Giao lưu trực tuyến: Rộng mở con đường khởi nghiệp

"Rộng mở con đường khởi nghiệp" là chủ đề của giao lưu trực tuyến được Báo GD&TĐ tổ chức từ 15h đến 16h30 ngày 09/10/2020.

Giao lưu trực tuyến: Rộng mở con đường khởi nghiệp

Theo quy định, thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học đợt 1 trước 17h ngày 10/10 (theo dấu bưu điện). Như vậy, sau khi xét tuyển đợt 1 hoàn thành, các trường có thể bắt đầu triển khai xét tuyển đợt bổ sung từ sau ngày 10/10 đến hết năm 2020. Vì thế cơ hội vẫn còn cho những thí sinh không may trượt đại học ở đợt tuyển sinh này.

Trong trường hợp không trúng tuyển bổ sung, phía trước vẫn còn nhiều cơ hội. Đại học không phải là con đường duy nhất để các em thành công. Con đường khởi nghiệp của các em vẫn đang rộng mở; thành công sẽ đến nếu các em đã có đủ đam mê, ý chí và nghị lực.

Xung quanh vấn đề này, Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức giao lưu trực tuyến, với sự tham gia của các khách mời:

* Bà Nguyễn Thị Thu Hường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội

* PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng Giáo viên, Trường ĐH Giáo dục (ĐH QG Hà Nội)

* Ông Nguyễn Đình Tuấn – Ứng viên vào Chung kết khởi nghiệp sáng tạo toàn quốc.

Các chuyên gia sẽ tư vấn giúp thí sinh chọn ngành, chọn trường trong đợt xét tuyển bổ sung sắp tới. Đồng thời có những định hướng nghề nghiệp, giúp các em khởi nghiệp thành công.

Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi về Chương trình để nhận được những chia sẻ hữu ích từ các chuyên gia.

Giao lưu trực tuyến: Rộng mở con đường khởi nghiệp ảnh 1
Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ứng viên vào Chung kết khởi nghiệp sáng tạo toàn quốc

Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội

PGS.TS Phạm Mạnh Hà

PGS.TS Phạm Mạnh Hà

Giám đốc Trung tâm hợp tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội.

Bạn đọc

Bạn giahung2712@gmail.com:

Nếu đang học đại học rồi mới biết mình đã chọn nhầm ngành thì phải làm sao ạ?
PGS.TS Phạm Mạnh Hà

PGS.TS Phạm Mạnh Hà

Em cần xem xét kỹ. "Nhầm" ở đây là do thực sự mình không yêu thích, không đáp ứng được yêu cầu của nghề nghiệp hay chỉ là do cảm xúc khi gặp phải khó khăn trong quá trình học tập. Nếu bản thân thực sự nhận thấy không thể tiếp tục với ngành nghề đang học thì không khi nào là muộn để em từ bỏ và lựa chọn lại một cách nghiêm túc đều em thực sự muốn. Chúc em thành công.

Bạn đọc

Bạn maika***@gmail.com:

Cô cho em hỏi, quyền lợi của thí sinh tham gia xét tuyển bổ sung có bình đẳng như thí sinh xét tuyển đợt 1 không?
Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Về nguyên tắc, các thí sinh tham gia xét tuyển bổ sung có quyền bình đẳng nhau thí sinh đợt 1 (về điều kiện học tập và các quyền lợi khác như: học bổng, học phí….).

Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, điểm tuyển sinh đợt bổ sung không được thấp hơn điểm trúng chuẩn trúng tuyển sinh đợt 1.

Bạn đọc

Bạn phuongthaogmail.com:

Thực sự chỉ còn 1 năm nữa là thi đại học mà em chưa biết mình thích gì, em cũng không có thế mạnh gì nổi bật. Vậy em sẽ phải chọn trường, chọn ngành ra sao? Em phải làm thế nào để biết được ngành gì là phù hợp với mình?
PGS.TS Phạm Mạnh Hà

PGS.TS Phạm Mạnh Hà

Muốn biết mình có năng lực, sở trường gì, em hãy tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường, giúp đỡ bố mẹ việc nhà, tích cực với các hoạt động xã hội khác,... Qua các hoạt động này em sẽ tự nhận ra mình phù hợp với ngành nghề nào nhất. Từ đó xác định sở trường của bản thân, có cơ sở để lựa chọn ngành nghề phù hợp với mình. 

Em hãy lưu ý, ngành nghề được coi là phù hợp với cá nhân khi: Mình có hiểu biết về nó; có năng lực thực hiện các yêu cầu công việc; có đủ phẩm chất để đáp ứng đòi hỏi của công việc; yêu thích những sản phẩm do công việc đó tạo ra.

Bạn đọc

Bạn phuonglinh248@gmail.com:

Em thấy nhiều người cực nổi tiếng họ đâu có học hết đại học. Vậy nếu em học hết lớp 12, không thi đại học mà bắt đầu khởi nghiệp liệu có ổn không ạ?
PGS.TS Phạm Mạnh Hà

PGS.TS Phạm Mạnh Hà

Giao lưu trực tuyến: Rộng mở con đường khởi nghiệp ảnh 13

 

Đúng là có khá nhiều người nổi tiếng và giàu có không học Đại học. Tuy nhiên, thực tế những người đó họ luôn tự học và học tập suốt đời. Kỷ nguyên số đã rút ngắn khoảng cách tiếp cận tri thức và điều quan trọng nằm ở ý thức tự trau dồi và chiếm lĩnh tri thức của mỗi cá nhân.

Em hoàn toàn có thể khởi nghiệp bất cứ khi nào hội đủ các điều kiện về kiến thức, kỹ năng, thái độ và các nguồn lực khác mà không cần chờ đến khi tốt nghiệp lớp 12. Các điều kiện đó bao gồm cả việc em xác định rõ được mục tiêu và lập được kế hoạch "khởi nghiệp" của mình. Nó giống như việc em xác định cụ thể điều mình muốn làm, xây dựng được đề án một cách chi tiết và dành tâm huyết, quyết tâm hiện thực nó.

Chúc em thành công.

