Phương án làm tốt cả 2 mục đích
Phương án này vừa đạt mục đích kỳ thi là để công nhận tốt nghiệp, cũng như cung cấp căn cứ để tuyển sinh cho các trường ở bậc học sau phổ thông.
Tuy nhiên, với lưu ý "làm tốt cái đang làm", GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu cũng cho rằng, phương án nào thì cũng chưa thể thực thi ngay một cách đầy đủ vào năm 2015.
Dự thảo phương án kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, những ưu điểm, hạn chế, khó khăn mà Bộ GD&ĐT phân tích là có thật.
Tuy vậy, riêng về đề thi, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu cho rằng, nội dung đề thi có thay đổi thế nào thì cũng không dễ dàng đảm bảo đánh giá được cả 4 mức độ hiểu biết, thông hiểu, biết vận dụng và có khả năng vận dụng cao.
Về yêu cầu đối với thí sinh cũng không thể mong đợi mọi thí sinh đều vượt qua được cả 4 mức như vậy.
Đối với đa số học sinh, cũng như để đánh giá tốt nghiệp THPT thì cũng chỉ mong họ nắm được kiến thức của bậc học và biết vận dụng ở mức độ vừa phải.
Yêu cầu ở mức cao hơn là giành cho một số không nhiều những học sinh giỏi và xuất sắc mà những trường ĐH chất lượng cao yêu cầu.
Một đề thi tốt nghiệp THPT sao cho các học sinh có học lực trung bình và chăm học làm được bài, để đạt yêu cầu để tốt nghiệp, có thể xem là tạm ổn. Còn việc vào học ĐH, CĐ lại là chuyện khác.
Mỗi trường ĐH, CĐ, tùy theo yêu cầu của trường mình có cách tổ chức tuyển sinh thích hợp, để hoàn thành tốt chức năng, chất lượng đào tạo mà xã hội trông đợi.
Có thể có trường chỉ cần tuyển những người tốt nghiệp THPT là được mà không cần phải giỏi.
3 thành phần coi thi, chấm thi
Nhấn mạnh làm sao cho mọi người thống nhất được mục đích kỳ thi tốt nghiệp THPT, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu bày tỏ quan điểm: Mục tiêu chính là cần có cách tổ chức sao cho có được kết quả kỳ thi trung thực, phản ảnh đúng trình độ học sinh, đúng việc dạy và học của trường, chứ không cần thành tích.
Về cụm thi, nên tổ chức mỗi tỉnh có một số cụm (số lượng này cần căn cứ tình hình thực tế của mỗi tỉnh) làm sao để thí sinh khỏi di chuyển quá xa nơi ở.
Coi thi và chấm thi, nên có sự tham gia của 3 thành phần: Sở GD&ĐT, cán bộ các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường phổ thông.
“Có thể quy định tổng số cán bộ của Sở GD&ĐT và cán bộ các trường ĐH, CĐ chiếm khoảng 50% - GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu đề nghị.
Bên cạnh đó, Phó chủ nhiệm GS Trân Châu cũng lưu ý các trường phổ thông nên bố trí sao cho thực thi nhiệm vụ khách quan. Có thể bố trí coi thi chéo giữa các trường, không tạo điều kiện để các cán bộ coi thi có thể thương lượng với nhau.
Về chấm thi, trước khi chấm đại trà, cần tổ chức chấm chuẩn khoảng 10% tổng số bài thi; bài lấy để chấm chuẩn phải lấy ngẫu nhiên để định hướng, có một phổ điểm chuẩn.
Như vậy, khi chấm đại trà kết quả sẽ được định hướng theo phổ điểm chuẩn, trừ một số trường hợp rất đặc biệt.
“Người đứng ra tổ chức thi có thể nhiều việc hơn, nhưng vì mục đích chung mà Bộ GD&ĐT và xã hội mong muốn thì cũng nên cố gắng” - GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu nói.