Giao lưu trực tuyến “Giáo dục văn hóa dân tộc - Gìn giữ nét đẹp truyền thống”

“Giáo dục văn hóa dân tộc - Gìn giữ nét đẹp truyền thống” là chủ đề giao lưu trực tuyến diễn ra trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h00 đến 10h00 thứ Tư ngày 27/10.

Giao lưu trực tuyến “Giáo dục văn hóa dân tộc - Gìn giữ nét đẹp truyền thống”

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

Cô Trần Thị Thanh Huệ - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Trường PT Vùng Cao Việt Bắc;

Em Bế Thị Khánh Hà - học sinh lớp 12A1, Trường  PT Vùng Cao Việt Bắc.

Giáo dục văn hóa dân tộc – gìn giữ nét đẹp truyền thống trong trường phổ thông dân tộc nội trú là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản, những hiểu biết về vốn văn hoá truyền thống của các dân tộc trên quê hương mình.

Thời gian qua, các trường phổ thông dân tộc nội trú đã có nhiều đổi mới về hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho học sinh với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Bằng việc đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vào trong tiết học, từng hoạt động đã góp phần nâng cao ý thức cho học sinh, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình, tạo điểm nhấn và những bước đột phá góp phần tích cực vào việc hình thành tình cảm trong sáng, cao đẹp, yêu thương, gắn bó với cộng đồng.

Qua đó, giúp các em hình thành và xây dựng các kỹ năng cần thiết để tiếp thu, học hỏi, vận dụng tri thức ở hiện tại cũng như trong tương lai. Làm phong phú thêm nội dung giáo dục đặc thù tại trường Phổ thông dân tộc nội trú, góp phần bồi dưỡng nhân cách con người phong phú về tri thức và văn hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc và miền núi.

Tại buổi giao lưu, các khách mời sẽ cùng chia sẻ những góc nhìn, quan điểm và trách nhiệm trong giáo dục văn hóa dân tộc, gìn giữ nét đẹp truyền thống cho học sinh, sinh viên và những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa  trong thời gian tới.

Nhà báo Ngô Tiến Nha, Phó phụ trách Văn phòng thường trú Báo GD&T khu vực Việt Bắc tặng hoa, cảm ơn các khách mời
Nhà báo Ngô Tiến Nha, Phó phụ trách Văn phòng thường trú Báo GD&T khu vực Việt Bắc tặng hoa, cảm ơn các khách mời

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua facebook của Báo.

Cô Trần Thị Thanh Huệ

Cô Trần Thị Thanh Huệ

Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Trường PT Vùng Cao Việt Bắc

Em Bế Thị Khánh Hà

Em Bế Thị Khánh Hà

Học sinh lớp 12A1, Trường PT Vùng Cao Việt Bắc

Bạn đọc

Bạn Trường Giang (Đắk Nông):

Trước những khó khăn trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hoá dân tộc, Nhà trường đã có những giải pháp cụ thể nào để gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc cho học sinh?
Cô Trần Thị Thanh Huệ

Cô Trần Thị Thanh Huệ

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chụp ảnh lưu niệm cùng thầy trò Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chụp ảnh lưu niệm cùng thầy trò Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.

 

Trường PT Vùng Cao Việt Bắc sẽ tiếp tục coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, tiếp tục xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc trong nhà trường bước đầu tiếp cận với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, đặc biệt là gắn với hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường.

Thường xuyên giáo dục truyền thống văn hoá, bồi dưỡng ý thức dân tộc, nâng cao thái độ trân trọng di sản văn hoá dân tộc và trách nhiệm đối với sự phát triển của cộng đồng và quê hương.

Xây dựng tập thể sư phạm có truyền thống văn hóa, có trách nhiệm với việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, có trách nhiệm với việc giáo dục học sinh dân tộc nói chung và giáo dục văn hóa dân tộc nói riêng. Nhà trường tổ chức các chương trình tập huấn cho giáo viên, tổ chức các chương trình tham quan thực tế, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh miền núi thuộc địa bàn tuyển sinh của nhà trường...

