Trường đại học còn nhiều việc phải làm khi triển khai luật mới

GD&TĐ - Triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH), trong đó có thực hiện tự chủ đại học là nội dung quan trọng được tập trung thảo luận tại Hội nghị trực tuyến được Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 17/7 tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Xuân Phú
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Xuân Phú

Tự chủ ĐH là mong đợi nhưng cần lộ trình từng bước

Nhận định của ông Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục: Tự chủ ĐH là hướng đi hoàn toàn đúng đắn, hầu hết các trường đều ủng hộ hướng đi này, nhất là khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH có hiệu lực từ 1/7/2019. Nhưng đây không phải câu chuyện đơn giản; trường có đội ngũ lãnh đạo, giảng viên tốt, uy tín cao thì thực hiện dễ hơn, các trường top dưới, kể cả trường công và ngoài công lập sẽ có những khó khăn khác nhau.

Từ thực tế một số trường đã thí điểm tự chủ, ông Phạm Quang Trung cho rằng, điều hết sức quan trọng ngoài thành lập hoặc kiện toàn hội đồng trường (HĐT) là rà soát toàn bộ hệ thống quy chế. “Nhiều trường thiếu quy chế, thiếu các quy định nội bộ, khi thanh tra, kiểm tra động đến là thiếu căn cứ. Khi tự chủ càng cao thì vai trò các văn bản này càng lớn” – ông Trung nhấn mạnh và đề nghị thêm cần chú trọng khâu hậu kiểm.

Ông Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo, ĐHQG Hà Nội – nêu quan điểm, bản chất của tự chủ ĐH không phải là có một đề án tự chủ hay cắt toàn bộ kinh phí Nhà nước mà là cởi trói về cơ chế, cởi bỏ các rào cản để trường có thể nhanh chóng hội nhập; bản chất tự chủ là các trường phải hội nhập. Mô hình trường không chỉ nghiên cứu mà là số hóa, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Để nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo phải có nhân tài, nhóm nghiên cứu mạnh. “Mong Bộ GD&ĐT có hướng dẫn chỉ đạo để các trường theo nội dung như vậy” – ông Nguyễn Đình Đức đề xuất.

Nhấn mạnh tự chủ ĐH là mong đợi nhưng cần có lộ trình từng bước một, trong đó lộ trình tuyển sinh cần sự giúp đỡ của Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội nêu ví dụ: Như đề thi, không có bất cứ trường, nhóm trường nào làm tốt hơn Bộ GD&ĐT. Chuẩn bị cho tự chủ, theo ông Nguyễn Hữu Tú, Trường ĐH Y Hà Nội đã có những chuẩn bị tích cực, tự xây dựng văn hoá chất lượng từ nhiều năm nay. Riêng việc dần bỏ bộ chủ quản, Bộ GD&ĐT tiên phong và đó là một trong những quyết định dũng cảm. “Chúng tôi ủng hộ, sẵn sàng thực hiện yêu cầu của Bộ GD&ĐT” – ông Tú khẳng định.

Điểm chung của nhiều ý kiến trao đổi là tăng tự chủ gắn với thay đổi quản lý của Bộ GD&ĐT và quản trị của nhà trường. Cùng với đó, đề nghị Bộ GD&ĐT nhanh chóng có nghị định, văn bản hướng dẫn để các trường có cơ sở thực hiện, triển khai luật.

4 nội dung quan trọng trường ĐH cần làm

Về vấn đề triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) - cho rằng có 4 nội dung thuộc về trách nhiệm của các cơ sở GDĐH cần chú trọng triển khai, đó là: Xây dựng đề án/kế hoạch thực hiện tự chủ; thành lập/kiện toàn HĐT; nâng cao năng lực quản trị; tổ chức truyền thông. Thời hạn các trường thành lập/kiện toàn HĐT là ngày 31/12/2019.

