Theo ông Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), Bộ tiếp tục quan tâm đến vấn đề trên để hoạt động trợ giúp mang tính chuyên nghiệp. Qua đó, phòng ngừa, phục hồi những tổn thương về tinh thần, hỗ trợ vật chất để các em có môi trường học tập an toàn, thân thiện, lành mạnh.
Cho trẻ môi trường học tập an toàn, thân thiện
- Xin ông cho biết tầm quan trọng của công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trong các trường học ở Việt Nam hiện nay?
- Ở Việt Nam, sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đã có những thay đổi tích cực và quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Nền kinh tế - xã hội đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mức sống của người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển kinh tế, có nhiều vấn đề xã hội tiêu cực ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Những vấn đề này của xã hội đã tác động mạnh mẽ đến trẻ em và học sinh, sinh viên. Học sinh đang đối mặt với nhiều vấn đề như bạo lực, xâm hại, vi phạm pháp luật, lạm dụng ma túy, khủng hoảng tâm lý cùng với khó khăn trong học tập khác. Vì vậy, rất cần hoạt động trợ giúp mang tính chuyên nghiệp để phòng ngừa, phục hồi những tổn thương về tinh thần, hỗ trợ vật chất để các em có môi trường học tập an toàn, thân thiện, lành mạnh.
Tư vấn tâm lý học đường hay còn gọi là tham vấn học đường là một nhánh của ngành tham vấn tâm lý xuất hiện vào đầu thế kỷ 20. Tại Việt Nam, công tác tư vấn tâm lý được ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm với sự xuất hiện hàng loạt vấn đề liên quan đến đạo đức, kỷ luật trường học.
Đặc biệt, sau 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều học sinh đối diện với vấn đề tâm lý như căng thẳng, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, trầm cảm, tự tử... Tư vấn tâm lý học đường đã thể hiện vai trò phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp khi cần thiết đối với học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý, định hướng giải quyết phù hợp và giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra.
Đối với công tác xã hội, đây là một ngành khoa học, hướng vào việc trợ giúp cho cá nhân, nhóm, cộng đồng trong xã hội, nâng cao năng lực của họ để khắc phục các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội. Ở Việt Nam, đi cùng với sự phát triển kinh tế, có nhiều vấn đề xã hội nảy sinh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, cần sự can thiệp hỗ trợ của công tác xã hội.
Trong đó, công tác xã hội trường học được chú trọng để cải thiện môi trường học tập cho học sinh thông qua việc đánh giá vấn đề và nhu cầu; cung cấp các hoạt động trợ giúp như tham vấn, hỗ trợ tâm lý - xã hội; giáo dục kỹ năng sống và xây dựng năng lực để giúp trẻ tự giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ với bạn bè, gia đình và thầy cô giáo.
Nhân viên công tác xã hội trường học là người giúp học sinh thay đổi những hành vi không mong muốn như không hoàn thành việc học tập, bạo lực học đường, vi phạm pháp luật. Đội ngũ này đồng thời hỗ trợ các em khai thác và phát huy những điểm mạnh và thành công trong học tập, có khả năng định hướng nghề nghiệp, phát huy tối đa năng lực của bản thân. Công tác xã hội còn có vai trò hỗ trợ hoạt động phòng chống xâm hại trẻ em, bạo lực, ma túy, phòng chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những trẻ em yếu thế như trẻ ảnh hưởng HIV/AIDS, trẻ khuyết tật.
Ông Trần Văn Đạt - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT). |
Chưa như kỳ vọng
- Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai hoạt động tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học thế nào, thưa ông?
- Trong giai đoạn 2015 - 2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành một số văn bản liên quan đến tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong trường học. Trong đó, Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông; Thông tư 33/TT-BGDĐT về hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.
Bộ GD&ĐT cũng ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Ngoài ra còn có văn bản, kế hoạch, chương trình, dự án khác về công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường.
Hằng năm, Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các sở GD&ĐT thực hiện nhiệm vụ về công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường; phối hợp tích cực với bộ ngành, tổ chức quốc tế để triển khai hội thảo, tập huấn, thí điểm mô hình tư vấn học đường, xây dựng các ấn phẩm truyền thông... Đặc biệt, Bộ đã triển khai khảo sát tại 13 tỉnh/thành phố nhằm đánh giá công tác chỉ đạo và thực hiện hoạt động công tác xã hội và hoạt động tư vấn tâm lý trường học.
