tôi mua dịp đi dự hội thảo ở Pháp.
Đối với tôi, cô Mai không chỉ là người thầy mà còn như một người mẹ thứ hai - người mẹ đã khiến tôi từ một đứa trẻ bướng bỉnh, cố chấp thành đứa trẻ biết lắng nghe, biết suy nghĩ cho người khác. Tôi còn nhớ năm tôi học lớp 9. Tôi là một học sinh thông minh, nhanh nhẹn nhưng cũng rất nghịch ngợm. Tôi thường nghĩ ra đủ thứ trò trong các giờ ra chơi.
Trong đó có cả những trò oái oăm như đổ nước vào túi bóng để ném nhau. Tôi cũng rất ghét con bé lớp trưởng vì nó hay mách tội của tôi. Hôm đó để ý thấy con bé mặc cái quần hơi sáng màu một chút, tôi liền nghĩ ra một trò hay. Tôi rình lúc ra chơi, nó không có đó liền đổ mực đỏ xuống chỗ ghế ngồi của nó. Khi hết giờ học, thấy bọn nó trêu chọc con bé lớp trưởng.
Nhìn cái mặt và điệu bộ vừa giận dỗi vừa xấu hổ của nó mà tôi vô cùng hả hê. Nhưng cô Mai đã biết chuyện và đến nhà nói cho bà tôi biết về những lỗi lầm của tôi ở lớp. Sau đó bà bảo nếu tôi còn nghịch ngợm sẽ gửi trả về với bố mẹ. Nhưng tôi cũng vẫn chứng nào tật nấy cho đến một ngày, bà tôi đi lễ chùa xa cùng với các bà ở xóm. Trước khi đi, bà dặn ăn uống cẩn thận, học bài, không được đi chơi linh tinh. Tôi cũng chỉ vâng dạ cho qua chứ trong đầu mừng thầm vì hôm nay sẽ không bị ai kiểm soát.
Cuối buổi học chiều, tôi đã rủ mấy thằng về nhà chơi rồi đi bắt dế về chọi. Thấy bảo bọn dế mà phun ít rượu vào là chúng nó đánh nhau hăng lắm. Tôi chờ đợi từng phút ở tiết cuối. Ba tiếng trống vừa dứt, tôi ba chân bốn cẳng chạy một mạch ra chỗ để xe. Nhưng khi nhìn xuống lốp xe thì thấy ai đó đã tháo van xe của tôi, bánh xẹp lép không còn tí hơi nào. Tôi đang bực thì thằng Dũng nói nhỏ vào tai:
- Lúc ra chơi, tao thấy thằng Hải lớp 9B ra chỗ để xe của mày lúi húi làm gì đó.
Nghe thấy thế, tôi giận sôi người, vì mấy hôm trước tôi và thằng Hải có xích mích cãi nhau nên có lẽ nó thù tôi. Tôi chạy ra chỗ để xe của lớp thằng Hải. Vừa trông thấy nó tôi đã túm áo nó nói:
- Ai cho mày tháo hơi xe của tao?
Thằng Hải nói:
- Ai bảo mày là tao tháo hơi xe
của mày?
Tôi quát lên:
- Có người nhìn thấy, mày không nhận là đồ hèn!
Thằng Hải vênh mặt lên:
- Ừ, tao thích tháo hơi xe của mày đấy, mày làm gì tao?
Tôi nắm chặt hai nắm tay lại cố ghìm cơn giận, nói:
- Được, mày giỏi lắm! Tao và mày ra sau đê để giải quyết. Ở đây các cô nhìn thấy.
Nó huých vai vào vai tôi nói giọng đầy thách thức:
- Lên thì lên, tao sợ mày à?
Chúng tôi cùng lên phía sau bờ đê. Cả một hội hiếu kì cũng chạy theo xem. Tôi và nó vứt cặp sang một bên rồi lao vào nhau đấm đá túi bụi. Rồi đột nhiên tôi thấy có một vật cứng gì đập mạnh vào trán làm đầu óc tôi tối sầm và không biết gì nữa. Tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trên giường bệnh viện. Ngồi cạnh tôi là cô Mai. Cô nói:
- Cô đã gọi điện cho bố mẹ em rồi nhưng bố mẹ em đang làm ở xa nên chưa về ngay được.
Tôi hỏi cô:
- Em có làm sao không cô?
Cô nói:
- Phải khâu mấy mũi thôi nhưng may là em bị thương ở gần mắt thôi chứ trúng vào mắt là em hỏng mắt rồi.
Tôi nói:
- Sao cô biết bọn em đánh nhau trên đê mà cô ra ạ?
Cô nói:
- Đúng lúc xe cô bị hỏng nên cô rong bộ qua đó, thấy các em túm tụm trên đê nên cô lên thì thấy em nằm bất tỉnh trên đó, đầu chảy rất nhiều máu.
Tôi nói:
- Em xin lỗi cô. Em thấy hối hận vì đã không nghe lời cô!
Cô Mai nhẹ nhàng cầm lấy tay tôi rồi nói:
- Ai cũng có sai lầm, nhất là tuổi trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm và còn nông nổi. Nhưng cô mong sau bài học này em sẽ rút ra được bài học cho mình. Hãy nghĩ đến bố mẹ đã phải đi làm vất vả như thế nào để nuôi mình ăn học, còn bà em cũng già rồi đừng để bà phải buồn phiền, suy nghĩ nhiều. Năm nay lại là năm cuối cấp rồi, cố gắng học tốt để bản thân mình sau này có một chỗ đứng trong xã hội.
Vậy là mãi chiều tối bố mẹ tôi mới vào bệnh viện, cô Mai phải trông tôi suốt cả ngày. Sau lần đó, tôi bớt nghịch ngợm và biết thương bà, bố mẹ hơn. Tôi vốn là, một đứa thông minh nên khi tôi chăm chỉ hơn tôi đã có sự tiến bộ rõ rệt. Cuối kì học năm đó tôi đã được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường để đi thi. Một phần là sự nỗ lực của tôi cộng với sự dìu dắt, chỉ bảo tận tâm của cô Mai. Trong kì thi học sinh giỏi cấp huyện năm đó tôi đã đạt giải Nhì môn Toán.
Học hết cấp II, bố mẹ tôi lại chuyển tôi lên thành phố học cấp III. Sau đó tôi thi đỗ vào một trường đại học có tiếng trên thành phố. Thấm thoắt đã 15 năm trôi qua. Mỗi lần được trở về quê là những kỉ niệm lại chợt sống dậy như mới ngày hôm qua. Mỗi lần được trở về quê là những kỉ niệm lại chợt sống dậy như mới ngày hôm qua. Bà ơi! Bà đã không còn nữa nhưng những năm tháng tuổi thơ được sống bên bà, quả là những kỉ niệm đẹp mà cháu không thể nào quên.
Cháu sẽ nhớ mãi về bà. Ở nơi chín suối, bà chắc cũng sẽ tự hào vì thằng cháu nội giờ đã trưởng thành hơn. Và cô Mai – người thầy đã truyền lửa và thắp sáng cho em. Để hôm nay, tôi xin viết lên những kỉ niệm, những dòng cảm xúc về bà nội, về cô Mai - những người phụ nữ, những người thầy mà tôi luôn trân trọng và yêu mến trong suốt cuộc đời này!