Các trường Đại học đã chốt phương án tuyển sinh
Ngày 1/6, các trường đại học đã hoàn thành nộp đề án tuyển sinh đại học năm 2020 về Bộ GD&ĐT. So với thông tin công bố trước đây, đề án tuyển sinh mới của các trường có nhiều thay đổi, đặc biệt về các phương thức và việc phân bổ lại chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển.
Tất cả các trường đều tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để xét tuyển, trong đó không ít trường vẫn dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức này.
Đáng chú ý, phần lớn các trường đã quyết định dừng tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng (như một phương thức xét tuyển trước đó).
Theo lãnh đạo các trường ĐH, năm nay, các phương thức tuyển sinh rất đa dạng, vì vậy, thí sinh cần nghiên cứu kỹ để tăng cơ hội trúng tuyển.
“Thí sinh nên dựa trên khả năng nguyện vọng sở thích/sở trường, có thể phát huy tốt trong lĩnh vực gì, điều kiện gia đình để lựa chọn ngành học phù hợp. Đặc biệt, các em phải bám sát, nắm bắt thường xuyên thông tin về phương án tuyển sinh của các trường trên website để đăng ký nộp hồ sơ tuyển sinh, tránh tình trạng bị trùng hoặc sai nguyện vọng”.
(PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT)
Các trường lưu ý thí sinh nên lưu ý tận dụng mọi cơ hội để tăng khả năng trúng tuyển. Theo đó, thí sinh nên đăng ký theo nguyên tắc 3 bậc nguyện vọng: cao hơn, ngang bằng và thấp hơn với năng lực. Chỉ đăng ký vào các ngành/trường mình thích và phù hợp với khả năng.
Không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, chỉ cần 5-6 nguyện vọng là đủ, tức là mỗi bậc năng lực nên đăng ký 1-2 nguyện vọng. Thí sinh nên nộp thêm hồ sơ vào các trường có phương thức xét tuyển riêng, như xét tuyển kết hợp để có thêm cơ hội. Trước khi khai hồ sơ, thí sinh cần đọc kỹ hướng dẫn, những quy định chưa rõ thì hỏi, không được vội vàng, cân nhắc kỹ khi đăng ký nguyện vọng để đỡ phải điều chỉnh.
Một trong những điểm mới năm nay, ngoài phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT, còn phân tích phổ điểm học bạ làm một trong những chỉ số đánh giá chất lượng.
Khuyến khích dạy học trực tuyến
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến, dạy học từ xa chiều 3/6, Bộ GD&ĐT cho biết, qua khảo sát, trong thời gian nghỉ học phòng chống Covid-19, 80% học sinh được dạy học qua Internet và truyền hình, riêng khu vực thành phố trên 90%. Kỹ năng về CNTT, chuyển đổi số của học sinh, giáo viên được nâng cao, chất lượng dạy và học đảm bảo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định tới đây phương thức dạy học qua Internet, truyền hình sẽ tiếp tục được triển khai. Đây không phải là giải pháp tình thế nữa mà sẽ là cộng hưởng với dạy học trực tiếp. Nếu làm tốt, việc này không chỉ hỗ trợ giáo viên mà còn rút ngắn thời gian học trên lớp của học sinh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ những hạn chế về hạ tầng, đường truyền, thiết bị kết nối đầu cuối hay sự chênh lệch trong việc tiếp cận của học sinh ở các vùng miền và vạch ra một số việc cần làm.
Trước mắt, cần tiếp tục tập trung hạ tầng CNTT gồm phần mềm, kết nối đầu cuối, đảm bảo an ninh mạng. Đối với máy chủ đường truyền, các địa phương phối hợp với nhà mạng, công ty công nghệ để thực hiện. Nhà trường phải tiếp tục kết hợp giữa dạy học trực tuyến và trực tiếp.
Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy chế dạy và học trực tuyến ở bậc phổ thông, tiến tới chuẩn hóa để nhà trường áp dụng. Việc thu học phí đối với phương thức dạy và học trực tuyến cũng sẽ được quy định để người cung cấp dịch vụ giáo dục và người nhận dịch vụ thống nhất. Với bậc đại học, Bộ trưởng yêu cầu các trường tăng cường hình thức đào tạo từ xa. Hiện, chỉ khoảng 50% trường quan tâm đến hình thức này.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ sớm xây dựng trung tâm điều hành giáo dục, kết nối thông tin tới từng Sở, Phòng GD&ĐT, các trường học để tránh thông tin không đầy đủ hoặc chậm.
3 cơ sở GD Đại học Việt Nam lọt tốp đầu Châu Á
Đây là lần đầu tiên ĐHQG Hà Nội có mặt trong Bảng xếp hạng các trường đại học khu vực châu Á năm 2020 do tạp chí Times Higher Education (THE Asia) vừa công bố, với vị trí trong nhóm 201 – 250, đứng đầu Việt Nam.
Cùng với đó, hai cơ sở giáo dục đại học khác của Việt Nam cũng có mặt trong Bảng xếp hạng THE Châu Á 2020 là, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được xếp trong nhóm 251-300, và Đại học Quốc gia TP.HCM nhóm 400+.
Năm nay, có gần 500 cơ sở giáo dục thuộc 30 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực Châu Á được THE xếp hạng, trong khi năm trước chỉ có 400 trường, trong đó ba cơ sở giáo dục của Việt Nam đóng góp cho sự gia tăng này.
Với tổng số điểm cao nhất trong số ba cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, 27.3 – 30.4, ĐHQGHN còn có điểm cao nhất về các tiêu chí: Giảng dạy, Nghiên cứu, Quốc tế hóa, trong khi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có điểm cao nhất về tiêu chí Chỉ số trích dẫn và ĐHQGHCM có điểm cao nhất về tiêu chí Thu nhập từ doanh nghiệp.