Đồng dao ngọt ngào nuôi lớn tuổi thơ tôi…

Tôi yêu dòng sông quê nhuộm màu xanh cây trái và hát câu hát đồng dao nghêu ngao trên ruộng đồng mênh mông một màu xanh ngan ngát.

Ảnh minh họa, nguồn: Từ Internet
Ảnh minh họa, nguồn: Từ Internet
Tôi mãi nhớ những ngày thơ ấu ở miền quê Vũng Liêm, Vĩnh Long - nơi tôi lớn lên với ruộng đồng cùng con rạch nhỏ và quen mùi nắng khét lẹt của trưa hè nóng nắng. Bọn trẻ chân đất, lưng trần, dắt tay nhau qua cây cầu khỉ, hay ngồi lưng trâu, lội ruộng bắt cua, cùng chơi trò cô dâu chú rể, hái bông lục bình làm quà cưới cô dâu.
Thuở còn thơ, qua đôi mắt bọn trẻ chúng tôi những sản vật của thiên nhiên trở thành những “chị lúa”, “chị bắp”, “cô đậu”, “anh dưa chuột”, thế giới thực vật trở nên sinh động, có hồn. Bài ca “Họ nhà quả” có 70 câu ngắn nhưng đã giới thiệu hàng chục cây trái lạ: Đông con nhiều cháu – vốn là trái sung/ Nhỏ mà cay hung – là trái ớt hiểm… Trẻ con vốn mê các loài động vật, từ lúc bập bẹ nói những tiếng đầu tiên, đã bắt chước tiếng gà gáy, tiếng vịt kêu… Rồi lớn lên lạc vào thế giới đồng dao với vườn bách thú là chim chóc, muông thú, trẻ thuộc làu những câu đồng dao: Hay la hay hét – là con bồ cao/ Hay bổ hay nhào – là con bói cá…
Sống ở vùng nông thôn, hòa mình với thiên nhiên, nơi ban ngày chan hòa ánh nắng, ban đêm thì trăng, sao thân thiết, ngộ nghĩnh như người bạn nhỏ cùng bầu bạn lúc buồn vui: Ông sảo, ông sao/ Ông vào cửa sổ/ Ông ở với tôi/ Ông ngồi xuống chiếu/Tôi biếu củ khoai/Ông nhai tóp tép…
Đồng dao giúp tuổi thơ tôi làm quen với những công cụ sản xuất một cách hiệu quả nhất: Cái kéo thợ may/Cái cày làm ruộng/cái thuổng đắp bờ/ Cái lờ thả cá/ Cái ná bắn chim/Cái kim may áo… Người lớn dạy những bài Rồng rắn lên mây, Thả đỉa ba ba, Con cua tám cẳng hai càng hay những trò chơi Chuyền thẻ, Ô ăn quan giúp trẻ con vừa chơi vừa học, vừa tập đếm, vừa thực hiện các phép tính cộng trừ, nhân, chia một cách sinh động. Các em đếm từ 1 đến 10 một cách có hình ảnh: que mốt, que mai, con trai, con hến, con nhện chăng tơ, quả mơ, quả mít, chuột chít, lên bàn đôi… Thật hay, thật sinh động giúp các em hiểu ngay, nhớ lâu.
Đồng dao còn là lời răn dạy trẻ lòng biết ơn đối với người đã tạo nên thành quả cho mình hưởng thụ bằng những lời ca chân chất, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ: Ăn một bát cơm/ Nhớ người cày ruộng/ Ăn đĩa rau muống/ Nhớ người đào ao/ Ăn một quả đào/ Nhớ người vun gốc/ Ăn một con ốc/ Nhớ người đi mò…
Đồng dao ngọt ngào nuôi lớn tuổi thơ tôi… ảnh 1
Ảnh minh họa, nguồn: Từ Internet
Một buổi chiều gió thổi hiu hiu, chợt vẳng nghe lời ru man mác: Cái ngủ mày ngủ cho lâu/ Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về/ Bắt được con diếc, con trê/ Cầm cổ lôi về cho cái ngủ ăn… mà nhớ hoài nhớ mãi thuở nằm nôi được bà, được mẹ ru bằng những câu hát mượt mà, ngọt ngào, sâu lắng, thấm đẫm tình quê.
Thời gian cứ mãi trôi, cái thời bé bỏng với những câu đồng dao ngọt lịm như dòng sữa mẹ đã chỉ còn trong trí nhớ. Nhưng cho dù đã mãi xa và không bao giờ quay trở lại nhưng tôi vẫn yêu cái thời bé bỏng với một miền ký ức chứa đầy những tháng ngày đẹp tuyệt.
Theo Dân Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...