Chương trình giao lưu có sự tham gia của 2 khách mời:
- Cô Dương Thu Hằng, Tổ trưởng khối 1, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội;
- Thầy Chu Chu Cà, giáo viên Trường phổ thông DTBT Tiểu học Thu Lũm, Mường Tè, Lai Châu.
Hạnh phúc của mỗi người tùy thuộc vào cảm nhận của chính họ. Có người coi hạnh phúc là giàu sang và cố gắng để đạt được. Nhưng có người lại coi hạnh phúc đơn giản, bình dị là những bữa cơm quây quần tụ họp bên gia đình; tình yêu thương của bố mẹ dành cho mình; là những thứ mà mình tự nguyện cho đi và giúp đỡ người kém may mắn, nghèo khó hơn mình....
Còn với nhiều thầy cô giáo đã và đang dạy học trong những môi trường giáo dục đặc biệt, có học sinh là những trẻ em khuyết tật, khiếm thị, học sinh vùng dân tộc khó khăn… thì hạnh phúc đơn giản là được truyền dạy kiến thức, kĩ năng để giúp các em tự tin, vững vàng bước vào cuộc sống.
Và với những thầy cô giáo ấy, hạnh phúc của họ thật bình dị, đôi khi chỉ là những nụ cười trên môi của những em bé vùng cao, là khi những trẻ em khuyết tật, khiếm thị biết đọc, viết những âm từ, con số đơn giản, là khi các em biết yêu thương bố mẹ, bạn bè và hòa nhập với cuộc sống xung quanh...
Hạnh phúc của những người thầy có học sinh đặc biệt - bình dị như thế nhưng có khi họ phải đánh đổi bằng cả tuổi thanh xuân, sự kiên trì, vượt khó để bám nghề. Họ cho đi tình yêu thương, tấm lòng nhân ái, bao dung. Họ âm thầm cống hiến, nỗ lực, tự học tự cập nhập kiến thức, trau dồi kĩ năng, phương pháp dạy học… chỉ để mang tới cho học trò những giá trị trọn vẹn nhất.
Tại buổi giao lưu trực tuyến, khách mời sẽ chia sẻ về công việc dạy học của mình tại trường lớp; những quan điểm, việc làm cụ thể để không chỉ mang tới kiến thức cho học trò mà còn giúp các em vượt qua những khó khăn, thách thức trên hành trình học tập.
Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua facebook của Báo.
Thầy Chu Chu Cà
Trường phổ thông DTBT Tiểu học Thu Lũm, Mường Tè, Lai Châu
Cô Dương Thu Hằng
Tổ trưởng khối 1, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Cô Dương Thu Hằng
Nhiều năm nay nhà trường đã đặt ra các mục tiêu giáo dục đó là:
Đem lại một môi trường học tập chú trọng đến từng học sinh, từ đó phát triển các năng lực và kỹ năng tốt nhất để các em tiếp tục thành công ở những bậc học tiếp theo, tạo tiền đề giúp các em có năng lực hội nhập toàn cầu và có trách nhiệm xã hội trong tương lai.
Xây dựng môi trường học tập tích cực cùng với sự hỗ trợ toàn diện cho các học sinh, giúp các em có động lực và phương pháp học tập hiệu quả, tránh áp lực cho trẻ.
Các học sinh biết quan tâm nhiều hơn đến con người và thế giới xung quanh, giúp trẻ biết chia sẻ và yêu thương.
Phát huy khả năng tư duy và phê phán, lối tư duy độc lập, độc đáo và năng lực sáng tạo của trẻ.
Khuyến khích phát huy tinh thần tự giác, độc lập và các giá trị đạo đức đúng đắn ban đầu đang hình thành ở trẻ.
Bạn Binhminhmua:
Cô Dương Thu Hằng
Nhiều năm dạy lớp 1 hoà nhập, tôi và các đồng nghiệp thường gặp những khó khăn là: Khi nhận lớp việc đầu tiên chúng tôi phải giúp các HS bình thường làm quen với sự có mặt của các bạn HSKT (học sinh khiếm thị) trong lớp. HS lớp 1 còn nhỏ nên GV phải giải thích rõ cho các con hiểu các bạn HSKT sẽ gặp những khó khăn gì khi đi học, ngồi học và chỉ ra những việc cần giúp các bạn đó.
GV cũng phải chú ý đến các nhu cầu bình thường nhất của HSKT như: đi vệ sinh, uống nước, khi ra khỏi lớp và vào lớp. Do nhút nhát, tự ti, ngại nhờ cô, nhờ bạn và hầu như chưa tự phục vụ được bản thân nên ảnh hưởng tới quá trình học tập.
Khó khăn khi dạy học nữa là hướng dẫn HS sờ được sách giáo khoa (chữ nổi), sờ chữ, hình, tìm bài học. HSKT cần rèn luyện xúc giác để sờ được chữ, có tư duy tưởng tượng tốt mới sờ được hình. Có HS rèn kĩ năng sờ chấm chữ rất khó khăn hoặc không có khả năng xúc giác tinh nên không nhận được chữ.
