Đủ phòng thi, phòng chờ
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên (Điện Biên) là điểm thi độc lập. Dự kiến ngoài 207 học sinh của trường, điểm thi có thêm thí sinh tự do. Theo đó, trường có 23 phòng học có thể bố trí làm phòng thi chính thức, dự phòng, phòng chờ cho thí sinh.
Thầy Vũ Trung Hoàn - Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên cho biết: “Nhà trường đã tổ chức cho giáo viên, nhân viên, học sinh học tập quy chế thi; rà soát danh sách cán bộ coi thi đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn gửi về sở GD&ĐT”.
Trường THPT huyện Mường Tè (huyện Mường Tè, Lai Châu) là một trong những nơi đặt điểm thi của tỉnh. Dự kiến có 130 thí sinh hệ THPT, Trung tâm GDNN-GDTX và 15 thí sinh tự do.
Thầy Nguyễn Xuân Bính - Hiệu trưởng Trường THPT huyện Mường Tè cho biết: “Với 145 thí sinh dự kiến chia làm 8 phòng thi, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ phòng thi, phòng chờ và phòng làm việc cho cán bộ, nhân viên. Với hệ hống camera giám sát, chúng tôi kết hợp cùng đơn vị cung ứng kiểm tra nhằm đảm bảo hoạt động tốt”.
Là trường đóng ở huyện miền núi, Trường THPT Hướng Hóa (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đã chủ động chuẩn bị sớm về cơ sở vật chất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Thông tin từ thầy Hiệu trưởng Lê Chí Thông: “Nhà trường chủ động tiến hành rà soát cơ sở vật chất. Theo đánh giá ban đầu, trường cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng thi, đảm bảo yếu tố an toàn để tổ chức thi theo quy định của Bộ GD&ĐT. Riêng hạng mục phòng học và phòng chức năng đang xây dựng, chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện để bàn giao, kịp phục vụ kỳ thi sắp tới”.
Không chỉ vậy, nhà trường sẽ thành lập đội tình nguyện tiếp sức mùa thi bao gồm thầy cô giáo, học sinh và cựu học sinh. Dự kiến, 60 thành viên chia thành 3 tổ, 3 khu vực. Trong đó, có các tổ như: Hỗ trợ tiếp sức tại cổng Trường THPT Hướng Hóa; chuẩn bị nấu cơm trưa phục vụ thí sinh dự thi; phản ứng nhanh, xe ôm miễn phí hỗ trợ đưa đón thí sinh.
Nhà trường lập phiếu khảo sát nhu cầu hỗ trợ học sinh về vật dụng học tập, nước uống, cơm trưa, chỗ trọ, xe đưa đón đi về (với học sinh ở xa, hoàn cảnh khó khăn). “Có khoảng 50 học sinh có nhu cầu được hỗ trợ. Trước khi diễn ra kỳ thi, nhà trường gặp mặt các em để động viên, trao tặng học liệu, hỗ trợ các điều kiện…”, thầy Lê Chí Công cho biết.
Ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn kiểm tra cơ sở vật chất và động viên học sinh lớp 12, tại điểm thi Trường THPT Chuyên Chu Văn An, TP Lạng Sơn (Lạng Sơn), năm 2022. Ảnh: TL |
Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Quảng Trị kiểm tra cơ sở vật chất các điểm thi năm 2023. |
Tập trung mọi nguồn lực
Để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, Sở GD&ĐT Điện Biên đã yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố; hiệu trưởng trường THPT, giám đốc trung tâm GDTX tỉnh, trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh và sở GD&ĐT về việc tổ chức kỳ thi.
Bà Lò Thị Thời - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết, đối với các đơn vị được lựa chọn đặt điểm thi, cần đảm bảo phương tiện vận chuyển bài thi sau khi thi xong về nơi tập kết; xây dựng phương án xử lý sự cố bất thường có thể xảy ra như thiên tai, dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, mưa lũ...
Chuẩn bị đủ số lượng phòng thi, phòng chờ, phòng làm việc, số bàn ghế, thẻ đeo cho người tham gia tổ chức thi theo số liệu do sở GD&ĐT cung cấp. Nếu có khó khăn, vướng mắc trong khâu chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kỳ thi, phải kịp thời báo cáo về sở GD&ĐT để thống nhất cách giải quyết.
“Các điểm thi chậm nhất đến ngày 25/5 hoàn thành cơ bản công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực phục vụ kỳ thi, đảm bảo đầy đủ theo quy định của Quy chế và Hướng dẫn tổ chức kỳ thi của Bộ GD&ĐT”, bà Lò Thị Thời nhấn mạnh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, tỉnh Lào Cai dự kiến có hơn 8.300 thí sinh đăng ký dự thi. Toàn tỉnh có 26 điểm thi, 357 phòng thi, 29 phòng chờ. Các điểm thi được bố trí phòng thi dự phòng để xử lý tình huống bất thường.
Tại các điểm thi, an ninh phòng thi được chú trọng, phòng đựng đề thi, bài thi được gắn thiết bị quan trọng. |
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai Đỗ Minh Tâm, toàn tỉnh có 496 phòng thi đáp ứng điều kiện phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Trước đó trong tháng 3 và 4, sở đã tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT để làm căn cứ đánh giá cơ sở vật chất mỗi điểm thi. Trong đợt thi thử, phòng thi được xếp theo bài thi, mỗi phòng thi tối đa 24 thí sinh và phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2 mét theo hàng ngang.
Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT Lào Cai đặc biệt quan tâm đến hệ thống camera an ninh, kiểm tra và thử nghiệm để xác định tình trạng hoạt động, bộ lưu điện và các thiết bị phục vụ hệ thống camera đảm bảo hoạt động bình thường. Riêng điểm thi Trường THPT chuyên Lào Cai, sở GD&ĐT đề nghị kiểm tra, rà soát toàn bộ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo phục vụ công tác coi và chấm thi.
Ông Đỗ Minh Tâm cho biết thêm, Ban Chỉ đạo thi đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó, khắc phục điều kiện về thời tiết, giao thông; phương án dự phòng; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm; thông tin liên lạc, không cắt điện suốt kỳ thi.
Xác định Kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, bởi vậy ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm và chú trọng. Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tỉnh Quảng Trị thông tin đồng thời cho hay: “Sở GD&ĐT đã tham mưu xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức kỳ thi chặt chẽ, khoa học, đảm bảo đúng quy định. Trong đó, sở xác định khâu chuẩn bị cơ sở vật chất chu đáo, đầy đủ, đúng quy chế là một trong các yếu tố quyết định sự thành công tổ chức kỳ thi”.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, các điểm thi tại Quảng Trị cơ bản giữ ổn định như năm trước. Các điểm thi liên trường và độc lập dự kiến lựa chọn tại trường THPT để đảm bảo đủ điều kiện tổ chức và thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi.
Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường THPT chủ động rà soát cơ sở vật chất để tổ chức kỳ thi. Phòng thi phải đảm bảo đủ ánh sáng, quạt mát, quy định về phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, nhà trường chủ động lên phương án, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn nơi bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi, phương án bố trí các phòng tại điểm thi.
“Với kinh nghiệm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ những năm trước nên công tác tổ chức kỳ thi năm 2024 cơ bản giữ ổn định, đảm bảo tốt nhất điều kiện để thí sinh tham gia kỳ thi”, bà Lê Thị Hương nhấn mạnh.
Học sinh Trường THPT Hướng Hóa ôn tập để bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Đăng Đức |
Để kỳ thi diễn ra an toàn
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tỉnh Điện Biên dự kiến có hơn 7 nghìn thí sinh dự thi. Trong đó, thí sinh các trường THPT là 6.142 em; 354 thí sinh các trung tâm GDTX, GDNN-GDTX và dự kiến 604 thí sinh tự do (gồm các em chưa tốt nghiệp THPT những năm học trước và đã đỗ tốt nghiệp THPT dự thi để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng).
Ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên trao đổi: “Ngày 22/4, tỉnh có văn bản giao Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức các điểm thi đảm bảo đúng Quy chế và Hướng dẫn thi của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, địa phương hướng dẫn nhà trường chuẩn bị điều kiện để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế”.
Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT Điện Biên đã có văn bản hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Qua đó xây dựng phương án tổ chức các điểm thi, đăng ký dự thi, in sao đề, coi thi, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất…
“Hiện các trường THPT trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như đảm bảo hành trang kiến thức để học sinh tự tin bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”, ông Vừ A Bằng nói.
Hằng năm, Kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn được tỉnh Lạng Sơn chú trọng, quan tâm. Theo đó, tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT Lạng Sơn sát sao, hỗ trợ thí sinh từ đầu năm học. Đặc biệt ở giai đoạn nước rút, tỉnh yêu cầu tập trung nguồn lực để ôn tập, chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực trong những ngày diễn ra kỳ thi.
Chia sẻ của ông Dương Xuân Huyên – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn: “Tỉnh chỉ đạo sở GD&ĐT rà soát cơ sở vật chất, điều kiện tại các điểm thi báo cáo về UBND tỉnh để chúng tôi nắm được tình hình. Trường hợp điểm thi nào khó khăn, cần hỗ trợ, tỉnh sẽ huy động nguồn lực để đảm bảo trước khi diễn ra kỳ thi cả cơ sở vật chất và nguồn nhân lực đều đáp ứng được điều kiện Bộ GD&ĐT đề ra.
Chúng tôi nhấn mạnh với ngành Giáo dục phải phối hợp với sở, ban ngành như công an, điện lực… để tính toán, đưa ra các phương án nhằm đề phòng sự cố phát sinh trong kỳ thi. Đặc biệt, lưu ý sở rà soát những học sinh khó khăn, ở trọ cần quan tâm, hỗ trợ để các em an tâm tham dự kỳ thi.
Những ngày diễn ra kỳ thi, thời tiết miền Bắc thường có mưa lớn, lốc xoáy, Lạng Sơn là tỉnh miền núi dễ bị sạt lở, cần chủ động đón thí sinh đến điểm thi sớm và có phương án hỗ trợ nơi ăn, chỗ ở trong những ngày diễn ra kỳ thi”.
“Bên cạnh chỉ đạo tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỉnh Lạng Sơn yêu cầu sở GD&ĐT thực hiện tốt công tác hướng dẫn ôn tập cho học sinh và triển khai tập huấn giáo viên, nhân viên được điều động để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, hiệu quả”, ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết.