Giáo dục bằng đòn roi hay tình thương?

GD&TĐ - Nhiều ý kiến cho rằng, chính việc triệt tiêu giáo dục “đòn roi”, “phê bình” đã gây ra hiện trạng học sinh vô lễ, đánh nhau, lười học…

Giáo dục bằng đòn roi hay tình thương?

Quan điểm trái chiều lại cho rằng, chỉ có giáo dục bằng tình yêu thương mới ngăn chặn tận gốc được hiện tượng bạo lực học đường. Với góc nhìn cá nhân, tư cách một phụ huynh và là thầy giáo, tôi nghĩ rằng, cần khách quan, hài hòa ở phương pháp giáo dục con em lẫn học sinh.

Đòn roi có làm ta nên người?

“Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” là câu thường dùng khi nói về quan điểm giáo dục trẻ nhỏ trước đây. Và thực tế, ngày nay, nhiều gia đình vẫn dùng phương pháp này để giáo dục con em mình. Tuy nhiên, đây có phải là phương pháp dạy con hiệu quả không? Chúng ta cùng nhìn lại và suy ngẫm:

Cha tôi kể ông bà ngày xưa nghiêm khắc lắm. Con sai là đánh. Vừa đánh vừa dạy. Đánh cho phải quỳ xuống xin lỗi, hối cải mới thôi. Nhà đông con vậy, không dạy bằng đòn roi thì không yên bề gia phong. Cha bảo cũng nhờ đòn roi của ông bà mà cha và các bác trưởng thành. Đến giờ vẫn cảm ơn những trận đòn nên người đó.

Tuổi thơ của tôi cũng không ít lần lằn mông vì roi mây, sau khi đã được khất nợ, hoãn đi hoãn lại việc “thi hành án” bởi vô vàn những tội lớn bé khác nhau. Nhưng quả thật khi ngoài 50 rồi nhìn lại, tôi vẫn thấy tuổi thơ của mình vô cùng đẹp đẽ, đầy cảm xúc và không hề có gì tiếc nuối...

Cha tôi cũng kể, thời cha tôi đi học, nếu học trò mắc các lỗi nặng cũng bị trừng phạt bằng đòn roi. Trò đánh bạn vô cớ, thầy phạt bằng cách lấy thước đánh vào tay, mông. Trò không học bài cũ, thầy rải quả phi lao lên bục giảng, bắt trò xắn quần quá gối và quỳ lên. Nhờ đòn roi ấy, lứa học trò như cha tôi mới nên người. Giờ đây, sau bao nhiêu năm gặp lại thầy cũ, cha tôi bảo, cả lớp đều vui vẻ kể lại những hình phạt năm xưa và thầm biết ơn thầy đã giáo dục mình nghiêm khắc như vậy.

Giờ đây, khi đã trở thành thầy giáo, tôi ít khi sử dụng đòn roi. Tuy nhiên, những trường hợp cá biệt, trong hoàn cảnh đặc biệt, tôi vẫn sử dụng nó để dạy dỗ học trò của mình. Thực tế là, tùy vào từng cảnh huống, mức độ vi phạm nặng nhẹ thì “đòn roi” lại giúp học sinh nhận lỗi và tiến bộ rõ rệt. Và, điều đặc biệt, tôi nhận thấy, những cậu học trò ấy, sau này gặp lại, các em đã trưởng thành và rất quý mến tôi.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Đòn roi và bạo lực

Vấn đề ở đây là “đòn roi” ở mức độ nào, đấy đã phải là “bạo lực” chưa, nó có còn là “tình người” cùng với tính “răn đe” hay không ? Hay chỉ là nỗi bức xúc cuộc sống của cha mẹ, thầy cô rồi “xả” sang những đứa con, cô cậu học trò trót mắc lỗi...

Khi bất lực trước lời dạy dỗ là lúc bạo lực ắt lên tiếng. Đánh cho hết cái sĩ diện làm cha mẹ, hết những bực bội vì con cái, học trò không nghe lời. Đánh cho hỉ hả với thái độ biết dạy con, biết dạy trò. Đánh vì muốn ra uy với con cái, học trò. Dùng đòn roi quá vội vàng mà chưa kịp tìm hiểu đúng sai. Dùng đòn roi mà không đi kèm với các biện pháp giáo dục khác. Sử dụng đòn roi như thế lại là bạo hành và có tác dụng ngược với quá trình giáo dục trẻ. Cha tôi bảo những trận đòn đó không bao giờ làm con cái nên người vì không có cái tâm của người làm cha mẹ, chỉ đánh con để hả hê cảm xúc.

Hình phạt dành cho trẻ cũng giống như những liều thuốc nhằm mục đích để “điều trị” giúp trẻ sẽ nghe lời và không làm sai nữa. Sử dụng hình phạt nặng như đòn roi, đánh đập giống như bạn sử dụng một liều thuốc rất nặng cho căn bệnh của mình. Bệnh của bạn có thể khỏi nhưng nó sẽ trở nên nhờn thuốc. Những lần sau nếu bạn không sử dụng liều thuốc bằng hoặc hơn liều thuốc trước, có khả năng bệnh của bạn sẽ không có chút chuyển biến nào dù nặng hay nhẹ. Đòn roi cũng như thế, không những không giúp cho trẻ tốt lên, mà còn khiến chúng bướng bỉnh, lì lợm hơn.