Tiếp tục đa đa dạng hóa nội dung và hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh và điều kiện thực tế của từng nhà trường.

Đồng thời, duy trì và thành lập thêm các Câu lạc bộ về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để học sinh nuôi dưỡng đam mê và phát triển.

Bạn đọc

Bạn thanhha@gmail...:

Hiện một số vùng cao Tây Bắc vẫn còn có hủ tục không còn phù hợp với xã hội ngày nay, cô có thể cho biết hủ tục nào đang tác động nhiều nhất đến các học sinh? Nhà trường đã có những giải pháp gì để góp phần thay đổi những hủ tục đó?
Cô Trần Thị Thanh Huệ

Cô Trần Thị Thanh Huệ

Thời gian qua, mặc dù các cấp, ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin pháp luật về hôn nhân và gia đình, tuy nhiên, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là một trong những mối quan tâm của cả xã hội.

Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng dân số mà còn là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và thế hệ mai sau.

Do đó, để nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trường PT Vùng Cao Việt Bắc sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung về Luật Hôn nhân và gia đình, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân giúp các em có cái nhìn và nhận thức đúng đắn.

Bạn đọc

Bạn thanhthao@gmail...:

Nếu có cơ hội giao lưu với các học sinh vùng miền khác, em sẽ làm gì để giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình?
Em Bế Thị Khánh Hà

Em Bế Thị Khánh Hà

Em sẽ giới thiệu về những nét đặc trưng tiêu biểu trong văn hóa của người dân tộc Tày với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cùng nền ẩm thực đa dạng, hấp dẫn như: Ngôi nhà truyền thống của người Tày là nhà sàn, người Tày thường chọn những loại gỗ quý để dựng nhà, nhà có 2 hoặc 4 mái lợp ngói, tranh hoặc lá cọ.

Giao lưu trực tuyến “Giáo dục văn hóa dân tộc - Gìn giữ nét đẹp truyền thống” ảnh 11

 

Bên cạnh đó, các món ăn trong bữa cơm gia đình của đồng Tày rất phong phú và đa dạng. Người Tày ưa chuộng những món ăn có vị chua như măng chua, thịt lợn chua, cá ruộng ướp chua, các loại quả có vị chua như khế, sấu, trám, tai chua đều được sử dụng trong các món ăn.

Những bộ y phục của người Tày cũng tạo ra nét riêng biệt và mang lại cho người mặc vẻ đẹp thuần khiết, giản dị… Bởi vậy, người Tày vô cùng tự hào về những nét văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, đó là sự kết tinh làm nên những giá trị nhân văn cao đẹp.

Bạn đọc

Bạn Mai Hoa (Quảng Bình).:

Học sinh dân tộc rất ít người khi học chung dưới mái trường trình độ không đồng đều, phát âm tiếng Việt chưa tròn vành rõ tiếng, thiếu tự tin… vậy làm thế nào để các em có thể hoà nhập và học tập tốt với nhau nhưng vẫn duy trì được nền tảng văn hoá vốn có?
Em Bế Thị Khánh Hà

Em Bế Thị Khánh Hà

Bên cạnh sự quan tâm, định hướng của các thầy cô giáo trong nhà trường ngoài giờ học trên lớp những bạn học sinh dân tộc rất ít người còn được tham gia các buổi giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động thể chất, tinh thần do Đoàn thanh niên phát động.

Đồng thời, với vai trò là một cán bộ lớp, một cán bộ Đoàn, em cùng các thành viên khác trong lớp đã chủ động quan tâm, lắng nghe và chia sẻ để có cơ hội thấu hiểu, nắm bắt được tâm tư, tình cảm của các bạn, việc thường xuyên động viên, khích lệ tinh thần sẽ giúp các bạn hòa đồng, tự tin hơn trong học tập và rèn luyện.

