Giải quyết dứt điểm bất cập

GD&TĐ - Câu chuyện về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) với viên chức nói chung, giáo viên nói riêng vẫn được dư luận quan tâm đặc biệt.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sau nhiều nỗ lực, Bộ GD&ĐT đã hiện thực hóa được mong mỏi của đội ngũ nhà giáo về việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn CDNN và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN và mong tiếp tục giảm bớt để tập trung tốt hơn cho chuyên môn.

Việc vì sao giữ hạng, thăng hạng với viên chức nói chung, giáo viên nói riêng phải cần đến chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN đã được làm rõ. Luật Viên chức quy định: Tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá viên chức được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn CDNN. Viên chức được bổ nhiệm CDNN nào phải có đủ tiêu chuẩn của CDNN đó. Viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN trước khi bổ nhiệm hạng. 

“Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN” dù không được nhắc tới cụ thể trong Luật Viên chức nhưng lại được làm rõ tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định này dành hẳn một điều cho “chứng chỉ bồi dưỡng”. Trong đó quy định, chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gồm: Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn CDNN viên chức; Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành. Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn CDNN viên chức là một trong những điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được đăng ký dự thi nâng ngạch, thăng hạng; xét bổ nhiệm vào ngạch, hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn CDNN cao hơn liền kề.

Yêu cầu nói trên  dành cho đội ngũ viên chức nói chung, trong đó có giáo viên.  Bộ GD&ĐT từng có đề xuất không quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN. Tuy nhiên, ý kiến này không thực hiện được do vướng các quy định tại Nghị định 101 và Luật Viên chức. 

Những hạn chế, bất cập của việc học, thi lấy chứng chỉ đã được nói đến không ít. Nhiều ý kiến cho rằng, nên có cách đánh giá, ghi nhận thực chất hơn với viên chức, thay bằng việc phải học để thi lấy chứng chỉ một cách hình thức, thiếu thiết thực. Với giáo viên hiện vẫn được bồi dưỡng 120 tiết/năm theo quy định về bồi dưỡng thường xuyên của Bộ GD&ĐT. Chương trình bồi dưỡng gồm 3 nội dung: Cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ năm học theo cấp học thực hiện trong toàn quốc; cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục theo từng thời kỳ của mỗi địa phương; phát triển năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành. Hoàn thành chương trình trên, giáo viên, cán bộ quản lý được cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo quy định. 

Nên chăng, thay bằng yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN, sẽ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên của các năm giữ hạng. Cách làm “2 trong 1” này giúp giáo viên giảm bớt nhiều thời gian, công sức mà vẫn bảo đảm yêu cầu về chuyên môn, phát triển nghề nghiệp.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo về các loại chứng chỉ đối với viên chức, trong đó nêu rõ chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm hạng CDNN viên chức; chứng chỉ nào là bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phân loại chứng chỉ bắt buộc, không bắt buộc. Bộ GD&ĐT báo cáo cụ thể về nội dung như trên với CDNN giáo viên; đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập về vấn đề này.

Có thể nói, chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ là cơ hội để Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ ngành xem xét, tham mưu Chính phủ sửa đổi các quy định liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý viên chức; đồng thời đáp ứng mong mỏi của hàng triệu nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.