Thi đánh giá năng lực, tư duy năm 2025: Khó cho thí sinh vùng khó

GD&TĐ - Thí sinh vùng sâu xa, biên giới, hải đảo không có nhiều điều kiện tiếp cận công nghệ. Thông tin về các kỳ thi đánh giá năng lực và tuyển sinh với các em còn hạn chế.

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học quốc gia TPHCM tổ chức đợt 1/2023 (điểm thi số 33 tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng). Ảnh: PV
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học quốc gia TPHCM tổ chức đợt 1/2023 (điểm thi số 33 tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng). Ảnh: PV

Chưa kể, điều kiện kinh tế, di chuyển khó khăn cũng không cho phép các em tham dự nhiều kỳ thi dù biết lợi ích của chúng.

“Một mình một ngựa”

Theo khảo sát bước đầu, năm học này, Trường THPT Phạm Kiệt ở huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) chỉ có một học sinh dự định đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực. Dự kiến, Trần Trí Minh - học sinh lớp 12A1 dự thi kỳ thi đánh giá của Bộ Công an và kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Từ đầu năm học 2024 - 2025, Trí Minh đã tìm hiểu thông tin liên quan đến các kỳ thi đánh giá năng lực. Em cũng tham gia một số nhóm trên mạng xã hội gồm những học sinh đã và sẽ dự kỳ thi đánh giá năng lực để tham khảo kinh nghiệm ôn tập. “Sau khi tham khảo nhiều kênh thông tin, em quyết định mua gói học và luyện thi đánh giá năng lực trực tuyến với mức học phí khoảng 2 triệu đồng, kèm theo khóa học luyện thêm môn Toán”, Minh cho biết.

Theo lộ trình, trong học kỳ I, Minh tự học thông qua các video bài giảng có sẵn. Chỗ nào không hiểu thì phải tua đi tua lại để xem, hỏi thêm thầy cô ở trên trường hoặc lên các nhóm trao đổi nhờ giải đáp. Sang đầu học kỳ II, Minh mới bắt đầu học trực tuyến với giáo viên qua nền tảng Zoom.

Không có bạn cùng trường để học chung, Minh tự đặt kỷ luật cho mình, mỗi ngày dành khoảng 3 tiếng để tự học các kiến thức căn bản. Ngoài ra, em phải hoàn thành bài vở trên lớp, học thêm một số môn như Toán, Anh văn, Hóa. “Vì học một mình và chủ yếu tự học là chính, nên nếu không kiên trì và chia nhỏ mục tiêu thì rất dễ nản”, Minh chia sẻ.

Cũng mua một gói học và luyện thi cho kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng theo chị Nguyễn Ngọc Linh (Quảng Bình), con chị chỉ theo học được một thời gian đầu. “Cháu chỉ tập trung học theo các bài giảng của khóa luyện thi trong thời gian hè. Vào năm học, vừa phải học trên trường, lớp học thêm để cải thiện điểm các môn thi dự kiến thi tốt nghiệp nên cháu đành dừng lại việc học trực tuyến”, chị Linh cho biết.

Trong khi đó, Nguyễn Đức Phương - học sinh Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) dự định tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM.

“Em có một nhóm gồm 4 - 5 bạn, cùng mua gói ôn thi trực tuyến rồi học qua link Driver. Để luyện thi đánh giá năng lực, theo em tìm hiểu thì chủ yếu phải tự học, nắm chắc và hiểu kiến thức cũng như có kỹ năng tổng hợp, vận dụng. Thực ra tham gia các khóa học cũng chỉ để nắm được kỹ thuật làm bài, có nguồn đề tham khảo để làm quen, còn cơ bản vẫn ở khả năng và quá trình tự học của thí sinh”, Phương bày tỏ.

kho-cho-thi-sinh-vung-kho-1.jpg
Học sinh các trường THPT tại Kon Tum tham gia Ngày hội tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh năm 2024. Ảnh: NTCC

Khó tiếp cận các kỳ thi

Vài năm nay, Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) không có học sinh đăng ký tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực. Thầy Nguyễn Hữu Thịnh - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Dù nhà trường thông tin đầy đủ, kịp thời các phương thức xét tuyển sinh, trong đó có phương thức sử dụng kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực nhưng do điều kiện kinh tế, năng lực học tập và hơn cả là học sinh không có nhu cầu”.

Theo phân tích của thầy Thịnh, để di chuyển từ xã vùng khó của một huyện miền núi Quảng Trị đến các điểm thi đánh giá năng lực, thường được tập trung ở các thành phố lớn là trở ngại với nhiều học sinh Trường THPT Hướng Phùng.

Chưa kể nếu muốn dự thi các kỳ thi đánh giá năng lực, học sinh gần như phải được trang bị máy tính để theo học các khóa online hoặc tự tìm kiếm tài liệu để ôn luyện. Khoảng cách địa lý quá xa, nguồn tài nguyên học liệu hạn chế, khó tìm kiếm là lý do chủ yếu khiến học sinh ở địa bàn vùng khó như Trường THPT Hướng Phùng, Trường THPT Phạm Kiệt gần như không tham gia.

Trong khi đó, Nguyễn Đức Phương chia sẻ, dù quá trình tự ôn luyện cho kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM của em khá suôn sẻ, nhưng bắt đầu cảm thấy áp lực khi cấu trúc đề từ năm 2025 sẽ có thay đổi. “Ngoài phải tự học thêm kiến thức các môn không có trong tổ hợp môn lựa chọn, em thấy khá lo lắng khi số câu hỏi môn Tiếng Anh tăng lên và đa phần câu khó, có tính chất phân loại. Ngoài cấu trúc đề đã công bố, em không tiếp cận được bất kỳ nguồn tài liệu nào để tham khảo do đây là năm đầu tiên áp dụng điều chỉnh”, Phương phân tích.

Chuẩn bị cho 2 kỳ thi đánh giá tư duy và đánh giá năng lực sắp tới, Đào Thị Kim Ngân - học sinh lớp 12C1, Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã chủ động tham gia lớp học thêm môn Sinh học để có đủ kiến thức nền.

Kim Ngân chia sẻ: “Em tìm được một số bộ câu hỏi tham khảo của kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Chúng em vừa tự luyện vừa băn khoăn không biết những câu hỏi này có liên quan nhiều đến chương trình mới không, cấu trúc đề có thay đổi không? Thỉnh thoảng lại lên các nhóm để dò hỏi, nghe ngóng mà không tìm hiểu thêm được thông tin gì nên cũng mất định hướng”.

Học cùng trường với Kim Ngân, Trịnh Thị Huyền Trang đang theo học tổ hợp môn tự chọn có môn Sinh học nhưng không có môn Vật lý cũng chủ động học thêm để đủ kiến thức căn bản phục vụ cho kỳ thi đánh giá năng lực.

Đoàn Ngọc Anh Khoa - sinh viên 49K, ngành Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) xuất sắc đạt 1.051,7 điểm trong kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2023. Khoa cho biết, bản thân không thật sự nổi trội từ những ngày đầu cấp phổ thông, nên năm lớp 11, Anh Khoa đặt mục tiêu đạt điểm cao kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức.

“Vì có lợi thế chuyên Toán nên em chỉ tập trung rèn luyện thêm khả năng tư duy qua các bộ đề mẫu để quen với dạng bài; còn phần xã hội em tin mấu chốt nằm ở khả năng đọc hiểu, cộng thêm việc nắm được nền tảng kiến thức các môn từ sớm đã giúp em có được lợi thế hơn so với các bạn”, Anh Khoa chia sẻ kinh nghiệm.

Dù là kỳ thi riêng của các trường hay tốt nghiệp THPT, em nghĩ đều mang tính cạnh tranh công bằng, ai giỏi hơn thì đỗ. Có lẽ, các bạn ở thành phố lớn sẽ thuận lợi hơn chúng em về môi trường, cơ hội học. Ví dụ, các bạn có thể lựa chọn học online hoặc offline tùy sở thích, khả năng, còn chúng em thì tự mày mò tìm các khóa học online. - Đào Thị Kim Ngân (học sinh lớp 12C1, Trường THPT Bình Sơn, Quảng Ngãi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...