Giao lưu trực tuyến “Giáo dục văn hóa dân tộc - Gìn giữ nét đẹp truyền thống” ảnh 14

 

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Long (Hà Nội):

Đối với học sinh là người dân tộc đặc biệt ít người, Bộ GD&ĐT nói chung và nhà trường nói riêng đã có chính sách hỗ trợ như thế nào để các em có thể vừa yên tâm học tập vừa hoà nhập giao lưu cùng các bạn?
Cô Trần Thị Thanh Huệ

Cô Trần Thị Thanh Huệ

Bên cạnh những chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng cho đối tượng học sinh dân tộc thiểu số rất ít người, nhà trường hết sức quan tâm đến các em học sinh thuộc đối tượng này.

Đối với học sinh các dân tộc rất ít người, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn - đối tượng còn nhiều thiếu hụt về kiến thức, nhà trường đã thực hiện phương án chia thành các nhóm nhỏ, phụ đạo lấp đầy kiến thức. Thời gian phụ đạo học sinh yếu, kém mỗi tuần từ 2-3 buổi cho các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh.

Đặc biệt, với môn Ngữ văn và Tiếng Việt, Nhà trường thực hiện bồi dưỡng thêm cho các đối tượng học sinh chưa phát âm thông thạo tiếng Việt. Việc giảng dạy và giáo dục đối tượng học sinh các dân tộc rất ít người gặp vô vàn khó khăn nhưng Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã quyết tâm trong chỉ đạo, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, chăm lo đời sống sinh hoạt, nắm bắt tâm lý, quan tâm tới đời sống của các em. Cử các đồng chí giáo viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết, hiểu biết sâu về tâm lý, đặc điểm của học sinh dân tộc thiểu số chủ nhiệm và giảng dạy các lớp đặc biệt này.

Cô và trò trường PT Vùng Cao Việt Bắc
Cô và trò trường PT Vùng Cao Việt Bắc

 

Các đồng chí giáo viên trực tiếp đứng lớp đã không quản ngại về thời gian, công sức xây dựng kế hoạch giảng dạy và giáo dục phù hợp như: Tăng cường phụ đạo, dạy kèm từng học sinh, nhóm học sinh, tổ chức các hoạt động rèn kỹ năng... từng bước rút kinh nghiệm đưa ra những phương pháp giảng dạy và giáo dục phù hợp.

Nhờ sự nỗ lực và quyết tâm cao cho đến nay Nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo được hơn 600 học sinh dân tộc thiểu số rất ít người có trình độ văn hóa từ lớp 9 thuộc các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng... Nhiều học sinh đã thi đỗ vào các trường Đại học, có học sinh trở thành Học sinh giỏi Quốc gia, nhiều học sinh đạt Học sinh giỏi cấp tỉnh.

Đặc biệt 100% học sinh dân tộc thiểu số rất ít người đỗ tốt nghiệp THPT tiếp tục học ở các trường Đại học, Cao đẳng sau đó trở về địa phương công tác. Điều này khẳng định những nỗ lực và quyết tâm của tập thể lãnh đạo và cán bộ, giáo viên nhà trường, cũng như sự cố gắng, khát vọng vươn lên của các em học sinh dân tộc thiểu số rất ít người.

Bạn đọc

Bạn khanhtran@gmail...:

Theo em, mạng Internet tác động thế nào đến việc giáo dục văn hóa dân tộc - Gìn giữ nét đẹp truyền thống?
Em Bế Thị Khánh Hà

Em Bế Thị Khánh Hà

Mạng Internet là một trong những phát kiến vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ XX, có ảnh hưởng sâu rộng trong thế kỷ XXI, đã làm thay đổi căn bản phương thức sinh hoạt, học tập, làm việc cũng như vui chơi, giải trí của mọi người.

HS trường PT Vùng Cao Việt Bắc rạng rỡ trong trang phục truyền thống. Ảnh tư liệu
HS trường PT Vùng Cao Việt Bắc rạng rỡ trong trang phục truyền thống. Ảnh tư liệu

 

Nhờ có internet mà quá trình truyền đạt thông tin, giao lưu, kết nối giữa các cá nhân, tổ chức, quốc gia trên khắp hành tinh diễn ra nhanh chóng. Đồng thời, mạng internet cũng có những tác động mạnh mẽ, toàn diện, đa chiều đến sự biến đổi của văn hóa ở Việt Nam theo các cấp độ khác nhau.

Theo đó, internet đã làm thay đổi các thói quen, nề nếp sinh hoạt, cung cách ăn, mặc, ở, cách thức giao tiếp, ứng xử… Những biến đổi đó vô cùng đa dạng và phong phú, làm thay đổi cách thức hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa, góp phần thay đổi văn hóa giao tiếp, cách thức làm việc, giao tiếp điện tử đang làm thay đổi sâu sắc văn hóa giao tiếp của con người: Đó là sự giao tiếp xuyên không gian, xuyên quốc gia, không bị giới hạn bởi các đường biên giới.

Từ đó, quan hệ giữa con người với con người được mở rộng, lối sống của các cá nhân cũng chịu ảnh hưởng tác động lẫn nhau góp phần thúc đẩy sự đa dạng về văn hóa nhưng cũng khiến việc bảo vệ bản sắc trong đa dạng văn hóa trở nên khó khăn hơn trong mọi quốc gia, dân tộc.

Bạn đọc

Bạn Vantrinhtu@....:

Vừa qua, trường đã triển khai Dự án “An toàn sử dụng mạng Internet cho nữ sinh dân tộc thiểu số”, thầy cô có thể chia sẻ nhiều hơn dự án này không?
Cô Trần Thị Thanh Huệ

Cô Trần Thị Thanh Huệ

Với mục tiêu tăng cường khả năng kiến thức, kỹ năng ứng phó với các nguy cơ mất an toàn về bạo lực giới trên internet cho nữ sinh dân tộc thiểu số, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (C.CIHP) đã phối hợp với Trường Phổ thông Vùng cao triển khai dự án “An toàn sử dụng mạng Internet cho nữ sinh dân tộc thiểu số” với đối tượng là các bạn nữ sinh của nhà trường. Hiện số lượng nòng cốt tham gia dự án gồm 34 học sinh.

Sau những buổi tập huấn cùng các chuyên gia cho học sinh nòng cốt, dự kiến nhóm dự án sẽ tổ chức truyền thông theo lớp, theo khối và toàn trường.

Trường Phổ thông Vùng cao triển khai dự án “An toàn sử dụng mạng Internet cho nữ sinh dân tộc thiểu số”
Trường Phổ thông Vùng cao triển khai dự án “An toàn sử dụng mạng Internet cho nữ sinh dân tộc thiểu số”

 

Bạn đọc

Bạn Hoangninh2265@...:

Trong xu hướng thế giới hội nhập giao lưu các nền văn hoá ngày càng mạnh mẽ, làm thế nào để giới trẻ vừa tiếp cận với những nền văn hoá mới nhưng vẫn giữ được những giá trị truyền thống “hoà nhập nhưng không hoà tan”?
Em Bế Thị Khánh Hà

Em Bế Thị Khánh Hà

Em nghĩ, hoà nhập nền văn hóa thế giới luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực, điều quan trọng là mỗi người phải có bản lĩnh để tiếp nhận tinh hoa thế giới của nhân loại mà vẫn giữ được giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bên cạnh đó, muốn tạo nên sức mạnh nội lực, chúng ta cần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét đặc trưng riêng về văn hóa, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá phù hợp với điều kiện, bối cảnh và hướng đến phát triển tương lai.

Bạn đọc

Bạn Bao5021@...:

Thưa cô, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có ý nghĩa như thế nào đối với nhà trường và học sinh?
Cô Trần Thị Thanh Huệ

Cô Trần Thị Thanh Huệ

Học sinh trường trường PT Vùng Cao Việt Bắc trong giờ học ngoại ngữ
Học sinh trường trường PT Vùng Cao Việt Bắc trong giờ học ngoại ngữ

 

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số luôn là một nội dung quan trọng được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo trong suốt quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước. Bởi, văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đa dạng.

Các giá trị văn hóa do các cộng đồng dân tộc thiểu số sáng tạo ra trong quá trình sinh tồn, phát triển, là những yếu tố làm nên giá trị đặc sắc của mỗi cộng đồng.

