Diễn đàn Sinh viên châu Á - GPAC 2019 diễn ra thường niên lần lượt tại các quốc gia Châu Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Israel và Việt Nam.
Trải qua 28 năm, hiện nay số lượng thành viên của diễn đàn chính thức đã lên tới 10 trường, bao gồm: Đại học Quốc Gia Seoul (Hàn Quốc), Đại học Thương mại Chiba (Nhật Bản), Đại học Waseda (Nhật Bản), Đại học Keio (Nhật Bản), Đại học Meio (Nhật bản), Đại học Quốc gia Chengchi (Đài Loan), Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam (Trung Quốc), Học viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý (Israel), Đại học Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) và Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (Việt Nam).
Phát biểu tại buổi khai mạc, PGS.TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho biết: “Tất cả những nước tham gia, đặc biệt là Việt Nam - nước đang phát triển, việc chia sẻ thông tin, các vấn đề Việt Nam đang phải đối mặt sẽ được đưa vào giải quyết bài toán trong GPAC. Và bài toán đấy không chỉ được giải quyết bởi các giáo sư đầu ngành, mà còn bởi sự nhiệt huyết của các sinh viên”.
PGS.TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc Gia Hà Nội phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh: Ngọc Trang. |
Đây là lần thứ 3 Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đăng cai tổ diễn đàn với sự tham gia của 7 trường đại học, bao gồm: Đại học Thương mại Chiba (Nhật Bản), Đại học Meio (Nhật Bản), Đại học Thủ đô Tokyo (Nhật Bản), trường Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), trường Đại học Quốc gia Chengchi (Đài Loan), Học viện Nghiên cứu Khoa học quản lý (Israel), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
Với chiến lược quốc tế hóa giáo dục, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã và đang đẩy mạnh các hoạt động trao đổi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu nhằm đưa Trường trở thành trung tâm tri thức của khu vực và toàn cầu.
Trong những năm gần đây, các sinh viên của Trường Đại học Kinh tế đã có cơ hội giao lưu cùng bạn bè và học giả quốc tế thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, chương trình liên kết, các hội thảo, hội nghị quốc tế.
Trường Đại học Kinh tế mong muốn, thông qua các hoạt động này để đổi mới phương pháp giảng dạy và tăng cường hợp tác quốc tế để bắt nhịp với xu thế và thách thức mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho các em sinh viên.
Đại diện các giảng viên của các trường ĐH tham dự chương trình. |
Theo đó, gần 200 sinh viên và giảng viên đã có mặt tại Hà Nội từ ngày 26/8 đến hết ngày 31/8.
Trong 5 ngày diễn ra sự kiện, các sinh viên và giảng viên sẽ cùng trao đổi về chủ đề “Digital Economies in Asia”, tập trung vào các nhánh chính bao gồm: Tài chính; kế toán và tiền tệ quốc tế; hội nhập kinh tế quốc tế và các vấn đề đa ngành; quản trị và kinh doanh quốc tế cùng một số vấn đề liên quan khác hứa hẹn sẽ mang đến những kiến thức vô cùng hữu ích cho mỗi sinh viên trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay.
Theo kế hoạch, Diễn đàn sinh viên Châu Á năm 2020 sẽ được tổ chức tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc).