Xây dựng luật Nhà giáo: Cơ sở đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ vừa thống nhất với Tờ trình của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo.

Cần thiết ban hành Luật Nhà giáo để tiếp thêm động lực cho giáo viên thêm yêu và gắn bó với nghề.
Cần thiết ban hành Luật Nhà giáo để tiếp thêm động lực cho giáo viên thêm yêu và gắn bó với nghề.

Thông tin này được nhà giáo cả nước vui mừng đón nhận và mong Quốc hội sớm xem xét, cho ý kiến thông qua dự án luật này.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2023 (Nghị quyết số 95/NQ-CP). Theo nội dung Nghị quyết trên, Chính phủ đánh giá cao Bộ GD&ĐT trong việc chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nội dung chính sách trong đề nghị xây dựng luật đã cơ bản thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”. Qua đó nhằm tạo khuôn khổ pháp lý để nâng cao chất lượng nhà giáo, tạo điều kiện để nhà giáo tâm huyết với nghề.

Nghị quyết số 95/NQ-CP nêu rõ, Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành luật và 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý Nhà nước về nhà giáo. Bộ GD&ĐT nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về lĩnh vực nhà giáo; tổng kết, rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất…

Vấn đề giáo viên đặc biệt quan tâm

Thầy giáo Bùi Minh Đức - Trường TH&THCS Phú Lương (Hòa Bình) chia sẻ: Khi nghe thông tin Luật Nhà giáo đang được xây dựng, tôi và các đồng nghiệp đều vui mừng. Mong mỏi của giáo viên luôn là cải thiện mức thu nhập để gắn bó với nghề. Sau khi nghiên cứu tờ trình của Bộ GD&ĐT về nội dung của 5 chính sách cơ bản của luật, tôi thấy rất tâm đắc, đặc biệt tại chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo.

Theo nội dung của chính sách này sẽ xác định các vấn đề cơ bản về chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, chế độ hưu trí, khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội của nhà giáo; xác định các chính sách đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... Đây là những vấn đề mà giáo viên vùng cao đặc biệt quan tâm.

Còn cô giáo Trần Thị Thủy - Trường Mầm non Nậm Loỏng (Lai Châu) cho hay, đã nghe thông tin trên báo chí về sự cần thiết của việc ban hành Luật Nhà giáo. Hy vọng, đề xuất này sớm thành hiện thực để thu nhập của giáo viên mầm non, nhất là với giáo viên trẻ mới vào nghề được cải thiện. Sự đồng hành của Nhà nước đối với cuộc sống nhà giáo vốn còn nhiều khó khăn sẽ tiếp thêm động lực để giáo viên thêm yêu và gắn bó với nghề.

Cô Thủy cho biết, hầu hết giáo viên đều mong muốn được cải thiện cuộc sống, đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách, có tính toán đến yếu tố đặc thù ngành để nhà giáo yên tâm công tác. Mong muốn khi luật được ban hành sẽ tạo điều kiện cho nhà giáo công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận đầy đủ về chính sách, có các hỗ trợ đặc thù để thu hút nhà giáo về công tác.

Cô trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Cô trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Cơ sở pháp lý vững chắc

Bà Phạm Thị Phượng - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Lai Châu - chia sẻ: Với chức năng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ giáo viên, Công đoàn Giáo dục các cấp nói chung và Công đoàn ngành Giáo dục Lai Châu nói riêng đều mong muốn có cơ sở pháp lý vững chắc hơn để bảo vệ quyền lợi cho nhà giáo và mong muốn đề xuất này sớm được chấp thuận và đi vào đời sống thực tiễn.

Bà Phượng cho rằng, nếu so với cùng trình độ đào tạo thì hiện nay, mức thu nhập ở các ngành nghề khác vẫn cao hơn. Việc kịp thời ban hành các chế độ, chính sách mới đối với giáo viên sẽ giúp ngăn chặn “làn sóng” đua nhau bỏ việc của giáo viên, nhất là với giáo viên mầm non, đồng thời góp phần củng cố niềm tin cho các thầy, cô giáo.

Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, chất lượng của giáo dục phụ thuộc lớn vào chất lượng của đội ngũ nhà giáo, vì vậy vấn đề hành nghề cần được quy định rõ tại luật. Việc hành nghề như thế nào? Ai được quyền hành nghề, giấy phép hành nghề, thời hạn hành nghề đã được quy định rất rõ trong các ngành y, dược, báo chí, kỹ sư… nhưng đến nay ngành Giáo dục chưa có quy định hành nghề đối với nhà giáo.

Liên quan đến chế độ và tiền lương, GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho biết, khi giáo viên hành nghề theo chuẩn nghề nghiệp, lương cần được trả theo vị trí việc làm. Việc nhà giáo chịu sức ép từ dư luận, xã hội phải có sự can thiệp và bảo vệ của luật, điều này cũng cần định nghĩa rõ trong luật. Vấn đề đảm bảo quyền và trách nhiệm của nhà giáo cần được quy định một cách hệ thống, tự giác và được quy định ngay từ trong quá trình đào tạo sư phạm.

Tán thành với việc cần xây dựng Luật Nhà giáo, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - nhấn mạnh: Khi có luật thì cả xã hội phải tuân theo, từng người dân sẽ có trách nhiệm thực hiện và chăm lo cho đội ngũ nhà giáo. Bản thân mỗi thầy, cô giáo sẽ tự soi mình để rèn giũa, nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp. Trên hết, nhà giáo sẽ được xã hội tôn vinh xứng đáng. Xây dựng Luật Nhà giáo cũng góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống quản trị nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.