Do đó, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc sẽ góp phần tạo động lực để phát triển đời sống kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bạn đọc

Bạn Hanguyen07@...:

Theo em, vì sao nhiều học sinh ngày nay đua nhau học theo các xu hướng mới, thờ ơ trước những bản sắc văn hoá dân tộc?
Em Bế Thị Khánh Hà

Em Bế Thị Khánh Hà

Hiện nay, nhiều người, nhất là những người trẻ đang dần quên mất những giá trị văn hóa tốt đẹp, ví dụ: Cách cư xử thiếu văn hóa, sử dụng những từ ngữ, cách viết làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt...).

Nhiều nền văn hóa khác nhau đã và đang du nhập vào Việt Nam như văn hóa châu Âu, văn hóa Hàn quốc,... qua phim ảnh, âm nhạc... cũng khiến nhiều bạn trẻ bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến những hành động quá mức, thậm chí là lệch lạc, sai trái, có lối sống sính ngoại, sống “thoáng” để rồi thờ ơ và làm mai một đi những bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bạn đọc

Bạn Kiều Oanh (Sơn La):

Mỗi dân tộc có một bản sắc riêng, vậy giữa rất nhiều nền văn hóa trong một tập thể, theo em làm thế nào để nổi bật bản sắc dân tộc của mình?
Em Bế Thị Khánh Hà

Em Bế Thị Khánh Hà

Để làm nổi bật bản sắc dân tộc em đã giới thiệu với các bạn về những nét đặc sắc của dân tộc mình, tích cực tham gia các chương trình, các hoạt động, CLB ngoại khóa để những nét đặc trưng của dân tộc được lan tỏa rộng rãi đến nhiều người xung quanh.

Bạn đọc

Bạn Mạnh Quân (Bắc Kạn):

Cô có suy nghĩ gì về thực trạng những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp ngày càng bị mai một?
Cô Trần Thị Thanh Huệ

Cô Trần Thị Thanh Huệ

Đa dạng hóa nội dung và hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở trường PT Vùng Cao Việt Bắc
Đa dạng hóa nội dung và hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở trường PT Vùng Cao Việt Bắc 

 

Hiện nay, câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp là vấn đề đang được xã hội rất quan tâm. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý văn hóa đã bày tỏ lo lắng trước thực trạng mai một dần các giá trị truyền thống, đặc biệt đáng báo động trong nếp sống, tập tục của một số dân tộc thiểu số.

Nhiều không gian nông thôn truyền thống bị phá vỡ, mất đi tính đặc thù với các giá trị bản sắc văn hóa; văn hóa truyền thống mai một, chênh lệch về đời sống vật chất và tinh thần giữa nông thôn - thành thị ngày càng lớn. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể, nhất là nghệ thuật dân gian truyền thống bị lãng quên bởi sự thiếu mặn mà của công chúng…

Chính vì vậy, "gạn đục khơi trong" là yêu cầu cấp thiết trong bảo tồn các giá trị của văn hóa truyền thống trong thời đại ngày nay.

Bạn đọc

Bạn Mailam43@...:

Để hoàn thiện bản thân về lối sống đạo đức cũng như tâm hồn thì với học sinh cần tìm hiểu và trau dồi những kiến thức cụ thể nào?
Em Bế Thị Khánh Hà

Em Bế Thị Khánh Hà

Cuộc sống vốn muôn màu muôn vẻ, trong một cộng đồng rộng lớn, mỗi cá nhân lại có những nét đặc sắc riêng biệt. Thế nhưng, dù có khác biệt đến mấy, thì xã hội vẫn luôn mong muốn và hướng con người đến một lối sống đẹp, sống văn minh, bằng nhiều hình thức định hướng giáo dục từ gia đình đến nhà trường.

Vậy, để hoàn thiện bản thân về lối sống đạo đức và tâm hồn theo em, mỗi học sinh cần xác định rõ mục tiêu, có những ước mơ và lý tưởng tốt đẹp, luôn nỗ lực hết mình lao động, sáng tạo hăng say.