Bạn đọc

Bạn (ngoclinh***@gmail.com:

Với những bạn trượt đại học trong tất cả các đợt tuyển sinh, cô có lời khuyên gì cho các ấy?
Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Hiện nay, thí sinh có nhiều lựa chọn cho mình. Các em có thể học cao đẳng, học nghề, hoặc có thể tiếp tục ôn thi để chờ cơ hội của năm sau…

Quan trọng là các em cần xác định rõ tư tưởng, mong muốn của mình và không nên nản chí. Em có thể bàn với gia đình và xin ý kiến của bố mẹ để có định hướng đúng đắn, phù hợp cho mình.

Bạn đọc

Bạn phuonganh1207@....:

Xin hỏi anh Tuấn, ý định khởi nghiệp của anh bắt đầu từ khi nào?
Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ông Nguyễn Đình Tuấn

Nhóm City shrimp farming của Tuấn bắt tay vào việc thực thi dự án vào năm 2019, tuy nhiên ý tưởng đã được lên từ trước.

Nhóm mình có 3 thành viên cùng học Đại học Bách khoa gồm anh Tống Văn Liên, và Nguyễn Viết Bằng. Cả nhóm đã cùng nhau lên ý tưởng khởi nghiệp cách đây khoảng 3 năm, sau đó mới thực hiện.

Cũng xuất phát từ việc xem các chương trình trải nghiệm nông nghiệp của Nhật Bản, sau đó, chúng mình đã đọc và tìm hiểu rồi quyết định chọn con tôm để nuôi.

Bạn đọc

Bạn Vương Thị Minh, tỉnh Thanh Hóa:

Các trường đã được trao quyền tự chủ. Điều này có tác động gì đến công tác tuyển sinh của các trường? Cô có lo lắng các trường sẽ “lạm quyền” để “làm ẩu” khi tuyển sinh?
Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Giao lưu trực tuyến: Rộng mở con đường khởi nghiệp ảnh 20

 

Các trường được giao quyền tự chủ, nhưng trong khuôn khổ của pháp luật. Vì thế, tự chủ không có nghĩa trường muốn làm gì thì làm.

Bộ GD&ĐT có những quy định cụ thể trong tuyển sinh và các trường phải tuân theo. Bộ cũng sẽ tăng cường, thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh của các trường; còn xã hội sẽ giám sát các trường qua các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Vì thế, nếu các trường “làm ẩu”, sai quy định thì sẽ bị xử lý theo Quy chế tuyển sinh và tự đánh mất thương hiệu của trường.

Bạn đọc

Bạn Ngôc Tùng Quân, Đa Tốn, Gia Lâm, HN:

Trước đây nếu không học Đại học thì anh Tuấn dự định làm gì?
Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ông Nguyễn Đình Tuấn

Hồi đang học phổ thông Tuấn cũng như nhiều bạn cùng trang lứa hầu như không có định hướng gì về công việc trong tương lai mình sẽ làm những gì. Tuy có thích làm diễn viên nhưng không đủ dũng cảm và khả năng để đăng ký dự thi.

Bạn đọc

Bạn dangtue@gmail.com:

Em bị trượt nguyện vọng 1 ngành Ngôn ngữ Anh. Có 1 trường cũng đào tạo ngành này và em chắc chắn với số điểm mình có thì sẽ đỗ, nhưng điều em băn khoăn nhất đây là một trường ngoài công lập. Vậy nếu chọn trường tư thì có sao không ạ? Liệu sau này có vì mình học trường tư mà khó khăn trong xin việc hay không?
PGS.TS Phạm Mạnh Hà

PGS.TS Phạm Mạnh Hà

Trước hết, chúc mừng em đã "chắc chắn" cơ hội đỗ vào ngành học mình yêu thích. Với xu hướng tuyển dụng nhân sự ngày nay, các nhà tuyển dụng chú trọng năng lực làm việc thực tế và kỹ năng của cá nhân chứ không quá chú trọng vào danh tiếng của cơ sở đào tạo. Hơn nữa, các trường công lập và dân lập hiện nay cạnh tranh nhau bằng chất lượng đào tạo nên em đừng quá lo lắng về chuyện học trường công hay trường tư. Hãy tập trung học tập cho thật tốt để đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Đó mới là mấu chốt của quá trình học tập. Chúc em thành công.

Bạn đọc

Bạn Hà Vy, Phú Thọ:

Anh Tuấn có thể chia sẻ ý tưởng nôi tôm ứng dụng công nghệ của anh được không?
Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ông Nguyễn Đình Tuấn

City shrimp farming đang triển khai dự án “Nuôi tôm áp sát thành phố ứng dụng nuôi tôm bằng công nghệ bio-floc”. Nói dễ hiểu đây là dự án nuôi tôm sử dụng các vi sinh vật có lợi để xử lý môi trường nuôi bao gồm có phân, khí độc… và ức chế các vi sinh vật có hại, tạo điều kiện cho con tôm phát triển tốt nhất. Điểm độc đáo của dự án là có thể nuôi thủy hải sản mà không sử dụng bất kỳ kháng sinh hay hóa chất nào trong quá trình nuôi, đảm bảo sản phẩm đầu ra đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như EU và Nhật.Với giải pháp của dự án, việc nuôi tôm không cần phải thay nước như truyền thống vì vậy có thể ứng dụng nuôi ở bất kỳ đâu từ miền biển cho tới miền núi, giảm thiểu rủi ro và giảm thiểu xả thải ra môi trường. Năng suất hiện tại nhóm đạt được đang là 300kg/ 80 m3 nước sau 3,5 tháng.

Bạn đọc

Bạn Trần Thế Huynh (Bắc Ninh):

Cô có lời khuyên gì với những thí sinh không may trượt đại học trong tuyển sinh đợt 1?
Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Một giờ học thiết kế mẫu trên máy tính của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội
Một giờ học thiết kế mẫu trên máy tính của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội

 

Theo kết quả lọc ảo thì thấy có 205 trường sẽ tuyển được từ 70% trở lên; 83 trường tuyển được dưới 50% chỉ tiêu sẽ phải tuyển sinh bổ sung.

