Trước thực trạng bạo lực học đường ngày một gia tăng, ngoài phát triển phòng tham vấn tâm lý để bảo vệ trẻ, nhiều ý kiến cho rằng cần đưa môn kỹ năng sống vào giảng dạy tại trường học. Được trang bị kiến thức, kỹ năng, cả thầy và trò sẽ biết cách nhìn nhận, giải quyết thấu đáo sự việc, tránh tình trạng bạo lực xảy ra trong chính môi trường học đường.
Không thể thiếu phòng tham vấn học đường
Bạo lực học đường liên tục diễn ra tại nhiều trường học trên cả nước để lại những tổn thương lâu dài về tinh thần; có thể khiến trẻ rơi vào lo lắng, trầm cảm, thậm chí có trường hợp tìm đến cái chết để giải thoát.
Để giải quyết gốc rễ vấn đề, theo các chuyên gia, cần giải pháp tổng thể thống nhất, triển khai mô hình phòng, chống bạo lực học đường. Trong đó, vai trò của đội ngũ nhân viên chuyên trách trong trường học như nhân viên tham vấn học đường, công tác xã hội rất quan trọng. Với kiến thức được đào tạo bài bản, đội ngũ này sẽ tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý phù hợp, giúp trẻ vượt qua những áp lực stress, biết cách giải quyết khi gặp bạo lực học đường.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, để ứng phó với vấn nạn bạo lực học đường, tại Việt Nam đã có nhiều chính sách, chương trình được triển khai. Trong đó, chủ trương thực hiện các phòng tham vấn tâm lý học đường là đúng đắn.
Nhưng việc thực hiện thiếu tâm huyết hoặc quy trình chưa đúng dẫn đến không hiệu quả ở một số nơi. Phần lớn các chương trình được thực hiện với mệnh lệnh hành chính, giáo viên đã có quá nhiều gánh nặng và áp lực dẫn đến nhiều hạn chế.
Triển khai các mô hình phòng, chống bạo lực học đường, theo PGS.TS Trần Thành Nam, đòi hỏi người thực hiện nắm được giá trị nghề nghiệp, kiến thức tâm sinh lý lứa tuổi, có kỹ năng tham vấn, tư vấn. Tuy nhiên, đội ngũ này hiện nay chủ yếu do giáo viên kiêm nhiệm, trong khi họ không được đào tạo sâu để có kỹ năng làm việc, hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên đủ để có thể tạo ra sự thay đổi.
“Các trường nên có một nhân viên tham vấn học đường chuyên trách, mỗi trường hoặc vài trường trong một khu vực có một nhân viên công tác xã hội trường học. Điều này đòi hỏi phải có chính sách, quy định, bậc lương cho vị trí công việc chính thức tại trường học”, PGS.TS Trần Thành Nam nhìn nhận.
Khẳng định tầm quan trọng của tổ tham vấn học đường trong việc phòng ngừa các nguy cơ bạo lực, cô Nguyễn Thị Khuyên, giáo viên Trường THPT Vân Tảo (huyện Thường Tín, Hà Nội), cho biết: Từ nhiều năm nay, Tổ tham vấn tâm lý học đường của trường hoạt động khá hiệu quả với các kế hoạch cụ thể, tổ chức tập huấn công tác tham vấn để giáo viên chủ nhiệm nắm bắt sự việc, giúp học sinh giải quyết các vấn đề ngay trên lớp.
Với trường hợp phức tạp sẽ chuyển lên Tổ tham vấn tâm lý học đường của trường để có biện pháp xử lý kịp thời. Các thông tin của học sinh đều được bảo mật. Người tham vấn sẽ chú trọng giải quyết vấn đề từ bên trong để các em sửa mình, hoàn thiện kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân, trước khi phòng tránh các tác nhân từ bên ngoài.
Cần tăng cường giảng dạy kỹ năng sống trong các trường học. Ảnh: Lan Anh. |
Tăng cường giảng dạy kỹ năng sống
Một biện pháp quan trọng để phòng chống bạo lực học đường là tăng cường giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh. Nhận thức được vấn đề này, những năm qua, Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) luôn nỗ lực lồng ghép và thực hiện tốt các nội dung phòng chống bạo lực học đường vào chương trình học hằng ngày thông qua buổi sinh hoạt lớp, giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm.
Nhà trường đã mời chuyên gia phổ biến những nội dung cơ bản và vấn đề cần lưu ý trong phòng chống bạo lực học đường; thực trạng bạo lực học đường; nguyên nhân xảy ra tình trạng bạo lực học đường, dấu hiệu nhận biết trẻ em bị bạo lực học đường; phương thức, thủ đoạn phạm tội và tác hại, hậu quả của tình trạng bạo lực học đường tới bản thân học sinh, nhà trường, gia đình và xã hội.
Cô Lê Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liên Ninh (huyện Thanh Trì, Hà Nội), cho hay, ngoài học tập, trau dồi kiến thức, học sinh cũng cần được rèn luyện và nâng cao kỹ năng sống để có được thành công trong tương lai. Việc đưa môn Kỹ năng sống vào trường học là cần thiết và có góp phần quan trọng để phòng chống bạo lực học đường.
Trong chương trình kỹ năng sống, các em được tiếp thu kiến thức thông qua trò chơi, khám phá, trải nghiệm và thực hành trên lớp cũng như ngoài sân trường. Qua đó, học sinh được trang bị, rèn luyện những kỹ năng về giao tiếp và tương tác với người khác hiệu quả; biết cách xử lý các xung đột, tự điều chỉnh bản thân và quản lý cảm xúc.
Tuy nhiên, việc giáo dục kỹ năng sống trong các nhà trường còn một số hạn chế, đa phần là lồng ghép, tích hợp vào môn học, chưa được xây dựng thành môn học riêng trong chương trình phổ thông nên việc thực hiện chưa mang lại hiệu quả cao. Cùng với đó, hiện nay, chưa có trường đại học nào đào tạo chuyên về giáo viên dạy kỹ năng sống nên phần lớn làm theo kinh nghiệm.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), thông tin: Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống tiếp tục được chú trọng. Cụ thể, môn Giáo dục công dân đã bổ sung nội dung giáo dục kỹ năng cần thiết với học sinh, thay thế những kiến thức hàn lâm.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT chỉ đạo xây dựng và đưa vào sử dụng trong nhà trường nhiều bộ tài liệu về giáo dục kỹ năng sống; tổ chức lớp tập huấn về hoạt động giáo dục kỹ năng sống bằng nhiều hình thức cho giáo viên và học sinh để tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường. Đồng thời chú trọng công tác tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên Tổng phụ trách Đoàn, Đội trong các cơ sở giáo dục.
Cô Trần Lệ Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Lĩnh Nam, chia sẻ, nội dung phòng tránh bạo lực học đường và phòng chống xâm hại trẻ em được đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường quan tâm, coi trọng. Đây được coi là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em và giáo dục nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh trong nhà trường.