Giảng viên trẻ sở hữu nhiều bài báo quốc tế

GD&TĐ - 31 tuổi, giảng viên Vòng Bính Long đã lấy bằng TS ngành Vật liệu sinh học (ĐH Tsukuba - Nhật Bản). Trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu khoa học đến nay, anh đã có 18 bài báo quốc tế được đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín, là tác giả của 6 bằng sáng chế và 3 chương sách tham khảo quốc tế.

TS Vòng Bính Long (giữa) được vinh danh “Quả Cầu Vàng” năm 2018
TS Vòng Bính Long (giữa) được vinh danh “Quả Cầu Vàng” năm 2018

Đam mê lĩnh vực công nghệ Nano

Hiện TS Vòng Bính Long là giảng viên Khoa Sinh học - Công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM.

Sau khi tốt nghiệp ĐH, Vòng Bính Long được giữ lại làm việc tại trường. Từ 2012-2015, anh đi làm nghiên cứu sinh ở Nhật Bản với học bổng toàn phần của chính phủ Nhật Bản và hoàn thành xuất sắc khóa học TS (năm 2015). Ngay trong thời gian học, anh đã có 9 bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín và là tác giả của một số bằng sáng chế.

TS Long cho biết anh “bị cuốn hút khi có cơ hội tiếp cận lĩnh vực công nghệ Nano dùng trong Y học”. Thế nên từ những năm tháng ở Nhật Bản cho đến nay, anh lao vào nghiên cứu về vật liệu nano - polymer có hoạt tính sinh học để điều trị các bệnh viêm nhiễm, và cả bệnh ung thư.

Trong những thành quả nghiên cứu khoa học mà TS Long đạt được ở lĩnh vực này, có thể kể đến hai hướng nghiên cứu chính, đó là “Phát triển liệu pháp thuốc nano dùng để trị bệnh viêm và ung thư đại tràng” đăng trên tạp chí Gastroenterology năm 2012 và Biomaterials năm 2015; “Gel có khả năng làm tăng sinh mạch máu tại những vùng mô bị thiếu máu trong điều trị bệnh tim mạch” được công bố năm 2018 trên tạp chí Biomaterials.

TS Long cho biết: “Trong gần 10 năm qua, tôi tập trung nghiên cứu tạo ra các vật liệu sinh học mới và hệ dẫn thuốc nano thông minh nhằm ứng dụng trong lĩnh vực y dược. Cụ thể là hạt nano kháng oxi hoá làm thuốc có khả năng giảm viêm hiệu quả với các bệnh đường tiêu hóa như viêm đại tràng, viêm gan, và là hệ hydrogel có khả năng phóng thích khí nitric oxide dùng trong điều trị bệnh tim mạch. Ngoài ra, nghiên cứu làm giảm tác dụng phụ và tăng hiệu quả của thuốc điều trị ung thư, giảm hiện tượng kháng kháng sinh bằng kĩ thuật nano cũng là những hướng nghiên cứu mà tôi vẫn đang theo đuổi”.

Từ đó đến nay, TS Vòng Bính Long đã tham gia trên 50 hội nghị trong nước và quốc tế với vai trò là tác giả báo cáo chính, và đã có hơn 15 báo cáo được nhận giải thưởng xuất sắc nhất tại các hội nghị. Năm 2018, TS Vòng Bính Long được T.Ư Đoàn chọn là đại biểu tiêu biểu của Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Và mới đây nhất, anh là gương mặt nổi bật của giải thưởng “Quả cầu vàng 2018” được trao cho 10 nhà nghiên cứu khoa học trẻ trong cả nước.

TS Vòng Bính Long (thứ hai từ phải qua) đang hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học
TS Vòng Bính Long (thứ hai từ phải qua) đang hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học 

Hỗ trợ cộng đồng du học sinh

Ngoài những thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học, TS Vòng Bính Long còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội sinh viên Việt Nam tại Trường ĐH Tsukuba - Nhật Bản và các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Anh là thành viên chủ chốt trong việc hỗ trợ cũng như làm cầu nối các hoạt động cộng đồng giữa Đại sứ quán và cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản, như thường xuyên tổ chức các lễ hội truyền thống dân tộc, dạy nấu các món ăn truyền thống cho người nước ngoài, gom góp vật dụng cũ của sinh viên đã về nước cho những khóa sinh viên du học kế tiếp sử dụng, thành lập nhóm học thuật y - sinh học, kết nối các nhà khoa học trẻ để chia sẻ kinh nghiệm cho du học sinh.

Với những du học sinh, TS Vòng Bính Long chia sẻ kinh nghiệm: “Về cơ bản, đào tạo bậc ĐH ở Việt Nam cung cấp một nền tảng kiến thức tốt, nhưng chúng ta lại ít được tiếp cận thực tế các công nghệ mới và hiện đại. Nếu chúng ta đi đúng hướng cùng với sự nỗ lực và chút may mắn, tôi nghĩ mình sẽ có thể vượt qua những khó khăn khi học tập ở nước ngoài, và còn có thể thực hiện những nghiên cứu hiệu quả và chuyên sâu, để công bố quốc tế. Chúng ta thấy là rất nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam có những công trình nghiên cứu xuất sắc và đột phá đang công tác ở nước ngoài”.

Còn với những học sinh trong nước đang săn lùng học bổng du học song vẫn còn lo lắng khả năng thích nghi với nước ngoài, anh khẳng định: “Khi đi học ở nước ngoài, tôi nghĩ ít nhiều chúng ta đều gặp khó khăn, trong đó có thể bao gồm ngoại ngữ và văn hoá. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ và toàn cầu hoá hiện nay, chúng ta vẫn dễ thích nghi các điều kiện này với sự cố gắng và nỗ lực của mình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.