Trao đổi liên quan đến dự thảo, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TP.HCM) cho hay: "Đây là một dự thảo rất hay và bản thân là nhà quản lý tôi rất đồng tình.
Dự thảo rất kịp thời, kịp với "hơi thở" thời đại trong cuộc CM 4.0. Bên cạnh đó, từ tình hình thực tế của thời gian vừa qua, chúng ta bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các nhà trường đều đã triển khai việc dạy học trực tuyến.
Đó là bước khởi đầu, nhưng không chỉ dừng lại ở đó vì đại dịch, thiên tai... là điều chúng ta không thể lường trước được. Vì vậy, ban hành thông tư về việc dạy học trực tuyến là rất kịp thời, phù hợp".
Ngoài ra, giao quyền chủ động, tự chủ cho người đứng đầu các đơn vị ở Điều 6 của dự thảo cũng được thầy Phú rất tán thành, ủng hộ.
Việc cho phép dạy học trực tuyến với các hình thức nói trên giúp cho việc học tập của học sinh không bị gián đoạn, rất tiện lợi.
Trên cơ sở đó, chúng ta có thể kiểm tra đồng bộ cùng một thời điểm. Bên cạnh những tiết học online với nhiều hình thức khác nhau, các nhà trường sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc triển khai giáo dục kỹ năng cho học sinh.
Từ dự thảo thông tư này, các nhà trường phải làm tốt công tác dự báo, chủ động trong bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng sử dụng Tin học, Ngoại ngữ cho các giáo viên. Có thể có một đội ngũ hỗ trợ trong công tác này đối với các nhà trường.
Bên cạnh đó, người đứng đầu các trường cũng cần rà soát lại về cơ sở vật chất, hệ thống kết nối mạng, máy móc.... để đáp ứng việc dạy học trực tuyến.
Theo thầy Phú, hiện không phải là chuyện hô hào, nói suông... giáo dục chuyển động trong CM 4.0 về giảng dạy, trong quản trị nhà trường, thi cử nữa - mà cần phải hành động ngay. Đi đôi với đó là sẽ có những chế tài, quy định cụ thể đối với những người... "không chịu chuyển động".
Thầy Phú cũng góp ý, để triển khai thông tư, cũng cần xem xét đến điều kiện những trường học ở vùng sâu, vùng xa chưa có đủ điểu kiện về cơ sở vật chất để đáp ứng dạy học trực tuyến.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn, Trường Tiểu học Bình Hoà (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng đồng tình với quan điểm trên.
"Hình thức này sẽ giúp cho học sinh có cơ hội tiếp cận với các hình thức dạy học phù hợp với xu hướng về CNTT. Do được ứng dụng trên CNTT thì việc học tập của học sinh sẽ không nhàm chán vì giáo viên sử dụng các công cụ dạy học trực quan, các âm thanh, hình ảnh, video,... để minh họa trong quá trình truyền tải kiến thức", thầy Sơn nhấn mạnh.
Đồng thời, việc dạy học trực tuyến đem đến nhiều ích lợi cho người học: giúp cho học sinh thoát khỏi 4 bức tường của lớp học, có điều kiện để xem lại kiến thức của giáo viên nhiều lần, tiếp cận với nhiều hình thức kiểm tra...
Thầy Sơn gửi gắm, việc triển khai sẽ dần hình thành một kho tư liệu bài dạy, các đề kiểm tra,... để giáo viên cả nước cùng tham khảo.
Tuy nhiên, việc dạy học trực tuyến cũng đòi hỏi sự cẩn thận khi soạn bài, giáo án một cách kĩ lưỡng, hạn chế tối đa các sai sót trong quá trình giảng dạy.
Vì vậy, các bài dạy cần có sự kiểm duyệt chặt chẽ từ nội dung, kiến thức và hình thức trình bày. Kể cả các nguồn tư liệu tham khảo khi đưa vào bài dạy.
Giáo viên cần có khả năng về CNTT để có thể tạo bài giảng cho học sinh. Trong một quận, huyện giáo viên cần có sự kết nối, hợp tác các giáo viên trong cùng 1 khối lớp để giúp đỡ nhau tạo nên một bài giảng có chất lượng cả về nội dung và hình thức.
Quan trọng hơn, khi dạy học trực tuyến thì điều kiện cần thiết vẫn là cơ sở vật chất như đường truyền internet, máy tính, phần mềm ứng dụng,... cũng cần tính toán và chú ý trong quá trình thực hiện.
Dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp: Giáo viên có thể cung cấp tài liệu, học liệu, giao nhiệm vụ và giám sát, hướng dẫn học sinh tự học, chuẩn bị cho các hoạt động dạy học trực tiếp;
Dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp: Giáo viên giao cho học sinh một số nội dung tự học ở nhà để tăng thời gian luyện tập, thực hành, trải nghiệm làm việc nhóm, thảo luận khi học sinh ở trường;
Dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp: các hoạt động của tiến trình dạy học được tổ chức thực hiện hoàn toàn thông qua môi trường Internet. Hình thức này chỉ áp dụng khi học sinh không thể đến trường.