Như vậy, các em vẫn còn nhiều cơ hội trong đợt xét tuyển bổ sung của các trường ĐH.

Theo cô, em nên tìm hiểu thông tin về các trường, các ngành có tuyển sinh bổ sung, đặc biệt là điều kiện để nộp hồ sơ, điểm trúng tuyển đợt 1. Theo nguyên tắc, điểm trúng tuyển đợt sau không thấp hơn đợt 1. Ngoài ra, em có tìm hiểu thêm thông tin tuyển sinh của các trường cao đẳng nghề.

Bạn đọc

Bạn Lê Thị Thanh, tỉnh Thái Bình.:

Cô cho em hỏi, trường mình đã đạt kiểm định chất lượng chưa ạ? Năm nay trường có tuyển sinh bổ sung các đợt không ạ? Nếu có thì tuyển sinh đến khi nào?
Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, phải có ít nhất 1 khóa sinh viên tốt nghiệp đại học mới được kiểm định, đánh giá ngoài.

Hiện nay, Trường đang hoàn thành báo cáo tự đánh giá, dự kiến đầu năm 2021 thì nhà trường sẽ đánh giá ngoài.
Năm 2020, Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội có tuyển sinh bổ sung đợt 2 theo hai phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả học bạ THPT với tổng chỉ tiêu 260 sinh viên/7 ngành.

Cụ thể: Công nghệ may, Công nghệ sợi dệt, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật điện điện tử, Marketing, Quản lý công nghiệp, Thiết kế thời trang.

Bạn đọc

Bạn phucan@gmail.com:

Bạn thân của em học giỏi nhất lớp. Năm nay bạn ấy thi được 26 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1. Bạn đấy đang mất phương hướng, buồn và không muốn gặp, nói chuyện với ai. Em phải động viên bạn thế nào? Chuyên gia có thể giúp bạn em một lời khuyên trong hoàn cảnh này được không?
PGS.TS Phạm Mạnh Hà

PGS.TS Phạm Mạnh Hà

Trong lúc này, bạn em cần sự động viên, chia sẻ của những người thân thiết để bình tâm lựa chọn thêm các cơ hội. Đợt xét tuyển lần hai vẫn nhiều cánh cửa đang rộng mở. Quan trọng là xác định rõ mục tiêu phấn đấu và lập lộ trình để thực hiện. Hãy biến thất bại ban đầu trở thành động lực để chinh phục những thành công sau này. Bởi nếu để cho tâm trạng buồn bã chi phối thì thất bại sẽ chỉ sinh ra thất bại chứ không thể là "mẹ thành công" được. Chúc các em nhiều may mắn.

Bạn đọc

Bạn Ngô Thị Lan, Hiệp Hòa, Bắc Giang:

Được biết, nhóm startup của anh Tuấn đã lọt vòng chung kết cuộc thi về khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn. Sau cuộc thi này, anh và nhóm của mình đã “thu hoạch” được những gì?
Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ông Nguyễn Đình Tuấn

Giao lưu trực tuyến: Rộng mở con đường khởi nghiệp ảnh 36

 

Nhóm học được rất nhiều thứ thông qua cuộc thi này: Nhóm được các chuyên gia, các thầy tư vấn rất nhiều về các cách thức phát triển dự án, học được cách triển khai dự án như thế nào... Thật sự, các ý tưởng trong cuộc thi đều rất hay và ý nghĩa tốt với xã hội. Ngoài ra thông qua những chương trình như vậy mọi người sẽ biết nhiều tới dự án hơn và có tính lan tỏa tới nhiều người hơn.

Bạn đọc

Bạn nguyendo***@gmail.com:

Kỳ thi tốt nghiệp THPT em được 18 điểm (khối A). Nhiều bạn em đi học xong về thất nghiệp hoặc đi làm công nhân phổ thông. Theo cô, em nên đi làm luôn hay không, vừa kiếm được tiền mà không lo thất nghiệp?
Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Thông tin mà em nói có thể xảy ra, ngay kể cả khi những ngành nghề có nhu cầu lớn nhưng năng lực của mình không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Giờ học của sinh viên ngành Thiết kế thời trang - Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội
Giờ học của sinh viên ngành Thiết kế thời trang - Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội

Theo cô, em nên đi học tiếp rồi đi làm. Theo xu thế phát triển và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến việc làm, dự báo có khoảng 50% công việc cũ mất đi và được thay thế bằng công việc mới.

Những công việc mới thường đòi hỏi lao động phải có trình độ và kỹ năng cao. Điều này chủ yếu được hình thành và phát triển qua đào tạo. Vì thế người được đào tạo sẽ có khả năng thích ứng với sự thay đổi của công việc trong tương lai nhiều hơn.

Em có thể tìm hiểu thêm về nhu cầu và vị trí việc làm của các ngành nghề do Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội đào tạo, để có được lựa chọn đúng đắn cho mình.

Bạn đọc

Bạn minhhong@gmail.com:

Em rất thích làm ca sĩ. Bản thân em cũng có chút năng khiếu, thường tham gia đội văn nghệ của trường. Sang năm em chọn ngành nghệ thuật để thi nhưng bố mẹ em kiên quyết ngăn cản; bà em thì bảo “xướng ca vô loài”. Em buồn lắm. Em nên thuyết phục gia đình mình thế nào đây ạ?
PGS.TS Phạm Mạnh Hà

PGS.TS Phạm Mạnh Hà

Chào em, ông bà, cha mẹ nào cũng mong muốn điều tốt đẹp nhất cho con em mình. Người lớn trong nhà ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định lựa chọn nghề nghiệp của mỗi cá nhân. Em hãy thuyết phục gia đình bằng các hành động cụ thể. Bên cạnh việc học tập thật tốt, em hãy chinh phục cha mẹ, ông bà bằng các hoạt động nghệ thuật của mình với các cuộc thi và các giải thưởng. Như vậy, bố mẹ ông bà sẽ an tâm và ủng hộ lựa chọn của em. Chúc em toại nguyện.

