(GD&TĐ) - Cuốn sách MỸ THUẬT CHÈO của NSND Nguyễn Dân Quốc còn gợi ý cho những người làm công tác giáo dục trong việc tìm đến với một trong nhiều phương cách góp phần giữ gìn và bồi bổ nhân cách cho học trò nữa.
Lật từng trang cuốn sách MỸ THUẬT CHÈO (NXB Sân khấu, tháng 12/2012. Sách Nhà nước đặt hàng ) của NSND - Họa sĩ Nguyễn Dân Quốc, tôi đọc với nhiều cảm phục và thích thú. Nhiều nhà chuyên môn đã nói về giá trị nghề nghiệp của cuốn sách này. Là dân ngoại đạo, tôi chỉ xin nêu vài cảm nghĩ về MỸ THUẬT CHÈO với tư cách một nhà giáo ,tuy nghỉ hưu đã lâu, nhưng vẫn canh cánh nỗi niềm về sự nghiệp trồng người.
Thông điệp nối quá khứ với tương lai
Có một câu hỏi: Vì sao khá nhiều môn nghệ thuật trong đó có Chèo, lại gây được hứng thú đặc biệt của công chúng ở những xứ sở hoàn toàn xa lạ với tâm lý, ngôn ngữ và sở thích thẩm mĩ của người Việt Nam mình? Và vì sao Chèo lại có thể truyền tải được không ít những “thông điệp nghệ thuật” của xã hội đương đại đến người xem, kể cả những tác phẩm kinh điển của các bậc thầy sân khấu nổi tiếng trên thế giới?
Câu trả lời, tôi đã tìm thấy trong cuốn sách của NSND - HS Nguyễn Dân Quốc. Nội dung Chèo thấm đẫm chất nhân văn, giàu tính minh triết, trí tuệ và tâm hồn người Việt là điều công chúng nước ngoài có thể cảm nhận được. Tính ước lệ, cách điệu - đặc trưng của nghệ thuật Chèo, đáp ứng được đặc điểm và trình độ tư duy của ho. Cùng với đó là tài năng biểu diễn của các diễn viên đã thực sự cuốn hút người xem, khiến họ say mê.
Trong những yếu tố nói trên, vai trò của mỹ thuật Chèo là rất quan trọng. Không gian nghệ thuật Chèo được vật chất hóa bằng những hình ảnh cụ thể, trưc tiếp, sống động đưa người xem đến với một thế giới lung linh,rực rỡ, đầy màu sắc.
Với người Việt, không gian mỹ thuật Chèo đánh thức những hoài niệm, khêu gợi bao nỗi niềm. Với công chúng nước ngoài, không gian ấy mở ra trước mắt họ một xứ sở mới lạ, đầy sức quyến rũ.
Điều quan trọng nhất đối với người xem (cả trong nước lẫn ngoài nước) chính là qua những cái hữu hình ấy, hồn cốt Việt đã tỏa hương và thẩm thấu vào lòng người. Những cây đa bến nước, lũy tre, dòng sông, con đò, những giếng làng, mái đình , sân chùa, bờ giậu, những chiếc khăn vấn đuôi gà, yếm đào, áo cổ xây, áo tứ thân,quần tía, thắt lưng hoa lý, những tóc cuốn trái đào, những chiếc gậy trúc..đã mang hồn cốt dân tộc Việt đến với người xem.
Ở những vở Chèo đề tài hiện đại, việc gắn kết nhuần nhuyễn, hài hòa cái ngày xưa và cái thời nay trong thiết kế khung cảnh và trang phục diễn viên, vẫn làm toát lên cái chất Việt, cái hồn Việt . Công lao ấy thuộc về nhiều thế hệ họa sỹ thiết kế sân khấu tài danh.
Đến lượt Nguyễn Dân Quốc, anh đã kế thừa thành quả của những người mở đường đồng thời phát triển, nâng cao những thành tựu đã có, đem đến cho sân khấu Chèo nhiều màu sắc mới mẻ,độc đáo. Sau hơn 40 năm lao động nghệ thuật đầy tâm huyết, anh đã chọn lọc và giới thiệu trong cuốn sách này một số trang trí không gian Chèo trong hàng trăm tác phẩm Chèo đã được dàn dựng của mình.
