Hiện Hà Nội có 786 trường tiểu học với gần 789.000 học sinh, hơn 29.000 giáo viên. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Giáo dục Hà Nội xác định việc tổ chức dạy học trực tuyến là giải pháp quan trọng để thực hiện đúng tiến độ kế hoạch thời gian năm học 2021-2022, đồng thời bảo đảm an toàn cho học sinh.
Thực tế này đòi hỏi các nhà trường chủ động xây dựng phương án dạy học phù hợp với điều kiện thực tế và đối tượng học sinh. Ghi nhận chung, các đơn vị, nhà trường dành nhiều sự quan tâm, có sáng kiến, giải pháp riêng đối với học sinh lớp 1, bởi các em chưa biết đọc, biết viết.
Cô Đỗ Thị Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy) khẳng định, nhà trường đã sẵn sàng các phương án dạy học thích ứng với diễn biến của dịch, kể cả phương án dạy học trực tuyến với học sinh lớp 1.
Điều thuận lợi là các bậc phụ huynh luôn đồng thuận, hỗ trợ và bảo đảm tối đa các điều kiện học tập cho con em mình. Học sinh lớp 2 đến lớp 5 đã cơ bản quen với hình thức học trực tuyến nên không gặp nhiều khó khăn.
Để tháo gỡ khó khăn với học sinh lớp 1, nhà trường dự kiến tổ chức họp phụ huynh vào ngày 28-8 để xác định thời gian học tập phù hợp và các biện pháp cần hỗ trợ học sinh. Chủ trương của nhà trường là dành thời gian đầu năm học để học sinh làm quen cách tương tác với thầy cô và bạn bè qua thiết bị điện tử, sau đó triển khai dạy tập đọc, làm toán; việc dạy tập viết sẽ triển khai sau.
Cô Nguyễn Thị Thúy Minh- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ), cho biết: Năm học 2021-2022 nhà trường có 8 lớp 1 với hơn 300 học sinh. Mục tiêu quan trọng nhất được đặt ra đối với 8 giáo viên chủ nhiệm lớp 1 là làm sao để các em háo hức, hứng thú vào lớp học tập.
Căn cứ tình hình thực tế, nhà trường dự kiến tổ chức cho học sinh lớp 1 học trực tuyến vào buổi tối với yêu cầu 100% học sinh đều có phụ huynh hỗ trợ trong suốt buổi học.
Ông Lê Văn Thăng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức cho biết, các trường tiểu học ở 21 xã, thị trấn đã sẵn sàng triển khai dạy học trực tuyến. Phòng yêu cầu từng giáo viên chủ nhiệm tăng cường phối hợp với phụ huynh học sinh, có biện pháp hỗ trợ phù hợp với học sinh lớp 1 trên địa bàn.
Riêng với Trường Tiểu học An Phú có nhiều học sinh hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ năm học trước, Phòng đã phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện rà soát, hỗ trợ thiết bị học tập, bảo đảm mọi học sinh đều có thể học tập trực tuyến.
Liên quan đến nội dung này, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Ngày 6/9/2021 là hết hạn áp dụng giãn cách xã hội lần thứ 3 theo Chỉ thị số 16-CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nếu tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội được kiểm soát thì học sinh cũng chưa thể đến trường ngay.
Do đó, các nhà trường cần xác định việc tổ chức dạy học trực tuyến với tất cả các khối lớp là giải pháp ổn định trong thời gian đầu của năm học 2021-2022. Vì vậy, việc xây dựng phương án dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả là vấn đề cần quan tâm, nhất là với học sinh lớp 1.
Sở sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các nhà trường. Tinh thần chung là các trường họp thống nhất với phụ huynh học sinh về khung giờ học, các hình thức trao đổi, hỗ trợ học sinh; dành từ 7 đến 10 buổi đầu để học sinh làm quen với hình thức học trực tuyến, tương tác với cô, với bạn... sau đó mới triển khai kế hoạch học tập.
Trong quá trình triển khai, các trường lưu ý lựa chọn nội dung học tập phù hợp với học sinh ở địa bàn mình, những nội dung chưa thể triển khai sẽ thực hiện bổ sung khi học sinh quay trở lại trường học.