Bạn đọc

Bạn binhminh1209@gmail.com:

Anh Tuấn ơi, anh có thể cho lời khuyên đối với người vừa thi trượt Đại học như em được không?
Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ông Nguyễn Đình Tuấn

Trượt đại học thực sự rất buồn, Tuấn hiểu cảm giác đó vì chính Tuấn cũng phải thi lại đại học 1 năm. Tuy nhiên, học đại học không phải con đường duy nhất để có thể thành công. Quan trọng là mình muốn phát triển ra sao. Kiến thức nếu không thể học trong giảng đường đại học thì mình có thể học qua những kênh khác.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Mạnh Tuấn, Hưng Yên:

Tôi đã từng mơ ước được vào trường Đại học mà mình yêu thích, thế nhưng, vì thiếu điểm nên tôi không có cơ hội. Từ đó, tôi cũng không muốn học ngành khác, đến nay đã 2 năm, tôi vẫn loay hoay chưa tìm được hướng đi cho mình. Xin một lời khuyên từ anh?
Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ông Nguyễn Đình Tuấn

Tuấn không rõ anh thích ngành gì, tuy nhiên nếu anh muốn học ngành nào đó đến vậy thì có thể thi lại, tham khảo các trường khác hoặc chương trình khác phù hợp với bản thân. Quan trọng là mình phải xác định được mình thích cái gì thì mới tập trung vào nó.

Bạn đọc

Bạn ngocmai311@gmail.com:

Cả nhà em làm nghề y, ông em từng là lãnh đạo một bệnh viện. Em sức học tốt nên từ nhỏ bố mẹ đã hướng thi vào ĐH Y để nối gót gia đình. Nhưng bản thân em thấy không thực sự hứng thú với ngành này mà có nhiều đam mê với ngành sư phạm hơn. Em băn khoăn rất nhiều, vì nếu học y, chắc chắn sau này em không phải lo lắng về việc làm sau khi ra trường. Em chưa biết quyết định ra sao, rất mong nhận được lời khuyên của chuyên gia?
PGS.TS Phạm Mạnh Hà

PGS.TS Phạm Mạnh Hà

Thông thường, truyền thống gia đình ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định lựa chọn nghề nghiệp của các thế hệ sau. Tuy nhiên, nếu không phù hợp, không đúng sở trường, sở thích thì cho dù được sắp đặt cũng rất khó có cơ hội thành công với nghề.

Nghề nghiệp không chỉ là thứ đem lại danh vọng và tiền bạc mà quan trọng hơn nó phải mang lại niềm hạnh phúc và giá trị tinh thần, sự hứng khởi để cống hiến.

Bạn đọc

Bạn baotoan...@gmail.com:

Anh Tuấn ơi, thanh niên ở quê tôi nhiều người cũng muốn khởi nghiệp từ nông nghiệp nhưng chúng tôi thấy rất khó. Mặc dù chưa bắt tay vào làm dự án nào nhưng nghĩ thôi đã thấy không khả thi rồi, tôi ở huyện miền núi của Hà Giang, xin được chia sẻ từ anh?
Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ông Nguyễn Đình Tuấn

Giao lưu trực tuyến: Rộng mở con đường khởi nghiệp ảnh 50

 

Trước tiên, theo Tuấn cần xác định là nuôi con gì, trồng cây gì trước. Nếu cần, anh nên tham khảo trước các chuyên gia xem nó có phù hợp với thổ nhưỡng của khu vực nơi anh sống hay không. Như Tuấn chia sẻ thì dự án của Tuấn sẵn sàng hỗ trợ nếu anh cần.

Bạn ở Hà Giang thì có thể tìm hiểu thế mạnh của vùng miền bạn đang sinh sống để có hướng đi phù hợp. Tuấn có biết rất nhiều người khởi nghiệp ở Hà Giang rất thành công như phát triển dự án hoa tam giác mạch, các bài thuốc dân gian, các sản phẩm du lịch,…

Bạn đọc

Bạn tuean@gmail.com:

Năm nay điểm thi tốt nghiệp THPT của em là 21 điểm, trượt nguyện vọng 1. Với số điểm này, em có thể đăng ký ngành nào, trường nào để có cơ hội đỗ đại học ạ?
PGS.TS Phạm Mạnh Hà

PGS.TS Phạm Mạnh Hà

Chúc mừng em đã hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với 21 điểm, trong đợt xét tuyển lần 2 của các trường ĐH, CĐ, em hoàn toàn có nhiều cơ hội. Tuy nhiên, đỗ Đại học không quan trọng bằng việc em chọn được đúng lĩnh vực mà em có thể pát huy được năng lực và sở trường của mình. 

Trong thời điểm này, em hãy dành thời gian tìm hiểu các thông tin chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành học phù hợp với năng lực sở trường và mức điểm em đang có.

Đừng đặt nặng chuyện đỗ Đại học mà em hoàn toàn có thể lựa chọn ngành học yêu thích tại các trường nghề và khởi nghiệp từ đó. Đường đi có thể dài hơn, khó khăn hơn chút nhưng nếu quyết tâm và nỗ lực, chắc chắn em sẽ thành công.

Bạn đọc

Bạn Bảo Đan, Hà Nội:

Anh Tuấn đã từng học Đại học Bách khoa, tại sao anh không theo đuổi con đường này mà rẽ ngang sang khởi nghiệp vậy?
Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ý tưởng đến với nhóm rất tình cờ. Người ta vẫn nói nuôi tôm ở Việt Nam rất mạo hiểm giống như đánh bạc vậy. Nguyên nhân vấn đề do người nuôi không thể quản lý được môi trường nuôi do chủ yếu nuôi theo phương pháp truyền thống là nuôi, thay nước và xả nước liên tục,… Mà môi trường thì biến đổi, việc thay nước cũng có những rủi ro như đưa dịch bệnh từ bên ngoài vào. Vậy tại sao không thử tìm ra giải pháp vừa quản lý tốt môi trường nuôi hạn chế rủi ro và vừa không ảnh hưởng tới môi trường sống.

Ứng dụng công nghệ Biofloc vào nuôi tôm sẽ sử dụng các chủng vi sinh vật có lợi để căn dư thừa phân tôm và các tạp chất khác. Đồng thời, hạn chế được sự hoạt động của các sinh vật có hại tạo ra môi trường tốt nhất cho tôm phát triển.

