Đó là những thống kê về con số và liệt kê về quá trình đã đưa cả gia đình trẻ ấy đến bước đường cùng. Nhiều người bàng hoàng và đặt câu hỏi: Tại sao họ chọn đầu hàng số phận lại quyết định mang theo cả những đứa trẻ thơ ngây, vô tội.
Không tìm được ý nghĩa cuộc sống
Một gia đình 4 người ở xóm Minh Châu, xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh được phát hiện chết trong tư thế treo cổ sáng 20/10. Các nạn nhân gồm: Anh Nguyễn Tiến Thành (29 tuổi), chị Nguyễn Thị Huyền Thanh (24 tuổi, vợ anh Thành) và hai người con là Nguyễn Đăng Khoa (6 tuổi), Nguyễn Thị Huyền Trang (4 tuổi).
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Thành cùng vợ và hai người con là do túng quẫn, nợ nần.Tại hiện trường vụ việc, bước đầu phát hiện có hai bức thư của vợ chồng nạn nhân để lại với nội dung bí bách nợ nần trong cuộc sống nên tìm đến cái chết.
Trong bức thư tuyệt mệnh, anh Thành xin lỗi người thân, bà con làng xóm, các cơ quan đoàn thể địa phương và nói nguyên nhân tìm đến cái chết là trong vài năm trở lại đây cuộc sống gia đình thực sự vô nghĩa, bế tắc.
Bức thư tuyệt mệnh của anh Thành có đoạn: “Trước khi đưa ra quyết định này thì vợ chồng tôi đã đấu tranh suy nghĩ mất rất nhiều thời gian. Mong mọi người hiểu và cảm thông cho chúng tôi. Cuộc sống này chán lắm mọi người à, bao nhiêu áp lực buồn phiền bế tắc dường như không có lối thoát với chúng tôi”.
Nguyên nhân của hành động cực đoan thì đã được "người trong cuộc" lý giải phần nào. Tuy nhiên, việc hiện nay cứ bế tắc, chán nản những người trẻ lại nghĩ đến kết liễu cuộc đời rõ ràng có căn nguyên về mặt tâm lý.
Rơi vào nợ nần, bị đòi nợ hàng ngày là cái vòng luẩn quẩn mà cặp vợ chồng trẻ luôn tìm cách để thoát ra. Tại sao họ không tìm hướng làm ăn để lấy tiền trả nợ, tại sao họ không cầu viện đến sự giúp đỡ của đoàn thể, người thân,... mà lại tìm đến cái chết trong sự "thống nhất" khi tuổi đời còn rất trẻ?
Giải mã dưới góc độ tâm lý học
Sau sự vụ, rất nhiều câu hỏi Tại sao đã được đặt ra. Dưới góc độ nghiên cứu tâm lý, có thể gọi tên hành động này là hệ quả của việc thiếu kỹ năng sống và thiếu lý tưởng sống.
Theo phân tích của TS. Vũ Thu Hương, ở tuổi xấp xỉ 30, thông thường con người đã đạt đến độ chín của sự trưởng thành. Tuổi này, hầu hết chúng ta không còn có sự bồng bột tuổi trẻ, không còn có những sai lầm điên rồ để sau đó lại ôm ân hận. Mọi kết quả từ việc học hành, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm sống, kĩ năng sống đã biến thành công cụ để chúng ta hành xử, kiếm ăn và sinh hoạt. Tất cả được gọi là vốn sống.
Tuy nhiên, khi xuất hiện nhiều lỗi trong quá trình tích lũy kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm của chúng ta, vốn sống của chúng ta sẽ thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến việc liên tiếp gặp các thất bại đau đớn trong cuộc sống. Lỗi đó hầu hết sẽ nằm ở phần kĩ năng và đạo đức. Các kĩ năng có thể liệt kê ra ở đây gồm: Kĩ năng quản lý tiền bạc; Kĩ năng quản lý bản thân; Kĩ năng quản lý thời gian; Các kĩ năng nuôi, chăm sóc và giáo dục trẻ em…
Kĩ năng quản lý tiền bạc mà xảy ra lỗi trong quá trình tích lũy sẽ dẫn đến hậu quả là chúng ta không thể cân bằng được số tiền thu được sau lao động với các khoản chi cần thiết phải có trong cuộc sống.
Kĩ năng quản lý bản thân mà có lỗi thì sẽ dẫn đến việc chúng ta dễ lao vào những quyết định mà sau đó chúng ta phải nói câu ân hận. Kĩ năng này cũng vô cùng cần thiết để chúng ta có thể kiềm chế được chính mình trước mọi cám dỗ của cuộc đời. Từ đó mọi hành động sẽ nằm trong vòng kiểm soát của chính ý chí của mình và giữ cho chúng ta luôn được an toàn.
Kĩ năng quản lý thời gian sẽ giúp mọi việc trở nên hiệu quả hơn rất nhiều. Từ đó, chúng ta có thể tăng cường làm việc nếu cần tích lũy kinh tế cho mục tiêu nào đó.
Khi thiếu hụt và yếu kém các kỹ năng cơ bản, việc đòi hỏi có các kĩ năng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em sẽ trở nên xa xỉ.
TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh rằng, khi các kĩ năng sống bị yếu kém, người trưởng thành sẽ có xu hướng nhìn đời với con mắt tiêu cực, chán nản và nghĩ rằng mình thiếu may mắn. Trong khi đó, sự thật là sự may mắn chỉ đến khi chính chúng ta nỗ lực và biết trân trọng mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh sống của chính mình mà không so đo với người khác.
Từ những bài học đau lòng đã xảy ra, mỗi người Việt cần phải nhìn nhận lại quá trình rèn luyện, học tập của mình ở các môi trường, trong đó có cả môi trường giáo dục gia đình, xã hội và tự giáo dục. Có vẻ như chúng ta đã chưa thật sự quan tâm đúng mức đến những bài học kỹ năng cần thiết cho cuộc sống?.