Cùng nhận định này, TS Phan Văn Nhẫn đưa ra giải pháp nhằm đổi mới quản trị ĐH, từ đó tác động trực tiếp đến quátự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam.
Cơ cấu lại hệ thống giáo dục ĐH trên cả nước
Yêu cầu cơ cấu lại hệ thống giáo dục ĐH được TS Phan Văn Nhẫn đưa ra như sau:
Một là, cơ cấu lại hệ thống giáo dục ĐH. Cụ thể, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực hợp lý để bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Sắp xếp lại các cơ sở giáo dục ĐH định hướng nghiên cứu, ứng dụng, các trường ĐH sư phạm; sắp xếp lại ĐH quốc gia, ĐH vùng, ngành và ĐH trực thuộc địa phương. Thực hiện sáp nhập các trường có cùng chức năng, ngành nghề đào tạo trên cùng một địa bàn; mua lại, giải thể những trường ĐH không đạt kiểm định chất lượng, không đạt chỉ tiêu tuyển sinh nhiều năm liền...
Hai là, cơ cấu lại ngành nghề đào tạo, chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế. Nội dung cơ cấu lại ngành nghề đào tạo gồm phát triển một số ngành đặc thù, các ngành thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước. Song song đó, bố trí lại kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, ngành nghề đào tạo sát yêu cầu thực tiễn, trong phạm vi cả nước, từng vùng, từng địa phương.
Cùng với đó, cơ cấu lại chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho phát triển KT-XH của địa phương, vùng, cả nước, của từng lĩnh vực và hội nhập quốc tế. Nếu chương trình đào tạo không được cơ cấu lại, yêu cầu tự chủ trở nên vô nghĩa. Quá trình đổi mới phải hình thành cơ chế bảo đảm chất lượng đích thực, với các quy trình, quy chuẩn và quy tắc trong dạy và học để bảo đảm người học đáp ứng được các yêu cầu về phẩm chất và năng lực mà xã hội mong đợi.
Cơ cấu lại hệ thống tổ chức bộ máy các cơ sở giáo dục ĐH
Giải pháp thứ 2, theo TS Phan Văn Nhẫn, là cơ cấu lại hệ thống tổ chức bộ máy các cơ sở giáo dục ĐH; đào tạo, tuyển chọn đội ngũ cán bộ, giảng viên; tạo động lực làm việc bằng cơ chế mới.
Trước hết, các cơ sở giáo dục ĐH phải khẩn trương rà soát tổ chức bộ máy, xác định đúng vị trí việc làm để cơ cấu lại các đơn vị, bộ môn đáp ứng được yêu cầu đổi mới hoạt động quản trị và tự chủ. Quá trình cơ cấu lại phải dựa vào sứ mệnh của trường, vừa bảo đảm khả năng thích ứng với thay đổi nhanh trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế về GD-ĐT. Đồng thời, phải lấy hiệu lực quản lý, hiệu quả công tác, năng suất lao động làm tiêu chuẩn quyết định, các tiêu chuẩn về bằng cấp, học vị... là các tiêu chí quan trọng.
Cơ cấu lại tổ chức bộ máy với những con người chịu khó, dám dấn thân, tận tâm, tận lực, tận tụy, dũng cảm, thực tâm, thực lòng; đó là những con người biết cách vượt khó, dám nghĩ, dám làm, luôn sáng tạo, biết làm và có thể làm được những việc lớn với kết quả tốt. Song song đó, phải rà soát, bổ sung hoặc biên soạn lại toàn bộ chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, quy chế, quy định, các tiêu chuẩn, tiêu chí, chế độ... cho phù hợp với yêu cầu mới.
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, việc thành lập Hội đồng trường trở nên cấp thiết đối với các trường ĐH. Song, nhân sự Hội đồng trường lại càng cấp thiết hơn với Chủ tịch Hội đồng trường là một nhà quản trị giỏi, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, thu hút được nhân tâm, nhân lực, vật lực, tài lực và làm có kết quả tốt.
Các thành viên Hội đồng trường cũng cần được lựa chọn theo một tiêu chuẩn, điều kiện nhất định nhằm góp phần tổ chức thực hiện thành công quá trình đổi mới quản trị và tự chủ. Kinh nghiệm cho thấy Hội đồng trường cần có bộ phận thường trực gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch và các Trưởng tiểu ban chuyên môn với những người am hiểu nhà trường và có năng lực quản lý.
Cùng Hội đồng trường, cần hình thành Ban Giám hiệu gồm những nhà giáo, nhà quản lý đủ phẩm chất, năng lực, làm việc có hiệu quả cao. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị và tự chủ và tạo động lực làm việc bằng cơ chế mới.
Đổi mới theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
TS Phan Văn Nhẫn cho rằng, đổi mới quản trị và tự chủ ĐH theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chìa khóa xác lập quyền làm chủ và trách nhiệm cá nhân, phát huy tinh thần tích cực, sáng tạo; giải quyết hàng loạt các điểm nghẽn, những hạn chế; các nguồn lực và lợi thế sẽ được phát huy được tối đa; các lợi ích sẽ hài hòa; sự lười biếng, dựa dẫm và tình trạng “chảy máu” chất xám sẽ được khắc phục.
Trước yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với đổi mới công tác quản trị, các cơ sở GDĐH phải tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị. Nếu không có chiến lược đầu tư cơ sở vật chất, thì nhất định sẽ không tồn tại. Nói cách khác, cơ chế quản trị ĐH có thể phát huy tốt trên cơ sở trang thiết bị hiện đại.
Hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, quy định
Với giải pháp hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, quy định, bảo đảm sự vận hành của cơ chế quản trị và tự chủ ĐH, TS Phan Văn Nhẫn cho rằng, trước hết, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ cần đổi mới căn bản, toàn diện, triệt để quan điểm, đường lối, cơ chế, chính sách, pháp luật, quy định... có liên quan đến giáo dục ĐH.
Hai là, Chính phủ hướng dẫn một cách cụ thể việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, hướng dẫn sâu về hoạt động của Hội đồng trường; mối quan hệ giữa Đảng ủy với Chủ tịch Hội đồng trường và Ban Giám hiệu; về cơ chế tự chủ và phương cách tổ chức thực hiện tự chủ...
Ba là, Quốc hội cần kịp thời bổ sung, sửa đổi ngay những điều khoản của các bộ luật không phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Các bộ, ngành cần sửa đổi ngay các quy định gây khó khăn, trở ngại cho quá trình đổi mới quản trị và tự chủ ĐH.