Việc sử dụng sách chữ nổi cũng là một khó khăn với HS lớp 1 vì khổ sách to, nặng, lấy sách, cất sách không dễ dàng. Sách toàn giấy nilon, đóng gáy nhựa nên trơn, mở sách đúng trang, giữ sách trên bàn để không trượt xuống đất phải mất một thời gian. Tuy nhiên khi lên các lớp trên khó khăn này sẽ giảm và HS thích nghi.
Bạn huonganh@...:
Cô Dương Thu Hằng
Việc dạy HS khiếm thị (HSKT) chắc chắn là sẽ khó hơn dạy các HS bình thường, chính vì vậy khi nhận nhiệm vụ thì GV cần xác định đổi mới về tư tưởng đầu tiên, không nên nghĩ dạy HSKT áp lực, khó khăn - thì khi đó tư tưởng sẽ thoải mái, buông lỏng hơn và sẽ cống hiến cho việc dạy học nhiều hơn.
Đối với việc dạy HSKT quan trọng nhất GV phải có tính kiên trì để rèn luyện từng kĩ năng sờ đọc, viết, nghe, di chuyển… cho từng HSKT. Và hỗ trợ cho các em theo mức độ gặp khó khăn khác nhau. Việc sáng tạo hay linh hoạt trong kĩ thuật dạy sẽ nảy sinh từ quá trình dạy từng HS, nhất là đối với những HSKT kèm theo các tật khác.
Kết hợp với gia đình HSKT cũng vô cùng quan trọng trong quá trình dạy học, giáo dục và rèn luyện các kĩ năng. Khi những công việc này được rèn luyện trong nhiều môi trường khác nhau sẽ tạo được tính hiệu quả cao, HSKT được rèn luyện phát triển đồng đều, liên tục.
Bạn Thanhhuong@:
Cô Dương Thu Hằng
Mỗi một kiểu khuyết tật có những đặc thù riêng nên việc so sánh là rất khó.
Tuy nhiên để dạy tốt HS khiếm thị, GV cần hiểu được việc mất thị giác sẽ ảnh hưởng đến quá trình nhận thức ở mức độ nào.
Cùng đó phải phân chia HS khiếm thị thành các nhóm khác nhau, sử dụng phương pháp giáo dục khác nhau…
Từ việc hiểu và phân loại đối tượng HS khiếm thị trong lớp, GV sẽ xây dựng được kế hoạch dạy học và rèn luyện đối với học sinh của mình chi tiết và hiệu quả.
Bạn Mai Thuỳ - Hà Nội:
Cô Dương Thu Hằng
Với mục tiêu giáo dục để HS khiếm thị trở thành con người bình thường hoà nhập được với cộng đồng nên việc kiểm tra đánh giá năng lực không khác biệt so với HS bình thường. Nhà trường vẫn đánh giá theo đúng chuẩn kiến thức kĩ năng của Bộ GD&ĐT đưa ra.
Bạn Haihatran@...:
Cô Dương Thu Hằng
Điều cảm thấy hạnh phúc khi dạy HS khiếm thị của GV rất đời thường và cũng tùy theo từng đối tượng HS mà GV có những cảm nhận riêng.
Là GV dạy lớp 1 nhiều năm, việc đưa HS bước qua ngưỡng cửa để đi học năm đầu đời thì ngay cả HS bình thường còn bỡ ngỡ, có HS còn khóc lóc cả tuần đầu mới quen. Nên đối với HSKT còn khó khăn hơn thế, có HS khóc dài cả tháng, có HS không phản ứng mạnh mẽ nhưng ngồi im cả ngày như vô cảm…
Do đó, chỉ đến lúc nhìn từ xa thấy HSKT nắm tay bạn đi trên sân trường hay hành lang là GV chúng tôi đã thấy hạnh phúc, nhẹ lòng và có thể mỉm cười. Với GV dạy HSKT chúng tôi, HS vui vẻ thì GV mới hạnh phúc.
Bạn Dovietanh@...:
Cô Dương Thu Hằng
Gia đình HS khiếm thị đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kết hợp dạy học, rèn luyện kĩ năng cho HSKT. Để hoàn thiện được các kĩ năng cho HSKT hoà nhập được với cộng đồng thì không chỉ có các kĩ năng sờ đọc, viết liên quan tới nhiệm vụ học mà các kĩ năng khác cũng cần được chú ý rèn luyện.
Để phát triển được tất cả các kĩ năng cho HSKT rất cần nhiều môi trường phong phú đa dạng ,do vậy gia đình là nền tảng góp phần mở rộng các môi trường hoạt động cho HSKT theo cả 2 mặt chủ quan và khách quan.
Chủ quan:
+ Gia đình chủ động tham gia, hướng dẫn HSKT trong hoạt động học tập. Bố mẹ cũng tìm hiểu học các kí hiệu chữ nổi, giám sát kiểm tra việc các con làm bài, hoàn thành bài; hướng dẫn cùng con sử dụng các tài liệu tham khảo mà chưa có bản chuyển chữ nổi.
+ Gia đình chủ động tổ chức các buổi hoạt động ngoài trời ở các khu vui chơi, khu du lịch... tạo thêm được nhiều môi trường hoạt động, trải nghiệm cho các con.
+ Gia đình chủ động trang bị các thiết bị công nghệ để hỗ trợ tốt hơn cho việc học tập, giao tiếp (Điện thoại, máy tính cài phần mềm nói, máy in... đối với HS lớn, từ lớp 4 trở lên)
Khách quan:
+ Gia đình cần ủng hộ các chủ trương về việc dạy và học của nhà trường, trên lớp.
+ Gia đình tích cực ủng hộ các hoạt động ngoại khoá của nhà trường và các tổ chức trong trường, vận động các con hưởng ứng tham gia.
+ Gia đình chung tay với nhà trường tạo nguồn lực để xây dựng, mở rộng thêm được nhiều môi trường hoạt động cho các con.
Bạn Duy Linh – Tuần Giáo:
Thầy Chu Chu Cà
Tôi dạy học ở xã Thu Lũm, xã biên giới xa nhất của huyện Mường Tè. Đối với tôi, lớp học, trường học hạnh phúc là lớp học có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo và an toàn cho cả thầy và trò.
Cùng với đó, việc học sinh đến trường, đến lớp đầy đủ đã là một niềm hạnh phúc. Và hạnh phúc hơn cả là học sinh chăm ngoan, học giỏi, tiếp thu, lĩnh hội kiến thức trong học tập, hăng hái trả lời khi thầy, cô hỏi…
Bên cạnh đó, trường học phải là nơi an toàn cho các hoạt động dạy và học của thầy và trò, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi phi đạo đức. Xây dựng trường học hạnh phúc là xây dựng nhà trường thành ngôi nhà chung để mọi người đều cảm thấy hạnh phúc.
Bạn quangkha12@gmail...:
Thầy Chu Chu Cà
Là giáo viên vùng cao, dạy học ở các xã miền núi, thật khó có thể nói hết được những khó khăn, vất vả, nhưng cũng khó có từ ngữ nào có thể diễn tả hết niềm vui, hạnh phúc của những người đang “gieo chữ”, “trồng người” nơi đây.
Hạnh phúc đối với các giáo viên vùng cao đơn giản lắm. Đó là những lúc học sinh ê a đọc từng chữ, từng từ, rồi biết đọc, biết viết. Cũng có lúc, hạnh phúc là khi các thầy cô “cắm bản” được người dân đem tặng quả bí, quả dưa hay nắm xôi, con gà…
Tôi ở trên này, gần với gia đình nên chưa thể cảm nhận hết sự xa cách của các giáo viên vùng cao. Có những thầy, cô lên đây công tác đã hơn 10, 20 năm, nhà cách xa hàng trăm, hàng nghìn cây số. Hạnh phúc đối với họ nhiều khi là lúc nhận được cuộc điện thoại của người thân hỏi han, quan tâm, động viên mình công tác. Khi có người nhà lên thăm, họ vui mừng, tiếp đón và những thầy cô khác trong trường cũng chia sẻ - tôi nghĩ, đó là hạnh phúc!
Bạn cuongnguyen@:
Cô Dương Thu Hằng
HS khiếm thị cũng theo học trực tuyến cùng các bạn trong lớp. HS nhỏ cần có sự hỗ trợ của gia đình để sử dụng thiết bị công nghệ. Hs lớn từ lớp 4 trở lên các em đã có thể chủ động sử dụng các thiết bị công nghệ.
Về việc học trực tuyến đối với HS khiếm thị những khó khăn gặp phải được chia thành 2 đối tượng:
HS khiếm thị từ lớp 1 đến lớp 3: cần rèn kĩ năng sờ đọc, viết. Kĩ năng này cần được rèn tỉ mỉ nên với thời gian này cần sự hỗ trợ từ gia đình rất nhiều.
GV giảm tải bài đọc, viết để bố mẹ có thể kiểm tra giúp con được. GV cần hướng dẫn bố mẹ phương pháp kiểm tra bài đọc, viết để có hiệu quả.
HS khiếm thị từ lớp 4 trở lên: Các kĩ năng đọc viết đã thành thạo, sử dụng được các thiết bị công nghệ hỗ trợ, tuy nhiên về kiến thức lại nhiều hơn.
GV cần tương tác với HS nhiều hơn, kiểm tra bài thông qua chụp lại bài làm, chữa bài, yêu cầu HS nộp lại bài làm sau khi đã chữa để đánh giá lần nữa.
Khi đến trường học trực tiếp, HS khiếm thị sẽ được đánh giá chung, sau đó sẽ có các lớp học phụ đạo buổi chiều hỗ trợ các con những kiến thức còn chưa chắc chắn.
Bạn Đỗ Mạnh – TP. Lai Châu:
Thầy Chu Chu Cà
Để xây dựng một trường học hạnh phúc, điều quan trọng nhất là tập thể nhà trường bao gồm cả phụ huynh, học sinh, và cán bộ, giáo viên cần có sự quan tâm, chia sẻ, bao dung, tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau.
Trường học hạnh phúc là nơi mà cả thầy cô, phụ huynh và học sinh đều cảm thấy hạnh phúc. Đó là nơi mà các thầy cô tìm được niềm đam mê, nhiệt huyết giảng dạy của mình. Họ tích cực đưa ra các phương pháp dạy học chủ động, sáng tạo, luôn hỗ trợ, giúp đỡ học sinh trong quá trình học tập. Tạo được mối quan hệ thân thiết, gắn bó và chia sẻ với học sinh.
Trường học hạnh phúc là nơi học sinh cảm thấy có hứng thú với những giờ học, không có áp lực, căng thẳng, mệt mỏi, được thỏa sức vui đùa, hòa đồng với bạn bè. Đối với phụ huynh, một trường học hạnh phúc là nơi họ muốn gửi gắm con em mình, để cho chúng được phát triển tốt nhất, nơi họ có thể tin tưởng giao phó tương lai của con em mình.
Một ngôi trường được xem là hạnh phúc khi ở đó không có những hành vi, lời lẽ vi phạm đạo đức xã hội, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhà giáo. Không có bạo lực học đường, không có những vụ đánh nhau, xô xát giữa học sinh...
Bạn Vanvy78@...:
Cô Dương Thu Hằng
Đã gắn bó nhiều năm trong nghề, trong môi trường giáo dục đặc biệt, đối với tôi những vui buồn nghề nghiệp đã trở thành cuộc sống, thành máu chảy trong huyết quản.
Nghề nào cũng có áp lực riêng của nghề đó. Việc tìm thấy niềm vui trong nghề của mình luôn là động lực để làm việc, để vượt qua áp lực.
Mọi người làm các nghề khác đôi khi phải tìm các hội, các tổ chức để làm từ thiện (tâm hướng thiện là tâm sáng tâm an), tìm đến trường mình tổ chức các hoạt động từ thiện. Còn mình đã có duyên được đời gửi gắm giúp đỡ dạy dỗ học sinh khuyết tật thì sự đãi ngộ của chính sách còn hạn chế đâu còn là việc đáng để suy nghĩ cân nhắc nữa.
Bạn vananh1718@....:
Thầy Chu Chu Cà
Là giáo viên đang công tác ở vùng cao, ai cũng đã từng phải đi vận động học sinh ra lớp. Đi bộ, lội suối, thậm chí là tìm lên tận nương rẫy hay sáng sáng phải đến tận nhà đón học sinh… công việc đó dường như đã trở thành “một phần tất yếu”.
Đối với xã Thu Lũm, trước kia, giao thông đi lại khó khăn, đường xá cách trở, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai dẫn đến sạt lở, lũ lụt. Để đi đến các bản xa trong xã cũng phải hết nguyên một ngày đường. Nhiều thầy, cô lên đây công tác phải mấy tháng, có khi cả năm mới được về nhà một lần.
Bên cạnh đó, đa phần các em đều là học sinh người dân tộc, khả năng tiếng Việt của các em còn hạn chế. Các em còn rụt rè trong giao tiếp, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức. Việc tiếp cận kiến thức còn yếu, đọc, viết còn chậm so với vùng thuận lợi. Trong đó, có các học sinh dân tộc La Hủ ở bản Là Si, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhận thức của phụ huynh trong việc đưa con đến trường chưa cao. Điều đó dẫn đến những trở ngại trong công tác huy động học sinh đến lớp.
Sự tiến bộ lớn nhất mà tôi nhận thấy là tính chuyên cần của các em dần được cải thiện. Các em đã dần tự tin hơn, học tốt hơn. Nhiều em đã cố gắng vươn lên, giành thành tích cao trong học tập. Đó là những niềm vui của người thầy, người cô khi dạy học ở vùng cao.
Bạn Minhthu@...:
Cô Dương Thu Hằng
Chương trình GDPT 2018 đổi mới theo hướng dạy học phát triển năng lực theo từng đối tượng học sinh. Việc đổi mới này không gặp khó khăn, bất cập gì khi đối tượng là HS khuyết tật bởi vì từ trước đến nay HS khiếm thị vẫn được dạy theo hướng phát triển năng lực cá nhân.
Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, giáo viên cần tìm hiểu từng đối tượng HS khiếm thị trong lớp về khả năng tiếp thu tri thức, khả năng thích nghi, khả năng xúc giác cảm giác, khả năng di chuyển, khả năng tương tác. GV cũng cần tìm hiểu mặt mạnh, mặt hạn chế; tìm hiểu hoàn cảnh bị khuyết tật, hoàn cảnh gia đình... Từ đó GV có thể lên kế hoạch giáo dục với từng học sinh trong học kì và năm học.
