Hành lang pháp lý bảo vệ nhà giáo

GD&TĐ - Dự án Luật Nhà giáo cần tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.

Cô, trò Trường Tiểu học 1 Thị trấn Năm Căn, Cà Mau. Ảnh: Q. Ngữ
Cô, trò Trường Tiểu học 1 Thị trấn Năm Căn, Cà Mau. Ảnh: Q. Ngữ

Qua đó tạo cơ hội cho thầy cô yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ: Chấm dứt “dạy chay, học chay”

Dù đối mặt với muôn vàn thách thức của thế kỷ 21, lãnh đạo các quốc gia đã đẩy mạnh đổi mới giáo dục. Tại Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương cũng ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo tôi, bên cạnh vai trò quản lý của Nhà nước về giáo dục, cần có phương hướng chiến lược và chính sách lâu dài cho tương lai, trong đó xây dựng và hoàn thiện Luật Nhà giáo. Việc thực hiện chiến lược, từ thiết kế chương trình học, cải tiến cơ sở vật chất, biên soạn và xuất bản sách giáo khoa đã được thực hiện.

Do đó, Luật Nhà giáo cần chú trọng đến đầu tư cơ sở vật chất trường học, phục vụ công tác dạy và học. “Giáo viên đổi mới” khi dạy theo “chương trình học đổi mới” cần được hỗ trợ bởi phòng học khang trang, phòng thực tập đủ thiết bị, thư viện đủ sách báo và máy vi tính nối mạng Internet. Bước sang thời kỳ đổi mới giáo dục, phải chấm dứt nạn “dạy chay, học chay”, thư viện nghèo nàn.

Tháng 7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2023. Trong đó, liên quan đến đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành luật và 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý Nhà nước về nhà giáo.

Trong bối cảnh hiện nay, xây dựng Luật Nhà giáo cần chú ý đổi mới tư duy quản lý giáo dục; cải tiến tổ chức, phương pháp quản lý, nhằm phát huy sáng kiến chủ động của các cấp; từng bước khắc phục tình trạng chú trọng đầu vào mà buông lỏng đầu ra của cơ sở giáo dục, đào tạo.

Cần tăng cường bộ máy thanh tra, kiểm định chất lượng đào tạo; đi đôi với mở rộng quyền tự chủ, trong khuôn khổ quy định, các cơ sở giáo dục, về mọi vấn đề thuộc phạm vi tổ chức, chương trình, mở ngành đào tạo, kế hoạch giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác…

Điều đáng quan tâm là hệ thống pháp luật về nhà giáo hiện hành chưa hoàn toàn phù hợp tính chất nghề nghiệp. Quy định về nhà giáo chủ yếu ở các văn bản dưới luật.

Một số văn bản luật liên quan có các chương, điều quy định về nhà giáo hoặc đưa ra chế tài để quản lý nhưng do áp dụng chung với viên chức các ngành, lĩnh vực khác nên chưa thể hiện được đặc trưng cơ bản của nhà giáo và nghề dạy học.

Cho đến nay, chưa có định nghĩa đầy đủ và tường minh về nhà giáo. Trong khi đó, so với nhiều ngành khác, hoạt động giáo dục, giáo dưỡng của nhà giáo trong ngành GD-ĐT có những đặc điểm đặc trưng, riêng biệt.

Chúng ta đã thấy hướng và biết cách đi, cần quyết tâm chính trị cao mới có thể thực hiện đổi mới giáo dục một cách căn bản, toàn diện, sớm đưa giáo dục Việt Nam ngang tầm thế giới.

Việc xây dựng Luật Nhà giáo thực sự cần thiết nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành Giáo dục và đất nước.

Cô giáo mầm non chăm sóc trẻ là con công nhân Khu công nghiệp Trà Nóc (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Ảnh: Q. Ngữ

Cô giáo mầm non chăm sóc trẻ là con công nhân Khu công nghiệp Trà Nóc (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Ảnh: Q. Ngữ

Thầy Trần Tuấn Thành - giáo viên Trường THPT Vĩnh Hải (Sóc Trăng): Tập trung đãi ngộ nhà giáo

Tại Hội thảo khoa học “Chính sách, pháp luật về Nhà giáo - Lý luận và thực tiễn” do Trường Đại học Luật Hà Nội và Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đồng tổ chức mới đây, vấn đề chính sách đối với nhà giáo được đặt ra.

Theo đó, nhiều chuyên gia nhận định, hệ thống chính sách, pháp luật về nhà giáo dù ngày càng hoàn thiện nhưng còn bộc lộ hạn chế, bất cập nhất định liên quan đến vấn đề quản lý, quyền, nghĩa vụ, tiêu chuẩn, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo…

Gắn bó nhiều năm với giáo dục vùng khó, tôi mong Luật Nhà giáo sớm được xây dựng và đưa vào cuộc sống. Bởi hệ thống văn bản hiện hành cho thấy, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề phát triển giáo dục nói chung, phát triển đội ngũ giáo viên nói riêng.

Giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu, đồng thời quan điểm xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên chất lượng là chủ trương xuyên suốt trong quan điểm của Nhà nước.

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, dự án Luật Nhà giáo cần quan tâm đến vấn đề tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác.

Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo trình độ cao; cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, vùng.