Bạn đọc

Bạn baoyen@gmail.com:

Chị em từng kiên quyết thi vào sư phạm, rồi sau 4 năm học, ra trường mới nhận ra mình không phù hợp với nghề. Em cũng muốn trở thành 1 giáo viên, nhưng lại lo lắng không biết có lặp lại câu chuyện như chị mình hay không? Vậy làm sao để biết em thực sự thích, phù hợp với ngành nào, thưa chuyên gia?
PGS.TS Phạm Mạnh Hà

PGS.TS Phạm Mạnh Hà

Giao lưu trực tuyến: Rộng mở con đường khởi nghiệp ảnh 57

 

Chào em, rất tiếc vì chị gái em đã có lựa chọn chưa sát với mong muốn thực sự của bản thân sau khi đã hoàn thành chương trình học đại học.

Để tránh đi vào "vết xe" của chị gái mình, em hãy tự trả lời một số câu hỏi sau: 

- Em chọn nghề sư phạm vì lý do gì? Nếu vì không phải đóng học phí, nghĩ rằng công việc nhẹ nhàng, dành được nhiều thời gian cho gia đình, có thể dạy thêm kiếm tiền,.... Với những lý do này, em không nên chọn nghề sư phạm.

- Nếu em yêu trẻ, yêu công việc trao truyền tri thức, sẵn sàng chấp nhận khó khăn, thử thách trong công việc, đồng thời em có khả năng giao tiếp và kỹ năng truyền đạt và tổ chức các hoạt động... thì em hãy mạnh dạn đăng ký ngành học này.

Chúc em có lựa chọn sáng suốt và thành công.

Bạn đọc

Bạn xuanthu***@gmail.com:

Là chuyên gia về tuyển sinh và trực tiếp chỉ đạo công tác này của trường, cô có nhận xét gì về công tác tuyển sinh năm nay, có thực sự nề nếp?
Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Theo tôi, công tác tuyển sinh năm nay ổn định, nề nếp. Tuy có ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Bộ GD&ĐT đã có điều chỉnh, hướng dẫn phù hợp nên các trường chủ động trong khâu tuyển sinh và tư vấn cho thí sinh.

Các thí sinh đến nhập học đợt 1/2020 tại Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội
Các thí sinh đến nhập học đợt 1/2020 tại Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội 
Bạn đọc

Bạn Hà Huy Chiến, Hải Dương:

Với những bạn trẻ không học Đại học mà muốn khởi nghiệp, anh có lời khuyên gì khi họ không có nhiều kiến thức sách vở?
Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ông Nguyễn Đình Tuấn

Tuấn rất ngưỡng mộ những người như vậy vì ý chí và quyết tâm của họ. Quá trình khởi nghiệp rất khó khăn đặc biệt đối với những người trẻ khi ít kinh nghiệm, ít vốn… Tuy nhiên, hãy kiên trì đừng bỏ cuộc khi gặp khó khăn và hãy học hỏi không ngừng để phát triển và hoàn thiện hơn.

Theo mình, nếu không được đào tạo chính quy từ các trường học, bạn có thể tìm hiểu qua sách báo, qua các chuyên gia, nhất là về vấn đề khởi nghiệp thì có rất nhiều chuyên gia luôn sẵn sàng hỗ trợ cho anh chị em. Việc mạnh dạn và chia sẻ những khó khăn vướng mắc, tìm được người hướng dẫn phù hợp sẽ giúp các bạn giảm thiểu được rủi ro.

Bạn đọc

Bạn tuankiet***@gmail.com:

Em thi tốt nghiệp THPT được 26 điểm (khối A). Thực ra em thích nấu ăn, thiết kế thời trang nhưng bố mẹ em muốn học đại học chuyên ngành kinh tế để bằng người nọ, người kia. Em nên chọn theo sở thích của em hay theo quyết định của bố mẹ?
Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Giao lưu trực tuyến: Rộng mở con đường khởi nghiệp ảnh 65

 

Cô rất chia sẻ với em! Theo kinh nghiệm về chọn ngành, chọn nghề thì nên ưu tiên chọn theo sở thích. Em nên giải thích để bố mẹ hiểu về sở thích, năng lực, sở trường của mình, để bố mẹ đồng cảm và ủng hộ.

Trên thực tế có nhiều sinh viên đi học không đúng với ngành nghề mà mình đam mê nên bỏ học giữa chừng. Hoặc sau này đi làm sẽ khó mang lại thành công và hạnh phúc trong công việc.

Bạn đọc

Bạn Lê Nguyễn Bảo Vy, Hương Sơn, HN:

Chủ đề giao lưu hôm nay là “Rộng mở con đường khởi nghiệp”, vậy quan điểm của anh Tuấn về việc khởi nghiệp ngoài con đường học Đại học?
Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ông Nguyễn Đình Tuấn

Chào bạn!

Theo mình, mọi người không nhất thiết phải “khởi nghiệp”, quan trọng là tìm được con đường mà mình yêu thích, rồi xác định mục tiêu, kiên trì theo đuổi mới có thể thành công.

Nếu không đỗ Đại học, bạn có thể tìm qua các kênh dạy nghề, tìm được cho mình một người thầy ngoài cuộc sống, hoặc học một ngành nghề mà bạn cảm thấy tự tin, có năng khiếu,….Có rất nhiều cách để bắt đầu tương lai ngoài cánh cổng trường Đại học.

Bạn đọc

Bạn Lê Đình Gia Bách, Vũng Tàu:

Anh Tuấn đã từng học Đại học Bách khoa – ngôi trường được nhiều người mơ ước, anh thấy việc này giúp ích gì cho anh khi khởi nghiệp từ nông nghiệp không?
Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ông Nguyễn Đình Tuấn

Thực sự, những kiến thức học được không bao giờ là thừa. Ngoài kiến thức chuyên môn, thì mình cũng được học cách tư duy vấn đề, logic của sự việc. Hay đơn giản hơn là xây dựng các mô hình cơ khí hiện tại đều được học được trong quá trình học đại học.

