Giao lưu trực tuyến “Khi yêu thương được nói thành lời”

Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Khi yêu thương được nói thành lời” diễn ra trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h30 – 10h30 thứ Năm ngày 30/9.

Giao lưu trực tuyến “Khi yêu thương được nói thành lời”

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

  • Cô Trà Thị Thu, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam;
  • Thầy A Phiên, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Nếu không có tình yêu, lòng trân trọng nghề, nếu không có tình người, mà cụ thể hơn đó là lòng yêu trẻ thì những giáo viên cắm bản không bao giờ có được một nghị lực phi thường để đến, ở lại và gắn bó với những miền quê heo hút.  

Một cô giáo trẻ vừa tốt nghiệp trường Sư phạm, được phân công công tác tại điểm trường lẻ heo hút, phải đi bộ vài tiếng đồng hồ mới đến nơi. Cô học tiếng của đồng bào, tranh thủ sau giờ dạy lên rẫy với học trò, vận động các nhà hảo tâm để xin cả sữa bột cho trẻ, thậm chí vừa dạy vừa… giữ trẻ - bởi nếu không cho trò cõng theo em thì chúng nghỉ ở nhà trông em vì bố mẹ bận lên nương rẫy…

Một thầy giáo đã đứng tuổi, ngày nắng cũng như ngày mưa vẫn đều đặn chạy xe ra điểm trường chính nhận thức ăn rồi đem về điểm trường thôn vừa dạy học vừa làm đầu bếp, chăm chút từng bữa ăn cho HS để các em không nghỉ học vào buổi chiều.

Những yêu thương, chăm chút, sự tận tâm, tận hiến của thầy cô giáo đối với HS chính là những sợi chỉ đỏ để kết nối những tấm lòng cho sự nghiệp giáo dục. Những tấm lòng đã kết nối những tấm lòng để nối dài thương yêu, chăm chút cho những mầm non ở vùng đất khó.

Khách mời là các giáo viên đang công tác ở vùng khó sẽ chia sẻ góc nhìn chân thực và sinh động về Trường học hạnh phúc, để mỗi ngày đến trường, đối với cả học sinh và thầy cô giáo, đều là một ngày vui.

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua Fanpage của Báo.

Cô Trà Thị Thu

Cô Trà Thị Thu

Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam

Thầy A Phiên

Thầy A Phiên

Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học - THCS xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Thị Thúy, Kontum:

Cô có thể chia sẻ kinh nghiệm và cách làm để học sinh luôn gần gũi, chia sẻ mọi khó khăn trong học tập và cuộc sống với thầy cô?
Cô Trà Thị Thu

Cô Trà Thị Thu

Thật sự thì không có một biện pháp nào hay kinh nghiệm nào tốt nhất để gần gũi với các em ngoài một tình yêu thương thật sự. Nếu có tình yêu thương với các em tự ắt mọi thứ hóa đơn giản. Có lẽ tôi làm mọi việc bằng tấm lòng chân thành của mình, tôi luôn có mặt kịp thời khi phụ huynh hoặc HS của mình gặp khó khăn, cần được trợ giúp nên thứ tôi luôn nhận lại được là sự yêu thương, quan tâm, gần gũi, giúp đỡ của cả phụ huynh và học sinh.

Bạn đọc

Bạn ngocngan@...:

Thầy thường dành những quan tâm, động viên thiết thực nào cho học trò để tạo động lực cho các em theo đuổi con chữ, phấn đấu vì tương lai tốt đẹp hơn?
Thầy A Phiên

Thầy A Phiên

Trước đây, khi chưa có bếp ăn của trường, mình tự nấu cơm nhà cho học sinh ăn để chiều các em tiếp tục ra lớp. Mặc dù lúc đó gia đình còn nhiều khó khăn nhưng mình vẫn mong các em ăn no để học tập. Ngoài giờ lên lớp mình trồng rau, nuôi thêm gà để cải thiện bữa ăn cho học sinh. Từ đó, các em đến nhà mình ăn trưa rồi ra lớp nên tỷ lệ chuyên cần cũng tăng lên.

Thầy A Phiên: "Các em ăn no, học tốt là mình thấy hạnh phúc rồi"
Thầy A Phiên: "Các em ăn no, học tốt là mình thấy hạnh phúc rồi"

 

Giờ đây khi có bếp ăn miễn phí của trường, mình nhận nhiệm vụ đi lấy thức ăn và nấu cơm trưa cho học sinh. Mặc dù mình không phải là đầu bếp chuyên nghiệp nhưng mình biết khẩu vị và sở thích của các em học sinh. Do đó, đa số nấu bao nhiêu đồ ăn thì học trò ăn hết bấy nhiêu. Nhiều em ăn xong khen đồ ăn ngon, mình thấy rất vui và cũng là động lực để mình nấu cho các em ăn mỗi ngày. Thấy các em ăn no, học tốt là mình thấy hạnh phúc rồi.

Nấu cơm và cho các em ăn xong mình về nhà ăn cơm với gia đình. Mình không ăn ở trường đâu, vì đây là đồ ăn của các em. Nếu mình mà ăn thì hết của học trò mất. Các em ăn để lấy sức học con chữ, sau này mới có hy vọng thoát nghèo được.

Ngoài việc nấu ăn, mình cũng chuẩn bị một số phần quà nhỏ để tặng cho học sinh có thành tích học tập tốt. Qua đó, khích lệ các em cố gắng vươn lên trong học tập.

Bạn đọc

Bạn Phạm Phương, An Giang:

Đối với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cô và các đồng nghiệp đã làm gì để giữ chân trò ra lớp?
Cô Trà Thị Thu

Cô Trà Thị Thu

Điều đầu tiên chúng tôi làm là đi tới từng hộ gia đình, họp dân làng tuyên truyền việc học của các em là rất cần thiết,.. để ba mẹ không còn dẫn các em lên rẫy.

Tôi cũng đồng ý cho các em cõng theo em của mình cùng đi học. Vì khi ba mẹ lên rẫy, không có ai giữ em, chúng tôi phải làm vậy để các em có thể đi học đều hơn.

Chăm chút cho học trò từ những điều nhỏ nhất.
Chăm chút cho học trò từ những điều nhỏ nhất.

 

Ngoài ra, chúng tôi còn tìm cách kết nối các nguồn lực hỗ trợ để HS có thêm sữa , bữa ăn có thêm thịt, cá để giúp các em ấm bụng sau những giờ học, cải thiện tình trạng thể chất.

Với những em học sinh ở xa trường, chúng tôi tạo điều kiện cho các em ở lại trường cả năm học, nuôi dưỡng, chăm sóc từng li từng tí cho các em.

Và điều không thể thiếu là thầy cô giáo phải gần gũi, thân thiện, yêu thương, thường xuyên tâm sự, nói chuyện với các em để các em cởi mở, biết các em đang cần gì để có thể hỗ trợ, giúp đỡ...

Bạn đọc

Bạn danglong@....:

Năm học này, trường mới chưa xây dựng xong, cô và trò điểm trường Tắk Pổ vẫn phải dạy – học tại điểm trường dựng tạm. Cô có lo lắng gì khi sắp vào mùa mưa bão không?
Cô Trà Thị Thu

Cô Trà Thị Thu

Đây cũng là một vấn đề hết sức trăn trở và lo lắng của lãnh đạo nhà trường cũng như bản thân tôi và phụ huynh. Trường tạm nên không đảm bảo an toàn, mỗi lần mưa gió nước mưa bay vào ướt hết cả bàn ghế, mái tôn như muốn bay ra ngoài, nước chảy lai láng vào phòng học. Vừa qua, mưa gió mạnh nên cả sườn mái hiên trường bị gió lật hết lên. Chúng tôi cũng khắc phục tạm thời bằng những bao cát chần trên mái trường.

Cho dù mọi thứ khó khăn và lắm gian nan nhưng cô trò sẽ cùng nhau cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học này.

Bạn đọc

Bạn haitrieu2@...:

Yêu thương ít khi được thể hiện bằng lời nói. Vậy với thầy, tình yêu thương của học trò dành cho thầy trong suốt quãng thời gian qua được các em thể hiện thông qua những việc làm, hành động nào?
Thầy A Phiên

Thầy A Phiên

Học sinh nơi đây ngại giao tiếp, trò chuyện cùng thầy cô nên việc các em bày tỏ tình cảm với giáo viên là rất hiếm. Tuy nhiên, thông qua nụ cười, ánh mắt biết nói hoặc nghe lời giáo viên thì mình biết rằng học trò quý trọng và yêu thương mình. Với mình, chỉ cần học sinh chăm chỉ đến lớp, nghe lời thầy cô và cố gắng học tập thì đó là tình yêu thương lớn nhất mà các em dành tặng giáo viên.

Bạn đọc

Bạn quannguyen@...:

Theo thầy, việc sẻ chia, thấu hiểu với hoàn cảnh gia đình học sinh đóng vai trò như thế nào trong công tác dạy và học?
Thầy A Phiên

Thầy A Phiên

Theo mình việc sẻ chia, thấu hiểu với hoàn cảnh gia đình học sinh đóng vai trò rất quan trọng trong công tác dạy và học. Bởi nếu giáo viên không kịp thời nắm bắt hoàn cảnh thì sẽ có nhiều học sinh vì gia đình quá khó khăn mà nghỉ học. Đặc biệt đối với học sinh vùng cao thì việc quan tâm, động viên các em là rất cần thiết.

Bởi cuộc sống của các em đa số là khó khăn, bố mẹ ít quan tâm đến việc học của con cái, do đó, nhiều gia đình vì thiếu thốn nên đưa con theo lên nương rẫy và không muốn cho con ra lớp. Bên cạnh việc hỗ trợ vật chất, nhu yếu phẩm, thì công tác tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh giúp gia đình thấy được tầm quan trọng của việc học. Từ đó, thay đổi nhận thức để tạo điều kiện tối đa cho học sinh ra lớp.

Giao lưu trực tuyến “Khi yêu thương được nói thành lời” ảnh 17

 

Bạn đọc

Bạn hoanganhthang@....:

Ngoài giờ học chính khóa, HS điểm trường lẻ như Tắk Pổ có các hoạt động ngoại khóa nào phù hợp với điều kiện địa phương hay không?
Cô Trà Thị Thu

Cô Trà Thị Thu

Năm nay, vì đang dạy ở trường tạm để bàn giao mặt bằng xây dựng điểm trường mới tại Tắk Pổ nên điều kiện sân trường không có. Vì vậy tôi chỉ tổ chức cho HS tham gia những hoạt động đơn giản, phù hợp với tình hình thực tế như: trồng rau, trồng hoa, chăm sóc cây xanh tạo môi trường xanh – sạch – đẹp; tổ chức các hoạt động xây dựng kỹ năng tự phục vụ bản thân như gấp chăn màn, áo quần, đánh răng, vệ sinh cá nhân, cách chăm sóc và bảo vệ thân thể…

Bạn đọc

Bạn Thi Trang – Bắc Kạn:

Thầy có mong muốn gì gửi các cấp lãnh đạo để cải thiện khó khăn đối với giáo viên và các em học sinh vùng khó?
Thầy A Phiên

Thầy A Phiên

Là một giáo viên vùng cao, mình hy vọng các cấp lãnh đạo quan tâm hơn nữa đến học sinh vùng khó khăn, dân tộc thiểu số. Mình mong rằng tất cả các em sẽ có bữa cơm đủ đầy dưỡng chất để có sức khoẻ học con chữ. Còn đối với giáo viên vùng sâu vùng xa, mình mong muốn sẽ có những chế độ, chính sách đặc biệt hơn nữa, bởi có nhiều người phải vượt chặng đường cả trăm km để đi dạy con chữ cho học trò. Không những vậy, nhiều giáo viên nhà xa phải cắm bản, điều kiện đi lại, ăn ở còn nhiều thiếu thốn.

Bạn đọc

Bạn Hoàng Linh, Cao Bằng:

Học sinh của cô có theo kịp chương trình – sách giáo khoa mới không, cô có phải giãn tiết và phụ đạo thêm cho các em không?
Cô Trà Thị Thu

Cô Trà Thị Thu

Vì 100% HS lớp tôi là người dân tộc thiểu số nên các em có hơi chậm khi chuyển từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng phổ thông. Việc truyền tải và tiếp thu kiến thức vì vậy cũng có chút ảnh hưởng, GV buộc phải chậm hơn trong một số hoạt động để HS nắm được bài. Nay còn điều chỉnh kế hoạch dạy học ứng phó dịch Covid, lượng kiến thức rất nhiều. Nhưng tôi và học sinh tôi vẫn dạy – học theo đúng chương trình; và bổ sung thêm kiến thức cho các em vào những tiết phụ đạo hoặc những lúc tôi rảnh.

Bạn đọc

Bạn Hải Đường – Bình Dương:

Thầy có thể chia sẻ kinh nghiệm và cách làm để học sinh luôn gần gũi, chia sẻ mọi khó khăn trong học tập và cuộc sống với thầy cô?
Thầy A Phiên

Thầy A Phiên

Các em học sinh vùng sâu vùng xa, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số rất ngại giao tiếp và sẻ chia nên điều này dường như khá khó đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ. Theo mình, chỉ cần sự yêu thương, gần gũi và đồng cảm với học trò thì các em sẽ dần mở lòng với giáo viên. Mình nghĩ rằng nếu giáo viên thường xuyên trò chuyện, tổ chức các hoạt động ngoại khoá cho học sinh sẽ giúp các em hoà đồng và cởi mở hơn. Mình tin rằng, giáo viên cố gắng vượt qua khó khăn, hết lòng vì học trò thì sẽ nhận lại tình yêu thương, sự sẻ chia của các em.

Bạn đọc

Bạn Minh Thu – Đà Nẵng:

Cô có thể chia sẻ về tình cảm, động lực nào khiến cô gắn bó, dành tâm huyết cho học sinh vùng khó?
Cô Trà Thị Thu

Cô Trà Thị Thu

Có lẽ tôi đồng cảm và ảnh hưởng phần nào đó của thuở nhỏ nên tôi rất yêu thương trẻ con. Tình yêu của tôi đối với học sinh là vô bờ bến, không tính toán, không so đo, không cần nhận lại. Tôi thương sự nghèo khó, thiếu thốn, lương thiện và cảm phục những nỗ lực từng ngày của những phụ huynh của mình. Tôi thương tụi nhỏ vì mỗi lần đọc ê a không nhớ,.. Tôi luôn trăn trở để tìm cách giúp họ thế nào để họ bớt nhọc nhằn trong cuộc sống.

Tôi chỉ hy vọng gieo vào các em tình yêu với trường lớp, có được niềm vui trong học hành, nắm được các kiến thức căn bản để thấy việc học không quá khó khăn và nặng nề. Bằng cách đó, HS của tôi sẽ đến trường đều đặn, không nghỉ học giữa chừng để làm nương làm rẫy. Tôi rất mong mỏi rằng cuộc sống của các em tốt lên từng ngày, đi theo trọn con đường học hành, sau này có được một công việc để nuôi sống bản thân…

Bạn đọc

Bạn Caonguyen@...:

Để duy trì sĩ số lớp và giúp các em nhận được tầm quan trọng của việc học, điều kiện quan trọng nhất là gì, thưa thầy ?
Thầy A Phiên

Thầy A Phiên

Đối với học sinh vùng cao, để duy trì sĩ số thì giáo viên phải thường xuyên quan tâm, động viên, sẻ chia với phụ huynh và các em. Từ đó, nắm bắt được những khó khăn, thiếu thốn và lý do “ngại” đến lớp của học sinh để có phương án hỗ trợ kịp thời. Còn đối với điểm trường cụm Đăk Ka nơi mình đang giảng dạy thì việc duy trì bữa cơm trưa dường như là điều kiện bắt buộc để giữ chân học trò. Bởi gia đình các em đa số khó khăn, thiếu thốn nên việc ăn no còn khó, chưa kể đến việc đủ chất dinh dưỡng. Do đó, bữa cơm ở trường với thịt, cá, trứng, sữa… sẽ giúp học sinh có sức khoẻ và động viên tinh thần các em đến lớp.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Hà Quảng – Nam Định:

Bộ ảnh về Lễ khai giảng năm học 2019 – 2020 đơn sơ nhưng ấm áp của cô và trò điểm trường Tắc Pổ đã truyền cảm hứng đối với những người quan tâm đến giáo dục. Lễ khai giảng nào cũng được cô chuẩn bị chu đáo như thế hay sao?
Cô Trà Thị Thu

Cô Trà Thị Thu

Từ những năm đầu tiên tôi đi dạy, cho dù ở thôn bản khó khăn về mọi thứ nhưng tôi không có quan niệm làm lễ cho có. Tôi vẫn làm đầy đủ, chu đáo các trình tự khai giảng, tự cắt giấy màu để dán chữ trang trí, vẫn tự lên chương trình, làm lễ đón học sinh đầu cấp, chào cờ, đọc thư Chủ tịch nước,…

Vì tôi nghĩ với giáo dục, lễ Khai giảng đầu năm học rất quan trọng. Đó là sự khởi đầu của một năm học mới sau 3 tháng HS nghỉ hè. Có thể rồi các em sẽ quên đi nhiều kiến thức trong sách vở, nhưng ấn tượng của những lễ khai giảng sẽ là những kỷ niệm đẹp khi nhớ về thời đi học.

Thế nên, dù ở đâu, khó khăn nhường nào thì mình cũng nên làm chu toàn trong khả năng có thể, tạo không khí phấn khởi, vui tươi để bắt đầu một năm học mới nhiều màu sắc và cũng tự tạo được niềm vui cho cô trò, giúp các em hiểu rõ hơn về ngày Khai giảng năm học.

Cô và trò trong ngày Khai giảng năm học mới
Cô và trò trong ngày Khai giảng năm học mới

 

Bạn đọc

Bạn khaihoang@...:

Điều khó khăn nhất mà thầy và các giáo viên khác gặp phải khi giảng dạy cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số là gì?
Thầy A Phiên

Thầy A Phiên

Học sinh trường PTDTBT Tiểu học - THCS xã Tu Mơ Rông
Học sinh trường PTDTBT Tiểu học - THCS xã Tu Mơ Rông

 

Theo mình, điều khó khăn nhất với bản thân và giáo viên vùng cao là học sinh ngại giao tiếp, tự ti. Mình là người địa phương nên cũng thuận lợi hơn khi trò chuyện, tâm sự với học trò. Nhưng đối với những giáo viên ở vùng khác đến thì vấn đề này khá khó khăn bởi học sinh còn hạn chế tiếng phổ thông.

Bên cạnh đó, khi thầy cô hỏi thăm, chia sẻ thì các em trả lời lại bằng tiếng của dân tộc mình. Chính vì vậy, nếu không phải là người bản địa, hoặc biết tiếng địa phương thì khó giao tiếp, gần gũi được với học sinh. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất nơi đây vẫn còn thiếu thốn. Đồng thời đường sá đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa.

Bạn đọc

Bạn An Nhiên, Quảng Bình:

Cô có thể cho biết, việc sẻ chia, thấu hiểu với hoàn cảnh gia đình học sinh đóng vai trò như thế nào trong công tác dạy và học?
Cô Trà Thị Thu

Cô Trà Thị Thu

Việc chia sẻ, thấu hiểu với hoàn cảnh gia đình học sinh rất quan trọng trong công tác dạy và học. Giáo viên, nếu muốn gắn bó với học sinh như người cha, người mẹ thứ hai của các em thì việc hiểu hoàn cảnh gia đình các em là rất cần thiết.

Hiểu được hoàn cảnh gia đình học sinh và cả tính cách của từng em, giáo viên có thể chia sẻ được những khó khăn với gia đình các em gặp phải, các vấn đề các em đang vướng, để các em có thể đến trường đều đặn cùng bạn bè, các em yên tâm học hành, không còn mặc cảm…

Sự chủ động chia sẻ, thấu hiểu của thầy cô đối với hoàn cảnh gia đình học sinh giúp các em yên tâm học hành
Sự chủ động chia sẻ, thấu hiểu của thầy cô đối với hoàn cảnh gia đình học sinh giúp các em yên tâm học hành

 

Bạn đọc

Bạn nguyenbinhminh@...:

Niềm hạnh phúc lớn nhất đối với người giáo viên vùng cao là gì, thưa thầy?
Thầy A Phiên

Thầy A Phiên

Hạnh phúc lớn nhất của thầy A Phiên là học sinh đến lớp đầy đủ.
Hạnh phúc lớn nhất của thầy A Phiên là học sinh đến lớp đầy đủ.

