Phòng chống bạo lực học đường, cần lắm yêu thương và thấu hiểu

GD&TĐ - Bạo lực học đường là câu chuyện cũ nhưng ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề mới phức tạp, khó lường hơn...

Học sinh chia sẻ về vấn đề bạo lực học đường tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.
Học sinh chia sẻ về vấn đề bạo lực học đường tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.

Cần nhận diện đúng về bạo lực học đường trong bối cảnh hiện nay, với trách nhiệm của không chỉ từ nhà trường, thầy cô mà cần sự chung tay của gia đình, cộng đồng, xã hội.

Diễn biến ngày càng khó lường

Sự việc nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Đại học Vinh tự tử không chỉ là nỗi đau thương mất mát của gia đình, nhà trường, mà còn gây rúng động xã hội. Mặc dù cơ quan chức năng không đưa ra căn cứ, kết luận sự việc đau lòng trên xuất phát từ bạo lực học đường, nhưng thực tế áp lực tâm lý hay sự phân biệt, chia nhóm có xảy ra trong lớp học của nữ sinh này.

Trước khi tự tử, em Y.N. từng chia sẻ với mẹ về việc sợ đến trường vì bị các bạn tẩy chay. Em cũng đã xin mẹ đề xuất với nhà trường về việc chuyển lớp để né tránh nhóm bạn cô lập mình. Tuy nhiên, nguyện vọng của em chưa được đáp ứng. Nhà trường cũng như gia đình không kịp phát hiện và nhận thức được mức độ nghiêm trọng phía sau sự việc, cũng như ẩn ức suy nghĩ, tâm lý tổn thương của em Y.N. để giải quyết triệt để, dẫn đến hậu quả đau lòng.

Tại diễn đàn về bạo lực học đường với tên gọi “Điều em muốn nói” tổ chức tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, một nữ sinh lớp 11 đứng lên thú nhận bản thân từng là “người bạo lực bạn khác”. Đó là năm ở THCS, em không thích một bạn trong lớp chỉ vì xung đột nhỏ. Với suy nghĩ đơn giản của mình thời điểm đó, em đã lôi kéo các bạn khác để cùng “không thích bạn ấy giống mình”. Em không nhận thức được rằng mình đã gây tổn thương đến bạn. Sau đó, nhận ra lỗi của mình, đã xin lỗi và làm hòa với bạn.

Tại Trường THPT Diễn Châu 3 (huyện Diễn Châu), thầy Hiệu trưởng Phan Trọng Đông cho hay đã xử lý một tình huống tương tự của nữ sinh lớp 11. Nữ sinh tên T. thường xuyên xảy ra tranh cãi, va chạm với các bạn trong lớp.

Qua theo dõi và tìm hiểu của giáo viên chủ nhiệm, bất cứ bạn nào ngồi gần, hoặc nói chuyện đều bị T. quát mắng khi không vừa ý. Dần dần, cả lớp không ai dám chơi với T. Em có nguy cơ bị bạn bè cô lập vì chính tính cách của mình và phải xin chuyển lớp.

Theo thầy Phan Trọng Đông, nắm bắt sự việc, nhà trường đã chủ động mời phụ huynh của em T. đến chia sẻ và tìm hướng giải quyết. Nhưng trong 2 lần gặp mặt, phụ huynh đều phủ nhận những biểu hiện khác thường trong tính cách, ứng xử của con mình. Đến lần thứ 3, bố mẹ em mới thừa nhận T. có dấu hiệu bệnh trầm cảm. Khi phụ huynh dám nói thẳng tình trạng của con, lúc này nhà trường mới có thể thẳng thắn trao đổi.

Phương án giải quyết cho phép em T. được chuyển đến bất cứ lớp nào mà em thích trong khối 11. Đồng thời nhà trường cũng “mở lối” nếu không phù hợp với lớp mới, em T. có thể quay về lớp cũ. Thực tế sau 2 tuần chuyển lớp, em T. đã chuyển lại về lớp D1, các bạn trong lớp cũng hiểu tính cách, vấn đề của bạn và đón nhận T. như một thành viên bình thường của lớp.

Qua nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp, cô Trần Thị Hà, Trường THPT Quỳnh Lưu 3 (huyện Quỳnh Lưu) chia sẻ: Một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường gia tăng với nhiều biểu hiện phức tạp, khó nắm bắt hơn là mặt trái của mạng xã hội. Thực tế làm công tác chủ nhiệm, nữ nhà giáo nhận thấy bên cạnh tác dụng là học sinh, giáo viên, gia đình tương tác với nhau thường xuyên, kéo gần khoảng cách thế hệ, dễ chia sẻ thì việc các em sử dụng mạng Internet với mục đích khác rất khó kiểm soát.