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai tư vấn tâm lý, công tác xã hội tại các trường phổ thông còn có những hạn chế nhất định: Công tác chỉ đạo tại nhiều địa phương chưa được quan tâm, chú trọng; hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng, xã hội chưa phong phú, đa dạng và hiệu quả; cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường để thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý cho học sinh còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ.
Tại nhiều cơ sở giáo dục thực hiện còn lúng túng, chưa đúng quy trình, chưa bảo đảm đúng yêu cầu; chưa có biên chế nhân sự chuyên trách phụ trách công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục. Năng lực của một số cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm còn hạn chế; nguồn lực cho hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh chưa được đầu tư. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường tại cơ sở giáo dục còn chưa được thường xuyên.
Nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, phụ huynh và học sinh
- Trước những hạn chế trên, theo ông, cần làm thế nào để nâng cao các hoạt động tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học trong thời gian tới?
- Bộ GD&ĐT luôn quan tâm và xác định, hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp học sinh vượt qua những vấn đề về hành vi và học tập, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hoạt động này cũng dự phòng và ngăn chặn diễn biến không lành mạnh về sức khỏe tâm lý của học sinh. Đồng thời là cầu nối hỗ trợ cha mẹ chuyển học sinh tới những cơ sở trị liệu chuyên biệt hơn nếu cần thiết.
Sinh động hình thức tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường. Ảnh minh hoạ/ INT |
Để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý, các nhà trường cần nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, phụ huynh học sinh, học sinh và các lực lượng khác trong nhà trường về công tác tư vấn tâm lý học đường. Xây dựng kế hoạch hoạt động tư vấn, tham vấn trong nhà trường cụ thể theo từng năm học; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tâm lý học đường chuyên nghiệp để tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý...
Vừa qua, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn sử dụng tài liệu và bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho hơn 21 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên triển khai tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong cả nước. Sau khi kết thúc tập huấn, các cán bộ, giáo viên sẽ về cơ sở, là những hạt nhân để tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho học sinh.
Với kiến thức của mình, các thầy cô sẽ nhận diện những khó khăn, khủng hoảng tâm lý cho học sinh, đặc biệt là phát hiện và đánh giá những em có nguy cơ, suy nghĩ, hành vi tự gây tổn thương và tự tử. Phối hợp với cán bộ, giáo viên và thành viên khác trong nhà trường cũng như phụ huynh trong việc nhận diện các vấn đề khó khăn tâm lý của học sinh, kịp thời phát hiện nhu cầu và những vấn đề cần can thiệp của các em.
Ngoài ra, thầy cô sau khi được tập huấn sẽ hỗ trợ nhà trường trong việc hoạch định các giải pháp tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, cách thức phối hợp với phụ huynh trong việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý; cách thực hành các kỹ năng, hoạt động nhằm nhận diện, phát hiện, phòng ngừa và can thiệp với hành vi bạo lực của học sinh.
Các nhà trường cũng cần phối hợp với tổ chức liên quan trong tư vấn, hỗ trợ và can thiệp với trường hợp có vấn đề tâm lý, đặc biệt các thể nặng; lưu giữ hồ sơ học sinh có vấn đề về tâm lý để có thể sử dụng trong trường hợp cần thiết sau này.
- 21 nghìn cán bộ giáo viên được tập huấn về công tác tư vấn tâm lý và xã hội trường học. Nội dung thầy cô được tiếp cận là gì?
- Tại buổi tập huấn, chuyên gia đã cung cấp nhiều kiến thức thiết thực và thực hành nhiều hoạt động, hướng dẫn các kỹ năng. Giáo viên đến từ các trường học cả nước đã tham gia thảo luận tích cực, tâm huyết.
Các chuyên gia cũng hướng dẫn sử dụng Tài liệu triển khai mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại cơ sở giáo dục phổ thông, tập trung vào nội dung: Mục đích, đối tượng can thiệp, nhiệm vụ của mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại cơ sở giáo dục; cơ cấu tổ chức và hoạt động của mô hình thí điểm công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại cơ sở giáo dục.
Cùng với đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên được nâng cao năng lực khi triển khai tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục trong phòng chống hành vi tự hại và tự tử. Các thầy cô được tìm hiểu kiến thức chung về thực trạng, nguyên nhân, động cơ tâm lý của học sinh có nguy cơ; suy nghĩ, hành vi tự gây tổn thương và tự tử. Từ đó, đội ngũ nhà giáo hiểu và có khả năng triển khai các quy trình, nhận diện, đánh giá học sinh có nguy cơ; thực hành sơ cứu tâm lý và các hoạt động phòng ngừa hành vi tự gây tổn thương, tự tử.
- Trân trọng cảm ơn ông!