 

Đối với bản thân mình niềm hạnh phúc lớn nhất là các em học sinh đến lớp đầy đủ, không có em nào nghỉ học hoặc bỏ học vì cuộc sống quá khó khăn. Bên cạnh đó, các em ngoan ngoãn, nghe lời thầy cô và cố gắng học con chữ. Đồng thời, các em có đủ cơm ăn 3 bữa, áo ấm mặc trong mùa đông. Mình hy vọng rằng các em sẽ biết con chữ để sau này học lên cao, từ đó mới có hy vọng thoát nghèo và phát triển quê hương. Mình tin rằng, những giáo viên vùng cao khác cũng sẽ hạnh phúc khi học sinh của mình đủ đầy.

Bạn đọc

Bạn hoaitien@...:

Trong hành trình gieo chữ cho học trò vùng cao, có kỉ niệm nào khiến thầy mãi không quên?
Thầy A Phiên

Thầy A Phiên

Trong hành trình 29 năm mang con chữ đến với học trò, có những kỉ niệm khiến mình mãi chẳng thể nào quên. Tuy nhiên, kỷ niệm nhớ nhất với mình là có thời điểm một số học sinh không chịu đến lớp học, cứ thấy thầy cô là trốn. Do đó, mình phải nhiều lần vào tận nhà trò chuyện, động viên phụ huynh và các em ra lớp. Để các em chăm chỉ đến trường mình hay mua bánh kẹo, nhu yếu phẩm, có khi là áo ấm… tặng cho học sinh. Dần dần các em cũng nghe lời và siêng năng đến lớp.

Bạn đọc

Bạn maingoc@...:

Học sinh dân tộc thiểu số đa số còn tự ti, ngại giao tiếp. Vậy bên cạnh việc dạy kiến thức, thầy có những cách làm nào để giúp các em tự tin, phát triển?
Thầy A Phiên

Thầy A Phiên

Chính vì cuộc sống khó khăn nên học sinh nơi đây còn tự ti, mặc cảm, các em ngại giao tiếp với thầy cô và bạn bè. Tuy nhiên, thời gian trên lớp giáo viên tranh thủ truyền dạy kiến thức cho học sinh. Chính vì vậy tối đến mình thường xuyên đến nhà để nắm bắt hoàn cảnh gia đình của các em. Bên cạnh đó, trò chuyện với phụ huỵnh và học sinh để thấu hiểu những mong muốn, nguyện vọng của gia đình. Khi học trò thấy mình yêu thương, sẻ chia sẽ dần cởi mở và tự tin hơn. Qua thời gian kiên trì vào nhà từng học sinh mình thấy các em chủ động hơn trong giao tiếp và năng nổ hơn trong học tập.

Bạn đọc

Bạn Hoàng Yến – Quảng Ngãi:

Ở vùng cao, tôi thấy việc vận động trẻ đến trường đã khó, tuy nhiên, việc giữ chân các em ở lại còn khó hơn. Vậy có bao giờ thầy thấy nản lòng trên những chặng đường vận động học sinh?
Thầy A Phiên

Thầy A Phiên

Đối với giáo viên vùng cao thì không tránh khỏi những khó khăn, gian khổ. Tuy nhiên, mình chưa bao giờ nản lòng và muốn từ bỏ nghề giáo viên cao quý này.Có những lúc mệt mỏi, mình lại nhìn học trò rồi tự động viên bản thân cố gắng. Bởi mình biết nếu bản thân không cố gắng vượt qua khó khăn để mang con chữ đến cho học sinh thì mãi mãi các em không thoát được nghèo đói. Con chữ sẽ giúp các em có cơ hội tìm được công việc ổn định, phát triển kinh tế cho gia đình và làm giàu cho quê hương. Vì tương lai tươi sáng của học trò nên giờ đây không có việc gì mình thấy khổ nữa.

Bạn đọc

Bạn khoanhan@...:

Thưa thầy, đối với những điểm trường vùng cao, điều kiện cơ sở vật chất, đồ dùng phục vụ dạy học còn hạn chế… Vậy thầy đã sáng tạo như thế nào để tiết học hấp dẫn, cuốn hút học sinh?
Thầy A Phiên

Thầy A Phiên

Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền nên điều kiện cơ sở vật chất và đồ dùng học tập được đáp ứng tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, tại điểm trường Đăk Ka vẫn còn nhiều khó khăn nên những lúc rảnh rỗi mình cắt dán đồ chơi có hình chữ cái, con vật… cho các em học. Bên cạnh đó, mình thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá để các em “học mà chơi, chơi mà học”. Thông qua các hoạt động, trò chơi, các em sẽ tiếp thu kiến thức được nhanh và chắc hơn. Đồng thời giúp học sinh tự tin, cởi mở hơn trong giao tiếp.

Giao lưu trực tuyến “Khi yêu thương được nói thành lời” ảnh 50

 

Bạn đọc

Bạn minhthinh@...:

Vừa giảng dạy con chữ cho học trò, vừa đi lấy thức ăn, nấu cơm trưa cho học sinh. Vậy thầy sắp xếp công việc gia đình như thế nào?
Thầy A Phiên

Thầy A Phiên

Giao lưu trực tuyến “Khi yêu thương được nói thành lời” ảnh 53

 

Từ ngày bếp ăn đỏ lửa, đều đặn 6 giờ sáng mỗi ngày mình chạy khoảng 7km từ điểm trường cụm Đăk Ka ra trường chính để lấy thức ăn. 8 giờ, khi trở về điểm trường mình sơ chế thức ăn rồi nấu cơm cho các em. Khoảng 11 giờ mình lo cho các em ăn uống rồi về nhà ăn cơm với gia đình. Thời gian đi lấy thức ăn và nấu cơm cho học trò hầu như hết một buổi sáng, đến chiều mình dạy cho các em biết con chữ.

