Bắt nạt học đường không còn là chuyện con trẻ

GD&TĐ - Tình trạng bắt nạt học đường tại nhiều nơi vẫn chưa được quan tâm đúng mức...

Sinh viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM.
Sinh viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM.

Trong khi các nước chú ý nhiều hơn đến việc phòng ngừa bắt nạt trực tuyến học đường thì tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, tình trạng bắt nạt học đường vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Những rào cản nào khiến mô hình phòng ngừa bắt nạt học đường hoạt động kém hiệu quả? Cần phải làm gì để sớm nhận diện, phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng bắt nạt học đường? Xã hội và đặc biệt là phụ huynh có vai trò và trách nhiệm gì để phòng ngừa bắt nạt học đường? Qua kết quả đề tài nghiên cứu, TS Lê Thị Mai Liên - giảng viên bộ môn Tham vấn - Trị liệu tâm lý, Phó Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề trên.

Nhận diện sớm

- Bạo lực học đường và bắt nạt học đường được nhiều người nhắc đến. Có sự khác nhau giữa hai cụm từ trên?

- Cần phân biệt rõ bạo lực học đường và bắt nạt học đường. Dan Olweus (1993) định nghĩa bắt nạt học đường (school bullying) như sau: “Trẻ em là nạn nhân của bắt nạt khi chúng phải tiếp xúc liên tục và kéo dài hành động tiêu cực cố ý, gây tổn thương hay khó chịu từ một hay nhiều người. Hành động này diễn ra trong một mối quan hệ lệ thuộc về mặt tâm lý, lặp đi lặp lại một cách đều đặn”.

Bắt nạt học đường gồm có các dạng bắt nạt thể chất, tinh thần và bắt nạt trực tuyến. Bản chất của bắt nạt theo Eisenberg E. M và Peer Harassment (2003) nhằm loại bỏ sự khác biệt về ngoại hình (chiều cao, cân nặng, số đo các vòng, màu da, tóc, răng); khác biệt về sở thích, thần tượng; kỳ thị về giới tính hoặc xu hướng tính dục, chủng tộc, nhóm, vị trí xã hội...

Còn bạo lực học đường, được Hurrelmann (1998) định nghĩa: “Bao gồm toàn bộ các hoạt động và hành động gây ra đau khổ hay tổn thương về thể chất hoặc tâm lý cho những người đang hoạt động trong hoặc xung quanh trường, hoặc có ý định gây tổn hại đối tượng tại trường học”.

- Bắt nạt học đường tồn tại ở nhiều quốc gia. Theo tiến sĩ, có thể phòng ngừa tình trạng này?

- Bắt nạt học đường được nhiều quốc gia quan tâm từ hàng chục năm nay. Hiện, mô hình 3 tầng phòng ngừa bắt nạt học đường được áp dụng ở nhiều nơi như Mỹ, châu Âu và Bắc Mỹ cho thấy có tác dụng phát hiện và ngăn ngừa tình trạng bắt nạt học đường.

Trong mô hình này, tầng đầu tiên là phòng ngừa bằng cách giáo dục tâm lý cho số đông học sinh và bố mẹ, giáo viên. Bởi lẽ, khi đi học, bất cứ em nào cũng có thể bị bắt nạt nên cần nâng cao nhận biết dấu hiệu, hệ quả, cách xử trí và tìm kiếm hỗ trợ khi rơi vào tình huống đó cũng như biết cách thông báo cho giáo viên khi phát hiện bạn bị bắt nạt. Chẳng hạn, có trường hợp học sinh bị bạn bắt nạt nhưng bố mẹ lại cho rằng đấy là chuyện trẻ con.

Có sự khác biệt giữa trêu chọc và bắt nạt. Trẻ bị bắt nạt sẽ không thể phản ứng lại như khi bị trêu chọc; chấp nhận chịu đựng, bị ức chế tâm lý trong thời gian dài. Ở tầng phòng ngừa này, trường học có thể tổ chức thông qua hình thức như sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt đầu năm, đưa vào nội quy, tổ chức buổi học kỹ năng sống, truyền thông qua video clip, mời chuyên gia về trường trao đổi...

Ở tầng thứ hai là phòng ngừa mang tính chuyên sâu, dành cho những em dễ bị bắt nạt. Những nghiên cứu cho thấy đó là các học sinh có tâm lý tự ti, ít bạn bè; có sự thay đổi môi trường như chuyển nhà, xa gia đình; khác biệt về ngoại hình hoặc học lực. Để phát hiện những trường hợp này, cần sử dụng hình thức như quan sát, thực hiện các bảng hỏi sàng lọc, tạo hộp thư kín... Sau đó, tổ chức buổi sinh hoạt theo từng nhóm nhỏ từ 5 - 8 em để chia sẻ, trao đổi, tìm thấy nguồn lực ứng phó và cho các em cảm giác thuộc về - một nhu cầu rất quan trọng.

Ở tầng thứ ba là hỗ trợ chuyên sâu dành cho học sinh là nạn nhân của tình trạng bắt nạt học đường và những em từng bắt nạt người khác. Sẽ phải có những hỗ trợ tâm lý mang tính cá nhân để các em xây dựng lòng tin vào bản thân; cải thiện suy nghĩ, hình ảnh bản thân; xoa dịu cảm xúc đau khổ đã trải qua và giúp các em xây dựng kỹ năng để hòa nhập cùng bạn bè.

Trong 3 tầng này, tầng một phải có sự quan tâm của xã hội, nhà trường, phụ huynh; ở tầng hai do chuyên viên tham vấn học đường hoặc giáo viên kiêm nhiệm thực hiện và tầng ba, chỉ có thể được thực hiện bởi những tâm lý gia được đào tạo bài bản và được giám sát.

TS Lê Thị Mai Liên - Phó Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM.

TS Lê Thị Mai Liên - Phó Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM.

Hiệu quả không cao

- Mô hình 3 tầng rất toàn diện, trên thực tế, mô hình này đã áp dụng hay chưa?

- Tại TPHCM, việc áp dụng mô hình phòng ngừa 3 tầng nói riêng cũng như vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần học đường còn nhiều hạn chế. Trong vai trò là nhà tham vấn học đường, giảng viên và hướng dẫn cho học viên cao học, tôi nhận thấy sự quan tâm của lãnh đạo trường về vấn đề bắt nạt học đường không đồng đều giữa các trường phổ thông.

Công tác phòng ngừa bắt nạt học đường chủ yếu phụ thuộc vào từng cá nhân như lãnh đạo trường hoặc sự nhiệt huyết của giáo viên kiêm nhiệm công tác tâm lý học đường. Như vậy, hiệu quả rất bấp bênh vì phụ thuộc vào từng cá nhân.

- Vậy theo chuyên gia, đâu là nguyên nhân khiến mô hình 3 tầng phòng ngừa bắt nạt học đường chưa phát huy hiệu quả?

- Nguyên nhân thứ nhất là ở nhận thức của lãnh đạo trường. Nhiều người chưa xem đây là vấn đề quan trọng bên cạnh việc dạy kiến thức cho học sinh. Tôi từng tham gia các đoàn khảo sát về tâm lý học đường thì nhận thấy nếu các nhà quản lý nhận thức được sự cần thiết phải bảo vệ học sinh khỏi nạn bắt nạt thì họ sẽ áp dụng mô hình phòng ngừa và thực hiện một cách hiệu quả. Ở những trường quan tâm đến tâm lý học sinh, sẽ tổ chức nhiều chuyên đề trong đó có đề cập đến các dấu hiệu nhận biết, cách xử trí khi bị bắt nạt học đường.

Thứ hai là do thiếu nguồn nhân lực tham vấn học đường. Trong vài năm gần đây, trên địa bàn TPHCM, có nhiều trường đào tạo nhân sự ngành tâm lý, tuy nhiên, nguồn nhân lực tham vấn học đường cho các trường phổ thông vẫn rất thiếu.

Một phần từ sự chọn lựa của cử nhân tâm lý, một phần do thiếu một vị trí việc làm chính thức tại trường phổ thông. Chính vì vậy, vấn đề tâm lý học đường trong nhà trường hiện nay chủ yếu do giáo viên kiêm nhiệm, chẳng hạn giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử... kiêm nhiệm công tác tham vấn học đường.

Điều này tưởng chừng giải quyết được bài toán nhân lực nhưng thực tế lại tạo nên một vấn đề khác. Đó là thiếu hiệu quả của công tác tham vấn học đường do vai trò kép gây ra. Chẳng hạn, một học sinh khó lòng chia sẻ tình trạng bị bạn bắt nạt cho giáo viên kiêm nhiệm công tác tham vấn học đường vì e ngại thông tin không được bảo mật, sẽ không an toàn cho bản thân.

Nguyên nhân thứ ba là nhận thức của xã hội về bắt nạt học đường, nhất là phụ huynh, khi cho rằng trách nhiệm phòng ngừa bắt nạt thuộc về nhà trường. Phụ huynh thường chủ quan, chỉ khi có những vấn đề thể hiện bên ngoài như thay đổi tâm lý, chán học, dấu vết trầy xước do bị bạn đánh... mới nhận ra con mình bị bắt nạt. Với sự phát triển của mạng Internet, trẻ dễ dàng bị bắt nạt trực tuyến trong thời gian dài mà cha mẹ khó nhận ra nếu không đủ lưu tâm.

Một chuyên đề về phòng ngừa bắt nạt và bạo lực học đường tại Trường THPT Bình Khánh, TPHCM.

Một chuyên đề về phòng ngừa bắt nạt và bạo lực học đường tại Trường THPT Bình Khánh, TPHCM.

Đưa vào chương trình giáo dục

- Làm thế nào để xã hội, nhà trường và phụ huynh có thể chung tay thực hiện các giải pháp để hạn chế vấn nạn bắt nạt học đường?

- Về lâu dài, tôi cho rằng cần đưa kiến thức phòng ngừa bắt nạt học đường vào chương trình giáo dục ở trường học. Tương tự như với giáo dục giới tính, vấn nạn bắt nạt học đường khi được giáo dục sớm, sẽ giúp không chỉ thầy cô mà các em tự bảo vệ bản thân, bảo vệ bạn và tránh trở thành kẻ bắt nạt trong tương lai. Việc đưa giáo dục phòng ngừa bắt nạt học đường vào chương trình dạy học cũng tạo nên sự đồng bộ giữa các trường phổ thông; tránh phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của từng lãnh đạo trường học.

Tiếp đó, cần có đội ngũ chuyên viên tham vấn học đường tại các trường học, bởi lẽ giáo viên kiêm nhiệm vị trí tham vấn học đường, như đã phân tích, tạo ra vai trò kép khiến học sinh có nhiều e ngại. Ngoài ra, giáo viên kiêm nhiệm sẽ không đủ kỹ năng và kiến thức cũng như nhiệt tâm với công việc tham vấn học đường như những người được đào tạo bài bản.

Thậm chí, một số công cụ trong tâm lý học như các bảng hỏi, thang đo, trắc nghiệm... đòi hỏi chỉ được thực hiện bởi những người được đào tạo đúng chuyên ngành. Trong khi đó, những công cụ này rất cần thiết để sớm nhận diện trường hợp trẻ có nguy cơ bị bắt nạt học đường.

Cần tăng cường các hoạt động khảo sát, nghiên cứu về bắt nạt học đường để có dữ liệu mang tính hệ thống đồng thời, hoặc từ những chia sẻ mang tính ẩn danh, chúng ta kịp thời phát hiện nguy cơ học sinh bị bắt nạt, qua đó có phản ứng kịp thời. Các trường đại học, sở GD&ĐT nên xây dựng mạng lưới hỗ trợ tâm lý trường học để những trường hợp đối diện với rối loạn tâm lý sau khi bị bắt nạt như lo âu, trầm cảm có thể chuyển đến các tổ chức, cá nhân có chức năng phù hợp.

Cuối cùng, trong khi chờ những thay đổi từ trên xuống một cách hệ thống, sự vận hành của mô hình phòng ngừa bắt nạt học đường sẽ phụ thuộc vào nhiệt huyết, quan tâm của giáo viên và phụ huynh cũng như trường học. Trường học tùy theo nguồn lực của mình, có thể mời chuyên viên tham vấn học đường bên ngoài cộng tác.

Giáo viên, với sự nhiệt huyết của mình, có thể tổ chức giờ sinh hoạt chuyên đề về bắt nạt học đường để giúp các em sớm nhận ra dấu hiệu bạn bè bị bắt nạt và mạnh dạn thông báo cho giáo viên. Phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống của con, không chỉ ở trường học mà cả trong hội nhóm trên mạng xã hội.

“Trẻ có thể không nói với cha mẹ mình bị bắt nạt do xấu hổ, sợ cha mẹ phản ứng thái quá hoặc đã từng thông báo nhưng cha mẹ phớt lờ. Cha mẹ không nên đổ lỗi, chất vấn, trừng phạt con; đừng hướng dẫn con giải pháp trả đũa bạo lực; không đôi co với trẻ bắt nạt. Cha mẹ nên bình tĩnh, đảm bảo an toàn để con chia sẻ, thảo luận giải pháp phi bạo lực, liên hệ nhờ sự hỗ trợ của giáo viên, nhà trường. Ngoài ra, cha mẹ và thầy cô có thể sử dụng 2 thang đo nạn nhân bắt nạt của Trần Văn Công (2014) và của Galand (2003) để rà soát nguy cơ trẻ bị bắt nạt học đường”, TS Lê Thị Mai Liên khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.