Với giáo dục vùng khó khăn, mong Luật Nhà giáo quan tâm hơn đến chính sách nhà giáo, đặc biệt khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Luật cần có chính sách hỗ trợ giáo viên trẻ về chỗ ở, học tập và nghiên cứu khoa học; bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo trường công lập và ngoài công lập về tôn vinh, cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ...

Giáo viên Trường Tiểu học Bông Sao (Quận 8, TPHCM) trong giờ dạy. Ảnh: Mạnh Tùng

Giáo viên Trường Tiểu học Bông Sao (Quận 8, TPHCM) trong giờ dạy. Ảnh: Mạnh Tùng

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM: Giải bài toán “sống được bằng lương”

Lao động của giáo viên là lao động đặc thù, cực nhọc. Nó không chỉ diễn ra trên bục giảng, trường lớp, mà còn ngoài xã hội. Muốn có bài giảng hay trên lớp, giáo viên phải soạn bài, cập nhật kiến thức, bổ sung giáo án liên tục.

Ngoài việc dạy, thầy cô phải chấm bài, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, các hoạt động của nhà trường… Chưa kể, ngoài giờ dạy học, nhà giáo phải quan tâm, quản lý từng học sinh và phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để giáo dục các em. Với địa bàn vùng sâu, xa, miền núi, giáo viên chủ nhiệm phải đến từng nhà động viên, khuyến khích học trò đến trường.

Tuy nhiên, thu nhập của thầy cô những năm qua dù được cải thiện nhưng chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, vật giá thị trường. Do đó, để giải quyết tận gốc vấn đề, cần một chính sách đột phá, mạnh mẽ và căn cơ.

Để làm được điều này, Luật Nhà giáo cần đánh giá toàn diện bản chất lao động của giáo viên để xã hội nhìn nhận rõ vấn đề. Khi đã khẳng định được lao động của nghề giáo là lao động đặc thù, thì cơ chế, chính sách tiền lương, đãi ngộ cũng theo hướng đặc thù. Trên cơ sở đánh giá công sức, thời gian của giáo viên, ngành Giáo dục tính toán các mức lương, phụ cấp, đãi ngộ phù hợp.

ThS Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM: Học tập kinh nghiệm quốc tế

Tôi từng được đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm GD-ĐT ở nhiều nước tiên tiến. Qua mỗi chuyến đi thực tế, bản thân có cơ hội tìm hiểu sâu về chính sách, chế độ đãi ngộ cho giáo viên.

Nhiều lần đến Thái Lan trong các chuyến đưa học sinh tiểu học thi Toán quốc tế, xem liên hoan biểu diễn trống trên sân vận động dành cho học sinh toàn quốc, thăm các cơ sở giáo dục phổ thông ở thủ đô Bangkok. Nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất với tôi là chuyến công tác tại cao nguyên Chiang Mai và các tỉnh lân cận ở một dự án Quyền trẻ em trong các trường tiểu học.

Tại một ngôi trường gần biên giới không có điện, các dãy phòng học mái tôn, song hiệu trưởng được cấp xe 7 chỗ, 2 cầu. Nhờ đó, hiệu trưởng có thể vượt qua những con đường đèo dốc, đến với thầy cô và học sinh hằng tuần.

Một thầy hiệu trưởng ở đây cho biết về chính sách mà nhà nước dành cho giáo viên ra trường: Nếu tình nguyện dạy ở vùng xa đô thị với khoảng cách theo quy định, giáo viên có thể được mua một chiếc xe hơi trả chậm, miễn thuế.

Lần khác, đoàn công tác của tôi có dịp kết nối, học tập kinh nghiệm tại Học viện Giáo dục ở Singapore (nơi đào tạo giáo viên). Khi hỏi về đào tạo giáo viên và chính sách thu hút người giỏi vào ngành, được biết có thời kỳ giáo dục Singapore không thu hút được người giỏi.

Chính phủ và Bộ Giáo dục nước này đã ra nhiều chính sách để thu hút người tài, có tâm và khả năng sư phạm. Chẳng hạn, các sinh viên học năm thứ ba nếu tiếp tục học sư phạm sẽ có lương, thay vì học bổng. Theo định kỳ 5 năm, nhà trường tổ chức cho giáo viên đi nước ngoài 2 lần để trải nghiệm, học tập và trau dồi kỹ năng.

Đối với các trường, việc tổ chức giảng dạy, soạn bài chấm điểm rất khoa học. Trong từng trường, giáo viên được hưởng nhiều tiện nghi, phục vụ cho việc giảng dạy, nghiên cứu và nghỉ ngơi. Thậm chí, họ có phòng thư giãn cho giáo viên với máy nghe nhạc, ghế tựa, đồ uống… Khi ra khỏi cổng trường, giáo viên được thoải mái lo cho gia đình hoặc thư giãn, dạo chơi với bạn bè.

Theo tôi, chúng ta có thể học hỏi, áp dụng những bài học thực tế từ các nước để xây dựng Luật Nhà giáo nhằm mang lại chế độ đãi ngộ tốt nhất cho đội ngũ.

Tại Hội thảo khoa học “Chính sách, pháp luật về Nhà giáo - Lý luận và thực tiễn”, TS Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành Giáo dục, khâu đột phá trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao - đột phá chiến lược để phát triển đất nước.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, nhà giáo chưa thực sự được coi trọng và phát huy năng lực. Cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ, tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên cục bộ còn tồn tại. Chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ nhà giáo chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