Biết thế mạnh của bản thân
Khi tìm kiếm công việc mơ ước, bạn cần hiểu rõ thế mạnh của bản thân. Những tập đoàn lớn như Google, Facebook hay Amazon đều có rất nhiều nhóm phụ trách các lĩnh vực như phát triển kinh doanh, marketing, nhân sự, IT và pháp lý. Trước khi gửi đơn xin việc, hãy đọc kỹ mô tả công việc và yêu cầu bằng cấp, kinh nghiệm để chắc chắn nó phù hợp với bạn.
Ví dụ, bạn có thể đăng ký một công việc nhân sự kể cả khi học ngành marketing nhưng hãy chắc chắn bạn có đam mê, kinh nghiệm hoặc những bằng cấp, chứng chỉ liên quan đến ngành HR.
Tìm hiểu trước thông tin
Điều tồi tệ nhất bạn có thể làm trong buổi phỏng vấn là nói Instagram là đối thủ cạnh tranh của Facebook.
Hãy nghiên cứu kỹ thông tin mà nhà tuyển dụng có thể kiểm tra trong buổi phỏng vấn. Có ba lĩnh vực bạn cần đặc biệt chú ý. Thứ nhất là công việc bạn đăng ký. Nó yêu cầu kinh nghiệm gì, bạn sẽ hợp tác với những nhóm nào, tại sao lại đăng ký vào vị trí đó, bạn có điểm mạnh gì để trở thành ứng viên tiềm năng?
Thứ hai là về công ty. Văn hóa công ty đó là gì, có phù hợp với bạn không, trong thời gian gần đây công ty đó có kết quả tài chính ra sao, từng gặp khó khăn gì?
Thứ ba, bạn cũng nên tìm hiểu về ngành công nghiệp hoặc thị trường liên quan. Những xu hướng mới nổi trong ngành là gì, đối thủ cạnh tranh của công ty là ai, công ty đang gặp những thách thức nào tại thị trường bạn phụ trách?
Luyện tập thật kỹ
Trước ngày phỏng vấn, hãy liệt kê những câu hỏi nhà tuyển dụng có thể hỏi bạn. Luyện tập trả lời những câu này thật kỹ, tốt nhất là với những người có kinh nghiệm phỏng vấn xin việc mà bạn biết.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo những video mô phỏng bài phỏng vấn thật trên Internet và bài báo chia sẻ kinh nghiệm của người đi trước. Đôi khi chính trang nhân sự của công ty cũng sẽ cung cấp nhiều mẹo hữu ích cho bạn.
Suy nghĩ trước khi trả lời
Trong cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng không mong chờ bạn trả lời câu hỏi ngay lập tức.
Với những câu hỏi dài, phức tạp và yêu cầu tư duy phản biện, bạn đừng ngần ngại dành 30 giây đến một phút suy nghĩ (thậm chí nhiều hơn, tùy vào độ khó của câu hỏi). Hãy chắc chắn bạn có một cuốn sổ bên cạnh để ghi lại những ý quan trọng trong thời gian suy nghĩ.
Liên hệ câu trả lời với công việc
Mỗi khi có thể, bạn nên liên hệ câu trả lời của mình với công việc. Ví dụ, nhà tuyển dụng có thể hỏi điểm mạnh của bạn là gì. Khi đưa ra một điểm mạnh, hãy mô tả làm thế nào bạn có thể giúp công ty hoặc thăng tiến trong công việc với điểm mạnh đó.
Tương tự, bạn có thể thừa nhận một điểm yếu của bản thân (cũng là một câu hỏi phỏng vấn phổ biến), nhưng đừng quên chỉ ra tại sao công việc mới tại công ty sẽ giúp bạn cải thiện điểm yếu đó.
Chuẩn bị sẵn các câu hỏi cho nhà tuyển dụng
Có hai dạng câu hỏi nhà tuyển dụng mong chờ từ bạn. Thứ nhất, hãy hỏi thêm về công việc và công ty. Ví dụ, bạn có cơ hội thăng tiến không, có được đi công tác nước ngoài để gặp khách hàng không, công ty thường có những hoạt động ngoại khóa gì, bạn có cơ hội hợp tác với những nhóm khác không.
Những câu hỏi này cho thấy bạn thực sự quan tâm đến công việc và muốn trở thành thành viên của công ty.
Thứ hai, đừng ngần ngại hỏi thêm về chính những câu hỏi phỏng vấn. Đôi khi, nhà tuyển dụng cố tình đưa ra câu hỏi mập mờ để kiểm tra kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện của bạn.
Ví dụ, câu hỏi phỏng vấn có thể là: Hãy phát triển một sản phẩm cho nhóm khách hàng A tại thị trường B. Những chi tiết bạn nên làm rõ với nhà tuyển dụng đó là: Sản phẩm cần được ra mắt thị trường thời gian nào, ngân sách và nguồn nhân lực dành cho dự án là bao nhiêu, công ty muốn giải quyết vấn đề gì cho khách hàng?
Một dạng câu hỏi mà bạn không nên hỏi quá kỹ khi phỏng vấn là về tiền lương và phúc lợi. Bạn sẽ biết thông tin này khi nhận được thư mời làm việc.
Viết email cảm ơn nhà tuyển dụng
Khi buổi phỏng vấn kết thúc, đừng quên viết một email cảm ơn nhà tuyển dụng vì đã dành thời gian cho bạn. Những hành động dù nhỏ thế này sẽ chứng minh cho công ty thấy bạn biết quan tâm và biết ơn người khác.
Và nếu không nhận được thư mời làm việc, bạn cũng nên cảm ơn công ty vì đã cho bạn một cơ hội học hỏi, trải nghiệm và giữ liên lạc với họ.
Nếu bạn đã chuẩn bị sẵn sàng các bước trên, không có lý do gì khiến bạn lo lắng trong ngày phỏng vấn. Hãy hít một hơi thật sâu và thể hiện mình nhé. Chúc bạn thành công!