Hiệu trưởng các trường PTDTNT đều nghiêng về phương án 1

GD&TĐ -Các hiệu trưởng trường PTDTNT đều nghiêng về phương án 1 của kì thi quốc gia. Với đặc thù của các tỉnh miền núi, cần tổ chức nhiều cụm thi để tránh cho học sinh vất vả vì đi quá xa.

Hiệu trưởng các trường PTDTNT đều nghiêng về phương án 1

Thầy Lưu Hồng Phương – Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Lai Châu: Luồng gió mới cho học sinh dân tộc

Dự thảo Phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia mà Bộ GD&ĐT mới công bố như một luồng gió mới đối với giáo dục dân tộc nói riêng và ngành Giáo dục nói chung. 

Qua đó, học sinh sẽ chủ động học tập hơn, định hướng rõ ràng hơn và có thể tự mình phân loại học lực để lực chọn ngành học, trường học theo sở thích cá nhân.

Với đặc thù là một trường 100% học sinh là dân tộc thiểu số, trình độ năng lực học tập còn khiêm tốn. Mặt khác do điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn do vậy, việc đầu tư cho con em học tập của các gia đình còn hạn chế.

Chính vì vậy, xuất phát từ năng lực cũng như là điều kiện học tập của các em học sinh dân tộc, thiết nghĩ với dự thảo 3 phương án môn thi mà Bộ GD&ĐT vừa công bố thì phương án 1 là hợp lý và tối ưu nhất đối với các em học sinh dân tộc.

Hơn nữa phương án này sẽ ít gây xáo trộn cho thầy, trò vùng cao mà vẫn đảm bảo đánh giá và phân loại được năng lực của học sinh.

Thi theo phương án này, học sinh dân tộc cũng có nhiều cơ hội để vào các trường đại học, cao đẳng hơn.

Nếu thi theo phương án 2 hoặc 3 - thi theo bài, thì học sinh dân tộc sẽ khó có thể bắt kịp được với sự thay đổi này. Như vậy, cơ hội vào các trường đại học, cao đẳng cho các em sẽ rất ít.

Mặt khác, tôi nghĩ rằng, không riêng gì Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Lai Châu, mà hầu hết các trường dân tộc nội trú khác, việc dạy học vẫn theo hướng đơn môn, học môn nào thì kiểm tra môn đấy. 

Vì vậy mà cách dạy, cách học, cách kiểm tra theo bài dưới dạng liên môn, tích hợp vẫn còn xa lạ với cả thầy và trò các trường dân tộc.

Từ những lý do trên, tôi cho rằng ở thời điểm này Bộ nên quyết định lựa chọn thi theo phương án 1, còn phương án 2 và 3 nên lùi lại vài năm nữa để giáo viên và học sinh được làm quen với cách dạy, cách học liên môn tích hợp.

Cô Đỗ Thị Kim Anh- Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Tuyên Quang: Phương án 1 phù hợp với học sinh miền núi

Trong 3 phương án của dự thảo, tôi chọn phương án 1. Nếu áp dụng luôn vào năm sau thì phương án 1 phù hợp hơn do thực trạng dạy và học hiện nay phù hợp với cách kiểm tra đánh giá.

Theo tôi, với phương án 2 và phương án 3, cả thầy và trò cần có thời gian chuẩn bị cho cách dạy học theo hướng tích hợp. Vì thế hợp lý nhất là sẽ áp dụng từ 2016 đối với phương án 2 và từ năm 2020 đối với phương án 3.

Hiện nay, học sinh miền núi chưa tiếp cận được việc thi tích hợp. Giáo viên hướng dẫn học thi cũng gặp khó khăn. Vì thế 2015 vẫn nên thi theo môn thi để học sinh không bị thay đổi nhanh và nhiều quá.

Theo phương án thi tích hợp, nếu huy động giáo viên chấm thi thì số giáo viên chấm sẽ phải tăng lên nhiều. Điều này sẽ gây khó khăn đối với các trường miền núi.

Thi theo môn sẽ không gây xáo trộn và lo lắng cho học sinh vì nó gần giống với kì thi tốt nghiệp THPT năm vừa qua, chỉ khác môn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc.

Việc Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc có thể sẽ gây khó khăn cho học sinh miền núi bởi trình độ nhận thức của học sinh cũng kém hơn ở các vùng miền khác nên các em rất ngại thi môn ngoại ngữ.

Tôi tán thành với việc tổ chức các địa điểm thi theo cụm: Địa điểm coi thi được bố trí thành từng cụm theo địa bàn tỉnh, thành phố. Tại mỗi tỉnh, thành có thể có một hoặc một số cụm thi tập trung ở thành phố, thị xã, trị trấn.

Việc tổ chức thi theo cụm sẽ hạn chế việc di chuyển xa của các em học sinh. Đối với học sinh miền núi, quãng đường từ nhà đến các thị trấn, thị xã, thành phố cũng là rất xa rồi.

Công tác coi thi và chấm thi cần có sự phối hợp giữa các Sở GD&ĐT, trường phổ thông và các trường đại học, cao đẳng. Đây là phương án tốt, có thể ngăn chặn được sự cả nể, coi thi chưa chặt chẽ. 

Việc coi thi chung giữa hai lực lượng phổ thông và đại học cũng như chấm thi chung giữa hai lực lượng này sẽ tạo ra một kết quả khách quan, đáng tin cậy.

Thầy Phạm Văn Bảo- Hiệu trưởng Trường PTDTNT Đồ Sơn (Hải Phòng): Phương án 1 sẽ không có xáo trộn lớn

Theo tôi, nên chọn thi phương án 1 trong năm 2015. Còn phương án 2 và 3 thì phải đợi thêm một thời gian nữa khi có sự chuẩn bị chu đáo về cách dạy và học, làm quen với đề thi tích hợp. Thi theo phương án 1 sẽ không có sự xáo trộn lớn so với năm 2014.