Đặc biệt là đối với học sinh người dân tộc thiểu số, bên cạnh đề cao việc tu dưỡng rèn luyện phẩm cách đạo đức, sống có lòng tự trọng, nhân ái, ứng xử một cách chân thành thì mỗi người còn cần tìm hiểu và thấm nhuần các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, biết cách phát huy, tiếp nối và trao truyền cho thế hệ mai sau.

Bạn đọc

Bạn Minhduc0208@.....:

Mỗi học sinh trong trường là đại diện văn hóa của một vùng quê, một dân tộc, vậy nhà trường đã tạo điều kiện như thế nào để các em được thể hiện các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và tiếp xúc với các giá trị văn hóa của dân tộc khác?
Cô Trần Thị Thanh Huệ

Cô Trần Thị Thanh Huệ

Để học sinh có thể phát huy hết thế mạnh của mình, đặc biệt là phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trường Phổ thông Vùng Cao Việt thường xuyên giáo dục học sinh về tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, gắn bó, cộng đồng trong nhà trường.

Tổ chức đa dạng các hoạt động để các em học sinh có cơ hội để thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc mình đồng thời giao lưu học học, nâng cao hiểu biết về văn hóa của các dân tộc anh em, trước hết là các dân tộc đang học tập tại nhà trường. Như mặc trang phục dân tộc vào sáng thứ 2 chào cờ, các sự kiện trọng đại của nhà trường; tổ chức các chương trình sinh hoạt dưới cờ giới thiệu về các nét văn hóa  đặc sắc của các dân tộc (mỗi tuần giới thiệu 1 dân tộc), tổ chức sinh hoạt chi đoàn theo chủ điểm; Tết Dân tộc Mông; Thi Vũ Dân tộc, Người đẹp văn hóa các dân tộc, Ngày hội trò chơi dân gian…

Cô và trò trường PT Vùng Cao Việt Bắc tham dự Đại hội các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II
Cô và trò trường  PT Vùng Cao Việt Bắc tham dự Đại hội các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II 

 

Nhà trường luôn tận dụng mọi cơ hội để giúp học sinh được tham gia các sự kiện văn hóa, chính trị lớn của đất nước, của địa phương và của ngành giáo dục như Đại hội các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II tại Hà Nội; Hội nghị ACT+1 lần thứ 33 tại Đà Nẵng; Các sự kiện chính trị quan trọng, Đại hội Thể dục thể thao của Tỉnh Thái Nguyên đều có sự tham gia của hàng trăm học sinh nhà trường.

Điều đó giúp các em được giao lưu, học hỏi, đồng thời thêm tự hào và trân quý bản sắc văn hoá dân tộc mình, hiểu biết, tôn trọng những nét đặc trưng văn hoá của các dân tộc anh em.

Tạo điều kiện cho học sinh tham gia các cuộc thi tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc, ở cuộc thi Tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, nhà trường đều lựa chọn những chủ đề liên quan đến bản sắc văn hóa dân tộc để tham gia và đã đạt giải Nhất.

Thông qua việc tham gia những cuộc thi ý nghĩa này, không chỉ giúp học sinh thêm tự hào về những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, mà còn góp phần lan tỏa, quảng bá niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình đối với các bạn bè trên cả nước.

Bạn đọc

Bạn Uyen09@...:

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, giới trẻ dễ dàng tiếp cận với rất nhiều thông tin, nhiều nền văn hoá hiện đại và tiên tiến trên thế giới, vậy theo em việc gìn giữ bản sắc dân tộc trở cần thiết đối với các bạn trẻ không?
Em Bế Thị Khánh Hà

Em Bế Thị Khánh Hà

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay, những nền văn minh hiện đại, tiên tiến trên thế giới được du nhập vào Việt Nam đã được giới trẻ đón nhận và tham gia tích cực. Em nghĩ càng như thế việc giữ gìn bản sắc dân tộc càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chúng ta cần phải giữ gìn, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bởi đó là nét đẹp, bản sắc đặc trưng của đất nước, quê hương Việt Nam.