Ví dụ các mô hình nuôi của nhóm đều được set up và mô phỏng bằng phần mềm 3D và chỉnh sửa những điều chưa hợp lý trước khi đưa vào thực tế. Điều này là kiến thức mình đã được học ở trường Đại học Bách khoa, nó đã giảm thiểu rủi ro cho xây dựng mô hình và tiết kiệm khá nhiều chi phí nếu làm sai cho nhóm.

Bạn đọc

Bạn quocvuong@gmail.com:

Khi định nhắm đến 1 nghề cho tương lai, ngoài chuẩn đoán bằng các trắc nghiệm khách quan (IQ, EQ…), còn cách nào phù hợp hơn nữa để tự tìm hiểu xem bản thân phù hợp với ngành nào hay không?
PGS.TS Phạm Mạnh Hà

PGS.TS Phạm Mạnh Hà

Nếu quá lệ thuộc vào các chuẩn đoán bằng các trắc nghiệm khách quan (IQ, EQ…), hay sinh trắc vân tay thì có thể dẫn đến lựa chọn sai lầm. Theo tôi, em có thể tham khảo những chuẩn đoán đó nhưng quan trọng hơn, em nên dựa vào trải nghiệm của bản thân trong các công việc khác nhau để tự nhận diện các năng lực, phẩm chất cá nhân. Các ý kiến của chuyên gia hướng nghiệp, thầy cô và cha mẹ là các kênh tham khảo hữu ích và sát thực giúp em có quyết định lựa chọn nghề nghiệp đúng hướng.

Bạn đọc

Bạn Trần Minh Phương, Học viện Thanh thiếu niên VN:

Nhiều người cho rằng khởi nghiệp thì hầu hết là thất bại, số thành công rất ít, quan điểm của anh Tuấn về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ông Nguyễn Đình Tuấn

Theo Tuấn thì không phải là thất bại mà là chưa thành công mà thôi. Nếu mình biết rút kinh nghiệm từ những bài học đó thì sẽ thu được thành quả. Bản thân nhóm Tuấn để nuôi sống được con tôm tại Hà Nội cũng trải qua rất nhiều khó khăn, nếu bỏ cuộc mới là thất bại.

Giai đoạn ban đầu, nhóm mình đã từng tuyệt vọng khi tôm cứ thả là chết hàng loạt. Sau quá trình, chúng mình đã đưa ra được thông số phù hợp với tôm để chúng phát triển tốt. Vì vậy, lời khuyên cho các bạn trẻ là luôn trau dồi kinh nghiệm và học hỏi để có được thành công.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Đức Chí, tỉnh Bắc Giang:

Theo cô, phần mềm lọc ảo năm nay có phát huy hiệu quả, và có đảm bảo tính công bằng hay không?
Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Phần mềm lọc ảo của Bộ GD&ĐT và của nhóm xét tuyển miền Bắc do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội điều phối rất hiệu quả và đảm bảo chính xác rất cao. Các trường ĐH rất yên tâm, tin tưởng vào phần mềm lọc ảo của Bộ GD&ĐT, trong đó có Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội.

Bạn đọc

Bạn Trần Việt Cường, Bắc Ninh:

Anh Tuấn ơi, em năm nay học lớp 11. Em thấy rằng nhiều người đỗ Đại học mà ra trường vẫn thất nghiệp, không làm đúng với ngành học. Vậy, em có nên rẽ ngang đi học nghề sớm không hả anh, bởi lực học của em cũng chỉ khá thôi.
Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ông Nguyễn Đình Tuấn

Theo Tuấn học nghề hay học đại học không quan trọng quan trọng bằng việc mình xác định đam mê và kiến thức mình có. Tấm bằng nó chỉ là “tờ giấy” nếu kiến thức của mình không đủ. Nếu mình có được kiến thức và năng lực đủ tốt thì không phải lo đến vấn đề thất nghiệp.

Bạn đọc

Bạn hungson***@gmail.com:

Em được 25,1, trúng tuyển vào ngành Thương mại điện tử của một trường mà em không thích lắm (vì em đăng ký để chống trượt). Em vẫn băn khoăn không biết có nên xác nhận nhập học hay đợi các trường tuyển sinh bổ sung. Cô cho em lời khuyên với ạ!
Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Chào bạn! Theo cô, việc đầu tiên là em nên xác định sở thích và năng lực của mình. Nếu sở thích, năng lực phù hợp với nhu cầu nhân lực thì sẽ rất tốt. Vì vậy, em nên tìm hiểu thêm về ngành thương mại điện tử.

Tuy nhiên, theo cô, đây là ngành được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai và khá hấp dẫn với thí sinh. Cô tin, sau khi tìm hiểu kỹ về ngành này, em sẽ có được quyết định cho mình là, nên xác nhận nhập học hay chờ đợi xét tuyển bổ sung.

Bạn đọc

Bạn Lê Hùng Mạnh, Sơn Tây, HN:

Được biết, anh Tuấn ngoài khởi nghiệp cùng bạn thì vẫn có công việc riêng của mình. Xin hỏi nếu khởi nghiệp đem lại thành công lớn, anh có dự định bỏ công việc để tập trung làm giàu không?
Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ông Nguyễn Đình Tuấn

Giao lưu trực tuyến: Rộng mở con đường khởi nghiệp ảnh 82

 

Thực ra, hiện tại Tuấn có thể thực hiện tốt được cả 2 công việc cùng lúc, vì vậy Tuấn vẫn tiếp tục với công việc hiện tại. Tuy nhiên, khi đến giai đoạn City Shrim farming (dự án khởi nghiệp mà Tuấn cùng các bạn đang làm) cần nhiều hơn thì Tuấn sẽ cân nhắc về việc dồn toàn bộ thời gian cho nó.

