Giáo viên vùng cao mong muốn có nhiều chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Trong phần Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn về vấn đề dạy - học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng giữa học sinh các vùng miền được nhiều cử tri đặc biệt quan tâm.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, TP Kon Tum triển khai học trực tiếp.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, TP Kon Tum triển khai học trực tiếp.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum đã linh hoạt thay đổi phương pháp giảng dạy để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Cô Đặng Thị Uyên Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) cho biết, trên địa bàn có nhiều học sinh khó khăn, đặc biệt những em là người đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều thiếu thốn.

Cô Chi cho hay, năm học 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc dạy và học của giáo viên và học sinh gặp nhiều khó khăn. Bởi nhiều em không đủ điều kiện để học trực tuyến.

Cô Chi chia sẻ, bên cạnh việc thực hiện theo văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành thì nhà trường linh hoạt thay đổi phương pháp giảng dạy để giúp học trò tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất.

“Mấy tuần đầu năm học, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, việc dạy trực tuyến chỉ hỗ trợ một phần kiến thức cho học sinh. Do điều kiện dạy học trực tuyến không đảm bảo nên giáo viên linh hoạt, đến từng thôn, làng để hướng dẫn, giao bài tập cho các em. Theo đó giáo viên chia học sinh thành từng nhóm nhỏ để hướng dẫn các em học tập, đảm bảo an toàn trong điều kiện dịch bệnh”, cô Chi nói.

Cô Đặng Thị Uyên Chi cũng rất tâm đắc về vấn đề Bộ GD&ĐT, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, ngành Giáo dục đã có kế hoạch đưa học sinh trở lại trường an toàn. Bên cạnh đó, cô Uyên Chi cũng mong muốn sẽ triển khai tiêm vắc xin cho toàn bộ các em học sinh. Qua đó, giáo viên, nhà trường cũng yên tâm hơn khi học sinh đến trường học trực tiếp.

Tương tự, cô Hoàng Thị Hoà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 thị trấn Plei Kần cho hay, địa phương đặc thù là người đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, nhiều em hoàn cảnh rất khó khăn. Chính vì vậy, cô Hoà mong muốn ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm, có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho các em, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số.

“Hiện nay dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên các trường linh hoạt giảng dạy trực tuyến và trực tiếp. Mặc dù trường ở vùng xanh, các em đi học trực tiếp. Tuy nhiên, ở một số vùng sâu, vùng xa bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng lại không đủ điều kiện học trực tuyến. Do đó, việc dạy học gặp rất nhiều khó khăn.

Chúng tôi mong muốn ngành Giáo dục quan tâm, hỗ trợ máy tính và đảm bảo kết nối mạng Internet cho học sinh ở khu vực khó khăn. Bởi một số trường hợp học sinh vừa học vừa cắm sạc điện thoại mà không có phụ huynh giám sát thì rất nguy hiểm. Ngoài ra, việc giáo viên đến từng thôn, làng dạy con chữ cho học sinh cũng khá vất vả. Chính vì vậy, mong muốn nhà nước chú trọng, quan tâm và có chính sách hỗ trợ cho giáo viên”, cô Hoàng Thị Hoà kiến nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