Ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng đồng ý với phương án 1- Thi theo môn. Đồng thời cho rằng, phương án này đã tập trung được những nội dung thử nghiệm đổi mới trong nhiều năm nay.
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, Bộ GD&ĐT đã có đánh giá sơ bộ cho thấy kỳ thi vừa qua đã có nhiều đổi mới quan trọng. Phương án 1 đã kế thừa, phát huy những đổi mới thành công trong kỳ thi;
Đồng thời gắn liền với mục đích: Học sinh phát huy được sở trường của trong thi cử, tạo điều kiện cho các trường CĐ - ĐH trong tuyển sinh; Tạo thuận lợi cho các tỉnh/thành phố tổ chức kỳ thi; Kỳ thi đã tiệm cận với yêu cầu đổi mới cấp bách của đất nước...
Tuy nhiên ông Trường cũng cho rằng vấn đề tổ chức coi thi, chấm cần được nghiên cứu thêm.
Ông Hoàng Minh Quân - Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc khẳng định: Tổ chức kì thi hai trong một sẽ giảm đi sự tốn kém trong công tác tổ chức thi.
Việc thi theo dự thảo phương án của Bộ GD&ĐT sẽ không gây ra xáo trộn lớn. Hiện nay việc thi cử đối với HS và GV đã trở nên bình thường, không có gì mới cả.
Việc đổi mới thi có lẽ chỉ gây ra chút khó khăn nhất định khi thay đổi cách thức tổ chức, phương pháp làm thi với cơ quan quản lý, với cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi.
Đối với học sinh thì việc làm bài thi sẽ không có biến động nhiều, vẫn đảm bảo được tính khách quan của kết quả kiểm tra, đánh giá học sinh.
Kì thi 2 trong 1 như đề xuất sẽ giảm đi được nhiều chi phí tốn kém, giảm đi được vất vả cho các cơ sở giáo dục.
Về tổ chức thi, ông Quân cho rằng: Theo cụm thi vẫn đảm bảo được tính trung thực nếu chúng ta làm tốt các quy trình tổ chức coi thi và chấm thi. Tổ chức thi hai trong một theo cụm thì công tác chỉ đạo sẽ cần phải tiến hành chặt chẽ hơn. Thi theo cụm có thể đáp ứng được nhu cầu thi hai trong một trong những năm sắp tới.
Trong 3 phương án dự thảo được Bộ GD&ĐT đưa ra, ông Quân nghiêng về phương án 1 - Thi theo môn và cho rằng có thể thực hiện ngay trong năm 2015 tới đây.
Nếu thi tổng hợp theo bài thi – Phương án 2 và 3 thì hiện nay giáo viên chưa được chuẩn bị kĩ, học sinh cũng chưa được chuẩn bị kĩ để làm bài luận tổng hợp kiến thức liên môn. Nếu tổ chức thay đổi kì thi ngay theo một trong hai phương án này sẽ gặp nhiều khó khăn - Ông Quân khẳng định.
Phương án 2 và phương án 3 rất tốt nhưng cần phải chuẩn bị kĩ hơn về đào tạo đội ngũ giáo viên, về các bước chuẩn bị cho học sinh từ đầu cấp học THPT.
Ông Bùi Đức Cường - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên đồng tình và nhất trí cao về mục đích và nguyên tắc kì thi mà dự thảo nêu ra. Đồng thời đề xuất chọn phương án 1;
Ông phân tích: Từ thực tiễn giáo dục ở các địa phương chúng tôi thấy phương án 1 có các ưu điểm: thực trạng dạy và học hiện nay phù hợp với cách kiểm tra đánh giá, gần với công việc mà ngành chúng ta đang làm; Không gây ra sự xáo trộn đột ngột, không gây ra những tâm lí lo lắng trong xã hội.
Cũng như việc chấm bài theo hướng mở đã đặt ra yêu cầu đối với giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá.
Cách ra đề thi như thế và phương án 1 của Bộ đưa ra triển khai trong thời gian tới là phù hợp. Phương án này có thể triển khai ngay trong năm 2015 mà không lo sớm hay muộn. Ông Bùi Đức Cường nhận định.
Với Phương án 2 và 3, ông Cường cho rằng: Để thi theo phương án này thì cần phải có thời gian chuẩn bị cho thầy và trò. Sau khi thay đổi cách học thì mới có thể thay đổi cách làm bài tích hợp như vậy. “Bài tích hợp đòi hỏi phải có sự chuẩn bị về cách dạy cách học, rồi phương thức, cách thức ra đề” – Ông Bùi Đức Cường nhận định.