Đam mê nghiên cứu khoa học
TS Phạm Văn Anh, dân tộc Mường, sinh năm 1983, trong một gia đình nông thôn ở miền quê nghèo Thanh Hóa. Văn Anh luôn mang trong mình nhiều ước mơ, hoài bão. Ngay từ những ngày còn học phổ thông, Văn Anh luôn đặt ra những câu hỏi liên quan đến các loài động vật bắt gặp mỗi khi theo cha mẹ đi làm nương xa.
Năm 2002, cầm giấy báo trúng tuyển của Trường Đại học Tây Bắc ngành Sư phạm Sinh học trên tay, cậu học trò ấy bắt tay hiện thực niềm đam mê khoa học và những ước mơ của mình.
4 năm đại học không chỉ gói gọn trong những cuốn sách, những bài giảng trên giảng đường, anh tích cực tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa, cấp trường hay như các hoạt động ngoại khoá nhằm khám phá thế giới động vật xung quanh mình.
Rời ghế nhà trường, Văn Anh tiếp tục theo học các khoá đào tạo nâng cao (thạc sỹtiến sĩ) năm 2008 trở lại công tác tại trường Đại học Tây Bắc cho đến nay.
TS Phạm Văn Anh luôn tâm niệm: “Là giảng viên cần phải có đạo đức tốt, phong cách làm việc khoa học. Không chỉ dạy cho người học kiến thức trong chương trình học mà phải biết truyền cảm hứng cho học trò”.
TS Phạm Văn Anh cũng cho biết thêm, quan điểm làm việc của mình là phải biết tạo tính chủ động cho người học, coi người học là trung tâm của quá trình dạy học. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần gợi mở, định hướng, nói rõ mục đích và ý nghĩa của học phần từ đó gợi lên niềm đam mê, yêu thích của người học.
Lĩnh vực mà vị TS trẻ này đam mê theo đuổi và nghiên cứu là về môi trường, đa dạng, bảo tồn đa dạng sinh học. Vấn đề này đã và đang được quan tâm của toàn thế giới trước những nguy cơ mất mát về đa dạng, sự tàn phá môi trường tự nhiên đang diễn ra khắp nơi, trong đó có vùng Tây Bắc, địa đầu của Tổ quốc.
Nếu bảo vệ tốt môi trường tự nhiên ở đây, sẽ bảo vệ được nguồn nước sạch, giảm thiểu được các tác động xấu như biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán, sạt lở, ô nhiễm môi trường… vẫn đang diễn ra thường xuyên trong những năm gần đây.
|
Gặt hái thành công
Mới đây, tôi có dịp gặp TS Phạm Văn Anh khi thầy vừa cùng đoàn đại biểu của nhà trường đi dự Lễ Tổng kết và trao giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” và “Khoa học Công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong cơ sở giáo dục đại học” năm 2018 do Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCSHCM, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hồi cuối tháng 10 vừa qua.
TS Phạm Văn Anh cũng như những sinh viên vừa rời bục vinh quang vẫn nguyên cảm xúc hạnh phúc đó. “Năm nay, Trường Đại học Tây Bắc tham gia với 2 công trình nghiên cứu khoa học dành cho giảng viên trẻ và 3 công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên. Trường đã giành 1 giải Nhì Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho giảng viên viên trẻ với tên đề tài Nghiên cứu lưỡng cư (Amphibia) tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La” do tôi chủ nhiệm.
Đáng chú ý, ở Giải thưởng dành cho sinh viên, trường đã đạt giải nhất lĩnh vực Khoa học Tự nhiên với đề tài Nghiên cứu thành phần loài và ảnh hưởng của các tác động tiêu cực tới khu hệ lưỡng cư, bò sát ở hai xã Tông Lạnh và Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La do nhóm sinh viên lớp K56 Đại học Sư phạm Sinh học thực hiện, dưới sự hướng dẫn của tôi” - TS Phạm Văn Anh nói.
Là một giảng viên trẻ, kinh nghiệm còn hạn chế, tôi luôn trăn trở làm thế nào để nghiên cứu khoa học tốt? Phải nói rằng rất khó khăn, ban đầu tôi đã lựa chọn từng bước tiếp cận với nghiên cứu khoa học bằng cách hướng dẫn các em sinh viên, ở đây thầy định hướng và xây dựng kế hoạch nghiên cứu, cùng các em sinh viên đi thực địa và phân tích mẫu...
Sau 10 năm theo đuổi ước mơ, đến nay TS Phạm Văn Anh đã gặt hái nhiều thành công với những công trình nghiên cứu khoa học, trong đó đã phát hiện ra 7 loài mới; 12 loài ghi nhận mới cho Việt Nam; 6 loài phát hiện mới cho vùng Tây Bắc; ghi nhận mới cho tỉnh Sơn La hơn 60 loài.
Đặc biệt, đã phát hiện gần 40 loài lưỡng cư và bò sát quý hiếm có ở tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc, có giá trị bảo tồn cao. Đồng thời, đề xuất các phương án bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên lưỡng cư, bò sát ở hai Khu rừng đặc dụng Copia và Sốp Cộp.
Hiện tại, TS Phạm Văn Anh là chủ nhiệm 5 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học các cấp; tham gia thực hiện 6 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có: một đề tài cấp Nhà nước, ba đề tài Nafosted, một đề tài cấp bộ, một dự án cấp tỉnh, hai đề tài thuộc tổ chức “Geographic International” (Mỹ)...
Văn Anh còn là tác giả và đồng tác giả của 45 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học và hội nghị khoa học, trong đó đáng chú ý có16 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus; 9 bài báo trên tạp chí khoa học trong nước (ISSN).