Việc giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc sẽ làm cho mỗi người có thêm sức mạnh, tự tin và tự hào trong cuộc sống và làm cho bản sắc dân tộc thêm phong phú, đậm đà, tiến gần hơn đến với bạn bè quốc tế.

Giao lưu trực tuyến “Giáo dục văn hóa dân tộc - Gìn giữ nét đẹp truyền thống” ảnh 43

 

Bạn đọc

Bạn Phương Trang (Thái Nguyên).:

Cô có thể cho biết điều gì đã làm nên bản sắc đặc trưng của Trường PT Vùng Cao Việt Bắc? Nhà trường đã có những hoạt động nổi bật gì để “Giáo dục văn hóa dân tộc - Gìn giữ nét đẹp truyền thống” cho học sinh, thưa cô?
Cô Trần Thị Thanh Huệ

Cô Trần Thị Thanh Huệ

Cô Trần Thị Thanh Huệ, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng trường PT Vùng Cao Việt Bắc.

Cô Trần Thị Thanh Huệ, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng trường PT Vùng Cao Việt Bắc.

Đặc trưng nhất của Trường PT Vùng Cao Việt Bắc là luôn tiên phong trong việc khẳng định quan điểm: Nếu có đội ngũ giáo viên giỏi và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tốt thì có thể phát triển trí lực học sinh dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ngang với học sinh được sinh sống ở đô thị hay miền xuôi.

Quan điểm đúng đắn đó đã được chứng minh bằng kết quả giáo dục của nhà trường trong những năm qua.

Về kỷ cương, nề nếp tốt: Các hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc luôn được nhà trường chú trọng và thực hiện hiệu quả góp phần quảng bá thương hiệu, thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

Đối với trườngPhổ thông Dân tộc nội trú, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ đặc thù và có vai trò hết sức quan trọng. Trong những năm qua, bên cạnh việc gắn công tác giáo dục, đào tạo với giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc của nhà trường đã được triển khai thực hiện hiện quả. Cụ thể:

Nhà trường luôn giáo dục cho học sinh ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc thông qua việc mặc trang phục dân tộc vào sáng thứ hai hàng tuần và những dịp trọng đại của nhà trường, của Thành phố, của Tỉnh, của đất nước. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức.

Giáo dục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thông qua dạy học tích hợp trong các môn học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa.

Đặc biệt, việc giáo dục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được thực hiện có hiệu quả thông qua các hoạt động ngoại khóa. Hàng năm nhà trường tổ chức cho học sinh tham quan tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Lực lượng vũ trang Quân khu I, trải nghiệm tại các làng nghề tại các địa phương,… Nhà trường còn tổ chức các chương trình tham quan thực tế, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh miền núi thuộc địa bàn tuyển sinh của nhà trường, qua đó góp phần giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường thêm hiểu về bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương ở địa bàn tuyển sinh, mời các nghệ nhân dân gian, tổ chức tái hiện các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của các dân tộc để giới thiệu cho học sinh.

Đa dạng hóa nội dung và hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh và điều kiện thực tế của từng nhà trường.

Cụ thể: Tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận về các giá trị của văn hóa truyền thống tại bản làng và vùng đất sinh sống của các em; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, sáng tác theo các chủ đề về bảo tồn văn hóa dân tộc, khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc do các cấp, các ban ngành tổ chức.

Bên cạnh đó, là các hoạt độnghội diễn văn nghệ, các hội thi “Trình diễn trang phục dân tộc”, “Người đẹp văn hoá các dân tộc”, “Ngày hội các trò chơi dân gian”, “Phiên chợ vùng cao”, “Vũ dân tộc”, nhằm tôn vinh và tạo sân chơi cho các em học sinh gần gũi thấu hiểu về đặc trưng của từng dân tộc anh em; Khuyến khích các em học sinh học và biểu diễn những làn điệu dân ca của các dân tộc như hát Sli (Nùng), lượn (Tày), khắp (Thái), khèn (Hmông), múa tắc xình (Sán Chay), múa xòe (Thái)...