Gợi ý cho những người làm giáo dục
Không chỉ giúp ích cho những người thiết kế mỹ thuật sân khấu Chèo. Cuốn sách MỸ THUẬT CHÈO của NSND Nguyễn Dân Quốc còn gợi ý cho những người làm công tác giáo dục trong việc tìm đến với một trong nhiều phương cách góp phần giữ gìn và bồi bổ nhân cách cho học trò nữa.
Theo cách nhìn ấy, có thể cuốn sách của anh Nguyễn Dân Quốc sẽ góp phần trả lại giá trị đích thực của Chèo, giúp thanh lọc tâm hồn trẻ. Chúng ta dạy Chèo trong nhà trường, nhưng nếu chỉ là những “kiến thức chay” thì làm sao học sinh rung động, thích thú với Chèo?
Các em rất cần được xem Chèo, nhận thức về Chèo một cách trực quan, cảm tính. Được nghe những làn điệu Chèo rất đỗi gợi cảm, được đắm mình trong thế giới của chèo với những khung cảnh và con người bình dị mà rất đỗi thân quen của đất nước, quê hương, được xem những vũ điệu dân gian đầy mê đắm,những trang phục đẹp đẽ giàu sức cuốn hút của con người Việt Nam , từ đó hồn cốt Việt sẽ thấm dần, nhập vào tâm hồn các em, tạo nên những hiệu quả không ngờ.
Truyện tranh cho thiếu nhi, những cuốn phim hoạt hình, những băng đĩa nghe nhìn, những con búp bê được bán trong các cửa hàng lưu niệm cho khách du lịch... nếu được khai thác từ những đề tài, những chất liệu của Chèo, chắc chắn sẽ níu chân nhiều du khách, hấp dẫn đông đảo các em. Những địa phương nào có điều kiện rất nên xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên có khả năng hiểu biết và biểu diễn chèo ,giảng giải,chỉ dẫn cho các em những nhận thức bổ ích về bộ môn nghệ thuật này.
Trong những nhóm học sinh ham thích Chèo, trong các “Câu lạc bộ Chèo sân trường“ nếu có được sự tham gia của các họa sỹ sân khấu Chèo, thì càng đáng quý. Chẳng hạn học sinh biết được mỗi loại trang phục diễn viên Chèo đều mang những đặc điểm phản ánh sự khác nhau của các đẳng cấp xã hội, sự thích thú của các em sẽ nhân lên gấp bội.
Các họa sỹ Chèo sẽ cho thầy trò biết rằng trang trí Chèo có mối quan hệ rất mật thiết với nhiều loại hình nghệ thuật khác ( như âm nhac, ánh sáng, vũ đạo...) để tạo nên một bộ môn nghệ thuật mang tính tổng hợp ; riêng về mỹ thuật, trang trí Chèo cũng kế thừa nhiều thể loại truyền thống (như đồ họa, sơn mài, điêu khắc,tranh lụa…) để khả năng biểu hiện của nó thêm phong phú.
Các em rất cần được biết mỗi loại hình văn nghệ dân gian chỉ có thể sống được trong môi trường thích hợp với nó, Chèo cũng vậy. Học vấn phổ thông không bắt buộc học sinh phải biết tường tận những điều nói trên. Nhưng sách của anh Nguyễn Dân Quốc cho thấy để việc thưởng thức Chèo được sâu sắc và tinh tế hơn, học sinh rất nên được nghe giới thiệu trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa.
Có ý kiến cho rằng rất nên khuyến khích các em tập biểu diễn những trích đoạn Chèo nổi tiếng, hoặc tự xây dựng những vở chèo “cây nhà lá vườn “ trong các buổi liên hoan văn nghệ. Nhưng nhiều chuyên gia về Chèo băn khoăn: Không khéo điều đó sẽ làm hại Chèo cũng nên, rất dễ gây phản cảm, vì sự không chuyên trong dàn dựng và biểu diễn Chèo không chừng lại là một cách “giết” Chèo (!) Tốt nhất, có thể tập cho các em biết hát những làn điệu chèo cơ bản để các em hát làm vui trong sinh hoạt hàng ngày, như thói quen hát quan họ của học trò trong không ít nhà trường trên đất quan họ.
Để đẩy lùi những ảnh hưởng ngoại lai, để góp phần lành mạnh hóa tâm hồn trẻ nhất định phải tạo điều kiện cho Chèo trở lại địa vị vốn có của nó. Gần đây, tỉnh Bắc Ninh quyết định bỏ ra 65 tỷ đồng đầu tư cho dân ca quan họ. Đây là sự đầu tư rất đáng quý. |
Vũ Xuân Túc