Lai Châu: Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Khó khăn lớn nhất của học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) khi đến trường là khả năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, học tập.

Tiết học khám phá của Trường Mầm non Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn. Ảnh: Hà Thuận
Tiết học khám phá của Trường Mầm non Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn. Ảnh: Hà Thuận

Chính vì vậy, ngành GD-ĐT Lai Châu đã chú trọng tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học.

Xây dựng môi trường thân thiện

Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, 5 dân tộc rất ít người gồm: Cống, Mảng, Si La, La Hủ và Lự. Người DTTS chiếm 86% dân số. Vì thế, con em họ đến trường cũng gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp bằng tiếng Việt. Bởi vậy, ngành GD-ĐT Lai Châu đã linh hoạt sử dụng nhiều giải pháp trong dạy - học.

Một trong những việc làm thiết thực, đó là việc toàn ngành đã vào cuộc quyết liệt để triển khai Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.

Mục tiêu của Đề án trên nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy tiếng Việt cho học sinh trên địa bàn. Như ở Phòng GD&ĐT huyện Nậm Nhùn, đơn vị này đã cụ thể hóa đề án trong thực hiện nhiệm vụ năm học. Việc tổ chức với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án.

Song song với đó, đơn vị này cũng chỉ đạo các trường trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong đó, tập trung vào mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Đề án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ huynh, học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý và cộng đồng.

“Chúng tôi đã đưa ra nhiều giải pháp để xây dựng và bảo đảm duy trì môi trường tiếng Việt cho trẻ. Trong đó, tập trung chỉ đạo các trường nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý về công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tăng cường tiếng Việt. Xây dựng trường học lấy học sinh làm trung tâm, phù hợp với đối tượng học sinh. Các trường cũng đưa nội dung liên quan vào các buổi sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Nhùn cho biết.

Ngoài ra, các trường trên địa bàn huyện Nậm Nhùn cũng chú trọng xây dựng môi trường giáo dục thân thiện. Xây dựng góc thư viện, tủ sách học tập phù hợp với học sinh. Thông qua đồ dùng quen thuộc, giáo viên gắn vào đó những chữ cái phù hợp với chủ đề để trẻ tiếp xúc với chữ cái. Các trường cũng luôn tạo cơ hội cho học sinh được học tập, vui chơi trong môi trường ký hiệu ngôn ngữ. Từ đó, để phát triển ngôn ngữ toàn diện nhất.

Chữ cái được viết, trang trí lên tường để trẻ có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi. Ảnh: Hà Thuận
Chữ cái được viết, trang trí lên tường để trẻ có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi. Ảnh: Hà Thuận

Cô học tiếng từ học trò

Xác định được những khó khăn có tính đặc thù, các trường trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có nhiều sáng tạo trong tăng cường tiếng Việt. Một trong những giải pháp mà nhiều trường đang áp dụng hiệu quả, đó là việc cô - trò học lẫn nhau. Nghĩa là cô sẽ học tiếng mẹ đẻ của trò để hiểu, biết rồi lấy đó là phương tiện để truyền tải thông tin tiếng Việt cho trẻ.

“Năm nay, trường có 345 trẻ, với 100% là người Mông và Khơ Mú. Các cháu mới ra lớp, khả năng giao tiếp rất hạn chế. Vì vậy, chúng tôi phải chủ động học lại ngôn ngữ của trẻ. Khi biết và hiểu trẻ muốn gì, cần gì mới có thể định hướng bằng những từ tiếng Việt đơn giản, thay thế cho ngôn ngữ mà các em đang dùng”, cô Triệu Thị Phòng, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Manh (huyện Nậm Nhùn) chia sẻ.

“Khi các em đang khóc, muốn dỗ dành, mình bảo “nín đi con”, hoặc “nín đi em” thì trẻ không hiểu. Khi đó, chúng tôi nói “Chi quà” đối với các em người Mông và nói “Lệp” đối với các em người Khơ Mú… Như vậy, các em mới hiểu được là cô giáo đang mong muốn điều gì”, cô Phòng chia sẻ.

Quá trình giảng dạy, cô Lý A Hơn, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A1, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Thu Lũm (huyện Mường Tè) có khá nhiều thuận lợi. Nói vậy bởi cô là người Hà Nhì, lại phụ trách địa bàn có nhiều học sinh Hà Nhì theo học.

Cô Hơn chia sẻ: “Do biết thành thạo tiếng mẹ đẻ của học sinh và cả tiếng Việt nên mình cũng dễ dàng khi truyền đạt kiến thức cho các em. Với nội dung phức tạp, khó diễn đạt, mình có thể giảng giải bằng tiếng Hà Nhì. Sau đó lại giải thích bằng tiếng Việt. Cứ nhiều lần như thế, các em cũng củng cố thêm vốn tiếng Việt từ cô”.

Năm học 2021 - 2022, Trường Mầm non Thu Lũm, xã Thu Lũm (huyện Mường Tè) có 178 trẻ theo học. Các em là người Hà Nhì, Dao và La Hủ. Vì trước khi đến lớp, những học sinh này ít được giao tiếp với môi trường bên ngoài, nên quá trình giảng dạy giữa cô và trò nảy sinh bất đồng trong ngôn ngữ.

“Chúng tôi phân loại từng đối tượng để có cách dạy phù hợp. Ngoài ra, khuyến khích giáo viên học tiếng dân tộc để dạy song ngữ. Mặt khác, trường cũng thường xuyên lồng ghép sử dụng tiếng Việt trong tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp như: Nghe kể chuyện dân gian, đọc thơ, ca dao… Trong đó, tập trung vào việc luyện phát âm, sửa lỗi nói ngọng cho trẻ”, cô Bùi Thị Nga, Hiệu trưởng nhà trường nói.

Cũng theo cô Nga, để cho trẻ tiếp cận, luyện phát âm tiếng Việt mọi lúc, mọi nơi, trường đã yêu cầu giáo viên viết chữ cái lên các khu vui chơi, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời. Giáo viên cũng khuyến khích trẻ tăng cường giao tiếp bằng tiếng Việt. Nhờ vậy, bước đầu nhiều trẻ đã nhận biết, phát âm theo bộ chữ cái tiếng Việt và có kỹ năng cơ bản trước khi vào lớp 1.

Giai đoạn 2016 - 2020, Lai Châu có 100% trẻ mầm non, tiểu học ra lớp được tăng cường tiếng Việt theo từng độ tuổi. 100% cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học được bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phục vụ hiệu quả công tác tăng cường tiếng Việt. Trẻ mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi ra lớp đạt 99,2%, học sinh dân tộc thiểu số vào lớp 1 được học qua lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,8%. Đa số học sinh tiểu học dân tộc thiểu số đã mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, học tập, góp phần nâng cao tỷ lệ chuyên cần và chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.