Do đó, công việc nhà mình sắp xếp làm vào sáng sớm và trưa hoặc chiều tối. May mắn, vợ mình rất ủng hộ và động viên mình cố gắng hỗ trợ, giúp các em học sinh. Khi mình vắng nhà, vợ quán xuyến mọi việc và lo cho các con ăn uống, sinh hoạt. Gia đình mình có các con cũng đang ở tuổi đến trường nên 2 vợ chồng đều hiểu tầm quan trọng của việc học. Chính vì vậy, mình luôn ưu tiên thời gian và mọi điều tốt đẹp cho học trò.

Bạn đọc

Bạn Mạnh Hùng – Kon Tum:

Được biết, thầy tình nguyện nấu cơm trưa để các em học sinh ở lại trường học buổi chiều. Vì sao thầy có ý tưởng và xung phong đảm nhận công việc này?
Thầy A Phiên

Thầy A Phiên

Thầy A Phiên tình nguyện nấu cơm trưa cho học trò, các em không nghỉ học, bỏ học vì đói
Thầy A Phiên tình nguyện nấu cơm trưa cho học trò, các em không nghỉ học, bỏ học vì đói 

Khi mình mới về trường, trang thiết bị, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Đặc biệt, các em học sinh không chịu đến lớp vì phải phụ bố mẹ đi làm nương rẫy do gia đình quá khó khăn. Không những vậy nhiều em với chiếc bụng đói tới lớp, không có sức các em cứ nghỉ dần. Thấy học sinh nghỉ, nhiều giáo viên trong trường lại đến từng nhà vận động các em đến lớp. Tuy nhiên, chỉ được ít hôm các em lại tiếp tục nghỉ học khiến chất lượng dạy và học không đảm bảo.

Khi đó, các thầy cô trong trường bàn nhau góp tiền thổi cơm nuôi học trò. Nhà mình ở gần trường nên xung phong để đi lấy thức ăn và nấu cơm cho các em. Mình nghĩ rằng có cơm trưa thì các em sẽ không nghỉ học, bỏ học vì đói nữa. Đó là niềm hạnh phúc và động lực lớn nhất không chỉ với mình mà của tất cả giáo viên vùng cao.

Giờ đây, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Đặc biệt trong năm học 2020-2021, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban dân vận Trung ương Trương Thị Mai cùng đoàn công tác đã đến thăm và tặng quà cho trường. Do đó, nhà trường có kinh phí duy trì cơm trưa cho học sinh và chất lượng bữa ăn cũng được nâng lên.

Bạn đọc

Bạn Mai Thảo – Kon Tum:

Đối với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thầy đã làm gì để giữ chân trò ra lớp?
Thầy A Phiên

Thầy A Phiên

Thầy A Phiên - Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học - THCS xã Tu Mơ Rông.
Thầy A Phiên - Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học - THCS xã Tu Mơ Rông.

Các em học sinh nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng, điều kiện sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào vài sào nương rẫy. Phụ huynh học sinh thường đi làm từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới về nên ít quan tâm đến việc học của con em mình.

Mặc dù các em theo học ở điểm trường làng, nhưng quãng đường từ nhà đến trường của một số em xa khoảng 3-4 km. Chính vì vậy, các em thường đi học buổi sáng, đến trưa về nhà rồi nghỉ học buổi chiều.

Để các em chăm chỉ đến lớp, giáo viên điểm trường cụm Đăk Ka, Trường PTDTBT Tiểu học – THCS xã Tu Mơ Rông tổ chức nấu cơm trưa để giữ chân trò. Bên cạnh đó, giáo viên cũng thường xuyên quan tâm, động viên và sẻ chia với học sinh. Từ đó, nắm bắt tâm tư, nguyện học của học trò để có thể hỗ trợ, giúp đỡ cho học sinh vững bước đến trường.

Bạn đọc

Bạn Tạ Hiền, Bình Định:

Dạy học ở các điểm trường lẻ có vất vả và áp lực hơn các điểm trường chính không? Niềm hạnh phúc lớn nhất đối với người giáo viên vùng cao là gì, thưa cô?
Cô Trà Thị Thu

Cô Trà Thị Thu

Hạnh phúc lớn nhất với cô Thu là HS hiểu được những gì cô nói, học được những điều nhỏ nhất từ cô để áp dụng vào cuộc sống.
Hạnh phúc lớn nhất với cô Thu là HS hiểu được những gì cô nói, học được những điều nhỏ nhất từ cô để áp dụng vào cuộc sống.

 

Có chứ! Điểm trường thôn sẽ vất vả và khó khăn hơn so với điểm trường chính, từ điều kiện giao thông đường sá, cơ sở vật chất, môi trường sống…, giáo viên ở điểm trường lẻ thường là phải dạy lớp ghép.

