Giang hồ mạng và bài học thức tỉnh giới trẻ

GD&TĐ - Những ngày gần đây, câu chuyện chủ nhà hàng ở Bắc Ninh livestream dằn mặt nữ thực khách do bị “bóc phốt” làm cư dân mạng xôn xao.

Thời gian qua, nhiều "giang hồ mạng" đã bị pháp luật nghiêm trị. (Ảnh: IT)
Thời gian qua, nhiều "giang hồ mạng" đã bị pháp luật nghiêm trị. (Ảnh: IT)

Dư luận đặt câu hỏi: Phía sau những hành vi giang hồ bị nghiêm trị,  bài học nào cảnh tỉnh giới trẻ?

tư làm nhục người khác và khoe lên mạng

Vì một mâu thuẫn nhỏ, đối tượng Nguyễn Ngọc Thiện (sinh 1973), chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện, TP Bắc Ninh, sẵn sàng làm nhục người khác bằng cách bắt qùy gối xin lỗi và đưa ra những lời đe dọa, uy hiếp.

Nếu ai đã xem qua clip trên thì có thể thấy rằng, đây không phải là việc giải quyết mâu thuẫn theo dạng bực tức, nóng giận của những người bình thường mà đây là cách hành xử theo kiểu coi thường pháp luật, muốn chứng tỏ “đẳng cấp dân anh chị” và dằn mặt khách hàng của đối tượng.

Trả giá cho hành động trên, Công an TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Thiện để điều tra về hành vi “làm nhục người khác”.

Ngay sau khi clip được đăng tải, chia sẻ, nhiều người đã bày tỏ sự bức xúc trước hành động của chủ quán và câu hỏi “từ bao giờ việc phát livestream hành vi làm nhục người khác” được xem là cách “chứng tỏ mình” của những tay anh chị? Phải chăng những xử lý trước đó của các cơ quan chức năng chưa đủ răn đe hay các “tay chơi” coi thường pháp luật?

Giang hồ mạng Phú Lê, cái tên không còn xa lạ với nhiều người trẻ tại Việt Nam, có những thời điểm, những video clip giang hồ đánh đấm của đối tượng này thu hút hàng triệu lượt xem và càng nguy hiểm hơn, những đối tượng này đang dần trở thành một “hình mẫu” mà nhiều bạn trẻ học theo.

Mới đây (11/08), Công an TP Hà Nội vừa khởi tố đối với Lê Văn Phú (tức Phú Lê) về hành vi “cố ý gây thương tích”. Theo điều tra, xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân giữa Lã Thúy Kiều (vợ Phú) và chị Trần Thị Đào trên facebook cá nhân, đối tượng Phú Lê đã giao cho đàn em đến nhà tìm đánh cảnh cáo đối tượng, khiến cho 2 người nhà chị Trần Thị Đào phải nhập viện.

Sự việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, đã đến đến lúc phải siết chặt và xử lý nghiêm các trường hợp “giang hồ mạng”, lợi dụng mạng xã hội để kích động bạo lực hay truyền bá những tư tưởng, xu hướng lệch lạc đối với giới trẻ.

Bài học thức tỉnh cho giới trẻ

Từ việc mâu thuẫn cá nhân, vợ chồng Đường “Nhuệ”cùng đàn em “thẳng tay” đánh đập những cá nhân gây ảnh hưởng đến mình. Mở rộng điều tra vụ án về khoảng thời gian 6 năm trước đó, đối tượng Nguyễn Xuân Đường và đàn em phải trả giá cho những việc làm bất chính, côn đồ, coi thường pháp luật với những tội danh “cố ý đánh người gây thương tích”; “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”, “cưỡng đoạt tài sản liên quan việc "làm luật” các cơ sở dịch vụ mai táng ở Thái Bình”.

Trước đó, Đường “Nhuệ” cũng được xem là một "giang hồ mạng" khá nổi khi xuất hiện trong rất nhiều các MV ca nhạc; phim giang hồ trên các kênh youtube mà nhiều trẻ em, giới trẻ tung hô.

Là người tham gia quá trình phục hồi điều tra vụ án sau nhiều năm, Luật sư Phạm Quang Xá (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: “Câu chuyện về vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ) tại TP.Thái Bình là minh chứng rõ nét trong việc mạnh tay xử lý các nội dung liên quan đến việc “hành xử kiểu giang hồ” coi thường luật pháp của cơ quan chức năng. Tất cả những sai phạm đều lần lượt được đưa ra ánh sáng. Kẻ vi phạm luật pháp sẽ phải đền tội còn những người vô tội sẽ được minh oan”.

Trước Đường “Nhuệ”, Phú Lê, Khá “Bảnh” còn rất nhiều các tên “giang hồ mạng” khác cũng phải hầu tòa vì những hành vi, hành xử kích động bạo lực, coi thường pháp luật bằng của mình.

Đáng nói, những đối tượng trên vẫn đang gieo rắc một thứ văn hóa “đánh đấm giang hồ”; chửi bới; phá hoại tài sản…bằng những video clip, những câu nói sặc mùi “tử chiến”.

Theo TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia Tâm lý, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, với sự phát triển của công nghệ số hiện nay, không khó để bắt gặp các “giang hồ” trên các kênh mạng xã hội. Cũng không khó để nhận ra các bạn trẻ vẫn đang ngày ngày học theo và lặp lại những điều đó. Cái giá để trả cho những hành vi “hành xử giang hồ” thường khá đắt, đôi khi phải đánh đổi bởi một đời người.

“Hệ luỵ từ những tấm gương xấu trên mạng xã hội rất rõ ràng. Bởi vậy, trước khi các trang mạng (youtube, facebook, tiktok,…) có biện pháp kiểm duyệt chặt chẽ hơn, phụ huynh hãy chủ động trang bị cho mình những kiến thức căn bản để có thể giáo dục, hướng dẫn con em mình tham khảo, học tập, giải trí ở những môi trường mạng xã hội lành mạnh, nghiêm túc”, TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Mong rằng, với sự lên án mạnh mẽ của toàn xã hội, cùng với sự mạnh tay của cơ quan chức năng với các đối tượng “hành xử giang hồ” sẽ góp phần chấn chỉnh, răn đe và cảnh tỉnh giới trẻ trước khi muốn “nổi” mà thiểu hiểu biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