Phóng viên Giáo dục góp ý về phương án thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Nhiều năm theo dõi Giáo dục, cũng là người trực tiếp lấy ý kiến từ các chuyên gia, cơ sở về dự thảo kỳ thi THPT quốc gia, phóng viên theo dõi Giáo dục các báo đã chia sẻ, góp ý cho dự thảo này với mong muốn thấy được sự đổi mới thực sự của Giáo dục nước nhà, mà trước hết là những đổi mới về thi cử.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhà báo Trịnh Vĩnh Hà - Báo Tuổi trẻ

Phương án 2 là phương án hay, nhưng cần có thời gian cho sự đổi mới này. Ngay trong năm học tới, việc chuẩn bị cho phương án 2 đã phải xúc tiến, nếu muốn triển khai vào các năm 2016 - 2017. Cần có sự đổi mới thực sự về nhận thức trong quản lý, điều hành quá trình dạy học ở phổ thông, đây là cốt lõi của vấn đề. 


Nếu có sự chuẩn bị tốt, từ việc thay đổi nhận thức của các cấp quản lý, đến việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thì phương án 2 là một phương án tốt, giải quyết việc học lệch. 

Với phương án này, một kì thi có thể đáp ứng nhiều mục đích, kiểm tra được kiến thức của nhiều môn học nhưng không gây nặng nề cho học sinh. 

Tuy nhiên, để phương án 2 thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn trên, việc dạy học ở các trường phổ thông phải đạt được yêu cầu dạy học tích hợp, vận dụng kiến thức liên môn. 

Các nhà trường ngoài việc dạy học theo đúng chương trình - SGK phải tổ chức được các hoạt động GD để học sinh được bộc lộ suy nghĩ, thảo luận, tìm hiểu thực tế. Những hoạt động này phải thực chất, không phải kiểu hoạt động " phong trào" chạy theo thành tích...

Cùng với đổi mới này, kì thi quốc gia có thể đổi mới nội dung đề thi theo hướng kiểm tra năng lực, kỹ năng của học sinh, đưa vào đề thi những câu hỏi có tính tích hợp liên môn, vận dụng kiến thức vào đời sống, hay các câu hỏi yêu cầu học sinh bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, hiểu biết....Với nội dụng như vậy, phương án 2 mới thực sự " giảm nặng nề nhưng vẫn kiểm tra được kiến thức, kỹ năng toàn diện".

Còn như hiện tại, phương án 1 và phương án 2 thực chất là 1, không khác nhau nhiều. Cái khác rõ nhất là số môn học sẽ có trong nội dung đề thi của phương án 2 nhiều hơn phương án 1. 

Nhiều ý kiến cho rằng làm ngay phương án 2 (theo đề xuất) sẽ khó, tôi cho rằng phương án 2 như đề xuất và phương án 1 đều có thể làm ngay được, không khó cho người tổ chức, nhưng phương án 2 sẽ gây nặng nề cho học sinh khi việc đổi mới dạy học, nội dung chương trình ở bậc phổ thông chưa được thực hiện. 

Trở lại kì thi vừa qua, nội dung nhiều đề thi xã hội hay, đề cập tới lòng yêu nước, trách nhiệm công dân, thể hiện suy nghĩ về chủ quyền lãnh thổ. Nhưng không thể chủ quan rằng học sinh yêu nước hơn chỉ qua một kì thi. 

Hãy để các em được trải nghiệm, được thảo luận, được sống trong các hoạt động có ý nghĩa trong quá trình học thì mới giúp các em có những bài thi trung thực, sâu sắc, mới khiến các em có sự chuyển biến trong tâm thức. 

Nhà báo Mai Quý Tùng - Báo Nhân dân

Về kỳ thi THPT quốc gia, trong 3 phương án, tôi chọn phương án 1. Tuy nhiên, trong năm 2015, Bộ GD&ĐT nên tiếp tục duy trì kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. 

Khi kỳ thi THPT quốc gia đi vào nề nếp, khi đó học sinh sẽ sử dụng kết quả của 4 môn thi tối thiểu để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. 

Thực tế cho thấy, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng được đánh giá trung thực, khách quan, là cơ sở để các trường chọn lọc người tài. Đáng chú ý, năm nay, nhiều thí sinh mặc dù được tuyển thẳng vào các trường đại học nhưng các em vẫn "thử sức mình" tại kỳ thi này.

Sau năm 2015, nếu kỳ thi THPT quốc gia được đánh giá nghiêm túc, đạt chất lượng tốt thông qua việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa cũng như công tác ra đề, chấm thi, Bộ GD&ĐT nên bỏ kỳ thi tuyển sinh, đại học cao đẳng.

