Gắn tái đào tạo với cấp bằng, chứng chỉ cho lao động
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) vừa ban hành Kế hoạch triển khai hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Theo đó, chương trình sẽ hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Chương trình nhằm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Đối tượng thụ hưởng chính sách gồm: Người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải có đủ các điều kiện: Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên. Thời gian được tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.
Doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động.
Doanh nghiệp có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với doanh thu cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020.
Doanh nghiệp cũng có phương án hoặc phối hợp với cơ sở GDNN đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động...
Người lao động đang làm việc cho người sử dụng lao động cần được bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm. Vì vậy, cơ sở GDNN phối hợp với đơn vị sử dụng lao động. Hai bên xây dựng phương án và tổ chức đào tạo.
Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng.
Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.
Thời gian nộp hồ sơ từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.
Để triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách trên, Tổng cục GDNN đề nghị các cơ sở GDNN coi đây là cơ hội để mở rộng quan hệ hợp tác với đơn vị sử dụng lao động.
Vì vậy, cần phối hợp đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động và năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên của nhà trường.
Các cơ sở GDNN cần chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với người sử dụng lao động. Các bên cần xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Đồng thời, phân công cụ thể đầu mối, xây dựng kế hoạch chi tiết phối hợp với người sử dụng lao động.
Trước mắt, đơn vị cần chủ động phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động đã có hợp tác trong đào tạo, tuyển dụng nhân lực. Mục đích để cùng xây dựng phương án đào tạo lao động.
Ngoài ra, cần tổ chức đào tạo sau khi có quyết định hỗ trợ. Trên cơ sở đó tiếp tục nhân rộng, phối hợp với các đơn vị khác trên địa bàn để tổ chức.
Đối với các địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, cần chủ động phối hợp với các ban quản lý tại đây. Mục đích để nắm bắt nhu cầu, liên hệ với các doanh nghiệp xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng.
Tổng cục GDNN cũng lưu ý các đơn vị tổ chức thực hiện việc đào tạo cho người lao động gắn với phương án đã được phê duyệt. Đồng thời, phải gắn việc đào tạo với cấp bằng, chứng chỉ cho người lao động.
Nguồn kinh phí sẽ được lấy trực tiếp từ nguồn kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp do BHXH trực tiếp chi trả. Việc phê duyệt mức hỗ trợ sẽ do lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH quyết định.
Người sử dụng lao động được hỗ trợ tái đào tạo nghề có trách nhiệm triển khai thực hiện chính sách với người lao động. Điều này nhằm duy trì việc làm cho người lao động thuộc đơn vị mình theo đúng phương án hỗ trợ được Sở LĐ-TB&XH phê duyệt.
Quy định nội dung cần theo dõi khi tái đào tạo nghề
Để thực hiện nội dung này, Tổng cục GDNN đã có quyết định, quy định trách nhiệm kiểm tra, theo dõi của từng đơn vị.
Theo đó, Tổng cục GDNN đã ban hành quyết định chỉ tiêu theo dõi, giám sát và mẫu đề cương.
Mục đích để kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Từ đó, Quyết định 320 được ban hành kèm theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Quyết định nhằm thực hiện nhiệm vụ tái đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Quyết định 320 quy định các chỉ tiêu theo dõi, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện của Tổ triển khai Nghị quyết số 68 của Tổng cục GDNN.
Tổ này có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn các địa phương, cơ sở triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động.
Quyết định quy định chỉ tiêu theo dõi, giám sát kết quả thực hiện của Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quy định chỉ tiêu theo dõi, giám sát kết quả thực hiện tái đào tạo nghề của người sử dụng lao động.
Trách nhiệm theo dõi, giám sát và thời gian báo cáo được giao cho Tổ triển khai Nghị quyết số 68.
Theo đó, cần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động bảo đảm theo đúng quy định.
Theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện tái đào tạo nghề của các địa phương, cơ sở và báo cáo định kỳ với Bộ LĐ-TB&XH hàng tháng.
Tổng cục GDNN cũng tổ chức biên soạn cuốn “Cẩm nang hướng dẫn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”. Cuốn cẩm nang được ban hành ngày 5/8.
Cẩm nang nhằm hỗ trợ người sử dụng lao động, Sở LĐ-TB&XH các địa phương và cơ sở GDNN triển khai thực hiện tốt chính sách tái đào tạo nghề. Đồng thời, chú trọng nâng cao kỹ năng nghề cho lao động.
Nội dung tái đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được quy định rõ trong Nghị định 68 và Quyết định 23.