Một số học sinh đã có xích mích gây gổ vì cách ứng xử thiếu văn minh trên Facebook, Zalo… Nguy hiểm hơn là các em chưa đủ nhận thức để làm chủ lượng thông tin tiếp nhận trên mạng, dẫn đến suy nghĩ lệch lạc, xa rời thực tế, sao nhãng học tập. Chìm đắm trong thế giới ảo, xem tin tức hình ảnh bạo lực cũng khiến các em dễ mất đi sự tự tin, có suy nghĩ, hành vi lệch chuẩn. Có em tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, trong đó có thông tin dẫn dắt hành động bạo lực với người khác và bản thân mình. Thậm chí có cả hội nhóm hướng dẫn con người cách tự tử để giải thoát…

Trong khi đó công tác tuyên truyền về việc sử dụng và cách ứng xử văn hóa trên mạng xã hội ở trường học mới có tính chất nhắc nhở, cảnh báo. Bản thân giáo viên cũng có áp lực chuyên môn, công việc, không kịp nắm bắt hết hoặc chưa được đào tạo để đáp ứng nhu cầu hiểu biết của học sinh, yêu cầu đặt ra của xã hội.

“Tôi cho rằng sử dụng mạng xã hội như thế nào là vấn quan trọng hiện nay. Học sinh cần được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để biết cách sử dụng và ứng xử văn hóa, lành mạnh, ý nghĩa trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin”, cô Trần Thị Hà trao đổi.

Phiên tòa giả định về phòng chống bạo lực học đường, cố ý gây thương tích do Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức tại Trường THPT Thái Lão (Hưng Nguyên).

Phiên tòa giả định về phòng chống bạo lực học đường, cố ý gây thương tích do Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức tại Trường THPT Thái Lão (Hưng Nguyên).

Nhận diện đúng về bạo lực học đường

Cuối năm học 2022 - 2023, tại huyện Yên Thành (Nghệ An) xảy ra sự việc nhóm nữ sinh THPT đánh 4 học sinh cấp THCS. Trong khi đó một số học sinh khác đứng ngoài quay clip và có lời lẽ cổ vũ. Đoạn clip dài 3 phút được đăng tải lên mạng xã hội và sau đó có nhiều tài khoản chia sẻ. Qua xác minh của công an, nhóm học sinh trên là của Trường THPT Bắc Yên Thành và THCS Phúc Thành.

Thầy Nguyễn Tuấn Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Thành cho hay, nguyên nhân ban đầu do các em có mâu thuẫn trên mạng xã hội rồi hẹn nhau sau giờ học để giải quyết. Sau khi xác nhận có học sinh của trường tham gia, chúng tôi đã báo cáo với công an, gia đình để cùng phối hợp xử lý.

Nhiều trường học tại Nghệ An mời cán bộ công an về tuyên truyền vấn đề bạo lực học đường.

Nhiều trường học tại Nghệ An mời cán bộ công an về tuyên truyền vấn đề bạo lực học đường.

Trước đó, cũng chỉ vì 1 câu bình luận trên mạng xã hội Facebook của nữ sinh lớp 7 Trường THCS Tiến Thủy (Quỳnh Lưu), nhóm 3 nữ sinh Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) đã đi hơn 15km đến đê biển Quỳnh Nghĩa để đánh bạn. Các nữ sinh còn quay lại clip đánh nhau để đăng lên Facebook. Sự việc sau đó được xác minh là do mâu thuẫn giữa hai nhóm và nhà trường cũng vào cuộc, mời cả gia đình học sinh tham gia để giáo dục các em.

Thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai chia sẻ: Qua sự việc của học sinh nhà trường và trên địa bàn tỉnh nói chung, cần nhìn nhận lại khái niệm bạo lực học đường để có biện pháp can thiệp sớm, ngăn chặn hoặc hạn chế tối đa hậu quả. Thực tế, nếu hiểu đúng nghĩa bạo lực học đường – tức là tình trạng bạo lực xảy ra trong nhà trường – thì phần lớn các sự việc nổi lên thời gian qua đều ở phạm vi ngoài nhà trường. Về phía thầy cô giáo, nhà trường luôn nhận trách nhiệm trước những sự việc liên quan đến học sinh của mình.

Tuy nhiên, nhà trường chỉ quản lý, kiểm soát học sinh khi các em đến trường đi học, tham gia các hoạt động có tổ chức. Còn ngoài hàng rào nhà trường thì cần đến sự theo dõi sát sao từ gia đình, cộng đồng, chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội. Chính vì vậy, bạo lực học đường nên được hiểu theo phạm vi là “bạo lực ở lứa tuổi học đường” để từ đó gắn trách nhiệm, vai trò giáo dục, sự quan tâm từ nhiều phía chứ không thể mặc định cho riêng nhà trường, thầy cô giáo.

Trường THCS Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An tổ chức chương trình ngoại khóa về bạo lực học đường.

Trường THCS Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An tổ chức chương trình ngoại khóa về bạo lực học đường.

