Giả vờ tai nạn, đăng ảnh gây "bão" Facebook: Hệ lụy khôn lường từ trò "câu like"

Mới đây một thanh niên ở Gia Lai đã được công an "quan tâm" khi anh này giả vờ bị tai nạn giao thông, chụp ảnh đăng Facebook để "câu like". Không hiếm những bạn trẻ ngày nay nghĩ ra đủ trò để có được lượng like lớn.

Giả vờ tai nạn, đăng ảnh gây "bão" Facebook: Hệ lụy khôn lường từ trò "câu like"

Theo đó, một thanh niên thấy một chiếc taxi đỗ gần nhà, đã nằm vật xuống đường, tạo "hiện trường giả", nhờ người chụp ảnh rồi đưa lên Facebook, kiếm like.

Hồi tháng 3/2018, một chủ tài khoản tại Bến Tre bị phạt 10 triệu đồng vì tung tin giả lên Facebook là có một em nhỏ bị chặt đầu ở địa phương, gây hoang mang dư luận.

Mới đây, một thanh niên ở Quảng Ninh cũng bị cơ quan chức năng mời làm việc khi đăng tin thất thiệt về dịch tả lợn châu Phi. Trước đó, cộng đồng cũng hoang mang không kém do tin thất thiệt của một tài khoản đăng trên Facebook, cho là một phụ nữ ở TP.HCM tử vong khi sinh con thuận tự nhiên ở nhà…

Bịa ra tin tức, tạo dựng hình ảnh giả, đăng tin thất thiệt lên Facebook để “câu like” là trò chơi của nhiều bạn trẻ. Nhưng, like khủng cũng đồng nghĩa với hệ luỵ khủng không kém. Việc "câu like" kém hiểu biết này được bạn trẻ đánh giá, nhìn nhận như thế nào. Chúng tôi ghi nhận ý kiến của người trẻ.

“Like” có ăn được không?

“Tại sao mọi người lại nghĩ ra những trò đùa kém duyên như vậy? Like có ăn được không? Nếu chỉ đăng tin giả với lý do "cho vui", không ảnh hưởng người khác thì không nói, nhưng những tin như cháy nhà, chết người, ảnh hưởng tới người đang kinh doanh, buôn bán, số phận của người khác sao có thể mang ra đùa như vậy?”, Vũ Phương Anh, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nói.

Bạn Lưu Thái Quang Khải, sinh viên Trường RMIT, TP.HCM nói: “Đây chắc chắn là những hành động sai lệch, xuất phát từ tâm lý đám đông, mong được trở thành người đặc biệt trong mắt công chúng, tuy nhiên, nó không được văn minh.

Nếu nhìn lại các vụ "câu like" trên Facebook, đối tượng đa số là các thanh niên, vốn là độ tuổi thích khoe mẽ và xốc nổi, nền tảng tri thức giáo dục chưa cao. Theo tôi, pháp luật cần nghiêm trị với những cá nhân vi phạm”. 

Một thanh niên đưa video giết khỉ ăn óc lên Facebook gây phẫn nộ 

Nguyễn Đắc Hùng, sinh viên năm 4 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng với những người giả mạo thông tin, đăng các status để thu hút cộng đồng mạng đều vì mục đích nào đó nhưng chủ yếu vẫn là thu hút sự chú ý.

“Người bán hàng online thì muốn mọi người chú ý vào trang của mình. Người bình thường thì muốn mọi người "like" nhiều, "comment" nhiều trên Facebook. Có những người mới chơi thì thấy gì độc lạ, nếu không có thì tự tạo thông tin "độc" để đăng.

Các thông tin đó, nhiều người không hình dung được hết hệ quả, có thông tin máy bay rơi, có hình ảnh động vật quý hiếm bị sát hại… Lan tỏa những điều xấu trên cộng đồng khiến xã hội hoang mang. Cần phải phạt thật nặng những người vi phạm này”, Hùng trao đổi.

Trong khi đó, Ngô Bảo Lâm, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho hay khi họ cố tình đăng tin giả, tin sốc, thất thiệt trên Facebook để “câu like”, chỉ đơn giản là thèm khát sự để ý của người khác thôi.

“Tôi nghĩ thật sự trong tâm trí họ nhiều khi cũng không biết là mình cần sự quan tâm đó để làm gì. Điều tôi thấy buồn ở đây là họ thèm khát sự quan tâm nhưng lại không chứng minh được là mình xứng với cái sự quan tâm đó. Nghĩa là thay vì làm điều tốt, điều hay, đạt được nhiều thành tựu thì lại chọn cái cách quá nhanh gọn và thậm chí là cách xấu chỉ để tăng số lượng tương tác”, Lâm thẳng thắn.

Cần phải tìm hiểu quy định pháp luật, trang bị kiến thức cần thiết khi sử dụng mạng xã hội

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Công Quyền, TP.HCM cho biết Luật An ninh mạng đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng không gian mạng.

Trong đó, có các hành vi như: sử dụng không gian mạng để tuyên truyền chống nhà nước; xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; thông tin có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác…

“Hiện nay, tình trạng nhiều người sử dụng mạng xã hội để đăng tin, hình ảnh giật gân, sai sự thật nhằm để câu "view", "câu like" diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, nếu chỉ là hành vi đăng tải nhằm gây sự chú ý mà không gây thiệt hại cho xã hội, cho người khác thì rất khó để xử lý.

Tuy vậy, hành vi tung tin sai sự thật rõ ràng là vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm, việc tung tin sai sự thật dù cá nhân tung tin không có chủ ý nhưng có rất nhiều hệ lụy có thể xảy ra mà người tung tin không thể lường trước được. Nếu hành vi đó gây ra thiệt hại cho xã hội, cho người khác, tùy theo mức độ mà có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Nguyễn Hải Nam nói.

“Trên thực tế, cũng có nhiều vụ việc mà người sử dụng mạng xã hội đăng tin, hình ảnh là sự thật trên mạng nhằm câu "view", câu "like" ví dụ như trường hợp của người đàn ông đăng status làm thịt chim quý hiếm, trường hợp của anh em nhà Tam Mao…

Những trường hợp này, dù không phải là đưa tin sai sự thật nhưng chính những status này lại trở thành bằng chứng để buộc tội người đăng status nếu những hành vi đó vi phạm pháp luật. Như trường hợp của người đàn ông đăng ảnh làm thịt chim quý, anh em nhà Tam Mao… căn cứ vào những hình ảnh đó, nếu cơ quan chức năng có đủ cơ sở hoàn toàn có thể truy cứu chủ nhân status này về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo Điều 244 bộ luật Hình sự”, luật sư Nam trao đổi.

“Tóm lại, mạng xã hội rõ ràng đã trở thành một công cụ làm việc, ứng dụng giải trí, là nguồn thông tin quan trọng trong cuộc sống của con người. Nhiều người sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn đã đem lại nguồn thu nhập hợp pháp đáng kể.

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng chính là "con dao hai lưỡi" nếu người sử dụng mạng không biết sử dụng một cách tích cực và an toàn rất dễ dàng bị lãnh hậu quả mà người sử dụng mạng không thể lường trước được.

Do vậy, để sử dụng an toàn và hiệu quả, cần phải tìm hiểu quy định pháp luật, trang bị kiến thức cần thiết để biết chắt lọc thông tin. Khi đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng phải hết sức cẩn trọng để tránh những hậu quả pháp lý đáng tiếc”, Luật sư Nam nói.

Theo thanhnien.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