'Xóa bỏ bạo lực, tích cực yêu thương'

GD&TĐ - Nhà trường chú trọng tuyên truyền, giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính cho học sinh nữ để ngăn ngừa bạo lực học đường...

Học sinh Trường THCS Bình Minh chia sẻ về bạo lực học đường.
Học sinh Trường THCS Bình Minh chia sẻ về bạo lực học đường.

Để đẩy lùi bạo lực học đường, nhiều trường học trên địa bàn TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đã linh hoạt giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh trong các hoạt động giáo dục, ngoại khóa. Theo đó, nhà trường chú trọng tuyên truyền, giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính cho học sinh nữ để ngăn ngừa bạo lực học đường xuất phát từ chuyện tình cảm của nữ sinh.

Xóa bỏ bạo lực

Công tác tuyên truyền, định hướng và hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh được Trường THCS Bình Minh, thành phố Lào Cai đặc biệt quan tâm. Nhờ thế, nhiều năm liền nhà trường không để xảy ra vụ việc bạo lực.

Cô Nguyễn Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Minh cho biết: “Bạo lực học đường là điều mà nhà trường lo lắng nhất hiện nay. Bởi ở độ tuổi THCS, các em đều hiếu động và chưa ý thức được hành vi của mình. Chính vì thế, trong những năm qua, chúng tôi luôn chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, đặc biệt là ngăn ngừa bạo lực học đường”.

Theo cô Huệ, để đẩy lùi bạo lực học đường, nhà trường thường xuyên tuyên truyền, lan tỏa thông điệp “Xóa bỏ bạo lực, tích cực yêu thương” đến tất cả mọi người.

Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, cán bộ, giáo viên, đặc biệt là Tổng phụ trách Đội và giáo viên chủ nhiệm lớp tích cực tuyên truyền, chia sẻ, gần gũi tâm sự thấu hiểu tâm tư, gia cảnh học sinh. Qua đó, tư vấn để các em thấy được mức độ nguy hiểm, hệ quả và những tác động xấu đối với bản thân, gia đình và xã hội. Vì vậy, mỗi trò biết cách phòng tránh, kiểm soát cảm xúc, hành vi bản thân để hướng tới xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

“Nhà trường đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền trong giờ chào cờ, phát thanh đầu giờ, tiết Sinh hoạt lớp, buổi ngoại khóa và cả nhóm nhỏ về phòng chống bạo lực học đường. Đồng thời, chúng tôi cũng tiếp xúc, đối thoại với phụ huynh, cùng trao đổi, đưa ra giải pháp nhằm phối hợp giữa gia đình và nhà trường để kịp thời uốn nắn, giáo dục các em trước nguy cơ bạo lực học đường”, cô Nguyễn Thị Huệ cho hay.

Chuyên đề “Giáo dục giới tính, bảo vệ sức khỏe sinh sản và ngăn ngừa bạo lực học đường” được Trường THCS Bình Minh tổ chức cho toàn bộ nữ sinh. Bởi theo cô Huệ, nhiều câu chuyện, hành vi bạo lực học đường xuất phát từ chuyện tình cảm của nữ sinh.

Tại chuyên đề, em Hoàng Thụy Phi, học sinh lớp 8A2 đã chia sẻ bức tranh vẽ với thông điệp “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ”. Em Hoàng Thụy Phi tâm sự: “Là học sinh, chúng em không thể đứng ngoài cuộc. Em muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường xuất hiện trong ngôi trường thân yêu của mình”.

Bức tranh vẽ với thông điệp “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ”.

Bức tranh vẽ với thông điệp “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ”.

Trách nhiệm không của riêng ai

Chăm sóc giáo dục giới tính, sức khỏe vị thành niên cho học sinh luôn là một trong những vấn đề được Trường THCS Bình Minh quan tâm. Bởi lẽ nếu các em không được cung cấp kiến thức đầy đủ sẽ dẫn tới hậu quả khó lường như lệch lạc về đạo đức, lối sống, bạo lực học đường.

