(GD&TĐ) - Ngày 6-4, tại trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương (tỉnh Sóc Trăng) đã diễn ra hội thảo ““Nâng cao chất lượng dạy học với học sinh người dân tộc Khmer ở khu vực ĐBSCL”. Dự hội thảo có lãnh tỉnh Sóc Trăng; lãnh đạo sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT và Hiệu trưởng các trường phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Quang cảnh hội thảo |
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, khu vực ĐBSCL có 13 tỉnh, thành phố với dân số trên 17 triệu người., trong đó có khoảng 1,3 triệu người là người dân tộc Khmer, chiếm 8% dân số trong toàn vùng, tập trung nhiều ở các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ…
Trong những năm qua, công tác phát triển giáo dục trong đồng bào người dân tộc Khmer được Đảng, nhà nước quan tâm, thể hiện qua những chính sách ưu đãi cho con em đồng bào dân tộc trong miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp trong nhà trường; hỗ trợ học phí cho con em hộ nghèo theo quyết định của Chính phủ; đầu tư và phát triển hệ thống các trường phổ thông PTDTNT; thực hiện chính sách cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dự bị đại học; tổ chức dạy tiếng dân tộc trong trường phổ thông có đông học sinh dân tộc và đặc biệt là việc triển khai thực hiện Quyết định 20/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề khu vực ĐBSCL. Qua đó, các địa phương trong khu vực ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực đầu tư nguồn lực, tập trung chỉ đạo, quản lý và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Một ngôi trường mới ở Vĩnh Châu - Sóc Trăng |
Cụ thể, giáo dục Mầm non đã thực hiện theo chương trình đổi mới, mạng lưới trường lớp được củng cố và phát triển đến tất cả các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Giáo dục Tiểu học đã tạo được sự chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng; tỉ lệ học sinh người dân tộc Khmer huy động ra lớp đúng độ tuổi đạt trên 90%, có nơi đạt 100%. Số lượng học sinh dân tộc Khmer theo học ở các trường THCS và THPT tương đối ổn định.
Hệ thống trường PTDTNT cơ bản đã “phủ” kín các huyện có nhiều người dân tộc sinh sống. Năm 2010, toàn khu vực ĐBSCL có 26 trường PTDTNT, trong đó 9 trường cấp tỉnh, 17 trường huyện. Chính từ sự quan tâm đó, nên nguồn cán bộ, đội ngũ trí thức là người dân tộc ngày càng nhiều, phục vụ tốt cho sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước, đem lại niềm phấn khởi, tin tưởng của đồng bào người dân tộc Khmer đối với sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước, từng bước nâng cao dân trí, phát triển sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc của khu vực ĐBSCL.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Hội thảo cũng chỉ ra những mặt tồn tại cần khắc phục trong công tác giáo dục đào tạo vùng dân tộc ở khu vực ĐBSCL như: Đời sống của nhiều người dân còn khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, từ đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc học hành của học sinh, dẫn tới tình trạng mất cân đối giữa các cấp học, số lượng học sinh ở các cấp học càng lên cao càng giảm.
Công tác đầu tư hệ thống giáo dục Mầm non chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, dẫn đến sự phát triển không đồng đều giữa nông thôn và thành thị. Chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả giáo dục học sinh ở các trường PTDTNT còn thấp, chưa đồng đều. Qui mô đào tạo các trường PTDTNT có giới hạn, chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh học xong bậc THCS, chưa bảo đảm được tính liên thông về công tác đào tạo trong hệ thống trường PTDTNT.
Nhà ở của học sinh trường DTNT Sóc Trăng |
Trên cơ sở những đánh giá đó, hội nghị đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề có liên quan đến công tác quản lý, dạy học nâng cao chất lượng dạy học đối với học sinh người dân tộc Khmer để đưa ra những giải pháp hữu hiệu, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm thúc đẩy phong trào giáo dục dân tộc ở khu vực ĐBSCL.
Tại hội thảo lần này, có 18 tham luận của các đại biểu đến từ các địa phương, các trường PTDTNT trong khu vực. Đây là những ý kiến, những kinh nghiệm được đúc kết từ tình hình thực tiễn trong công tác quản lý cũng như trong dạy học đối với học sinh người dân tộc Khmer được các đại biểu đánh giá cao.
Bài,ảnh: Cao Xuân Lương