Về xây dựng đề án/kế hoạch thực hiện tự chủ, các trường cần rà soát các điều kiện thực hiện quyền tự chủ theo quy định của luật để xây dựng đề án/kế hoạch bảo đảm phù hợp năng lực, sứ mệnh của cơ sở GDĐH; đồng thời, xây dựng kế hoạch về tự chủ, xác định lộ trình thực hiện tự chủ hoàn toàn trên các phương diện: Hoạt động chuyên môn, tài chính, nhân sự.

Với việc thành lập mới HĐT (trường ĐH công lập): Hiệu trưởng thống nhất với đại diện cơ quan trực tiếp quản lý về số lượng, thành phần, cơ cấu của HĐT; tổ chức quy trình bầu Chủ tịch HĐT và các thành viên HĐT; trình cơ quan trực tiếp quản lý ra quyết định công nhận HĐT, Chủ tịch HĐT. Hiệu trưởng đang đương nhiệm được tiếp tục đến hết nhiệm kỳ.

Về kiện toàn HĐT (trường ĐH công lập): Chỉnh sửa quy chế tổ chức và hoạt động của trường theo quy định của luật, trong đó quy định số lượng, thành phần, cơ cấu của HĐT. Chủ tịch HĐT tổ chức kiện toàn HĐT theo quy định của luật và trình cơ quan trực tiếp quản lý ra quyết định công nhận HĐT, Chủ tịch HĐT. Hiệu trưởng đương nhiệm được tiếp tục đến hết nhiệm kỳ.

Thành lập HĐT ở trường ĐH tư thục: Hội nghị nhà đầu tư (NĐT) hoặc chủ sở hữu (CSH) xác định số lượng, cơ cấu HĐT; cử hoặc bầu theo tỷ lệ vốn góp đối với đại diện NĐT, thành viên trong và ngoài trường ĐH. Người có tỷ lệ vốn góp cao nhất trong số các thành viên tham gia HĐT chủ trì việc bầu chủ tịch HĐT, đề nghị hội nghị NĐT hoặc CSH ra quyết định công nhận HĐT và chủ tịch HĐT. NĐT có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho HĐT tổ chức thực hiện quy trình thành lập HĐT, bầu chủ tịch HĐT của nhiệm kỳ kế tiếp.

Thành lập HĐT ở trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận: Hội nghị NĐT hoặc CSH xác định số lượng, cơ cấu HĐT; cử hoặc bầu đại diện NĐT tham gia HĐT, trong đó, xác định người chủ trì thực hiện quy trình thành lập HĐT, bầu chủ tịch hội HĐT. Người chủ trì đề nghị hội nghị NĐT hoặc CSH trường ĐH công nhận HĐT và chủ tịch HĐT trước khi đề nghị cho phép hoạt động đào tạo. Thời hạn các trường thành lập/kiện toàn HĐT là ngày 31/12/2019.

Với nội dung nâng cao năng lực quản trị ĐH, bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng, nhà trường cần tổ chức phổ biến về luật cho các cán bộ chủ chốt và toàn thể cán bộ, giảng viên trong trường. Bồi dưỡng, tập huấn năng lực lãnh đạo, quản trị hiện đại cho các cán bộ chủ chốt. Cùng với đó, xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin quản trị nội bộ, kết nối với cổng thông tin của Bộ và cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu cho hệ thống thống kê của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản trị thông qua tăng cường công tác, vai trò giám sát của HĐT; tăng cường thông tin và hướng dẫn cho các thành viên HĐT; quan tâm cơ chế phối hợp giữa Đảng ủy, Ban Giám hiệu và HĐT; ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, các quy định nội bộ của trường.

Các trường cũng cần thực hiện công khai minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình theo quy định. Giám sát việc thực hiện quyết định của HĐT, việc tuân thủ pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của trường ĐH và trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng trường ĐH; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của trường ĐH; báo cáo hàng năm trước hội nghị toàn thể của trường ĐH về kết quả giám sát và kết quả hoạt động của HĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.