Để giải đáp những thắc mắc cũng như cung cấp kiến thức cơ bản về giới tính, sức khỏe tuổi vị thành niên cho học sinh, Trường THCS Bình Minh đã tổ chức chuyên đề ngoại khóa: “Giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng tránh xâm hại tình dục ở tuổi vị thành niên” cho 158 học sinh nữ.

“Tại buổi ngoại khóa, nhiều học sinh nữ đã mạnh dạn trao đổi điều thầm kín, khó nói như sức khoẻ sinh sản, mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai không an toàn ở tuổi vị thành niên. Qua đó, chúng tôi thấy học trò đã phần nào hiểu được nguyên nhân, hậu quả và biện pháp phòng tránh”, cô Nguyễn Thị Huệ cho biết thêm.

Trong buổi ngoại khoá, cô Nguyễn Thị Thu Phương, giáo viên bộ môn Khoa học tự nhiên chia sẻ nội dung liên quan. Cùng với đó, các em được tiếp cận thông tin khoa học về chăm sóc sức khỏe sinh sản và giải đáp thắc mắc về vấn đề liên quan tới giới tính, sức khỏe sinh sản. Đồng thời, cô giáo cũng cảnh báo những hậu quả của việc thiếu hiểu biết về giới tính, quan hệ tình dục không an toàn.

Theo cô Phạm Thị Khánh Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lào Cai, bạo lực học đường không mới. Song thời gian gần đây, hiện tượng này xảy ra nhiều hơn trong trường học, với tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng.

Vì thế, Chi đội 7D, Trường THCS Lê Quý Đôn đã tổ chức chương trình ngoại khóa với chủ đề “Phòng chống bạo lực học đường” nhằm giúp học sinh nhận thức rõ nguyên nhân, hậu quả, biện pháp để phòng tránh.

Chương trình được mở đầu với một phóng sự ngắn do học sinh lớp 7D thực hiện. Phóng sự đã giúp trò hiểu được nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, hậu quả đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Bên cạnh câu hỏi liên quan đến nguyên nhân, hậu quả và biện pháp phòng tránh, tại buổi ngoại khóa, các em đã cùng nhau đưa ra thông điệp như: “Nói không với bạo lực học đường”, “Hãy lên tiếng - Đừng im lặng khi bị ai đó bắt nạt, đe dọa”…

Bài hát “Tình bạn tuổi thơ” của nhạc sĩ Lâm Đức Vĩnh do thành viên chi đội 7D thể hiện để khép lại chương trình, đồng thời gửi đến học sinh trong toàn trường thông điệp “Hãy cùng nhau xây dựng tình bạn tươi đẹp, xây dựng môi trường học tập hạnh phúc”.

“Thông qua chương trình ngoại khóa, chúng em mong muốn mỗi học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn sẽ thực hiện tốt quy tắc ứng xử, giao tiếp văn minh, lịch sự; luôn lắng nghe, tôn trọng người khác. Cùng với đó, rèn luyện kỹ năng sống cho bản thân, biết bảo vệ bạn cũng như chính mình”, em Trần Đăng Vinh, học sinh lớp 7D chia sẻ.

Còn em Trần Ngọc Hà, lớp 7D bày tỏ: “Chúng ta hãy chung tay để đẩy lùi bạo lực học đường. Đây không phải là trách nhiệm riêng của tôi, của bạn, trường học mà là trách nhiệm của tất cả chúng ta”.

Cô Lã Hồng Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bình Minh cho biết: “Không chỉ giáo dục qua buổi tuyên truyền mà hằng ngày, nhà trường đã quán triệt giáo viên chủ nhiệm thường xuyên thương yêu, gần gũi, thân thiện với học sinh. Đặc biệt quan tâm tới những trò cá biệt và có thay đổi đột ngột về tâm sinh lý. Qua đó, giúp các em nhận thức rõ được nguyên nhân, hậu quả, biện pháp để ngăn ngừa bạo lực học đường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