Hiện nay nhà trường chỉ gặp vướng mắc về SGK mới còn chậm. HS chưa đủ SGK để học tập do đang trong quá trình chuyển đổi in ấn sang chữ nổi chưa xong.
Bạn Nguyễn Minh Tú – Tân Uyên:
Thầy Chu Chu Cà
Nói về kỷ niệm đối với sự nghiệp giáo dục vùng biên này tôi có nhất nhiều. Mỗi một “chuyến đò” là một kỷ niệm.
Thời gian dài gắn bó với trường, với xã biên giới và những con người nơi đây, rất nhiều kỷ niệm đã in sâu trong tâm thức.
Một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên đó là một ngày đi vận động học sinh ở bản Là Si đầu năm học 2016-2017. Trên đường thầy và trò quay về trường, chúng tôi gặp một cơn mưa to, gió rất lớn. Nước lũ bắt đầu chảy dồn về con suối – nơi mà chúng tôi phải lội qua mới đến được trường. Trước những sức mạnh của thiên nhiên, thầy và trò tay cầm tay, em nào bé quá thì thầy cõng vượt suối.
Nghĩ lại lúc đó, tôi thấy vô cùng mạo hiểm, nhưng đó là cách duy nhất để chúng tôi đến được trường. Và chúng tôi cũng không biết được con đường băng rừng quay trở lại bản có thực sự an toàn hay không? Cuối cùng chúng tôi đều an toàn.
Nói về tình cảm, thì người dân trên này sống rất thật và chân chất. Đi đến đâu, bà con cũng coi chúng tôi như người nhà.
Như đã nói ở trên, các thầy, cô nơi đây cảm thấy hạnh phúc khi nhận được tình cảm, món quà của học sinh và phụ huynh rất đỗi giản dị nhưng vô cùng đáng quý. Đó cũng là động lực để nhiều thầy, cô cảm thấy đây như là nhà, là quê hương để cống hiến và gắn bó.
Bạn minhhang123…:
Thầy Chu Chu Cà
Là địa bàn vùng cao, biên giới, những năm trước đây, việc vận động gia đình cho các em tới lớp là rất khó khăn. Các gia đình thường sinh đông con, kinh tế phụ thuộc vào nương rẫy. Họ luôn có suy nghĩ nếu để con đi học hết thì không có người làm việc nhà, trông em, nên thường cho những em lớn tuổi hơn, nhất là học sinh từ bậc THCS ở nhà làm việc, phụ giúp gia đình.
Mặc dù khó khăn là vậy nhưng có điều rất thuận lợi trong quá trình dạy học tại Thu Lũm là đa số các em đều dễ bảo, chăm ngoan. Những năm gần đây, các trường đều được đầu tư cơ sở vật chất để các em được ăn, ở bán trú. Học sinh có những chế độ chính sách hỗ trợ khi đi học… Điều đó giúp các em đến trường đông đủ hơn.
Tuy nhiên, đa số các em học sinh đều là người dân tộc thiểu số nên vốn từ tiếng Việt của các em còn ít, tính toán chậm. Thời lượng bài học hơi lớn dẫn tới gây khó trong việc truyền thụ kiến thức đến các em học sinh.
Bạn Quynhthuong1991@gmail:
Thầy Chu Chu Cà
Xã Thu Lũm được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nên theo Quyết định 861/QĐ-TTg, mọi chế độ, chính sách được hưởng như xã vùng 1. Điều đó tác động không nhỏ đến việc duy trì sĩ số của các trường trên địa bàn xã.
Tại trường PTDTBT Tiểu học Thu Lũm, nhiều học sinh không còn chế độ bán trú nên bỏ về bản. Cũng may nhà trường có các điểm bản, sẵn sàng mở lớp khi học sinh quay trở về. Ban giám hiệu nhà trường cũng đã chỉ đạo các giáo viên xuống bản dạy học. Tuy nhiên, do phát sinh nhiều lớp nên giáo viên không đủ để bố trí dạy mỗi người 1 lớp mà phải dạy lớp ghép.
Để duy trì sĩ số học sinh như hiện nay là một sự cố gắng rất lớn. Khi một em nghỉ học, tôi phải vào tận bản để thuyết phục, vận động phụ huynh đưa các em trở lại trường. Có những trường hợp phải đi đi, lại lại, cũng có khi lên bản cả tuần trời mới thuyết phục được gia đình.
Bạn linhhuong@...:
Cô Dương Thu Hằng
Trong lớp học khi có 2 nhóm HS bình thường và HS khiếm thị thì cũng có những tình huống mà GV khó có thể lường trước.
Ví như: HS bình thường đôi lúc tò mò bạn khiếm thị viết bài như thế nào nên trong lúc nghỉ giải lao lấy bảng bút của bạn chấm vào vở, HS khiếm thị không biết viết đè lên, đến khi thu bài cô giáo nhận xét nhắc nhở HS khiếm thị viết bài sai.