Trường PTDTNT Đồ Sơn là cơ sở giáo dục dành cho các học sinh thuộc huyện đảo Bạch Long Vỹ và xã Việt Hải của huyện đảo Cát Hải, con em gia đình làm nghề chài lưới, ngư dân không có nhà ở trên đất liền, diện hộ nghèo hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc học sinh diện cử tuyển…

Học sinh dân tộc, học sinh hải đảo cũng như học sinh có điều kiện gia đình khó khăn đều có sức học còn hạn chế. Việc đổi mới phương pháp thi cần phải có lộ trình để các em có thể theo kịp được.

Tất nhiên, việc thi theo phương án 2 và phương án 3 sẽ đánh giá học sinh một cách toàn diện hơn. Tuy nhiên, thực tế giảng dạy ở nhiều địa phương còn rất khó khăn nên chưa thể áp dụng ra đề thi tích hợp. Hiện nay, học tích hợp còn xa lạ với cả thầy lẫn trò.

Vì thế không nên áp dụng phương án thi theo kiểu tích hợp trong năm 2015 mà nên cân nhắc kỹ khi điều kiện giảng dạy, học tập và ổn định tâm lý cho giáo viên và học sinh.

Cần phải có sự đổi mới ở chương trình giảng dạy để các em có kiến thức phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thi cử. Lộ trình này có thể sẽ phải kéo dài nhiều năm.

Việc tổ chức thi theo cụm là hợp lý giúp cho học sinh và người nhà sẽ không phải di chuyển quãng đường quá xa. Việc kết hợp coi thi, chấm thi giữa các trường đại học, cao đẳng với các địa phương sẽ giúp kì thi khách quan, nghiêm túc hơn.

Thầy Nguyễn Văn Được - Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Đắk Nông: Tổ chức thành nhiều cụm thi phù hợp với tỉnh địa bàn khó khăn

Tôi đã nghiên cứu dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT. Trong đó, quy định địa điểm tổ chức thi được bố trí thành cụm thi theo địa bàn tỉnh. Tại mỗi tỉnh có thể có một hoặc một số cụm thi tập trung ở thành phố, thị xã, thị trấn. Các điểm thi là các trường THPT và các trường ĐH, CĐ.

Thi theo cụm là một phương án rất hay, tôi đồng tình với cách làm này vì nó sẽ đảm bảo tính khách quan, nghiêm túc.

Tuy nhiên, thực tế tại Đắk Nông, nếu chỉ tổ chức một cụm thi sẽ không đủ sức, đặc biệt là về cơ sở vật chất. Tốt nhất, mỗi huyện nên là một cụm thi, hoặc một số huyện liền kề nhau tổ chức thành một cụm. Cách làm này, vừa vẫn đảm bảo tính khách quan, học sinh không phải vất vả vì đi lại quá xa.

Bên cạnh đó, cần phải xáo chọn giám thị từ tỉnh này sang tỉnh khác, nếu tỉnh nào dùng giám thị tỉnh đó thì không ổn.

Việc tổ chức thi, có ý kiến cho rằng, nên để các trường ĐH, CĐ chủ trì vì kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ từ trước đến nay vẫn được xã hội đánh giá khá cao về tính nghiêm túc, khách quan. 

Điều đó đúng, tuy nhiên, tôi cho rằng, ai chủ trì không phải vấn đề quan trọng nhất. Cốt yếu vẫn là một quy trình thật sự khoa học, chặt chẽ nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực.

Về chấm thi, dự thảo ghi rõ sẽ thành lập các cụm chấm thi theo vùng, miền, điều đó là quá tốt. Nhưng quan trọng nhất vẫn là quy trình coi thi, bởi khi chấm, giảm khảo đều phải căn cứ trên đáp án, bài làm thí sinh, tiêu cực xảy ra rất ít.

Riêng nội dung lựa chọn phương án môn thi, rất nhiều người đã có ý kiến về vấn đề này. Bản thân tôi chưa thực sự ưng hoàn toàn với phương án nào; nhưng nếu căn cứ trên tình hình thực tế hiện nay, phương án 1 - thi theo môn - vẫn là phù hợp hơn cả. 

Cô Hồng Hoàng - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Gò Quao (Kiên Giang): Tổ chức cụm thi giống như thi tốt nghiệp

Tôi cho rằng, mọi sự thay đổi cần phải có sự chuẩn bị, có lộ trình, nên trong 3 phương án môn thi Bộ GD&ĐT đưa ra, tôi nghiêng nhiều về phương án 1.

Vì một mặt phương án này vẫn đáp ứng được yêu cầu đánh giá được mức độ học vấn phổ thông, phân hóa trình độ thí sinh; phân luồng, giúp các trường ĐH, CĐ lựa chọn được thí sinh phù hợp với ngành đào tạo của trường.

Một mặt, ít gây xáo trộn, không gây áp lực tâm lý đối với giáo viên, học sinh, nhất là đối với những học sinh đã học xong chương trình THPT từ năm 2014 về trước tham dự kỳ thi…

Tuy nhiên, để dễ dàng hơn cho các trường ĐH thường xét tuyển đầu vào theo khối thi, có thể chỉ yêu cầu thi 2 môn bắt buộc là Toán, Văn; học sinh sẽ tự chọn 2 môn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ…

Với địa điểm tổ chức thi, Kiên Giang là tỉnh có cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nên nếu thi tập trung sẽ rất tốn kém, khó cho địa phương. Có thể tổ chức thi các cụm thi tại Kiên Giang giống như kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014; theo đó, toàn tỉnh có tổng cộng 27 hội đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.