Bạn đọc

Bạn theanh118@gmail.com:

Trong trường hợp chúng em chưa tiếp xúc và chưa hành nghề, làm sao để biết nghề ấy có "yêu" mình hay không, có tương hợp với mình đến mức nào?
PGS.TS Phạm Mạnh Hà

PGS.TS Phạm Mạnh Hà

PGS.TS Phạm Mạnh Hà chia sẻ thông tin cùng bạn đọc Báo GD&TĐ

PGS.TS Phạm Mạnh Hà chia sẻ thông tin cùng bạn đọc Báo GD&TĐ

 

 

Để biết nghề có "yêu" mình hay không, em cần phải có trải nghiệm và tìm hiểu những công việc liên quan đến nghề nghiệp. Những công việc đó đôi khi xuất hiện ngay quanh mình như: Làm việc nhà, sửa chữa vật dụng, chăm sóc người thân,... Qua quá trình trải nghiệm đó, em sẽ nhận ra em phù hợp với ngành nghề nào chứ không nhất thiết phải tiếp xúc và hành nghề trực tiếp. Ví dụ em chăm sóc tốt ông bà, bố mẹ khi đau ốm thì em hoàn toàn có tố chất phù hợp cho ngành chăm sóc sức khoẻ. Em sửa chữa vật dụng gia đình tốt thì có thể phù hợp với các lĩnh vực cơ khí, điện tử,...Với các hoạt động trải nghiệm hoặc hoạt động ngoại khoá trong nhà trường cũng giúp em nhận ra mình thực sự yêu thích lĩnh vực chuyên môn nào.

 

Bạn đọc

Bạn (Kiều Tiến Hưng, Hải Phòng:

Anh Tuấn ơi, nhiều người thi trượt Đại học, cũng muốn ở quê trồng rau nuôi lợn, mà tâm lý vẫn tự ti, thấy xấu hổ khi làm nông nghiệp, lại cảm thấy buồn khi nghe người ta nói là không học hành gì, vậy có nên bỏ quê ra phố để làm không anh?
Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ông Nguyễn Đình Tuấn - Ứng viên vào Chung kết khởi nghiệp sáng tạo toàn quốc
Ông Nguyễn Đình Tuấn - Ứng viên vào Chung kết khởi nghiệp sáng tạo toàn quốc

 

Theo Tuấn thì nghề nghiệp nào cũng cao quý hết. Mình kiếm được thu nhập chính đáng, tạo ra giá trị - sao mình lại tự ti với nó, ngược lại mình phải tự hào với nó. Bản thân Tuấn và các thành viên trong nhóm đều sinh ra lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp và Tuấn tự hào về điều đó. Tuấn học được một câu: “Khi bắt đầu thì hãy bỏ qua thị phi”, những lời kiểu vậy nó là thị phi. Quan trọng là mình có muốn gắn bó và phát triển với nó.

Bạn đọc

Bạn Hà Thị Ngọc (ngocha***@gmail.com):

Cô có cho rằng, việc thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT là giải pháp tốt? Chúng ta có nên duy trì quy định này?
Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Theo tôi, đây là giải pháp tốt và nhân văn. Thực tế, có nhiều thí sinh kết quả thi tốt nghiệp THPT không như dự kiến; đây là cơ hội để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo điểm mà mình đạt được; đồng thời đây cũng là cơ hội cho thí sinh cân nhắc lần cuối trước khi chốt nguyện vọng.

Theo tôi, nếu được thì nên tiếp tục duy trì và ổn định phương thức này, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Thị Hoa, Thanh Hóa:

Anh Tuấn có thể chia sẻ khó khăn lớn nhất khi bắt tay vào khởi nghiệp không?
Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ông Nguyễn Đình Tuấn

Khó khăn lớn nhất khi bắt tay vào khởi nghiệp là xác định được hướng đi và đầu ra cho sản phẩm. Vốn và kinh nghiệm cũng là một thách thức đối với các startup.

Trước đây, mọi người vẫn xác định nuôi con gì và trồng cây gì, đó chính là xác định được đối tượng để mình bắt tay vào làm, sau đó phải xác định được đối tượng khách hàng của mình. Để tránh các hiện tượng đi theo trào lưu dẫn đến được mùa thì mất giá, mọi người cần phải nghiên cứu kỹ.

Vốn ban đầu đối với những người mới khởi nghiệp sẽ không có nhiều nên nếu không chuẩn bị kỹ cho kế hoạch của mình thì thiếu vốn hoặc thất bại sẽ xảy ra nhiều.

Về mặt kinh nghiệm thì luôn đúng với mọi ngành nghề. Cần học hỏi qua các kênh thông tin hoặc những người có kinh nghiệm.

Bạn đọc

Bạn Trần Văn Vũ, tình Thái Bình.:

Theo cô, nguồn tuyển của các trường năm nay có dồi dào không? Với trường ĐH Dệt May thì sao?
Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có hơn 900.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020; trong đó có trên 643.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học và cao đẳng khối ngành đào tạo giáo viên (chiếm 71,45%).

Tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học khoảng trên 500.000 chỉ tiêu. Như vậy, có thể nói nguồn tuyển năm nay đủ cho các trường.

Riêng với Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội nguồn tuyển tương đối tốt, bởi nhà trường chuyên đào tạo và có kinh nghiệm trong lĩnh vực dệt may. Hiện nay, Trường đã tuyển được 85% chỉ tiêu. Ước tính sau khi tuyển bổ sung đợt 2 nhà trường sẽ tuyển sinh đạt chỉ tiêu.

Bạn đọc

Bạn Phúc Khánh, Hà Nam:

Ước mơ làm nhà báo nên năm nay em chỉ muốn học ngành báo chí, truyền thông. Thế nhưng, với điểm số 23, em bị trượt nguyện vọng này. Em hoang mang và buồn vô cùng. Hiện em không xác định được mình nên cố gắng ôn 1 năm để thi tiếp, hay chọn vào đại học ngành mình không yêu thích?
PGS.TS Phạm Mạnh Hà

PGS.TS Phạm Mạnh Hà

Nếu em đã xác định được chuyên ngành học và cơ sở đào tạo mà em yêu thích, theo tôi, trong một năm tới em nên tìm cách làm cộng tác viên với các toà soạn để rèn thêm kỹ năng và khẳng định sở trường của mình. Đồng thời, giành thời gian ôn tập và thi lại vào năm sau. Trong đợt xét tuyển lần hai này, em cũng có thể chọn các ngành học gần với nghề báo ở các cơ sở đào tạo khác còn chỉ tiêu xét tuyển như: ngôn ngữ học, quan hệ công chúng, ngữ văn,... Chúc em đạt được ước mơ trở thành nhà báo.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Mạnh Hòa, Thái Bình:

Học Đại học xong, tôi muốn khởi nghiệp nhưng loay hoay chưa tìm được nhà đầu tư, anh Tuấn có thể chia sẻ cách thức để tôi được nhà đầu tư để ý đến không?
Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ông Nguyễn Đình Tuấn

Có rất nhiều kênh để người khởi nghiệp có thể tiếp cận với nhà đầu tư như các quỹ, các cuộc thi về khởi nghiệp, ngay cả Đoàn thanh niên cũng có quỹ để hỗ trợ cho thanh niên khi khởi nghiệp.

