E ngại "vẽ đường cho hươu chạy"
Theo thống kê của Trung tâm Tư vấn Sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong 5 năm 2008 - 2012, mỗi năm có xấp xỉ 80 -100 ca đẻ/nạo, phá thai ở độ tuổi vị thành niên (chiếm 1 - 3% tổng số ca nạo phá thai ở bệnh viện này). Con số này ở Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) là khoảng 2,2 - 3,4%...
Còn theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 ngàn ca nạo hút thai ở độ tuổi 15 -19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên.
Chỉ sau 5 năm (2002 – 2007), tuổi quan hệ tình dục lần đầu của vị thành niên – thanh niên Việt Nam đã giảm 1,5 năm, từ 19,6 tuổi xuống còn 18,1 tuổi (theo điều tra vị thành niên và thanh niên (Savy) 2002 – 2007).
Ông Nguyễn Văn Tân cho biết, những nội dung liên quan đến sức khỏe sinh sản vị thành niên ngày càng nhận được sự quan tâm từ tất cả các cấp (lập pháp, hành pháp từ trung ương đến địa phương).
Tuy nhiên, để cải thiện tình hình trong bối cảnh vẫn còn có nhiều ý kiến e ngại về việc "vẽ đường cho hươu chạy" ở nước ta từ phía các nhà giáo dục, phụ huynh, nên quá trình thực hiện còn có những hạn chế
"Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên thông qua các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn, cung cấp các phương tiện và dịch vụ tránh thai phù hợp.
Bộ Y tế cũng đã đưa nội dung này vào trong chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu giảm tỷ lệ có thai ngoài ý muốn, phá thai, tỷ lệ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả HIV/AIDS ở vị thành niên và thanh niên xuống còn 1 nửa so với hiện nay.
Nếu chương trình được phê duyệt, nhiều hoạt động sẽ được thực hiện, góp phần vào nâng cao chất lượng chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên – thanh niên" - ông Nguyễn Văn Tân nhận định.
Cần quan tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên
Liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, các cơ sở cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi này co vai trò vô cùng quan trọng. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, các cơ sở này hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập, trong đó, ngoài ít về số lượng có thiếu tính thân thiện, bảo mật...
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tân khẳng định: Hệ thống cung cấp các dịch vụ y tế trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản đã và đang từng bước được cải thiện chất lượng cung cấp các dịch vụ, tăng dần tính thân thiện đối với vị thành niên và thanh niên.
Không nên loại hệ thống này ra khỏi mạng lưới cung cấp dịch vụ vì trong những năm qua, nhà nước đã đầu tư xây dựng mạng lưới y tế công hết sức rộng khắp.
Tuy nhiên, ông Tân cũng cho rằng, cần mở rộng các cơ sở y tế tư nhân để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, thuận tiện, bao gồm cả yếu tố bảo mật (y tế công cũng phải thực hiện như vậy vì luật đã quy định).
"Thực tế hiện nay, các cơ sở y tế tư nhân trong lĩnh vực sản phụ khoa cũng đã phát triển mạnh, có một số thương hiệu đã tạo được uy tín như: Phòng khám Blue Star, Phòng khám Vinafpa, Ngôi nhà tuổi trẻ,… thu hút được ngày càng nhiều khách hàng, trong đó có khách hàng là vị thành niên" - Ông Nguyễn Văn Tân cho biết.
Lãnh đạo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thừa nhận thực tế, trước đây, do phải tập trung vào các chương trình cấp bách về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho đối tượng cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên – thanh niên chưa được quan tâm đúng mức.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chuẩn quốc gia về cung cấp dịch vụ tư vấn và kỹ thuật cho chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên để tất cả các cơ sở y tế đều đảm bảo cung cấp được dịch vụ thân thiện cho đối tượng này.
"Với việc đó, hy vọng rằng, việc tiếp cận của vị thành niên – thanh niên với dịch vụ sẽ thuận tiện, than thiện và dễ dàng hơn so với trước" - Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - KHHGĐ chia sẻ.
Hai Ngành cùng chung tay
Kế hoạch tổng thể chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho vị thành niên và thành niên Việt Nam, giai đoạn 2006-2010 đã được phê duyệt
Trong chương trình tổng thể này, ngành Giáo dục có trách nhiệm thực hiện chương trình giáo dục sức khỏe, sức khỏe sinh sản cho học sinh, sinh viên trong nhà trường và một phần ở ngoài nhà trường.
Bộ Y tế là cơ quan chủ trì chương trình có trách nhiệm điều phối, đồng thời thực hiện các chương trình dự án về truyền thông, cung cấp các dịch vụ cần thiết (biện pháp tránh thai, phá thai an toàn, khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho học sinh, sinh viên…).
Hầu hết các dịch vụ này đều nằm trong nội dung bảo hiểm y tế. Nhà nước đã có chương trình hỗ trợ cho mua bảo hiểm y tế của đối tượng học sinh, sinh viên.
Các bạn cần tham gia chương trình này để được đáp ứng các nhu cầu cần thiết. Về phía Bộ GD&ĐT, việc nâng cao chất lượng chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục… cũng đang được thực hiện.