Còn áp lực thì tôi nghĩ ở đâu cũng vậy. Ở điểm trường chính hay trường lẻ thì công việc của giáo viên vẫn là dạy học. Với tấm lòng tận tụy của mỗi GV thì cho dù HS có tiếp thu chậm nhưng nếu thầy, cô cố gắng và nỗ lực, có phương pháp dạy học phù hợp thì rồi HS sẽ tiến bộ và đáp ứng được chuẩn đầu ra.

Niềm hạnh phúc lớn nhất với tôi có lẽ là các em hiểu được những gì cô nói, các em học được những điều nhỏ nhất từ cô để áp dụng vào cuộc sống, các em thành thạo tiếng phổ thông, tự tin, nhanh nhẹn và thật khỏe mạnh, phụ huynh thay đổi được một số hủ tục, ví dụ khi đau ốm là phải đi bệnh viện chứ không còn ở nhà để cúng…

Bạn đọc

Bạn voquang@....:

Được biết, có những thời điểm, cô còn vận động, kết nối các nguồn lực để xin sữa cho trẻ em ở bản Răng Dí. Chương trình này đến nay có còn được duy trì không? Cô có mong muốn gì gửi các cấp lãnh đạo để cải thiện khó khăn đối với giáo viên và các em học sinh vùng khó?
Cô Trà Thị Thu

Cô Trà Thị Thu

Điểm Răng Dí là điểm đầu tiên chúng tôi kết nối xin Bầu sữa yêu thương. Chương trình kéo dài đều đặn mỗi năm. Do 2 năm nay đã có chương trình Sữa học đường, mỗi bạn được uống 1 hộp/1 ngày nên Bầu sữa yêu thương đã dừng. Nhưng tôi dự định sắp tới hoạt động lại Bầu sữa yêu thương dành riêng các em nhỏ từ 0 đến 2 tuổi.

Đối với lãnh đạo nhà trường, tôi không có mong muốn gì hơn, vì họ cũng đã làm mọi thứ tốt nhất có thể để cải thiện các điều kiện dạy – học của GV và HS. HS bán trú của trường chúng tôi, ngoài được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định, còn được nhận thêm nhiều hỗ trợ từ các CLB thiện nguyện, các tổ chức, cá nhân trên khắp cả nước. Những nguồn lực này đã giúp cho điều kiện sinh hoạt, học tập của các em được tốt hơn, đầy đủ hơn.

Bạn đọc

Bạn Phạm Vương, Quảng Ngãi:

Thường lên đến lớp 3, học sinh các điểm trường lẻ sẽ chuyển về học bán trú tại điểm trường chính. Cô có sự chuẩn bị gì về kỹ năng tự chăm sóc bản thân cho những HS lớp 2 để các em hòa nhập nhanh với môi trường học tập mới?
Cô Trà Thị Thu

Cô Trà Thị Thu

Vấn đề này lớp tôi lúc nào cũng cười đau cả bụng nè. Tôi trang bị cho các em rất nhiều kỹ năng như: đánh răng, vệ sinh tay chân, gấp chăn màn, giặt quần áo, rửa chén bát, đi vệ sinh.

Không chỉ dạy chữ, cô Trà Thị Thu còn dạy học trò nhiều kỹ năng trong cuộc sống như đánh răng, vệ sinh tay chân, gấp chăn màn...
Không chỉ dạy chữ, cô Trà Thị Thu còn dạy học trò nhiều kỹ năng trong cuộc sống như đánh răng, vệ sinh tay chân, gấp chăn màn...

 

Đặc biệt, tôi dành rất nhiều thời gian để tập cho các em những thói quen khi đi vệ sinh.  Ở gia đình các em chưa có nhà vệ sinh, đi vệ sinh không dùng giấy. Vì vậy, tôi phải tập luyện cho các em rất nhiều về cách đi vệ sinh, sử dụng giấy để lau sau khi vệ sinh xong, cách dội nước sao cho sạch, cả cách giữ cho nhà vệ sinh được sạch sẽ cũng đều phải chỉ cho các em từng chút một…

Nhờ vậy, các em sẽ bớt đi sự bỡ ngỡ, có thể tự phục vụ được những nhu cầu tối thiểu của bản thân khi chuyển về điểm trường chính để học, ở lại bán trú, sống trong môi trường tập thể.

Bạn đọc

Bạn Phong Anh...:

Theo dõi trang facebook của cô, chúng tôi thấy sau lễ khai giảng, tổng kết năm học, trung thu…, cô đều tổ chức cho HS vui chơi, liên hoan… Có thể thấy HS của cô rất được chăm chút về cả vật chất lẫn tinh thần. Cô có thể “bật mí” cho những GV đang công tác tại các điểm trường vùng khó như chúng tôi về kinh nghiệm huy động các nguồn lực hỗ trợ cho HS?
Cô Trà Thị Thu

Cô Trà Thị Thu

Cô giáo Trà Thị Thu
Cô giáo Trà Thị Thu

Từ khi mới lên công tác, tôi hiểu được hoàn cảnh của các em, tôi thương cảm, nhìn thấy các em đói, khát, thiếu thốn, có khi cả tuần chỉ mặc 1 bộ đồ rách rưới.