Nếu sự việc trên mà giáo viên nghĩ theo hướng tiêu cực là HS bình thường nghịch, phá vở của bạn, trêu do bạn không nhìn được. Còn nghĩ theo hướng tích cực thì do tính tò mò của trẻ con mà không nghĩ được đến việc làm ảnh hưởng đến bài học của bạn.
Với cá nhân tôi, khi gặp tình huống giáo dục ảnh hưởng đến cảm xúc, người giáo viên cần tạo cho mình cách suy nghĩ tích cực để tìm hướng giải quyết, không áp đặt, chụp mũ các hành vi của học sinh theo hướng tiêu cực.
Bạn Thảo Vân – Huyện Điện Biên:
Thầy Chu Chu Cà
Việc giảng dạy lớp ghép ở điểm bản cũng gặp không ít khó khăn. Tôi nhận nhiệm vụ chủ nhiệm và giảng dạy lớp ghép 1+2 ở điểm bản Pa Thắng. Lớp có 16 học sinh, trong đó 7 em lớp 1 và 9 em lớp 2. Các học sinh ở 2 bản Á Chè và Pa Thắng.
Do toàn bộ cơ sở vật chất chủ yếu được đầu tư xây dựng ở trung tâm nên các điểm bản vẫn chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học. Việc phối hợp giữa 2 lớp trong tiết dạy cũng gặp phải khó khăn. Tôi phải chia các cháu thành 2 hướng. Khi cho các em lớp 1 học tiếng Việt thì phải cho lớp 2 làm Toán. Lớp học chúng tôi dạy phải có 2 bảng.
Bên cạnh đó, diện tích lớp học chưa được đảm bảo, việc áp dụng công nghệ thông tin gần như không thể thực hiện, dẫn đến các phương pháp và hoạt động tổ chức dạy học chưa được nhịp nhàng. Đặc biệt là đối với việc triển khai chương trình GDPT mới.
Việc dạy lớp ghép ở bản cũng chỉ là một giải pháp tình thế. Về lâu dài, giáo viên chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, huy động học sinh về trung tâm để có điều kiện dạy, học tốt hơn.
Bạn Hahoang1992@...:
Thầy Chu Chu Cà
Cùng với ý thức tự giác - hứng thú làm nên tính tích cực nhận thức, giúp học sinh học tập đạt kết quả cao, có khả năng khơi dậy mạch nguồn của sự sáng tạo.
Để khơi dậy niềm hứng thú, cảm hứng tích cực từ học sinh, tôi đã áp dụng phương pháp tổ chức dạy học phù hợp với từng đối tượng. Học sinh phải biết tự học, tự hoàn thiện kiến thức và rèn luyện kỹ năng. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn các em cách tiếp cận kiến thức một cách khoa học. Làm cho mỗi tiết học đều trở nên lí thú, mỗi bài học là một lợi ích đối với các em.
Ngoài việc khai thác sự lí thú trong chính nội dung dạy học, hứng thú của học sinh còn được hình thành và phát triển nhờ các phương pháp, thủ pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với sở thích của các em. Chính vì vậy, tôi chọn cách dạy học dưới dạng các trò thi đố, trò chơi, tổ chức hoạt động sắm vai, học theo nhóm và dạy học ngoài không gian lớp học...
Tôi cũng thường xuyên sử dụng biện pháp đặt câu hỏi gợi mở, vừa sức với các em kết hợp các câu hỏi liên hệ thực tế ở địa phương trong giảng dạy. Đồng thời, tổ chức trò chơi trong tiết học sôi nổi để các em thích đến trường hơn ở nhà và đỡ nhàm chán.
Bạn tuanhai9@...:
Cô Dương Thu Hằng
Học sinh khiếm thị (HSKT) có khả năng nhận biết âm thanh rất tốt, nên việc cho HS tiếp xúc với âm nhạc sẽ giúp các em giải toả được áp lực tâm lí, thư giãn khi nghỉ ngơi tạo hứng thú khi học tập và làm việc.
Một số HSKT cũng có tính hiếu động, vì không nhìn được nên việc chạy nhảy có thể gây mất an toàn cho bản thân. Khi được nghe nhạc các em sẽ giảm việc chạy nhảy và chuyển sang đánh nhịp, lắc lư theo nhịp. Âm nhạc sẽ mang đến cho các em một tâm hồn mới.
Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng dàn nhạc dân tộc từ nhiều năm nay, đào tạo được rất nhiều thế hệ HS ra trường theo nghề, gặt hái được nhiều giải thưởng cao khi tham gia các hội diễn văn nghệ của ngành, thành phố, hội người mù...
Khi đi học hạnh phúc nhất là có được bạn bè. Chính vì vậy GV cần tạo cầu nối gắn kết HS bình thường với HSKT trong các hoạt động có chỉ đạo, dần dần tạo kết nối tình thân và các em sẽ có những hoạt động chung một cách tự nhiên, hứng thú.
