Tuy nhiên, cử tri còn lo lắng về chất lượng học trực tuyến sẽ không như trực tiếp trên lớp. Đề nghị Bộ GD&ĐT căn cứ vào điều kiện thực tiễn để có giải pháp phù hợp, duy trì và nâng cao chất lượng dạy học trong các nhà trường.
Bộ GD&ĐT cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương phải cho học sinh tạm dừng đến trường để phòng chống dịch, triển khai dạy học trực tuyến, qua truyền hình là giải pháp tất yếu nhằm giúp học sinh không “quên” kiến thức, duy trì nền nếp học tập và thực hiện theo phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” của ngành Giáo dục, đồng thời đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ dạy và học.
Ngày 30/3/2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, tạo hành lang pháp lý với mục đích hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục.
Hoạt động này cũng nhằm phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy - học, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để các em được học ở mọi nơi, mọi lúc.
Bên cạnh đó, để đảm bảo duy trì, nâng cao chất lượng dạy học trong các nhà trường, Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT quy định nguyên tắc của dạy học trực tuyến là nội dung phải đáp ứng mức độ hoặc yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm các điều kiện tối thiểu về hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến, đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học trực tuyến. Cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên khi thực hiện hoạt động này cần tuân thủ các quy định hiện hành về an toàn thông tin, quy định về dữ liệu, thông tin cá nhân, sở hữu trí tuệ theo các quy định của pháp luật.