Trong trường hợp các trường đại học, cao đẳng không tin vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển người học theo ngành đào tạo thì có thể tự tổ chức thi "đầu vào". 

Nhà báo Hồng Hạnh - Báo điện tử Dân trí

Việc chấm thi, nên giao cho các trường đại học lớn có đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn học cơ bản cũng như các Trường ĐH Sư phạm thực hiện. 

Không chỉ tôi và rất nhiều ý kiến cho rằng, trong thời điểm hiện tại, phương án 1 là lựa chọn khả thi và phù hợp hơn cả. Nếu áp dụng cách thi theo bài, cả thầy và trò cần phải có thời gian chuẩn bị về dạy và học, nên chỉ có thể tiến hành khi chúng ta đã đổi mới cách dạy và học theo đề án đổi mới giáo dục Việt Nam. Việc này cần có lộ trình rất cụ thể.

Chọn phương án 1, tuy nhiên, vấn đề tổ chức Hội đồng thi và chấm thi, phương pháp ra đề thi là những yếu tố cần bàn kỹ. Cách thức ra đề phải được công bố công khai có thể trước vài ba năm. Đề thi mang tính tổng hợp có thể kiểm tra cả kiến thức, kỹ năng, năng lực tư duy, tư chất của học sinh…

Bên cạnh đó, nên giao cho các trường ĐH, CĐ chủ trì tổ chức thi, Sở GD&ĐT, các nhà trường đóng vai trò phối hợp. Như vậy, tổ chức kỳ thi này phải gần như tổ chức kỳ thi ĐH, CĐ chính quy hàng năm. Tuy nhiên, số cụm thi sẽ phải nhiều hơn. 

Nhà báo Dương Việt Anh - Báo điện tử Đảng Cộng sản

Trước mắt ở kỳ thi tốt nghiệp năm 2015, số đông sẽ chọn phương án 1 cho “an toàn”, nó gần giống với kỳ thi năm nay, sẽ khiến học sinh không bị “sốc”.

Trong 3 phương án, mọi người chủ yếu tập trung bàn phương án 1 và phương án 2. Nhiều ý kiến cho rằng phương án 2 hay hơn, toàn diện hơn, nhưng nếu để thực hiện luôn năm 2015 thì đều e ngại vì có phần vội vàng, chưa chuẩn bị kịp. 

Tuy nhiên, cả 3 phương án đưa ra đều có môn Ngoại ngữ bắt buộc, liệu có đảm bảo công bằng cho tất cả các học sinh vùng miền hay không khi mà hiện nay mặt bằng giảng dạy Ngoại ngữ không đồng nhất. 

Vì đây không đơn giản là kỳ thi tốt nghiệp như mọi năm mà sẽ sử dụng kết quả đó để phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Liệu việc này có gây thiệt thòi gì cho các em nông thôn, miền núi, dân tộc, vùng sâu, vùng cao?

Nên chăng, năm 2015, ngoài kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT tiếp tục kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức 3 chung, để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ hơn nữa trước khi có các bước đi tiếp theo. 

Nhà báo Phạm Thịnh - Báo điện tử VTC News

Vấn đề của kỳ thi quốc gia 2015 chuẩn bị làm đề cho tốt, hỏi những kiến thức cơ bản, không buộc thí sinh phải nhớ quá nhiều những điều không đáng nhớ. Đề thi phải đảm bảo cho những thí sinh có học lực trung bình cũng có thể đỗ tốt nghiệp.   

Tôi cho rằng chủ trương tổ chức kỳ thi quốc gia chung 2015 là hoàn toàn đúng đắn. Điều này phù hợp với nội dung đã được ghi trong Nghị quyết 29/NQ-TW.

Gần đây, Nghị quyết 44/NQ-CP của Chính phủ tháng 6/2014 về chương trình hành động thực hiện đổi mới giáo dục đào tạo cũng đã nêu rõ: “Đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh cao đẳng, đại học, tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đào tạo cao đẳng, đại học”.

Vì vậy, theo tôi chúng ta nên tập trung bàn cách thức thực hiện kỳ thi quốc gia 2015 như thế nào để có hiệu quả tốt nhất.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 3 phương án để xin ý kiến dư luận. Tôi chọn phương án 2 vì đó là phương án khoa học và tiến bộ và có thể thực hiện luôn trong năm 2015.

Tuy nhiên, tôi cho rằng mọi học sinh cần phải thi bắt buộc 5 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.