GV hướng dẫn HS bình thường về một số khó khăn mà HSKT có thể gặp tai nạn do không nhìn thấy, từ đó HS bình thường biết cách cảnh báo giúp bạn khi tham gia hoạt động chung.
Bạn Văn Hoàng – Mường Tè.:
Thầy Chu Chu Cà
Đúng vậy, tôi không nghĩ hạnh phúc là điều gì đó quá lớn lao.
Điều tôi quan niệm là mình sống như thế nào để có thể góp một phần công sức nhỏ nhoi của mình cho quê hương, đất nước. Không chỉ truyền đạt tri thức cho học trò mà còn phải đem đến cho các em niềm vui, niềm hy vọng, hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày.
Đã hơn 10 năm gắn bó với nghề, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tôi luôn cố gắng để vượt lên tất cả để làm đúng trách nhiệm và bổn phận của một người thầy. Và, cứ như thế, tôi đón nhận những hạnh phúc, những niềm vui nho nhỏ của nghề dạy học.
Hạnh phúc lớn nhất đối với tôi là được làm giáo viên.
Tôi là một người con của bản, khi được giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kĩ năng cho các em học sinh vùng biên giới, tôi cảm thấy mình hạnh phúc.
Và tôi luôn nỗ lực thực hiện mong muốn làm sao cho các em được đến trường, được học chữ.
Bạn Thanhminh99@...:
Cô Dương Thu Hằng
Có thể nói, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã có quan tâm đặc biệt đến đời sống giáo viên của trường Nguyễn Đình Chiểu. Hàng năm vào các dịp khai giảng, Ngày Nhà giáo Việt Nam, Tết Nguyên đán... Công đoàn ngành đều hỗ trợ các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Dịp 1/6 có quà hỗ trợ khuyến khích con cán bộ, giáo viên, nhân viên nghèo vượt khó trong học tập.
Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, Công đoàn ngành đã hỗ trợ 2 lần/50 túi An sinh cho cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường.
Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT Hai Bà Trưng đã mở các lớp tập huấn chuyên môn, có sự chỉ đạo riêng từng bước, chi tiết theo sát các hoạt động của nhà trường.
Với sự quan tâm cả đời sống lẫn chuyên môn của ngành giáo dục mà giáo viên của trường đã có sự tiến bộ trong chuyên môn, cuộc sống bớt khó khăn, thêm yêu ngành yêu nghề, yêu học trò.
Bạn Thu Thủy – Điện Biên:
Thầy Chu Chu Cà
Nói thật, tôi cũng không dám chắc là học trò của mình có hạnh phúc hay không. Nhưng khi nhìn thấy các em luôn tươi cười, vui vẻ, nhiệt tình là tôi phấn khởi.
Với quan điểm “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, học sinh của tôi đến trường sẽ được “học thật” và “chơi thật”. Điều đó giúp các em hứng thú hơn trong học tập. Và chính sự đam mê, hứng thú sẽ tạo nên những giá trị tinh thần tích cực hay nói cách khác là hạnh phúc khi trẻ đến lớp, đến trường.
Qua các hoạt động dạy học kết hợp tổ chức trò chơi, hoạt động ngoại khóa, tôi luôn tham gia hướng dẫn thân thiện và gần gũi với các em để các em cảm nhận được sự quan tâm và tình yêu thương.
Cùng với đó, tôi thường quan tâm đến hoàn cảnh của mỗi em. Nắm bắt được tâm lí, năng lực, sở trường của từng học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả nhất.
Bạn Hải Anh – Bắc Giang:
Cô Dương Thu Hằng
Trải qua hơn 20 năm công tác, tôi đã trưởng thành từ cái nôi Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Sự gắn kết, quan tâm của tập thể giáo viên (lúc đó gọi là các cô, các chú) và lãnh đạo nhà trường đã dìu dắt hướng dẫn cho tôi từ khi còn là một GV trẻ mới ra trường bỡ ngỡ trong việc giảng dạy học sinh khuyết tật. Các cô chú đồng nghiệp lớn tuổi đã chỉ bảo, truyền đam mê... giúp tôi ngày càng cứng cáp hơn, yêu nghề hơn, tự hào dìu dắt các lứa học sinh lớn khôn.
Hiện tại, tôi thấy mình hạnh phúc khi được tiếp nối truyền lửa, truyền cảm hứng, truyền đam mê, truyền tình yêu thương, trách nhiệm... đến những đồng nghiệp trẻ tuổi như mình ngày xưa yêu nghề, yêu học sinh khuyết tật, yêu trường Nguyễn Đình Chiểu.
Bạn nguyenhong@gmail....:
Thầy Chu Chu Cà
Nhà trường, xã hội và gia đình là các yếu tố tác động đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Trong đó, gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành phẩm chất, nhân cách gốc của học sinh.
