Đừng để nhiễm bệnh “tự kỷ đại học”

GD&TĐ - Bước vào môi trường đại học với phương pháp dạy – học hoàn toàn mới, nhiều tân sinh viên dễ bị “sốc”, thậm chí mất phương hướng...

SV hào hứng tham gia giao lưu tại chương trình “Tỏa sáng ở trường ĐH”.
SV hào hứng tham gia giao lưu tại chương trình “Tỏa sáng ở trường ĐH”.

Là tác giả chủ biên sách “Tỏa sáng ở trường đại học”, đồng thời là diễn giả của nhiều talkshow cùng tên cho sinh viên, ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc (Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM) có những chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, giúp tân sinh viên phòng tránh nhiễm bệnh “tự kỷ đại học”.

Những triệu chứng dễ thấy

- Chị thấy các tân SV thường dễ mắc những lỗi cơ bản nào khiến ảnh hưởng đến việc học tập?

- Từ trường trung học chuyển qua bậc đại học, với hàng trăm điều khác biệt và nếu không kịp chuyển đổi nhận thức về tinh thần học tập, phương cách sống, sinh hoạt thì các bạn trẻ sẽ phải đối mặt với tình trạng tồi tệ trong khoảng thời gian đầu mang chiếc áo sinh viên: Sốc đại học. Vấn đề là không ít sinh viên bước vào cổng trường đại học với niềm cảm hứng tuyệt vời lại là những người có thể bị “sốc đại học”! Nhiều thứ đã không diễn ra như họ tưởng tượng, hoặc nhiều khi họ cảm thấy nhiều thứ ở trường đại học có vẻ chống lại những thành tích vang dội và niềm kiêu hãnh vào bản thân mà họ từng có trước đó… từ đó, họ cảm thấy bị bỏ rơi.

Triệu chứng thứ nhất, sinh viên không làm chủ được kế hoạch thời gian, dù thời khóa biểu của trường đại học rất tự do chứ không theo kiểu “ngày hai buổi đến trường” đều đặn như thời phổ thông. Thứ hai, sinh viên cảm thấy nhiều môn “chẳng biết học để làm gì” và “thật vô bổ”, do đó họ không biết mình phải học những gì để được xem là giỏi. Họ mất hứng thú học tập cũng vì thế. Sinh viên giấu nhẹm tất cả những thắc mắc mà lẽ ra họ nên hỏi giảng viên hay bạn bè. Họ trở thành người “tự kỷ” theo cách nói của giới trẻ hiện nay.

Và còn rất nhiều vấn đề nữa mà tân sinh viên thường mắc phải như không có kế hoạch học tập, làm việc, nước tới chân mới nhảy, không có mục tiêu học tập, làm việc cụ thể, bị động trong mọi vấn đề... 

ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc. Ảnh: NVCC
ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc. Ảnh: NVCC

Tránh rơi vào trạng thái căng thẳng

- Thời gian 4 năm học trôi rất nhanh, theo chị, các tân SV làm sao để sớm hòa nhập với môi trường ĐH?

- Nhiều sinh viên lo bài vở nhiều quá, không chắc là mình có đủ thời gian để học. Với vấn đề này, giải pháp giảm sốc là sinh viên cần sắp xếp thời gian thật rõ ràng, cụ thể và dĩ nhiên cần có tính kỉ luật để tuân theo. Cần chia nhỏ kế hoạch càng chi tiết càng tốt, thời gian chính xác và có bảng tự nhận xét công việc của chính mình mỗi ngày để cải tiến mọi thứ tốt hơn vào ngày hôm sau.

Bên cạnh đó, tất cả các trường đại học và cao đẳng hiện nay đều có Trung tâm Hỗ trợ sinh viên, bên cạnh đó còn có Hội Sinh viên và Đoàn Thanh niên, với nhiều hoạt động chia sẻ khó khăn và truyền kinh nghiệm học cho các bạn tân sinh viên. Hãy chủ động tìm đến họ.

Cũng có sinh viên hỏi bài vở nhiều có nên phải hy sinh bớt thời gian giải trí và dành cho gia đình, bạn bè, cũng như những mối quan tâm bên ngoài xã hội hay không. Theo tôi, các bạn khóa trước đều phải chấp nhận rút bớt thời gian riêng để dành nhiều thời gian hơn cho việc học. Việc gì cũng vậy, muốn có nhiều khả năng gặt hái thành công thì phải dám mạnh dạn đầu tư. Hãy nghĩ đến mục tiêu của mình khi vào đại học để đầu tư thời gian và tâm trí cho việc học. Bốn năm thôi, không dài không ngắn nhưng hãy toàn tâm toàn ý cho đoạn thanh xuân này.

Không ít tân sinh viên cảm thấy hụt hẫng bởi khi vào ĐH không còn ai đốc thúc kiểm tra việc học bài như ở phổ thông. Các bạn nên biết những SV khóa trên thường hay học nhóm với nhau trong suốt học kỳ để có thể kiểm tra bài vở lẫn nhau. Ngay cả khi ôn thi họ cũng học ôn cùng nhau. Lại còn chụp hình đưa lên Facebook nữa chứ, thật vui và không thấy áp lực gì. Các bạn trẻ hãy rủ các bạn thân trong lớp học nhóm và tự kiểm tra bài lẫn nhau thay vì chờ đợi thầy cô kiểm tra bạn.

Một băn khoăn khá phổ biến của tân sinh viên là không gian học tập. Muốn đọc và hiểu bài thì phải được yên tĩnh. Nên đọc ở nhà hay ở trường đây vì ở đâu cũng ồn? Cần biết thư viện là một địa chỉ học tập rất tuyệt vời. Ở đó yên tĩnh, quy định của trường mà, lại còn có thể mượn sách tham khảo nữa. Một số trường trang bị máy vi tính kết nối Internet để sinh viên tra cứu. Một số trường khác còn có phòng tự học, phòng học nhóm cho sinh viên nữa. Đa số các trường đều phủ sóng wifi để sinh viên có thể tìm kiếm tài liệu đọc thêm trên mạng mọi lúc mọi nơi, bằng laptop hay điện thoại di động của mình. Nếu không, cứ hỏi các anh chị khóa trước, có nhiều quán cà phê yên tĩnh để làm việc hoặc học nhóm. Nhưng điều quan trọng là bạn phải luyện cho mình khả năng tập trung đọc, đừng tò mò lắng nghe những âm thanh chung quanh.

- Ngoài việc ưu tiên cho học tập và học đúng phương pháp, chị có lời khuyên gì với các tân SV?

- Tôi xin nhấn mạnh, ở đại học, việc học là quan trọng nhất nhưng chưa đủ. Hãy dành thời gian cho các hoạt động đội nhóm, bạn bè, hãy tham gia các sân chơi cho sinh viên, dành thời gian cho sở thích cá nhân như đọc sách, nghe nhạc, xem phim… và hãy tập thể thao. Chạy bộ là hoạt động dễ nhất và cũng tốt cho sức khoẻ, tiết kiệm chi phí. Hãy ăn uống lành mạnh, tránh các chất kích thích không cần thiết như thuốc lá, bia rượu…

Tham gia các khoá học kỹ năng. Rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ, các kỹ năng phục vụ việc học và giúp bản thân trưởng thành. Hãy biến quãng thời gian thanh xuân này thật rực rỡ theo cách mình muốn nhất.

- Cảm ơn chị về cuộc trao đổi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