Nữ sinh khó tìm nơi giải phóng năng lượng, cân bằng cảm xúc

GD&TĐ - Sân chơi cho học sinh nữ gần như chỉ dừng lại ở các hội thi văn nghệ, học sinh thanh lịch...

Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ tham gia diễn đàn Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ tham gia diễn đàn Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường.

Vì vậy, học sinh nữ khó tìm nơi để giải phóng năng lượng, cân bằng cảm xúc. Đây là một trong những lý do, các clip bạo lực học đường trên mạng xã hội, phần lớn đều là học sinh nữ tham gia.

Thể hiện sức mạnh và uy quyền

Nữ sinh học lớp 8 Trường THCS thị trấn Gio Linh (Quảng Trị) đã bị một số bạn học đánh đập, quay clip trong nhà vệ sinh. Sau khi liên tục chửi thề, tát, một nữ sinh đã dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu, mặt bạn. Các nữ sinh khác tìm cách xé áo của nạn nhân. Nguyên nhân của vụ ẩu đả sau đó được xác nhận do mâu thuẫn trên mạng xã hội từ trước.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip một nữ sinh lớp 8 Trường THCS Minh Đức (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) bị 4 - 5 bạn khác lao vào hành hung. Đáng nói, khi có một nam sinh can ngăn thì những học sinh trên tiếp tục lao vào đánh em này. Chỉ sau khi đăng lên mạng xã hội Facebook, gia đình em mới biết. Theo trình bày của nhóm học sinh với ban giám hiệu nhà trường, do mâu thuẫn về lời nói từ trước nên 2 nữ sinh đã đánh một em còn lại.

Học sinh, nhất là nữ sinh giải quyết mâu thuẫn bằng ẩu đả đáng lên án. Nhưng đáng trách hơn nữa, bạn bè của các em lại cổ vũ thay vì tìm cách ngăn cản. Như trong một vụ đánh nhau của học sinh trường THCS và THPT ở Đà Nẵng, khi được can ngăn thì một trong những nữ sinh đứng xem đã tỏ thái độ không đồng tình: “Chơi chi lạ rứa chị, đang đánh nhau mà”.

Các vụ bạo lực học đường, có clip tung lên mạng phần lớn là nữ sinh tham gia với những nguyên nhân rất đơn giản. Có thể chỉ vì một cái nhìn “đểu”, câu nói không vừa lòng là có thể tập hợp lực lượng để đánh nhau trong và ngoài trường.

Phân tích hiện tượng này, thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), cho hay, thiếu sân chơi cho nữ sinh giải phóng năng lượng là một trong những nguyên nhân. “Với học sinh nam, các em quen với sự mạnh mẽ. Nhưng với một bộ phận học sinh nữ lại cho rằng sử dụng bạo lực là cách để thể hiện sức mạnh, bản lĩnh. Các em có suy nghĩ rằng tung clip của nạn nhân lên mạng xã hội là cách để “dằn mặt” và khiến cho nạn nhân xấu hổ”, thầy Hòa phân tích.

Còn thầy Phan Hữu Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), thì cho rằng, do đặc điểm lứa tuổi đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất và tâm sinh lý, muốn tự khẳng định mình. Một số em chưa được trang bị kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với sự biến đổi của đời sống xã hội.

Đại diện các đội tham gia giải bóng rổ dành cho học sinh nữ khối lớp 8 Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nhận cờ lưu niệm.

Đại diện các đội tham gia giải bóng rổ dành cho học sinh nữ khối lớp 8 Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nhận cờ lưu niệm.

Thêm sân chơi, diễn đàn

Năm học 2022 – 2023, lần đầu tiên, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức giải thể thao dành riêng cho học sinh nữ. Em Lê Đức Thiên Thảo (HS lớp 8/4) khá bất ngờ khi được là thành viên tham gia đội bóng rổ của lớp. Có cùng tâm trạng, em Võ Lê Tùng Nhi chia sẻ: “Đa số các giải thể thao trong trường từ trước tới nay đều chỉ có bạn nam tham gia. Chúng em chỉ cổ vũ là chủ yếu chứ ít có cơ hội được thi đấu”. Cùng tập luyện và thi đấu trong một đội hình, Tùng Nhi thấy tình bạn giữa mình và các bạn thêm khăng khít, có nhiều cơ hội hiểu nhau hơn.

Đoàn Trường THPT Hoàng Hoa Thám đã đăng cai tổ chức giải bóng đá tình nguyện viên Hoa phượng đỏ với sự tham gia của 4 trường THPT trên địa bàn quận. Anh Lê Mạnh Tấn, Bí thư Đoàn trường, cho hay: “Ngoài hoạt động ngoài giờ lên lớp, thể dục thể thao là một trong những cách góp phần đẩy lùi bạo lực học đường hiệu quả. Ở đó, học sinh nữ được trải nghiệm - hiểu mình, giao tiếp - hiểu người. Từ đó các em biết cách để điều chỉnh hành vi và giao tiếp trong các mối quan hệ, góp phần giảm bạo lực học đường giữa các nữ sinh”.

Mấy chục năm làm công tác giảng dạy, thầy cô không ít lần là thành viên hội đồng kỷ luật học sinh do đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng. Điều đáng nói là sau cuộc ẩu đả, hầu như cả học sinh gây bạo lực và nạn nhân đều rất hối lỗi. Riêng các bậc phụ huynh vẫn tranh luận không thôi.

Thậm chí nhiều người còn đổ lỗi cho nhà trường đã quản lý không tốt, để cho học sinh đánh nhau. Vì vậy, khi trò chuyện với học sinh ở bất kỳ trường THCS, THPT nào về chủ đề bạo lực học đường, thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng, đều khuyên nhủ: Tất cả mọi hành động xuất phát từ cơn nóng giận đều dẫn đến thất bại.

Trong khi đó, cô Phạm Thị Thùy Loan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu), cho biết học sinh, nhất là học sinh nữ cần được quan tâm, chăm sóc, coi trọng cảm xúc và được người lớn uốn nắn qua cách xử lý các tình huống diễn ra hằng ngày. Qua những lớp dạy kỹ năng miễn phí cho trẻ, xoay quanh chủ đề như giới tính, phòng chống đuối nước, bạo lực học đường, xâm hại tình dục…, cô Thùy Loan đúc kết:

“Chúng tôi thường chọn chủ đề mang tính thời sự và gợi mở cách xử lý tình huống cho trẻ. Tuy nhiên, mỗi tình huống có cách ứng phó khác nhau, tránh sự áp đặt dễ tạo khoảng cách. Ngoài ra, muốn trẻ chơi cùng và sẵn sàng chia sẻ, khi nói chuyện người lớn cần sử dụng ngôn ngữ thường ngày của trẻ và xem chúng như những người bạn. Điều quan trọng hơn cả là phụ huynh cần khơi gợi ý thức tự bảo vệ bản thân cho con em mình”.

Ngoài bóng rổ, giải thể thao học sinh nữ của Trường THCS Nguyễn Huệ còn có thêm bóng đá, bơi lội. Thầy Hiệu trưởng Võ Thanh Phước cho biết: “Theo nguyện vọng của phụ huynh, đây là năm học đầu tiên, nhà trường tổ chức giải thể thao dành riêng cho học sinh nữ nhằm có thêm sân chơi giúp các em giảm bớt áp lực học tập, rèn luyện sức khỏe. Đây cũng là hoạt động tập thể giúp nữ sinh có tinh thần đồng đội, hòa nhập và thân thiện hơn với bạn bè”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.