Hành lang pháp lý cho dạy học trực tuyến

Dạy học trực tuyến tại Việt Nam được đề xuất và thực hiện từ lâu nhưng phải qua đại dịch Covid-19, mô hình này mới được triển khai mạnh mẽ trong hệ thống trường phổ thông nước ta. Với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, trong thời gian dịch bệnh, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo ở các cơ sở giáo dục đã chủ động biến thách thức thành cơ hội, vượt qua khó khăn, kịp thời tổ chức dạy học và lan tỏa mô hình này. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chỉ tính trong 4 tháng dạy học mùa dịch, các thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về tỷ lệ học sinh học qua Internet (86,5%). Tiếp đó là các địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đáng chú ý có những cơ sở giáo dục ở vùng sâu như Trường Tiểu học số 3 xã Võ Lao, Văn Bàn, Lào Cai có tỷ lệ học trực tuyến tới 98%, cao ngang ngửa học sinh thành phố. 

Dạy học trực tuyến đã góp phần giúp các địa phương kết thúc năm học đúng kế hoạch, chất lượng giáo dục được bảo đảm, rút ngắn thời gian thực dạy khi học sinh trở lại trường học; đồng thời tăng cường sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh. Không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch, mô hình dạy học này còn mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, nhất là khi các em không thể đến trường vì những lý do khách quan; bổ trợ tích cực cho phương thức dạy học truyền thống nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy và học, khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên và học sinh; góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành GD-ĐT.

Được định hướng phát triển với nhiều mục tiêu mang tính chiến lược, dù đạt được những thành quả đáng ghi nhận, nhưng đến nay việc dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản. Tốc độ đường truyền thiếu ổn định, điều kiện về thiết bị cùng cơ sở pháp lý chưa ổn, trình độ sử dụng của đội ngũ giáo viên, học sinh, nhận thức của xã hội chưa tốt… Trong đó đáng chú ý nhất là cho đến nay, vẫn chưa có văn bản nào công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả các chương trình học trực tuyến ở bậc phổ thông. 

Hình thức trực tuyến có thể thay thế được việc học tập trung? Thời gian học trực tuyến có được công nhận là thời gian tích lũy chính thức trong cả quá trình học, tỷ lệ học trực tuyến nên tính như thế nào trong tổng thể, chế độ dạy học trực tuyến ra sao… là những trăn trở của không chỉ giáo viên và cán bộ quản lý mà cả phụ huynh, học sinh. Việc thiếu các quy định về hình thức dạy học, dữ liệu dạy học, quy chế lớp học, kiểm tra, đánh giá… có thể chấp nhận được trong giai đoạn áp dụng để ứng phó với điều kiện dạy học mùa dịch bệnh. Nhưng khi hướng đến mục tiêu là một trong các hình thức dạy học chính thức trong nhà trường, mô hình này rất cần một chuẩn thống nhất trong toàn quốc để không rơi vào cảnh “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.

Tính pháp lý là điều kiện cần cho các cơ sở giáo dục phát triển đào tạo trực tuyến, được chấp thuận và ghi nhận kết quả của quá trình đào tạo trực tuyến. Vì thế cần thiết xây dựng hành lang pháp lý cho dạy học trực tuyến, để phát triển mô hình này trong nhà trường phổ thông. Tuy nhiên do trình độ công nghệ của giáo viên, học sinh cũng như hạ tầng viễn thông ở các địa phương trên cả nước chưa được đồng đều nên việc xây dựng các quy định liên quan đến mô hình dạy học này cần có một độ mở và linh hoạt với hình thức và lộ trình phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học ở từng đơn vị.

Đặc biệt, không nên tuyệt đối hóa 100% dạy học trực tuyến trong kế hoạch dạy học, nếu không ở tình trạng bất khả kháng là học sinh không thể đến trường. Bởi với giáo dục phổ thông, dạy học truyền thống vẫn có vai trò rất quan trọng trong giáo dục toàn diện, nhất là việc dạy làm người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