Giáo dục đại học Việt Nam trước hat-trick khó khăn
Khi điểm danh những khó khăn của giáo dục đại học trước ngưỡng cửa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (I4.0), GS Đặng Ứng Vận - thành viên Hội đồng Giáo dục quốc gia - cho rằng: GDĐH Việt Nam không chỉ có những hạn chế chung như hệ thống giáo dục đại học thế giới mà còn có những hạn chế riêng khiến cho thách thức trong việc tiếp cận I4.0 không chỉ là khó khăn kép mà là khó khăn chập 3 (hat-trick).
Thứ nhất, dấu ấn của nền giáo dục 2.0 (E2.0) còn đậm nét. Cụ thể, quá trình học tập được sắp đặt trước và theo thứ tự, chất lượng được kiểm tra thông qua các bài kiểm tra theo chuẩn được thực hiện ở mỗi cuối học kì. GV được chuyên ngành hóa, sử dụng cùng một thang đánh giá, thiếu sự dân chủ rõ rệt trong nhà trường khi mà không ai có thể tự thiết kế con đường học tập của riêng mình, ngay cả hệ thống tín chỉ đang được triển khai vẫn còn mang tính hình thức.
Thậm chí, GDĐH VN vẫn còn những khiếm quyết khi đối chiếu với những chuẩn mực của E2.0 như sự kết nối giữa các trường ĐH và doanh nghiệp, việc đào tạo các kĩ năng nhận thức cấp cao như giải quyết vấn đề, suy luận logic, làm việc theo nhóm, kĩ năng thích nghi nhanh chưa được quan tâm, chưa tạo động lực và khả năng học tập suốt đời, học tập liên tục cho mọi người, đặc biệt là kĩ năng khai thác các nguồn học liệu mở, các khóa học trực tuyến đại chúng và sự yếu kém về tiếng Anh.
Thứ hai, Việt Nam không có những định hướng rõ nét có tính dẫn dắt cho SV hướng tới STEM (khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học), dẫn đến tình trạng những sinh viên giỏi nhất thường lựa chọn các ngành ngoại thương, tài chính, ngân hàng. Điều này gây thiếu hụt nhân lực trong một số ngành công nghệ tăng trưởng nhanh trong thời đại số hóa và tự động hóa, đặc biệt là ngành CNTT.
Thứ ba, chất lượng GDĐH VN có vấn đề xuất phát từ tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Các trường ĐH phải lo tồn tại như một doanh nghiệp trong bối cảnh số lượng tuyển sinh ngày càng thấp. Phần lớn các trường ĐH tầm trung lúng túng trong việc giải quyết nghịch lí: Một mặt bảo đảm không cung cấp thứ phẩm và phế phẩm cho xã hội; mặt khác sinh viên sẽ ngại vào các trường chặt chẽ trong việc cấp chứng chỉ học tập.
Theo GS Đặng Ứng Vận, với công nghệ thay đổi nhanh chóng về kinh tế, văn hóa và xã hội, câu hỏi về cách chuẩn bị cho thế hệ trẻ và thậm chí thế hệ hiện tại cho cách mạng 4.0 làm một vấn đề bức xúc đối với GD đương đại. Phải đặt ra và trả lời những câu hỏi: Chúng ta làm GD thế nào cho I4.0? Hệ thống giáo dục và chương trình của chúng ta có thích ứng được với I4.0 hay không? Nếu không thì làm thế nào để chúng ta tái tạo lại hệ thống GD để thích ứng?
Tất cả các trường đại học đều là những ngôi trường tốt
Lấy dẫn chứng sự sụp đổ của Blackberry trong lĩnh vực điện thoại di động để minh chứng cho một điều, nếu không cố gắng, nếu quá tự mãn thì sẽ bị tụt hậu, bị đánh bại bởi những người mới nổi, GS Đặng Ứng Vận cho rằng để sống sót trong ngày mai, chúng ta cần phải chạy rất nhanh, chạy cật lực, phải tiến hóa với các hệ thống mà chúng ta tương tác.
Để đáp ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, trước hết chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận GD mà không phải vào nội dung chính yếu các môn học. Đó chính là nội dung đề xuất của nền GD may đo (tailored education), trong đó có 5 đặc điểm như sau:
Thứ nhất, thay cho việc chỉ dạy chữ, chỉ truyền đạt kiến thức, nên dạy cách suy nghĩ và sáng tạo.
Thứ hai, tài năng của con người là đa dạng và ẩn chứa bên trong mỗi cá thể, do vậy, cần tạo tình huống cho chúng bộc lộ. Xã hội rất cần nhiều tài năng khác nhau chứ không phải một vài khả năng đơn thuần nào đó như làm Toán hoặc viết Văn. Tâm điểm của thử thách này chính là xây dựng lại cách nhìn của chúng ta về khả năng và sự hiểu biết của người học.
Thứ ba, tất cả học sinh đều được học trường tốt. Theo quan điểm cũ, trường tốt được dành cho những học sinh tốt nhất. Việc thi tuyển được dùng để bảo đảm rằng chỉ có các sinh viên trí tuệ tài năng nhất do người lớn đặt ra được nhận vào các trường có uy tín. Quan điểm mới, khi tài năng bên trong của mọi trẻ em được bộc lộ, tất cả các trường sẽ trở thành một trường học tốt.
Thứ tư, ai cũng được học hành và học tập suốt đời. Muốn vậy cần bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục của các tầng lớp nhân dân ở các trình độ, phương thức và loại hình GD-ĐT khác nhau. Mở rộng cơ hội học tập và nâng cao chất lượng không chỉ trông chờ vào nguồn lực Nhà nước mà còn từ xã hội và bản thân người học. Đây cũng là mục tiêu của việc xây dựng một hệ thống giáo dục theo hướng mở mà Nghị quyết 29 đã đề ra.
Thứ năm, cần phải học để làm chủ đất nước và sánh vai cùng bạn bè năm châu. Chúng ta phàn nàn rằng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm. Tại sao cứ kêu ca là không tìm được việc làm, tại sao cứ nghĩ học xong để đi làm thuê mà không nghĩ khi học xong để làm ông chủ, để cùng bạn bè lập nghiệp? Do vậy, các trường ĐH cần chú trọng giáo dục khai phóng, hướng dẫn cho sinh viên biết cách tự học, tự nghiên cứu để đạt được các mục tiêu sống của mỗi người.
Trong 5 điểm đã nêu thì khó thực hiện nhất là làm sao cho các trường của Việt Nam đều là những trường tốt. Đây là việc của các trường đại học. Mặt khác, xã hội, doanh nghiệp và công nghiệp cần đầu tư thêm cho giáo dục, huy động thêm nguồn lực và cần một cách quản lí hiệu quả của Nhà nước.