Có hiểu được hệ thống khái niệm lịch sử, học sinh mới nắm được khóa trình lịch sử, giúp các em hiểu được bản chất của sự kiện lịch sử, các mối quan hệ nhân quả và quy luật phát triển, qua phân tích, tổng hợp, so sánh, ….. từ đó hình thành khái niệm lịch sử một cách chính xác, khoa học.
Hiểu khái niệm giúp học sinh học sâu sắc lịch sử
Hình thành khái niệm lịch sử và nêu qui luật phát triển lịch sử là nhiệm vụ quan trọng của việc dạy học lịch sử. Công việc này được tiến hành một cách khoa học trên cơ sở nghiên cứu đi sâu vào bản chất của sự vật hiện tượng để rút ra những qui luật chi phối nó và trên cơ sở đó giúp học sinh tiếp cận chân lí.
Nhưng thực tế hiện nay, một tồn tại lớn đang xảy ra trong việc giảng dạy Lịch sử ở trường phổ thông là giáo viên đã biến Lịch sử thành một bài học chính trị khô khan với nhiều sự kiện lịch sử khó nhớ, thông báo cho học sinh một cách thiếu sinh động, không thấy được logic phát triển theo qui luật lịch sử; hoặc giáo viên chỉ nêu các lý luận một cách chung chung không có cơ sở từ sự kiện lịch sử làm cho học sinh thấy nhàm chán rơi vào chủ nghĩa công thức.
Chính vì vậy việc hình thành khái niệm trong giảng dạy lịch sử sẽ đảm bảo được yêu cầu cung cấp những kiến thức tổng hợp cho học sinh, như vậy học các em sẽ hiểu bài và ghi nhớ lâu bền những vấn đề đã học.
Tuy nhiên, từ nhận thức đến thực tiễn còn là một khoảng cách khá xa, nhất là chưa xóa bỏ những quan niệm sai lầm về khái niệm và hình thành khái niệm.
Do không nhận thức đúng vai trò của khái niệm, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hình thành khái niệm trong dạy học nói chung, dạy học lịch sử nói riêng, nên giáo viên thường rơi vào việc trình bày sự kiện một cách la liệt, chất đống tài liệu, chỉ chú ý đến việc ghi nhớ sự kiện của học sinh, mà không hướng dẫn học sinh nắm được khái niệm.
Vì thế, sự hiểu biết về lịch sử không sâu, dễ quên và không gây được hứng thú học tập bộ môn cho học sinh.
Trong quá trình giảng dạy Lịch sử cũng phải thực hiện theo đúng quy luật của nhận thức là từ “trực quan sinh động” đến “tư duy trìu tượng” và từ “tư duy trìu tượng” trở về với “thực tiễn”.
Như vậy dạy, học Lịch sử là làm cho quá khứ sống lại trước mắt học sinh. Trên cơ sở ấy các em mới phân tích được bản chất hiện tượng lịch sử, rút ra quy luật lịch sử. Bằng trực quan sinh động trên cơ sở lời nói, tài liệu, đồ dùng dạy học, giáo viên tạo biểu tượng lịch sử cho học sinh. Đây chính là giai đoạn nhận thức cảm tính.
Sau khi có biểu tượng lịch sử học sinh mới có thể hình thành khái niệm lịch sử qua hướng dẫn của giáo viên, đó chính là quá trình chuyển sang nhận thức lý tính. Có hình thành được khái niệm lịch sử mới giúp học sinh hiểu lịch sử một cách sâu sắc. Trên cơ sở ấy chúng ta mới thực hiện được một phần quan trọng nhiệm vụ của bộ môn trong nhà trường phổ thông
Quá trình hình thành khái niệm lịch sử
Khác với các môn khoa học khác, bộ môn Lịch sử là môn học về quá khứ các em không thể tiến hành tìm hiểu trực tiếp mà phải qua các hoạt động tư duy từ phân tích tổng hợp, so sánh các sự kiện hiện tượng để hiểu được bản chất của từng thời kì lịch sử.
Chính vì vậy việc hình thành khái niệm lịch sử chỉ được tiến hành kế tiếp trên cơ sở tạo được một bức tranh trọn vẹn về sự kiện lịch sử đang học (bằng việc sử dụng phương pháp dạy học); sau đó giáo viên tiến hành các bước phân tích, khái quát những đặc trưng cơ bản của khái niệm nêu từ nội dung của khái niệm với việc diễn đạt một cách súc tích, ngắn gọn về nội dung cơ bản nhất của khái niệm mà học sinh đã nắm được.
Khâu cuối cùng là phải tiến hành củng cố và kiểm tra khái niệm đã được hình thành. Trong quá trình giảng dạy giáo viên chú ý cho học sinh sử dụng khái niệm đã được học theo phương châm “học đi đôi với hành”, phát triển trí thông minh, sáng tạo và gây hứng thú học tập cho các em.
Đối với những khái niệm khó, được hình thành trong một khoảng thời gian nhất định (qua vài bài, vài chương…), giáo viên chú ý khắc sâu yếu tố nội hàm của khái niệm và rút ra định nghĩa sau khi học xong bài hoặc chương gần cuối. Đến bài, hoặc chương cuối cùng sẽ kiểm tra khái niệm ấy của học sinh.