Ví dụ, cuộc thi mình đang tham gia là cuộc thi thanh niên nông thôn khởi nghiệp sáng tạo được tổ chức hàng năm. Ngoài ra, có các chương trình Shark tank, các quỹ về nông nghiệp của các doanh nghiệp, bạn phải chịu khó đầu tư thời gian để tìm hiểu mới biết được các thông tin và tham gia.

Bạn đọc

Bạn buinguyet***@gmail.com:

Em thấy các ngành đào tạo của Trường ĐH Dệt May có vẻ “kén” thí sinh? Không biết cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Thu Hường,  Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội

 

 

Thực ra thì các ngành đào tạo của Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội không “kén” thí sinh như các em nghĩ. Trong số 7 ngành mà nhà trường tuyển sinh thì có 6 ngành là: Công nghệ may, Công nghệ sợi dệt, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật điện điện tử, Marketing, Quản lý công nghiệp tuyển sinh các khối A, A1, B, D như nhiều trường Đại học khác.

Riêng ngành Thiết kế thời trang (TKTT) đòi hỏi thí sinh cần có năng khiếu vẽ. Tuy nhiên, ngành TKTT nhà trường tuyển 2 chuyên ngành gồm: chuyên ngành Thiết kế hình ảnh (Sáng tác mẫu) tuyển thí sinh khối V và khối H - đòi hỏi thí sinh cần có năng khiếu vẽ và óc thẩm mỹ sáng tạo. Còn chuyên ngành Thiết kế kỹ thuật thì tuyển sinh cả khối D.

Sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội có cơ hội việc làm  rất lớn. Hiện nay, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lao động trong ngành dệt may có trình độ cao đẳng trở lên chỉ chiếm 11,2%; trong khi đó, trước yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tỷ lệ này cần đạt từ 20-25%.

Qua khảo sát việc làm thực tế trong những năm gần đây cho thấy, sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội có tỷ lệ việc làm cao.

Cụ thể, kết quả khảo sát năm 2020 như sau:

 

 

Đối tượng:

 

 

 

Thông tin kết quả khảo sát

Tỷ lệ chung của

ĐH-K1

(trong vòng 2 tháng sau tốt nghiệp)

Trình độ cao đẳng TN năm 2019 sau 12 tháng

 

Trình độ cao đẳng TN năm 2018 sau 12 tháng

 

1. Tỷ lệ có việc làm

85.4%

96.4%

97.3%

2. Vị trí việc làm

 

 

 

5.1. Có chức danh quản lý

3%

4.3%

5.0%

5.2. Vị trí kỹ thuật

77.3%

62.5%

63.1%

3. Thu nhập bình quân tháng

 

 

 

Thu nhập cao nhất

30

13.8

32.4

Thu nhập bình quân

6.4

7.06

9.5

Bạn đọc

Bạn Vũ Minh Vũ, tỉnh Hưng Yên.:

Cô cho em hỏi, Trường ĐH Dệt may có đào tạo thạc sỹ không ạ?
Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Bà Nguyễn Thị Thu Hường

Hiện nay, Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội chưa đào tạo trình độ thạc sỹ. Sinh viên có nhu cầu học thạc sỹ sẽ thi hoặc xét tuyển tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. 

Bạn đọc

Bạn Xuân Trường, Tuyên Quang:

Em yêu thích công nghệ thông tin, nhưng năm trước vì không đủ điểm đỗ nên em đi học theo nguyện vọng 2 một ngành khác vì không đủ dũng cảm đối diện với việc trượt đại học và 1 năm ở nhà. Nhưng 1 năm đi học, em càng ngày càng thấy mình mất động lực, không hứng thú nên kết quả khá tệ. Em có nên học tiếp hay bỏ ngang để thi lại vào ngành mình yêu thích?
PGS.TS Phạm Mạnh Hà

PGS.TS Phạm Mạnh Hà

PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm hợp tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội

PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm hợp tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội

 

 

Chào em, tuổi trẻ có thể mắc phải sai lầm nhưng điều quan trọng là mình nhận ra và thay đổi. Việc em đã lựa chọn chưa đúng ngành học phù hợp sở thích và sở trường thì em hoàn toàn có thể lựa chọn lại. Điều quan trong là mình chọn đúng ngành nghề yêu thích thì mới có thể phát huy năng lực cá nhân và tạo thành công về sau. Nếu em thưc sự thấy ngành đã chọn không phù hợp, em nên dừng lại và lựa chọn ngành học theo đúng nguyện vọng và sở thích của mình. Chúc em thành công.

Bạn đọc

Bạn Trần Minh Hương, Hà Nội:

Xin hỏi anh Tuấn, ý định khởi nghiệp của anh bắt đầu từ khi nào?
Ông Nguyễn Đình Tuấn

Ông Nguyễn Đình Tuấn

Chào bạn!

Theo mình, mọi người không nhất thiết phải “khởi nghiệp”, quan trọng là tìm được con đường mà mình yêu thích, rồi xác định mục tiêu, kiên trì theo đuổi mới có thể thành công.

Nếu không đỗ Đại học, bạn có thể tìm qua các kênh dạy nghề, tìm được cho mình một người thầy ngoài cuộc sống, hoặc học một ngành nghề mà bạn cảm thấy tự tin, có năng khiếu,….Có rất nhiều cách để bắt đầu tương lai ngoài cánh cổng trường Đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