Để xây dựng trường học hạnh phúc, cần nâng cao nhận thức của toàn thể đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội trong việc kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ.
Để trường học hạnh phúc, để những giá trị yêu thương, an toàn, tôn trọng được thực hiện tốt thì việc kêu gọi sự chung tay giúp đỡ bằng nguồn xã hội hóa của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp trong xây dựng, trùng tu trường học là hết sức cần thiết. Nhất là đối với những cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số.
Bạn maithuha@...:
Thầy Chu Chu Cà
Tại xã vùng cao Thu Lũm, trước đây, các em được ở bán trú nên tỷ lệ chuyên cần, việc đi học đầy đủ, đúng giờ thường xuyên được duy trì. Tuy nhiên, sau khi không còn được hưởng chế độ, học sinh về bản học thì tỷ lệ chuyên cần của các em chưa được cao. Một số học sinh chỉ tham gia học buổi sáng còn buổi chiều phụ giúp bố mẹ.
Để huy động học sinh đến lớp đầy đủ, ngoài việc tuyên truyền đến phụ huynh, chúng tôi cần phải thu hút học sinh bằng các phương pháp dạy học tích cực. Đồng thời, áp dụng “hiệu ứng đám đông”, tức là tạo cảm hứng cho các em đi học để các em truyền đạt, lan tỏa đến cho các bạn khác. Từ đó, khơi dậy hứng thú để các em đi đến trường.
Bạn Quanghuytb@...:
Cô Dương Thu Hằng
C
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến trường của chúng tôi.
Theo tôi, tất cả những thành công mà học sinh khiếm thị ( HSKT) có được điều quan trọng nhất đó chính là nghị lực của các em vươn lên trong cuộc sống. Các em biết cố gắng, biết tận dụng tối đa thời gian học tập, chịu khó tham gia các hoạt động của nhà trường, có em còn tham gia thêm các hoạt động bên ngoài nhà trường khi được phép, tích cực tương tác với thày cô, có trách nhiệm trong mọi việc……
Chính những khát khao vươn lên trong cuộc sống của các em đã mang đến động lực lớn cho các thày cô giáo, cho lãnh đạo nhà trường. Bên cạnh việc dạy học kiến thức theo chuẩn của ngành, nhà trường xây dựng nhiều hoạt động của tháng, hoạt động theo chủ đề.
Mặt khác, với khả năng của trường và dựa vào các mối quan hệ với các tổ chức, nhà trường xây dựng các hoạt động ngoài nhà trường, các hoạt động trải nghiệm, kêu gọi các tổ chức từ thiện, phụ huynh học sinh tham gia cùng xây dựng các hoạt động có ý nghĩa với HSKT.
Song hành với sự phát triển của xã hội, đổi mới của ngành giáo dục BGH và giáo viên nhà trường luôn cố gắng xây dựng ngôi trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu trở thành điểm đến tin cậy của tất cả các gia đình có con em là người khiếm thị, là điểm sáng trong hoạt động dạy học HSKT của cả nước.
Bạn Cuongtran@...:
Thầy Chu Chu Cà
Với điều kiện thực tế của địa phương, tôi rất mong các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực, từ ngân sách nhà nước, từ nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng thiết chế trường học phù hợp với điều kiện, nét văn hóa riêng của từng vùng miền.
Cùng với đó, bố trí điểm trường ở gần khu dân cư. Không bố trí, sắp xếp phòng học quá hẹp. Phòng học không quá đông học sinh, trong trường phải có những không gian sáng tạo, vui chơi, thư giãn cho người học để góp phần tạo dựng giá trị hạnh phúc trong mỗi ngôi trường.
Đối với xã Thu Lũm, mặc dù đã về đích nông thôn mới nhưng đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và nguồn hỗ trợ. Tôi mong nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với người dân thuộc xã vùng cao biên giới đạt chuẩn nông thôn mới, đặc biệt là các bản đặc biệt khó khăn.
Bạn Minhcuongtb@...:
Thầy Chu Chu Cà
Một trong những điều kiện có lợi nhất của việc dạy học là tạo dựng được mối quan hệ tích cực với phụ huynh. Giao tiếp hiệu quả với phụ huynh là điều cần thiết để giáo viên thành công. Học sinh sẽ nỗ lực nhiều hơn ở trên trường nếu biết rằng giáo viên thường xuyên trao đổi với cha mẹ họ và cha mẹ cũng tin tưởng giáo viên.
Để tạo được sự đồng thuận từ phụ huynh, tôi thường xuyên chia sẻ về tình hình học tập của các em học sinh. Bên cạnh đó, tôi cũng lấy các tấm gương bạn bè cùng trang lứa để phụ huynh có cái nhìn khác khi cho con theo học.
Tôi thường xuyên động viên, khích lệ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh và học sinh để tuyên truyền sao cho họ hiểu được ý nghĩa của việc học. Chỉ có học mới thay đổi nhận thức, mới vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Bạn Minhhungle@...: