Hãng Izvestia dẫn tuyên bố của CBST cho biết, Kalinka được thiết kế để phát hiện và định vị các tín hiệu phát ra từ các trạm liên lạc vệ tinh như Starlink nổi tiếng của tỷ phú Elon Musk.
Andrey Bezrukov, chủ tịch hội đồng quản trị CBST, cho biết hệ thống mới có thể giúp phát hiện và nhắm mục tiêu nhanh chóng vào các thiết bị đầu cuối Starlink vì các nguyên tắc cơ bản của truyền tín hiệu vô tuyến không thay đổi kể từ khi phát minh ra vô tuyến.
Theo Bezrukov, ngay cả khi quân đội Ukraine sử dụng Starshield, phiên bản quân sự hóa của Starlink, cũng không thể che giấu thiết bị đầu cuối liên lạc của họ khỏi tầm nhìn của Kalinka.
Phạm vi phát hiện của Kalinka chủ yếu được xác định bởi địa hình trong khu vực tìm kiếm và việc đối thủ sử dụng các hệ thống điện tử khác.
Về thời gian cần thiết để đưa Kalinka vào sản xuất hàng loạt, ông Bezrukov cho biết tất cả phụ thuộc vào nhu cầu của lực lượng Nga hoạt động trong khu vực xung đột.
Mỹ đã cung cấp một số lượng lớn thiết bị đầu cuối liên lạc Starlink cho quân đội Ukraine sau khi xung đột leo thang vào tháng 2 năm 2022.
Ngoài việc phối hợp các hoạt động quân sự, lực lượng Ukraine còn tích cực sử dụng Starlink để kết nối với các máy bay không người lái trên không và trên biển mà Kiev đã sử dụng để tấn công khủng bố vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Nga.
Trước khi Nga công bố về Kalinka, ông Elon Musk đã tự tin tuyên bố chỉ Starlink chống lại được tác chiến điện tử Nga.
"SpaceX đang dành nguồn lực đáng kể để đối phó các biện pháp gây nhiễu của Nga. Đây là vấn đề rất hóc búa. Họ đã vô hiệu hóa thành công mọi hệ thống liên lạc khác ở Ukraine, ngoại trừ Starlink", tỷ phú Mỹ Elon Musk, nói.
Bình luận được ông Musk đưa ra dưới bài viết về khả năng kết nối của mạng Internet vệ tinh Starlink do SpaceX phát triển, trong đó nhấn mạnh đây là hệ thống liên lạc duy nhất còn hoạt động ở tiền tuyến ở Ukraine.
"Hàng loạt thiết bị liên lạc quân sự do Mỹ sản xuất, trong đó có mạng vệ tinh quân sự Viasat, đã bị vô hiệu hóa trong những giờ đầu chiến sự và không bao giờ khôi phục được", bài viết có đoạn.
Giới chức Ukraine cũng nói rằng nếu Nga vô hiệu hóa được Starlink sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng với quân đội Ukraine, vì họ phải dựa vào Starlink để duy trì kết nối giữa các đơn vị trên chiến tuyến và tiến hành tập kích bằng máy bay không người lái (UAV).
Tình huống này đã bắt đầu diễn ra ngay từ khi Nga công bố về Kalinka. Hồi tháng 5, toàn bộ thiết bị Starlink tại khu vực Kharkov đã bị vô hiệu hóa ngay trước khi lực lượng Nga mở đợt tiến công bất ngờ, đánh dấu lần đầu tiên điều Starlink bị vô hiệu kể từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt.
"Có lúc chúng tôi bị mù hoàn toàn. Đây là vấn đề lớn nhất, chúng tôi không biết họ di chuyển như thế nào, chỉ có thể trao đổi tình hình qua bộ đàm, thứ vẫn còn hoạt động.
Nguồn cấp dữ liệu từ UAV đơn giản là biến mất", Artist, chỉ huy đơn vị UAV thuộc Lữ đoàn Phòng vệ Lãnh thổ số 125 Ukraine, nói.
Điều này cho thấy nguy cơ dễ tổn thương và sự phụ thuộc của Ukraine vào mạng Internet do SpaceX triển khai.
Nó cũng đặt ra những nghi vấn về mức độ tin cậy của Starlink trong xung đột với các quốc gia có tiềm lực công nghệ, nhất là khi Mỹ và đồng minh đang phối hợp chặt chẽ với SpaceX.