Giúp trẻ… mở lòng

Trước cổng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) có tấm pano lớn với dòng chữ: “Khi các em bị bắt nạt, xâm hại hay khi bạn các em bị bắt nạt, xâm hại hãy gọi cho số 111 hoặc gọi theo số điện thoại của thầy hiệu trưởng 0974…”. Nói về việc công khai đường dây nóng này, thầy Hiệu trưởng Hồ Anh Tuấn chia sẻ: “Trong một lần ra Hà Nội, tôi vô tình thấy tấm biển ghi nội dung tương tự và số tổng đài 111. Tôi nghĩ, điều này có thể áp dụng tại trường mình, nhưng thay vì chỉ gọi số tổng đài, tôi đưa cả số điện thoại cá nhân. Vì nếu ở trường, các em liên hệ với thầy hiệu trưởng sẽ dễ dàng tiếp cận và xử lý nhanh hơn”.

Từ khi công khai “đường dây nóng đặc biệt”, thầy Hồ Anh Tuấn nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn không chỉ của học sinh mà còn là phụ huynh. “Nội dung các cuộc gọi, tin nhắn không chỉ báo về biểu hiện hay dấu hiệu bị bắt nạt, mà còn phản ánh các vấn đề học tập ở trường và nhiều câu hỏi liên quan đến giáo dục khác. Trong phạm vi của mình, tôi đều trả lời và cố gắng giải đáp, xử lý phù hợp nhất”, thầy Tuấn Anh nói.

Ở trường, thầy Tuấn Anh có tập hồ sơ rất dày, lưu lại toàn bộ thư từ, đơn kiến nghị, giấy cam kết, bản tự kiểm điểm của học trò… Trước những xích mích của tuổi mới lớn, thầy luôn nhanh chóng trao đổi để kịp thời ngăn chặn mâu thuẫn học đường. Thầy cũng rất vui, khi một số em được nhắc nhở, phân tích đã nhắn tin lại với thầy để nói lời xin lỗi.

Thầy cũng là admin của fanpage “Tôi dân Quỳnh Phương” như một kênh khác để chia sẻ với phụ huynh, học sinh những vấn đề đang nổi cộm và tìm giải pháp tháo gỡ. Gần đây nhất, trước tình trạng bạo lực học đường gia tăng, thầy Hồ Anh Tuấn đã có 4 bài viết trên trang fanpage để nhận biết thực trạng, đi tìm nguyên nhân, lý do, biểu hiện đặc trưng của trẻ bị bạo lực và đưa ra các giải pháp nếu xảy ra tình trạng bạo lực.

Thầy chia sẻ: “Ở chừng mực nào đó, chúng ta chưa quan tâm đến chỉ số hạnh phúc của học sinh khi tới trường, mà chỉ chú tâm đến thành tích học tập của các em. Nếu chỉ mải mê lấy kết quả của các kỳ thi làm thước đo chất lượng giáo dục mà xem nhẹ cảm xúc thì các em sẽ thiếu các kỹ năng mềm để tự giải quyết khủng hoảng tinh thần”.

Theo thầy Tuấn Anh, thực tế, trường học nào cũng có tổ tư vấn tâm lý nhưng liệu học sinh có mở lòng? Quan trọng nhất, mỗi thầy cô, với vai trò là người gần gũi nhất với học trò của mình, sẽ tiếp nhận và xử lý thông tin để bảo vệ các em. Trong nhiều năm công tác, thông tin học trò phản ánh đều được thầy tiếp nhận và tìm cách xử lý thấu đáo.

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) cũng có một “đội quân” thông tin cho tổ tư vấn tâm lý nhà trường những xích mích, mâu thuẫn hay vấn đề bạn bè gặp phải mà không dám nói trực tiếp. Thầy Phan Xuân Hoài Linh, Bí thư Đoàn trường cho hay: “Các mâu thuẫn ở tuổi học đường là điều khó tránh khỏi. Trong khi giáo viên không phải lúc nào cũng tiếp cận được hết, hoặc chính các em ngại chia sẻ với thầy cô. Do đó, ở mỗi lớp học, chúng tôi đều kết nối với một số học sinh nhằm nắm bắt thông tin. Nếu có vấn đề bất thường sẽ được báo lại để kịp thời giúp đỡ”.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành thông tin: Ngành có nhiều hoạt động hạn chế đến mức thấp nhất vụ việc liên quan đến bạo lực học đường. Trong đó, cốt lõi nhất là giáo dục xuất phát và bằng tình yêu thương. Về phía học sinh cũng nên chọn triết lý sống cho bản thân để làm nguyên tắc trong ứng xử, đối diện, giải quyết các vấn đề gặp phải. Đồng thời, lãnh đạo sở cũng mong các em không khẳng định vị trí ở sức mạnh thể chất mà cần hình thành ý thức giúp đỡ, tương trợ để cùng chung sống với những người xung quanh, xuất phát từ tình thương, lòng vị tha của mỗi con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