Giải pháp phát triển bền vững các trường đại học ngoài công lập

GD&TĐ - Trong đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển bền vững các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam”, GS.TSKH Đặng Ứng Vận đã phân tích những tồn tại, hạn chế của các trường ngoài công lập (NCL) thời gian vừa qua và đề xuất những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Các trường NCL cần xây dựng cho mình hướng đi ổn định trong đào tạo nguồn nhân lực
Các trường NCL cần xây dựng cho mình hướng đi ổn định trong đào tạo nguồn nhân lực

Cơ chế sở hữu - “không vì lợi nhuận”

Trước đây, ở Việt Nam có 3 loại trường NCL: Dân lập, tư thục, bán công. Nhà nước có chủ trương chuyển toàn bộ sang tư thục có lợi nhuận (có cổ đông và cổ tức). Hiện nay, loại hình trường ĐH bán công và dân lập bị xoá bỏ trên văn bản, chỉ còn một loại hình trường ĐH NCL là trường ĐH tư thục.

Hiện, 12/19 trường dân lập đã chuyển thành tư thục. Còn khái niệm trường không vì lợi nhuận chỉ mới trong chủ trương, chưa vận dụng vào thực tiễn (mô hình này được xác định tại Nghị định 141/2013/NĐ-CP); bởi vấn đề nằm ở cả Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH và nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa làm rõ cơ chế sở hữu cũng như tính chất “không vì lợi nhuận” của các loại hình trường NCL.

Nhóm nghiên cứu cho biết, đến nay, vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cách thức công nhận các cơ sở GDĐH NCL không vì lợi nhuận và những chính sách khuyến khích đặc biệt cho các loại trường này. Cách xác định tính “không vì lợi nhuận” căn cứ theo mức lợi nhuận lợi tức của cổ đông như đưa ra ở Luật GDĐH cũng chưa thật thoả đáng.

Hệ quả là, các trường ĐH ngoài công lập ở nước ta được hình thành từ nhiều phương thức khác nhau, có mức độ hưởng lãi suất khác nhau, nhưng đều nhận là trường “không vì lợi nhuận”. Điều này đặt ra một vấn đề hết sức quan trọng là phải minh bạch khái niệm và cơ chế lợi nhuận trong giáo dục ĐH NCL.

Nhóm nghiên cứu phân tích, GD ĐH NCL vì lợi nhuận có chủ sở hữu là tư nhân hoặc người uỷ thác, nguồn vốn đầu tư xây dựng và hoạt động thường là của tư nhân, với mục tiêu kinh tế vì lợi nhuận và cơ chế hoạt động cung cấp dịch vụ GD-ĐT theo cơ chế thị trường. Lợi nhuận một phần được sử dụng để đầu tư phát triển cơ sở GD và phần phân chia cho các chủ thể góp vốn (các chủ thể đầu tư có toàn quyền quyết định).

Sự xuất hiện và phát triển các cơ sở GD vì lợi nhuận tăng mạnh ở nước ta, xuất phát từ rất nhiều yếu tố: Nhu cầu nhân lực chất lượng cao, trình độ cao của xã hội tăng lên, nhu cầu đào tạo lại và đào tạo thêm nghề nghiệp cũng tăng nhanh. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng nhu cầu lớn như vậy; đồng thời mô hình và cơ chế hoạt động của hệ thống GD công lập có những hạn chế nhất định.

Trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế sâu rộng, vận dụng cơ chế thị trường để phát triển GD-ĐT có hiệu quả hơn, tri thức, sức lao động có trình độ cao đang trở thành hàng hoá đặc biệt mang tính chất toàn cầu. Người học thấy rõ, việc đầu tư cho học tập mang lại lợi ích thiết thực, đầu tư cho GD là đầu tư cho phát triển.

Các nhà kinh doanh, các chủ đầu tư cũng nhận thấy, GD-ĐT là một lĩnh vực kinh doanh rất có hiệu quả. Thêm vào đó, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng góp phần tạo ra các phương thức đào tạo hiện đại, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở GD nói chung và cơ sở GD vì lợi nhuận nói riêng.

Đối với GDĐH NCL không vì lợi nhuận, về nguyên tắc các cơ sở này cũng phải cân đối được thu chi và có tích luỹ để phát triển. Không vì lợi nhuận là nói về giữa mối quan hệ chủ đầu tư (nguồn vốn đầu tư) với việc sử dụng và phân chia lợi nhuận thu được.

Lợi nhuận thu được không chia cho những chủ thể góp vốn, mà được giữ lại để đưa vào phát triển chương trình và các dịch vụ GD. Tất nhiên, những cơ sở GD không vì lợi nhuận vẫn có mục đích và khả năng thu lợi nhuận. Thặng dư được giữ lại để đầu tư phát triển và tiếp tục cung cấp các chương trình, dịch vụ GD. Thặng dư đó không do cá nhân nào làm chủ, cũng không phân chia cho các cá nhân hoặc cổ đông.

Điểm khác biệt cơ bản giữa hai loại hình GD-ĐT trên không phải là có hoạt động theo cơ chế thị trường hay không, thu học phí hay không, tạo ra lợi nhuận hay không cũng không phải đối tượng nào là chủ sở hữu, mà điểm chính là mục tiêu hoạt động, nguyên tắc sử dụng và phân chia lợi nhuận do cơ sở GD tạo ra.

Hội nhập với xu thế thế giới và đào tạo theo dự báo nguồn nhân lục là yếu tố quan trọng để trường NCL phát triển
Hội nhập với xu thế thế giới và đào tạo theo dự báo nguồn nhân lục là yếu tố quan trọng để trường NCL phát triển 

Hoạt động không ổn định

Về tự chủ của các trường NCL, trong hơn hai thập kỷ qua, khối trường ĐH NCL của nước ta phát triển tương đối nhanh với quy mô: Năm 1997 là 15 cơ sở; năm 2009 là 78 cơ sở (tăng hơn 5 lần); năm 2015 là 84 cơ sở.

Năm 2016, số trường ĐH NCL chiếm 28% tổng số trường ĐH và 14% theo tổng số sinh viên. Tỷ lệ này chưa cao so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, với con số trường sở như vậy, theo ước tính của một số chuyên gia, từ năm 2000 đến nay, hàng năm, trường ĐH NCL đã có thêm trên 300.000 chỗ học mới cho người học, tạo thêm hàng vạn việc làm cho người lao động.

Mô hình trường ĐH NCL có pháp lý của một doanh nghiệp, được quản lý như một công ty thương mại cổ phần, theo mục đích vì lợi nhuận. Do đó, trường NCL cũng chịu chấp nhận rủi ro trong hoạt động kinh doanh, có thể bị phá sản, bị giải thể, cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần, tức là thay đổi chủ đầu tư.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, đây chính là yếu tố dẫn đến tính không ổn định của một trường tư thục. Các trường có quyền tự trị bởi những người nằm trong thành phần cổ đông và hội đồng quản trị, đồng thời chịu ảnh hưởng rất lớn của thị trường lao động.

Trường có nhiều cổ đông nhất là các trường: ĐH Công nghệ TPHCM (439 người), ĐH Hoa Sen (88 người) và ĐH Công nghệ Sài Gòn (79 người). Bên cạnh đó, có trường chỉ có một cổ đông duy nhất và là các công ty, tập đoàn kinh tế như ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, ĐH FPT, ĐH Kinh Bắc và ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

Đối với những trường mới thành lập, lại gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng, đào tạo giảng viên và cán bộ quản lý, đội ngũ giảng viên trẻ còn mỏng (phần lớn là giảng viên trẻ mới tốt nghiệp, ít kinh nghiệm), giảng viên chủ chốt hầu hết là cao tuổi (là các giảng viên đã nghỉ hưu từ các trường công).

Theo số liệu kê khai năm 2016, tổng số giảng viên của các trường ĐH NCL là trên 20.500 giảng viên, trong đó 71% là giảng viên cơ hữu, số còn lại là giảng viên thỉnh

giảng. Đặc biệt trường ĐH Quốc tế Bắc Hà có 97 giảng viên thì số lượng giảng viên thỉnh giảng nhiều hơn giảng viên cơ hữu (48 cơ hữu và 49 thỉnh giảng). Điều này cũng hạn chế việc xin mở ngành của các trường, với yêu cầu các giảng viên trình độ tiến sĩ, thạc sĩ phải trong độ tuổi lao động. Đồng thời cũng hạn chế cho vấn đề nghiên cứu khoa học tại các trường ĐH NCL.

Theo thống kê của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, đến nay có 5/60 trường thành lập đã 20 năm nhưng chưa có đất xây trường, phải đi thuê. Nguồn lực tài chính của các trường còn hạn chế. Học phí là nguồn thu chủ yếu, chiếm trên 61, 17% tổng thu - chi cho các hoạt động thường xuyên của nhà trường, như trả lương cho cán bộ nhân viên, chi phí điện nước, duy trì bảo dưỡng cơ sở vật chất đã chiếm tới hơn 59%. Điều này cũng phản ánh một thực tế là hoạt động của các trường ĐH NCL chủ yếu dựa vào hoạt động đào tạo.

Công tác tuyển sinh của phần lớn trường NCL cũng gặp khó khăn. Cụ thể, Trường ĐH Hùng Vương TPHCM không có sinh viên (hiện vừa được Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh trở lại); Trường ĐH Hà Hoa Tiên còn rất ít sinh viên đang theo học do đã dừng tuyển sinh; Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu chỉ có 135 sinh viên…Bên cạnh đó, vấn đề tự chủ học thuật của các giảng viên trong trường ĐH NCL kém hơn nhiều so với trường ĐH công lập.

Ngoài ra, vẫn còn một số bất cập với sự phân biệt đối xử giữa trường ĐH công lập và NCL như: Sự đối xử không công bằng giữa “sản phẩm” của trường ĐH công lập và trường ĐH NCL; việc ban hành các văn bản chưa kịp thời, thiếu tính kế thừa, chưa đồng bộ; thậm chí một số vấn đề còn chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh... gây trở ngại cho sự phát triển của các trường NCL.

______________________

Nhóm nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển bền vững các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam” do PGS.TS Trần Quang Quý làm chủ nhiệm đề tài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.