Với việc yêu cầu học sinh thi 5 bài thi sẽ yêu cầu các em sẽ phải học một cách toàn diện và chúng ta cũng có cơ hội đánh giá các em theo đúng chuẩn phổ thông. Những kiến thức tổng hợp sẽ rất hữu dụng sau này khi các em lên học đại học hoặc ra đời làm việc.

Việc yêu cầu các em thi 5 bài thi sẽ giúp các em học sinh dần bỏ được việc học lệch theo khối thi như hiện nay. Các em sẽ có ý thức để học tập một cách toàn diện và rèn luyện được tư duy tổng quát. Mặt khác, chính việc yêu cầu thi toàn diện sẽ tác động trở lại việc dạy và học của học sinh trong nhà trường cũng toàn diện hơn.

Ngoài ra, cũng cần giải thích để thí sinh và phụ huynh hiểu được rằng đối với phương án này, đề thi sẽ tổng hợp các môn thi nhưng vẫn hoàn toàn nằm trong kiến thức sách giáo khoa. Đề thi sẽ được ra cơ bản để học sinh trung bình cũng có thể đỗ tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng phương án 1 được lòng thí sinh nhất, bởi đây là phương án dễ, nhưng ý nghĩa lại thấp và dẫn tới tình trạng thí sinh học lệch. Thực chất phương án này cũng giống như phương án thi tốt nghiệp THPT năm vừa qua.

Đối với phương án 3, chúng ta sẽ thực hiện phương án này sau một số năm thực hiện theo phương án 2. Khi đó, học sinh đã quen với phương pháp học tích hợp, các em cũng đã làm quen được với cách ra đề kiểu mới.

Nhà báo Hoàng Thùy - Báo điện tử Vnexpress

Bản thân tôi thấy rằng phương án 1 - Chọn môn thi theo môn vẫn là phù hợp nhất trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, phương án này yêu cầu để được xét tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn, trong đó có 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ và một môn thi do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Với môn Ngoại ngữ, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 vừa rồi, số lượng thí sinh đăng ký thi Ngoại ngữ không nhiều. Nếu bắt buộc thi môn học này, chắc chắn gây khó khăn cho đối tượng là học sinh vùng khó, học sinh vùng chưa có điều kiện dạy học Ngoại ngữ.

Thêm nữa, 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ cũng đồng thời là 3 môn thi ĐH khối D1. Như vậy, với phương án này, vô hình dung đã tạo lợi thế quá nhiều cho một nhóm thí sinh. Tôi cho rằng, nên nghiên cứu kỹ, việc thi Ngoại ngữ bắt buộc thời điểm này đã phù hợp hay chưa?

Với phương án 3 - Thi theo các bài tích hợp phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay nhưng cần phải có lộ trình thích hợp, làm ngay tại thời điểm này là không khả thi.

Nhà báo Xuân Trung - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam:

Theo dõi về ngành Giáo dục, cá nhân tôi nhận thấy Bộ GD&ĐT thời gian qua đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong việc đổi mới từ tư duy cho tới các hành động thực hiện.

Nhất là việc đưa ra dự thảo cho các phương án tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia chung - điều mà lâu nay chúng tôi đi phỏng vấn các chuyên gia giáo dục, họ đều bày tỏ nên làm kỳ thi này càng sớm càng tốt. Và, cá nhân tôi thấy mừng vì điều đó.

Với 3 phương án của Bộ GD&ĐT đưa ra có vẻ nhiều tỉnh thành, nhiều Sở GD&ĐT còn băn khoăn nên áp dụng phương án nào. Tất nhiên, phương án nào cũng có mặt được và chưa được. 

Phương án của Bộ có điểm chung là đều gồm 4 môn (hoặc bài) thi, trong đó ngoại ngữ là môn bắt buộc, chấm dứt cuộc tranh luận có nên yêu cầu thi ngoại ngữ khi việc dạy ngoại ngữ ở các vùng miền khác nhau còn có sự chênh lệch.

Cá nhân tôi nghĩ phương án 1 khá giống với cách thi và học hiện nay, với phương án này tôi nghĩ học sinh sẽ rất thích thú vì không phải thay đổi nhiều. 

Nhưng điều này chúng ta đã nói rất nhiều ở kỳ thi tốt nghiệp năm qua về tình trạng học lệch, nếu thực hiện lâu dài và hướng vào giáo dục toàn diện tôi nghĩ không nên chọn phương án này.