Trong quá trình làm công tác chủ nhiệm lớp, tôi đã gặp nhiều trường hợp học trò khó giáo dục. Qua tìm hiểu, số nhiều trong đó đều rơi vào hoàn cảnh bị bố mẹ quá lạm dụng đòn roi, nghĩa là bất cứ lỗi gì, nặng hay nhẹ cũng… roi vọt. Thậm chí có em, bố uống rượu vào là… đánh, kiểu “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” như người chồng đánh vợ trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Giáo dục bằng đòn roi như thế chỉ khiến trẻ trở nên trơ lì cảm xúc, thậm chí tự ti, trầm cảm.

Phải đánh bằng… tình thương

Vậy trong bối cảnh hiện nay, người thầy phải làm sao? Đánh hay không nên đánh?

Khó... rất khó... khi mà áp lực học tập, áp lực thành tích, ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc sống bên ngoài xã hội, khi mà sự lo lắng cho tương lai của các con, học trò còn đè nặng lên vai những ông bố, bà mẹ, thầy cô giáo.

Ông bà ngày xưa chỉ đánh khi con cái có lỗi thật sự. Thầy cô giáo ngày xưa cũng chỉ đánh học trò khi chúng mắc những lỗi xứng đáng được “thưởng” bằng đòn roi. Ông bà, thầy cô đánh với mục đích đơn giản là cho con cháu, học trò hiểu được cái sai. Còn bây giờ ngẫm nghĩ, người lớn dùng đòn roi với mục đích gì? Chúng ta nhiều khi đánh chỉ để đe nẹt, buộc con cái phải phục tùng sự uy nghiêm. Cũng có khi, chúng ta đánh vì… thành tích học tập của con, trò chưa được như mình mong muốn.

Còn một mục đích nữa nguy hại hơn, người lớn đôi khi vì áp lực cuộc sống mưu sinh mà đổ cơn thịnh nộ lên chính con cái dù cái sai của bọn trẻ chỉ ở mức độ giảng giải, khuyên can. Viết đến đây, thêm lần nữa, tôi liên tưởng đến truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”. Hành động “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” của người chồng trút lên người đàn bà hàng chài thật ám ảnh người đọc. Vì đâu người chồng lại có hành động vũ phu như thế?

Nhà văn Nguyễn Minh Châu lý giải cho hành động của người chồng chính là bởi cuộc sống mưu sinh quá khổ cực, con đông, công việc khó khăn, chứ trước đây “hắn hiền như đất”. Và rõ ràng, cuộc sống hiện đại ngày nay đang lấy đi thời gian, sự quan tâm của người lớn dành cho trẻ em. Hơn nữa, guồng quay cuộc sống cũng tạo nên nhiều áp lực cả về tinh thần và vật chất khiến người lớn cũng dễ nóng nảy hơn.

Tôi rất sợ những đứa con ngoan theo kiểu gọi dạ bảo vâng, chỉ biết học, không quan tâm đến ai, không để ý đến việc gì (thường kết quả học là tốt) nhưng khi lớn lên lại sống rất ích kỷ, thiếu trách nhiệm và luôn coi mình là nhất.

Đòn roi là không nên, chắc chắn rồi... nhưng chưa hẳn “đánh con” đã là xấu, là có hại... Điều quan trọng ở đây là “ranh giới” giữa giáo dục và bạo hành khá mong manh... rất dễ “lợi bất cập hại”, rất dễ “đánh chuột vỡ bình”...

Thế cho nên, có lẽ mỗi ông bố, bà mẹ hay mỗi thầy cô giáo chúng ta cần cân nhắc trước khi đưa ra “hình thức và mức án” đối với con cái cũng như học trò. Muốn vậy, chúng ta cố gắng là người thầy, người bạn của con, trước khi là “chú cảnh sát” oai vệ hay một “bác quan tòa” đạo mạo...

“Con đừng đánh những lúc con đang cáu giận. Con cái sẽ cảm nhận rất nhanh và về sau hình ảnh này sẽ lặp lại ở thế hệ cháu của con. Muốn con nên người phải đánh bằng tình thương” - cha tôi từng bảo như vậy.

Đòn roi để trẻ nhớ và thực hiện chứ không phải bạo lực để trẻ tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Kèm theo đòn roi là tình cảm của cha mẹ, thầy cô như thế nào để trẻ vẫn cảm nhận trong đó tình yêu thương, không phải sự hằn học ghét bỏ. Không có cách giáo dục nào là tối ưu cho mọi đối tượng nên cần linh động, hài hòa trong các biện pháp, phương pháp để uốn nắn con trẻ nên người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