Đãi ngộ nhà giáo: Không phải chỉ là lương

GD&TĐ - Xây dựng chính sách tiền lương thỏa đáng cho nhà giáo là một trong những vấn đề lớn đã và đang đặt ra. Cải thiện chế độ tiền lương cho giáo viên là mong mỏi của các nhà giáo, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đây cũng là một trong những nhóm vấn đề nhận được nhiều ý kiến quan tâm khi đóng góp cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. GS.TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc ĐH Thái Nguyên góp một góc nhìn về vấn đề này.  

Đãi ngộ nhà giáo: Không phải chỉ là lương

Tạo động lực, đề cao sức sáng tạo

- Xây dựng chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên thỏa đáng là vấn đề lớn đã và đang đặt ra. Đây cũng là niềm mong mỏi của bất kỳ nhà giáo nào. Nhưng vì sao, nhiều năm nay chúng ta vẫn chưa giải quyết được câu chuyện này, thưa ông?

- Theo tôi có 2 lí do: Một là nhận thức của các cấp quản lí về nghề giáo với các tính chất đặc thù của nó. Người thực thi chính sách vẫn chưa đặt trọng tâm vào yếu tố con người - người giáo viên, nhân tố trung tâm quyết định chất lượng giáo dục nhà trường; chưa thấu hiểu hết quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, trong khi người nông dân lao động nghèo khó nhưng đã chắt chiu để cho con học tập.

Hai là, trong kinh tế thị trường, sản phẩm và kết quả của nhà giáo do tính chất đặc thù là sự kết tinh ở người học, khó thể hiện ở sản phẩm trực tiếp và mặt khác do tính chất bên ngoài của hoạt động sư phạm tạo cảm giác “nhàn hạ” so với nghề nghiệp khác, nên chưa có sự đồng thuận cao của xã hội khi thực hiện chính sách ưu tiên nhà giáo về lương.

- Góp ý về lương nhà giáo trong Luật Giáo dục sửa đổi cơ bản có hai nhóm ý kiến. Một là lương của nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ. Hai là lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Ông đồng tình với nhóm ý kiến nào?

- Nghị quyết của Trung ương đã xác định từ nhiều năm trước, nhưng để hiện thực hóa còn phụ thuộc vào điều kiện đất nước ta còn khó khăn nhiều mặt. Cả hai nhóm ý kiến đều có căn cứ xác đáng. Nếu thực sự triển khai chiến lược “giáo dục là quốc sách hàng đầu” thì tôi thấy nhóm ý kiến 2 là hợp lí. Đặc biệt là ưu tiên theo vùng.

- Nhưng ưu tiên theo vùng miền cũng là một bài toán cần giải quyết sao cho hợp lý, nhất là đối với nhà giáo vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa?

- Trong bất cứ nghề nghiệp nào, thực thi một chính sách cần hai yếu tố. Một là sự đòi hỏi của nhà quản lí về nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động. Hai là kết quả sản phẩm với chất lượng như thế nào?

Đối với nhà giáo vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đặc tính nghề giáo ở đây mang đậm nét văn hóa và nhân văn cao cả. Quan hệ giữa họ với học sinh và cộng đồng có những giá trị người giáo viên đem lại vô cùng lớn lao. Sự lan tỏa trí tuệ và tình cảm, xây dựng mối quan hệ sâu nặng với con người bởi các giáo viên phải đầu tư trí tuệ và công sức hơn rất nhiều trước hoàn cảnh sống, đối tượng người học…

Ví dụ, có giáo viên nói với tôi chỉ riêng tiền xăng đi xe máy đã gần hết tháng lương vì đi lại quá khó khăn, nhưng nhiều giáo viên bỏ tiền lương ít ỏi để nuôi học sinh. Ngày 20/11/2018, tại Lễ tri ân các nhà giáo do Bộ GD&ĐT tổ chức, chúng ta gặp những con người như thế. Nhưng đi vào thực tế, còn hơn thế nhiều!

Điều tôi và nhiều người cảm động là không ai kêu ca phàn nàn và đề xuất cho chính mình, sau nỗi nhọc nhằn là ánh mắt nụ cười đẹp của nhà giáo đối với trẻ thơ. Do vậy, họ rất xứng đáng được tôn vinh về tinh thần, ưu tiên về lương và điều kiện phát triển. Chúng ta giả định rằng nếu ưu tiên gấp 2 lần so với vùng phát triển, liệu có nhiều người xung phong lên dạy ở miền khó khăn không?

- Về lương cho giáo viên, Chính phủ tiếp thu theo hướng quy định: Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ. Trong lúc còn bàn thảo, góp ý cho Luật Giáo dục sửa đổi, cá nhân ông có đề xuất hay mong muốn gì về chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo?

- Chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo, theo tôi không hẳn chỉ nghĩ ngay đến lương, mặc dù là điểm quan trọng. Cần hội tụ cả 3 điều đối với nhà giáo khi nói đến chế độ đãi ngộ: Lương (cao, đúng việc đúng người…); Môi trường làm việc (điều kiện cơ sở vật chất, dạy học và nghiên cứu, giao tiếp…); Cơ hội thăng tiến (sự phát triển cá nhân và sự trọng dụng với người giỏi…).

Chốt lại của 3 điều là tạo động lực làm việc tích cực cho giáo viên và cao hơn là phải đề cao sức sáng tạo và phẩm chất cống hiến của nhà giáo. Đó là mấu chốt của chế độ đãi ngộ.

Tuyển điểm cao, sử dụng đúng địa chỉ

Cô trò Trường Tiểu học Danh Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Ảnh: Nguyễn Nhung
Cô trò Trường Tiểu học Danh Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Ảnh: Nguyễn Nhung 

- Nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung vào dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi quy định về chế độ tuyển dụng đặc thù (so với Luật Viên chức) đối với giáo viên các cơ sở giáo dục công lập, nhằm khắc phục bất hợp lý hiện nay. Nhưng tuyển dụng đặc thù sẽ phá vỡ quy định về tuyển dụng trong Luật Viên chức. Theo ông, trong bối cảnh chưa sửa được Luật Viên chức, để thu hút sinh viên giỏi vào học ngành sư phạm đi đôi với thắt chặt “đầu vào”, cần có giải pháp gì?

- Đúng là cần sửa Luật Giáo dục trong bối cảnh thực tế và có quan hệ hữu cơ với các luật khác, như Luật Viên chức. Không nên dùng từ “thắt chặt đầu vào sư phạm” mà nên có chính sách tuyển dụng khoa học hợp lí, có việc làm sau tốt nghiệp, lương hấp dẫn chính là sức hút học sinh giỏi vào sư phạm. Vì như hiện nay, việc “thắt chặt” bằng chỉ tiêu thì chỉ tuyển “ít đi” chứ không là giải pháp chiến lược.

Tôi cho rằng: Phải giải thích hiện tượng ngành công an, quân đội tuyển được nhiều em điểm cao (là một trong các điều kiện đầu vào chất lượng) tuyển sinh có cạnh tranh cao bởi chính đầu ra việc làm quyết định. Do vậy, tuyển điểm cao, sử dụng đúng địa chỉ - đó là chiến lược đối với sư phạm.

- Hiện nay, việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên đã và đang đặt ra nhiều vấn đề: Số lượng đào tạo nhiều nhưng tuyển dụng ít dẫn tới dư thừa, lãng phí; đội ngũ nhà giáo vừa trong tình trạng thừa thiếu cục bộ, vừa hạn chế về chất lượng, khó đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục… Để tránh đào tạo dư thừa, theo ông cần quy hoạch các trường sư phạm ra sao cũng như nâng cao chất lượng đào tạo thế nào đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục?

- Giai đoạn vừa qua, việc thừa giáo viên, thiếu cục bộ đã thúc đẩy nhiệm vụ của ngành là cần sắp xếp lại hệ thống đào tạo giáo viên. Trong Nghị quyết của Đảng đã xác định rõ việc phải khẩn trương thực hiện nhiệm vụ này cùng với quy hoạch một số trường sư phạm trọng điểm. Mục tiêu là để nâng cao chất lượng giáo viên, tránh lãng phí trong đầu tư của Nhà nước và nguồn lực xã hội với hơn 100 cơ sở đào tạo giáo viên hiện nay.

Trước đây ta quy hoạch lấy yếu tố vùng miền làm trọng, nay trong điều kiện mới cần đặt trọng tâm vào việc sắp xếp các trường theo tiêu chí chất lượng; hướng đến chuẩn quốc tế và vẫn đảm bảo yếu tố địa -chính trị trong quy hoạch, sắp xếp các trường sư phạm, phù hợp với thực tiễn đất nước.

- Vấn đề khó khăn nhất liên quan đến quy hoạch các trường sư phạm là gì, theo ông?

- Theo tôi có hai khó khăn. Một là, bối cảnh kinh tế thị trường đã xuất hiện sự khủng hoảng hệ thống các trường ĐH, trong đó có hệ thống trường sư phạm, đến thời điểm này đã xuất hiện nhiều điều kiện chín muồi, rất cần sự can thiệp đúng của Nhà nước và việc tái cơ cấu thời điểm này là chi phí ít nhất, tiết kiệm nhất, nhưng trước hết cần đề án sắp xếp các trường sư phạm theo lộ trình.

Hai là, việc tái cơ cấu và sắp xếp động chạm đến nhiều người, đến công ăn việc làm và thói quen ưa sự ổn định. Nhiều địa phương đã sắp xếp các trường cao đẳng.

Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch sắp xếp theo hướng tinh gọn và chất lượng, giảm mạnh các cơ sở đào tạo giáo viên theo mô hình trường trọng điểm, kết nối trường vệ tinh đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và cơ cấu các vùng kinh tế trọng điểm.

- Xin cảm ơn ông!

Trả lương theo vị trí việc làm là xu hướng tích cực
Đãi ngộ nhà giáo: Không phải chỉ là lương ảnh 2GS.TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc ĐH Thái Nguyên 
- Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, đến ngày 1/1/2020 sẽ thực hiện trả lương theo vị trí việc làm cho giáo viên. Câu hỏi đặt ra là, đánh giá giáo viên thế nào để trả lương theo vị trí việc làm, ông có thể chia sẻ quan điểm của mình?
- Việc trả lương theo vị trí việc làm là xu hướng tích cực. Điều khác biệt lớn giữa 2 hệ thống trường học công và tư ở chỗ này: Hiệu trưởng được tuyển hoặc sa thải giáo viên; được tăng hay giảm lương cho người giỏi hoặc yếu kém. Đồng thời chính sách lương (trong đó có cách trả lương) phải đặt trong bối cảnh 3 việc đồng bộ của trường học: Tự chủ nhân sự, tự chủ chương trình và tự chủ tài chính.
Chúng ta lo ngại những tiêu cực nảy sinh, nhưng theo tôi cũng không nên lo quá điều này, giai đoạn đầu có thể có những băn khoăn nhưng xu hướng chung là những gì tốt đẹp, tích cực trong nhà trường sẽ không bị tẩy chay đâu. Giải pháp trả lương theo vị trí việc làm sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các giáo viên; họ sẽ được đánh giá từ nhiều kênh: Người học, đồng nghiệp, nhà quản lí và cha mẹ học sinh.
Đánh giá giáo viên là một việc khó của nhà quản lí nhưng không phải là không làm được. Chúng ta đã có kinh nghiệm từ các trường tư có chất lượng, các trường có yếu tố nước ngoài và nhiều trường tự chủ trong ĐH sẽ có nhiều thông tin tốt để người làm chính sách chúng ta tham khảo. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