Ngoài ra, nhà trường còn duy trì và thành lập các Câu lạc bộ về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như: Câu lạc bộ hát then, câu lạc bộ sáo trúc, câu lạc bộ thời trang... để các em nuôi dưỡng đam mê và phát triển tài năng của mình.

Bạn đọc

Bạn phuonghoa@gmail...:

Trong quá trình học tập và giao lưu văn hóa trong trường em đã có những trải nghiệm thú vị nào?
Em Bế Thị Khánh Hà

Em Bế Thị Khánh Hà

Trong suốt quá trình học tập, Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động để học sinh được giao lưu, trải nghiệm như tổ chức các cuộc thi văn nghệ, Chợ Tết vùng cao, sinh hoạt dưới cờ…

Em ấn tượng nhất với ngày Tết vùng cao, bởi đó là dịp chúng em được giới thiệu đến các bạn những món ăn là đặc sản của quê hương mình, được trải nghiệm các trò chơi dân gian và ngắm nhìn những trang phục độc đáo.

Các em HS trường PT Vùng Cao Việt Bắc với sản phẩm bánh trôi ngũ sắc trong "Phiên chợ Tết". Ảnh tư liệu
Các em HS trường PT Vùng Cao Việt Bắc với sản phẩm bánh trôi ngũ sắc trong "Phiên chợ Tết". Ảnh tư liệu

 

Bạn đọc

Bạn Hanhnguyen@...:

Trường PT Vùng Cao Việt Bắc hiện có bao nhiêu học sinh là người dân tộc thiểu số và gồm những dân tộc nào, thưa cô?
Cô Trần Thị Thanh Huệ

Cô Trần Thị Thanh Huệ

Trường phổ thông Vùng Cao Việt Bắc là trường chuyên biệt thực hiện nhiệm vụ tạo nguồn cho cán bộ là người dân tộc thiểu số của 20 tỉnh miền núi. Với 2 hệ đào tạo là phổ thông dân tộc nội trú và dự bị đại học dân tộc, hiện nay nhà trường có tổng số học sinh là 2.560 em, các em đều là những học sinh người dân tộc thiểu số đại diện cho 25 dân tộc đến từ các tỉnh thành phố phía Bắc.

Trường PT Vùng Cao Việt Bắc hiện có tổng số học sinh là 2.560 em, các em đều là những học sinh người dân tộc thiểu số. Ảnh tư liệu
Trường PT Vùng Cao Việt Bắc hiện có tổng số học sinh là 2.560 em, các em đều là những học sinh người dân tộc thiểu số. Ảnh tư liệu

 

Bạn đọc

Bạn haichau@gmail:

Là một học sinh đại diện cho một nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình, em cảm nhận như thế nào khi được học tập và được tiếp cận với nhiều nét văn hóa của các dân tộc khác tại trường PT Vùng Cao Việt Bắc?
Em Bế Thị Khánh Hà

Em Bế Thị Khánh Hà

Em Bế Thị Khánh Hà, Học sinh lớp 12A1, Trường PT Vùng Cao Việt Bắc
Em Bế Thị Khánh Hà, Học sinh lớp 12A1, Trường PT Vùng Cao Việt Bắc

 

Tại Trường PT Vùng Cao Việt Bắc em đã được học tập và tiếp cận với rất nhiều nền văn hóa khác nhau. Mỗi dân tộc lại có một nét đặc trưng và để lại cho em những ấn tượng riêng.

Đối với dân tộc H’mông, trang phục cổ truyền của dân tộc họ chính là một trong những nhân tố làm nên bản sắc văn hoá độc đáo gồm: váy, áo xẻ ngực, yếm lưng, thắt lưng, khăn quấn đầu, chân vấn xà cạp. Váy hình nón cụt, xếp nhiều nếp xoè rộng.

Đồng bào Dao ở Tuyên Quang lại có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú với nhiều phong tục, nghi lễ, nghệ thuật đặc sắc…

Có cơ hội được trải nghiệm nhiều nền văn hóa dân tộc khác nhau đã giúp em có thêm kiến thức và được giao lưu trao đổi nét văn hóa dân tộc mình với các bạn trong trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.