Đại biểu Quốc hội: Nếu coi nhẹ đào tạo nghề, giảm nghèo sẽ không bền vững

GD&TĐ - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần đổi mới tư duy về giảm nghèo theo hướng giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình

Thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh: Các chính sách giảm nghèo phải khơi dậy được khát vọng và tạo ra động lực để người dân mong muốn thoát nghèo.

Đổi mới tư duy về giảm nghèo

Đại biểu Nguyễn Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) đề xuất cần tiếp cận giảm nghèo theo tư duy: chuyển những người nghèo, hộ nghèo từ đối tượng sang chủ thể và quan tâm kinh tế hộ, nhóm hộ; coi đây là đòn bẩy cho công tác giảm nghèo.

Đề xuất đổi mới xây dựng chính sách giảm nghèo theo hướng chú trọng đầu tư cho con người, đại biểu Quốc hội dẫn chứng: 5 năm qua đã có 38% số hộ nghèo thoát nghèo và 53% trở thành hộ khá sau khi được đào tạo nghề ngắn hạn, 90% học viên sau học nghề trung cấp, cao đẳng đã có việc làm ổn định, thu nhập tốt.

Tuy nhiên, đại biểu  Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) cho biết, cả trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và Tờ trình của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đều không có nội dung đầu tư phát triển các trường nghề chất lượng cao.

Trong quá trình thẩm tra Chương trình này, các cơ quan của Quốc hội khóa 14 đã kết luận, các nội dung về đạo tạo nghề chất lượng cao là cần thiết, quan trọng nhưng không phù hợp đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và giao cho Chính phủ đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhưng trong kế hoạch này lại không có nội dung đạo tạo nghề chất lượng cao.

Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát bổ sung bố trí đầu tư các trường nghề chất lượng cao…

Cũng liên quan đến vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, nếu chỉ dựa vào chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, mà coi nhẹ đào tạo nghề thì việc giảm nghèo sẽ không bền vững. Bởi lẽ, trong nhiệm kỳ qua, nước ta đã dành 74% vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhưng kết quả giảm nghèo không đạt như mong muốn.

Đại biểu Nguyễn Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu thảo luận tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu thảo luận tại hội trường

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thực sụ hiệu quả

Từ thực tế này, đại biểu Trần Quang Minh, (Đoàn Quảng Bình) và đại biểu Triệu Thị Huyền (Đoàn Yên Bái) đề nghị cần có chính sách thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn và giảm nghèo bền vững từ bảo vệ rừng tại miền núi phía Bắc (một trong nhưng nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước hiện nay):

Theo các đại biểu, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thực sự hiệu quả, còn nhiều vấn đề cần xem lại; đặc biệt là hiệu quả tạo việc làm ổn định sau quá trình đào tạo nên gây ra không ít lãng phí. Vì vậy, Chương trình phải có sự tính toán, rút kinh nghiệm sâu sắc để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Khu vực miền núi phía Bắc, thu nhập của người dân chủ yếu là từ nhận khoán, thu nhập bình quân của 1 hộ 4 người là 250-500 nghìn người/1 tháng, còn thấp. Kiến nghị Chính phủ rà soát điều chỉnh chính sách khoán, bảo vệ rừng cho phù hợp, bổ sung chính sách cho thuê dịch vụ môi trường rừng theo hướng thông thoáng hơn, giúp người dân dễ tiếp cận để phát triển kinh tế với tán rừng tự nhiên… qua đó để đồng bào có thể vươn lên thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ rừng.

Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết:  Công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, đã trải qua 6 lần điều chỉnh tiêu chí, từ tiêu chí lương thực đối với 1 quốc gia nghèo những năm 1993, đến áp dụng giá cả, thu nhập mức sống tối thiểu và giai đoạn hiện nay là áp dụng chuẩn nghèo đa chiều.

Việt Nam là 1 trong 30 quốc gia trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á áp dụng phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau. Giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu giảm nghèo bình quân từ 1-1,5%/năm, trong khi đó chuẩn nghèo đã nâng lên hơn 2 lần, tư duy giảm nghèo đang tiếp cận theo hướng Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, dẫn dắt, người dân hộ nghèo là chủ thể.

Giai đoạn 2021-2025 chúng ta đặt ra mục tiêu yêu cầu cao hơn là giảm nghèo đa chiều nhưng thực chất và bền vững. Giảm bình quân 1 đến 1,5% trong năm, trong khi đó chuẩn nghèo của chúng ta nâng lên từ 700 lên 1,5 triệu khu vực nông thôn, 900 lên 2 triệu khu vực thành thị dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đầu kỳ sẽ tăng rất cao.

Theo Bộ trưởng, giai đoạn này chúng ta phải lo vừa giảm về tỷ lệ nhưng phải quan tâm giảm nghèo thực chất, bền vững. Giảm nghèo bao trùm là xóa đói nghèo cho tất cả mọi người, mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều thiếu hụt.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo các chương trình đề xuất ban hành các tiêu chí xác định cụ thể đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ đầu tư, hạn chế cao nhất sự trùng lặp, giao thoa, đề xuất các cơ chế lồng ghép, tích hợp nguồn lực mang lại hiệu quả cao nhất trong đầu tư.

Theo Tờ trình của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình là 75 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương: 48 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương: hơn 12 nghìn tỷ đồng, huy động các nguồn hợp pháp khác là hơn 14 nghìn tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.