Các em mới chỉ 2, 3 tuổi thôi mà đã ăn cơm chỉ với một nồi canh rau, mà ăn lại rất ngon. Có khi cả tuần, thức ăn của các em không có được miếng cá thịt nào, cả tháng không có 1 hộp sữa. Vì em của mình đói khóc nên có em nhặt viên sỏi lau sạch cho em mình ngậm,… Nhìn những cảnh đó, thật sự là tôi không kìm lòng được.

Cũng trong thời gian này, tôi tham gia sinh hoạt ở Câu lạc bộ “ Kết nối yêu thương” huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Những chia sẻ của các anh chị trong CLB đã giúp tôi có được những kết nối từ các tấm lòng hảo tâm.

Từ những nguồn hỗ trợ này, HS của tôi được cải thiện dinh dưỡng trong bữa ăn, có sữa để uống, các dịp trung thu, ngày Tết thiếu nhi, Tết Nguyên đán… cũng đều có quà bánh…

Có lẽ vì tôi làm bằng tất cả tình yêu thương nên đã chạm đến trái tim của mọi người, và mọi người gửi gắm tình yêu thương đến các em chứ cũng chẳng có kinh nghiệm nào.

Bạn đọc

Bạn hoangnguyen@:

Cô có thể chia sẻ kinh nghiệm tăng cường tiếng Việt cho học sinh các lớp đầu cấp ở bậc Tiểu học? Cô đã làm những gì để khắc phục khó khăn khi dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số?
Cô Trà Thị Thu

Cô Trà Thị Thu

Ngòài giờ học, cô Trà Thị Thu trò chuyện cùng học trò bằng tiếng phổ thông để nâng cao vốn Tiếng Việt cho các em.
Ngòài giờ học, cô Trà Thị Thu trò chuyện cùng học trò bằng tiếng phổ thông để nâng cao vốn Tiếng Việt cho các em.

 

Tôi cũng không biết những việc tôi đã thực hiện có được xem kinh nghiệm trong tăng cường Tiếng Việt cho học sinh hay không. Nhưng HS của tôi là người dân tộc thiểu số, vốn Tiếng Việt ít ỏi nên ngoài việc dạy học, tôi tổ chức các trò chơi nhỏ liên quan đến thực tế cuộc sống của các em như gọi tên đồ vật, đồ dùng, con vật… bằng tiếng phổ thông, từ đó dần tập thói quen cho các em.

Ví dụ các em thường nói “úp boi” có nghĩa là “nấu cơm”, tôi sẽ hướng dẫn và tập luyện cho các em nói lại dần dần. Thường xuyên trò chuyện với các em bằng tiếng phổ thông sau những giờ học, tổ chức các tiết học ngoại khóa…

Để khắc phục những khó khăn trong dạy học Tiếng Việt, tôi phân loại đối tượng học sinh theo nhóm, ví dụ: nhóm 1 các em nhanh nhẹn, hay phát biểu,..; nhóm 2 các em chậm hơn, ít nói, rụt rè,… từ đó có những kế hoạch, phương pháp phù hợp với các em giúp các em học tốt hơn.

Bạn đọc

Bạn Huong An, Quảng Nam:

Trong hành trình vượt núi đến điểm trường lẻ đầu năm học của cô, ngoài đồ dùng cá nhân, còn có thêm nhiều đồ dùng cho học sinh. Cô có thể cho biết cô thường mang theo những gì?
Cô Trà Thị Thu

Cô Trà Thị Thu

Cùng với tư trang cá nhân, những giáo viên cắm bản luôn mang theo rất nhiều đồ dùng, nhu yếu phẩm, thuốc men... lên cho các em học sinh.
Cùng với tư trang cá nhân, những giáo viên cắm bản luôn mang theo rất nhiều đồ dùng, nhu yếu phẩm, thuốc men... lên cho các em học sinh.

 

Cũng như mọi năm, ngày đầu tiên vượt núi lên điểm trường trên vai tôi lúc nào cũng có những bộ quần áo mới, những đôi dép, mũ mới, cái bánh, cái kẹo,… để làm quà đầu năm học cho các em. Bởi lẽ vì ba mẹ quá nghèo khó, cái ăn còn không đủ nên các em chẳng bao giờ được ba mẹ tận tay sắm cho các em những thứ đó trong ngày khai giảng đầu năm học.

Những giáo viên cắm bản như chúng tôi thường hay “dự trữ” thêm một số loại thuốc loại thuốc chữa một số bệnh thông dụng như bệnh ngoài da, đau bụng, sổ mũi… Thuốc có thể dùng cho phụ huynh và HS trong điều kiện chặng đường từ điểm trường thôn ra đến trạm y tế của xã khá xa và nhiều trắc trở.

Bạn đọc

Bạn truongdinh@...:

Trở lại điểm trường Tắk Pổ dạy học sau một năm dạy ở điểm trường chính, cảm xúc của cô như thế nào khi nhận nhiệm vụ?
Cô Trà Thị Thu

Cô Trà Thị Thu

Trở lại Tắk Pổ lần này, tôi rất vui và hạnh phúc. Điều hạnh phúc hơn hết là con đường đi ngày nào tôi phải lội bộ hơn 2 giờ đồng hồ thì nay xe đã đến tận trường. Các bạn nhỏ, bà con ai cũng vui mừng vì mình lên đây dạy làm cô cũng vui lây. Tắk Pổ đã cho tôi những trải nghiệm đẹp trong nghề dạy học. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