Với phương án 3 tôi nghĩ với điều kiện đất nước chúng ta chưa thống nhất cách học và dạy tích hợp thì việc áp dụng phương án này là ngoài tầm, phương án này chỉ có thể áp dụng trong tương lai gần. Trước mắt tôi chọn phương án 2. Vì sao? Đó là phương án khả thi nhất, hạn chế được việc học lệch.

Trong dự thảo có nói học sinh phải thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thứ 4 được lựa chọn bài thi khoa học tự nhiên (KHTN gồm Vật lý, Hóa học và Sinh học) hoặc bài thi Khoa học Xã hội (KHXH gồm Lịch sử và Địa lý), vấn đề không phải là lựa chọn KHTN hay KHXH là bài thi thứ 4 hay thứ 5 mà quan điểm tôi nếu hướng tới giáo dục toàn diện thì phải thi cả KHTN và KHXH.

Cuối cùng, tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cần có quan điểm của mình trên cơ sở lắng nghe ý kiến dư luận, làm sao hướng tới một nền giáo dục vững mạnh, toàn diện, đáp ứng được tinh thần của Nghị quyết 29 đã đề ra.

Cả ngành giáo dục và xã hội quyết tâm thực hiện ngay một kỳ thi quốc gia từ năm 2015, mặc dù những năm đầu ắt sẽ không tránh khỏi những khó khăn, thử thách, đặc biệt là công tác thực hiện. Sẽ không thể tránh được những phản ứng từ phía học sinh và phụ huynh, bởi chúng ta đang quen với tâm lý ngại đổi mới.(Hải Bình)

Nhà báo Thanh Hải - Thời báo Kinh tế Việt Nam:

Cả 3 phương án về kỳ thi THPT quốc gia trong nội dung Dự thảo mà Bộ GD&ĐT vừa công bố đều là những phương án hay, có tính khả thi cao, nhưng điều quan trọng là cần một lộ trình hợp lý để chuẩn bị và thực hiện.

Xét cả 3 phương án thì phương án 1 phù hợp và không gây xáo trộn, không gây tâm lý lo lắng cho xã hội và có thể tiến hành ngay trong năm 2015. Còn đối với phương án 2 và phương án 3, cần phải có thêm thời gian chuẩn bị trước khi thực hiện.

Bên cạnh đó, với yêu cầu và thực tế triển khai dạy học ở các trường phổ thông hiện nay có thể đáp ứng ngay đối với phương án 1.

Với phương án này, cùng với việc phát huy tiếp hướng đổi mới ra đề thi như năm 2014, vẫn sẽ có những chuyển biến tích cực đảm bảo mục tiêu đặt ra của kì thi quốc gia. (Kim Thoa)

Nhà báo Hồng Chuyên - Báo điện tử Infonet:

Trước hết, tôi bày tỏ sự ủng hộ với kỳ thi quốc gia. Kỳ thi này sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của cả xã hội cho 2 đợt thi đại học vẫn được tổ chức hàng năm.

Tuy nhiên, tôi chỉ băn khoăn một điều, sẽ làm thế nào để hạn chế được tiêu cực xảy ra như đã từng xảy ra với một số kỳ thi tốt nghiệp trước đây. 

Nếu việc tổ chức thi tại các địa phương, việc đảm bảo an ninh, việc đảm bảo công bằng có được như kỳ thi cao đẳng đại học hay không? Việc thi cử tổ chức tại địa phương có đảm bảo sự công bằng như kỳ thi do các trường ĐH tổ chức hay không?

Sở dĩ tôi đặt câu hỏi này vì nếu thi tại địa phương ít nhiều sẽ có sự liên quan về thành tích, sự "thi đua" giữa giữa sở nọ sở kia, các thí sinh thi cùng vẫn có sự quen biết nể nang... Bên cạnh đó việc tổ chức giàn trải, việc đảm bảo an ninh, coi thi sẽ khó có thể đồng đều, tốt cả...

Nếu áp dụng kỳ thi quốc gia, tôi ủng hộ phương án 1. Phương án này tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh lựa chọn thi, lựa chọn học những môn phù hợp với khả năng của mình, mà lại có được những kiến thức cần thiết. 

Với 3 môn bắt buộc Toán, Văn, Ngoại ngữ là 3 môn bắt buộc đối với bất cứ một trí thức nào nếu muốn phát huy tốt khả năng của mình. Phương án này lại cho thí sinh và các trường tuyển sinh có sự lựa chọn phù hợp.

Mặc dù có khó khăn về thời gian kéo dài nhưng đó sẽ không quá khó khăn với các thầy cô vì khi gộp lại như vậy đã giảm đi rất nhiều so với việc tổ chức thi tốt nghiệp và đại học riêng... 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.