Giấu bằng khi xin việc chỉ còn là chuyện quá khứ

GD&TĐ - Cách đây khoảng 10 năm, doanh nghiệp đa số tuyển lao động phổ thông, vì vậy với nhiều cử nhân, tấm bằng trở nên không cần thiết, thậm chí còn là yếu tố bất lợi khi xin việc.

Lao động có trình độ, kỹ năng chuyên môn cao luôn được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng.
Lao động có trình độ, kỹ năng chuyên môn cao luôn được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng.

Tuy nhiên, đến nay câu chuyện giấu bằng để đi xin việc chỉ còn là quá khứ. Xu thế đang đòi hỏi người lao động phải có trình độ, kỹ năng chuyên môn cao. 

Không còn là nhân công giá rẻ

Theo ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp và khu chế xuất TP Hồ Chí Minh, tình trạng cử nhân giấu bằng để xin đi làm công nhân, vì doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động phổ thông đã trở thành câu chuyện quá khứ của 10 năm về trước.

Ông Trần Thiên Long cho biết, trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã định hướng về việc chuyển đổi tất cả các khu chế xuất, khu công nghiệp sang sử dụng công nghệ cao. Đồng thời, mở rộng diện tích các khu công nghiệp, chuyển hướng sang quy trình tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh, sử dụng năng lượng sạch và tái tạo.

Các khu công nghiệp hiện nay thu hút đầu tư các dự án có hàm lượng khoa học, công nghệ với giá trị gia tăng cao trên nền tảng kinh tế số. Nhu cầu nhân lực ở các ngành dịch vụ, thương mại cũng rất phát triển, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho các bạn trẻ có trình độ chuyên môn cao.

Theo thống kê của Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, trong chín tháng đầu năm 2020, về đầu tư nước ngoài có 10 dự án vốn đầu tư khoảng hơn 90 triệu USD, đối với nhu cầu doanh nghiệp trong nước có 43 dự án khoảng 240 triệu USD vốn đầu tư trong các ngành dịch vụ, công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ khí, thực phẩm… Số liệu cho thấy, sự thu hút ngành nghề đa dạng, các doanh nghiệp dành sự quan tâm ưu tiên hàng đầu cho những ứng viên chất lượng cao, để đáp ứng yêu cầu của ngành nghề được đầu tư bài bản.

Câu chuyện giấu bằng đi xin việc đã cho thấy thực tế hiện nay, nhân công giá rẻ cùng các nguồn lực sản xuất khác như đất đai, cơ sở hạ tầng với chi phí thấp đã không còn phù hợp trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa.

Tiếp cận trình độ ASEAN 4

Trước sự bức thiết và tầm quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực, ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết: Việc phát triển giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng nghề đã được sự quan tâm của rất nhiều quốc gia, rất nhiều tổ chức quốc tế, các chương trình đã có những khuyến cáo tập trung phát triển lĩnh vực này.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng nghề không chỉ đơn thuần là giáo dục để trang bị kiến thức, kỹ năng thái độ nghề nghiệp cho người học, mà đằng sau đó là vấn đề kinh tế, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của mỗi quốc gia.

Chỉ thị 24/CT-TTg đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.

Để đạt được mục tiêu này, các bộ ngành, địa phương cần tập trung phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp. Bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác dự báo nhu cầu nhân lực theo ngành nghề và các cấp trình độ xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề. Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, bảo đảm chất lượng và hiệu quả của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi tổ chức, sắp xếp lại.

Tăng cường gắn kết chặt chẽ: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, chú trọng nội dung phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển ngành, địa phương.

“Với những chuyển dịch mạnh mẽ về nhu cầu lao động tại TP Hồ Chí Minh, có thể thấy rõ, các học sinh, sinh viên buộc lòng phải phấn đấu để có được trình độ, kỹ năng chuyên môn chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp” - ông Trần Thiên Long nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